Huyện miền núi Sông Hinh đang hình thành vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Có được kết quả đó là nhờ quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng dựa trên tiềm năng đất đai, lợi thế thổ nhưỡng của địa phương.
Cà phê là loại cây trồng có hiệu quả được nhân dân huyện Sông Hinh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích - Ảnh: N.TRƯỜNG
THẾ MẠNH CÂY CÔNG NGHIỆP DÀI NGÀY
Khi thành lập huyện cách đây 25 năm, Sông Hinh được xác định là vùng đất phát triển cây công nghiệp dài ngày của tỉnh. Lúc đó, trên địa bàn huyện có 2 nông trường cà phê nằm ở xã Ea Bar (phía tây huyện) và xã Sông Hinh (phía nam huyện) làm nòng cốt để phát triển cây cà phê ở huyện miền núi này. Tuy nhiên, giống cà phê vối được trồng ở các nông trường vào thời kỳ ra hoa thường gặp mưa dẫn đến đậu quả không nhiều, năng suất thấp, kém hiệu quả nên không được người dân chú ý phát triển. Khi Nông trường Cà phê Ea Bá chuyển sang trồng loại cà phê chè thì hiệu quả cây cà phê mới được khẳng định.
Cùng với cây cà phê, cao su cũng là đối tượng chuyển đổi cây trồng được huyện chú trọng phát triển trên vùng đất bazan. Được dự án Đa dạng hóa nông nghiệp hỗ trợ, từ năm 2001 đến 2006, Sông Hinh đã trồng được 1.860ha tiểu điền tại các xã Ea Ly, Ea Bar và Ea Trol, trong đó có hơn 400ha cao su đang vào thời kỳ kinh doanh. Tuy cây cao su trồng theo dự án thời kỳ đầu chưa được bà con đầu tư thâm canh, chăm sóc đúng mức nhưng đã cho năng suất bình quân khoảng 1,5 tấn mủ/ha và chất lượng mủ cao su khá tốt do tỉ lệ nước thấp. Vợ chồng anh Triệu Văn Lá, dân tộc Tày, từ Lạng Sơn di cư đến xã Ea Ly lập nghiệp từ năm 1992, hiện là chủ nhân của 16ha đất canh tác, trong đó 10ha cao su. Chị Triệu Thị Miền, vợ anh Lá giải bày: Nhờ có dự án Đa dạng hóa nông nghiệp mà gia đình trồng được 2ha, sau đó tự mua giống và trồng thêm 8ha nữa. 2ha trồng năm đầu đã cho thu hoạch, mỗi ngày thu được 2 triệu đồng.
Theo quy hoạch phát triển cây cao su được UBND tỉnh phê duyệt, Sông Hinh có 6.000ha. Lợi thế phát triển cây cao su của huyện miền núi này càng khẳng định khi có nhiều dự án trồng cao su đã triển khai thực hiện. Từ năm 2008, Công ty Cà phê Ea Bá đứng chân trên địa bàn xã Ea Bar đã trồng tập trung được 400ha cao su. Năm 2009, Công ty cổ phần VRG Phú Yên (thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam) triển khai trồng 2.800ha cao su tập trung tại 2 xã Ea Ly và Ea Lâm; Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam trồng thực nghiệm 500ha, đồng thời đang lập dự án xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su tại Ea Bar.
Mới đây, Sông Hinh còn đưa vào trồng thực nghiệm cây ca cao trên diện tích 30ha nhằm cải tạo vườn tạp quanh nhà. Qua thực tế cho thấy, loại cây này tỏ ra khá thích hợp với thổ nhưỡng nơi đây, phát triển rất nhanh, những diện tích trồng từ năm 2008 đã ra hoa kết trái. Ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Với giá ca cao hiện nay hơn 50.000 đồng/kg thì một hecta có thể cho thu nhập trên 100 triệu đồng, nên rất được người dân quan tâm. Đây là loại cây ưa bóng mát, có lợi thế khi đưa vào cải tạo vườn tạp hoặc trồng dưới tán rừng. Do vậy, huyện đang phối hợp với Công ty Ca cao Cargill Việt
ỔN ĐỊNH CÂY CÔNG NGHIỆP NGẮN NGÀY
Trong các loại cây công nghiệp ngắn ngày đang được huyện Sông Hinh quan tâm tạo điều kiện phát triển là cây mía, cây sắn vì có các nhà máy chế biến tại địa phương tạo “đầu ra” nông sản ổn định. Hiện tại, cây mía đang được nhân rộng ở hầu hết 11 xã, thị trấn trong huyện với diện tích trên 2.600ha, tăng gần 650ha so với các năm trước. Ông Nguyễn Hoàng Kha, cán bộ nông vụ của Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa cho biết: “Chỉ riêng trong năm nay, toàn xã Ea Ly đã trồng mới hơn 300ha, đưa diện tích mía lên 816ha. Nhiều hộ đã làm giàu từ cây mía như ông Cao Má ở thôn Tân Yên trồng 13ha, vụ vừa qua bán cho Nhà máy Đường Tuy Hòa gần 1.000 tấn mía cây thu được 650 triệu đồng.
Trong khi đó, sắn là cây trồng quen thuộc đối với người dân miền núi, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng nếu trước đây, sắn dùng làm lương thực cho người và chăn nuôi thì nay là cây nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, được thay thế bằng các giống cao sản như KM-94 cho năng suất 20 tấn/ha, gấp 2 - 3 lần so với sắn truyền thống địa phương.
Đến nay, Sông Hinh đã định hình được hướng phát triển từng loại cây công nghiệp phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng, từng chân đất. Tuy nhiên, với đặc điểm của một huyện miền núi có 48% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nên nguồn lực trong dân rất hạn chế. Trong khi đó, đầu tư cho cây công nghiệp dài ngày đòi hỏi vốn lớn nên việc phát triển nhanh còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nhân tố có tính quyết định để khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng phát triển của huyện là lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đem lại. Do vậy, khi đưa loại cây trồng mới vào trồng cần có sự hỗ trợ nông dân thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật thâm canh, bảo đảm cây trồng có năng suất cao và đặc biệt phải ổn định “đầu ra” cho nông dân. Công việc trên chỉ có thể thực hiện có hiệu quả khi có sự liên kết của “4 nhà” theo tinh thần Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ.
NGUYÊN TRƯỜNG