Dịch bệnh heo tai xanh bùng phát ở một số địa phương không chỉ khiến người chăn nuôi điêu đứng, mà cả người buôn bán các sản phẩm từ heo cũng lâm vào cảnh... chợ chiều.
Chuồng heo nhà bà The bây giờ chỉ biết bỏ trống - Ảnh: T.HƯƠNG
Trước khi bệnh heo tai xanh diễn ra, gia đình ông Võ Đình Sang là hộ nuôi heo nhiều nhất ở thôn Giai Sơn, xã An Mỹ (huyện Tuy An) với trên 250 con, trong đó có hơn 10 con nái và cả trăm heo thịt sắp xuất chuồng. Ông Sang buồn bã nói: “Gia đình tôi dồn hết số vốn vay 300 triệu đồng để đầu tư nuôi heo. Đàn heo đang chuẩn bị xuất chuồng thì bị bệnh, chết dần. Cơ quan thú y kết luận bệnh tai xanh nên phải tiêu hủy, vậy là vốn liếng đổ cả xuống hố chôn heo”. Vợ ông Sang, bà Đào Thị Thành nghẹn ngào khi cầm giấy báo đến hạn trả lãi ngân hàng, nói: “Bây giờ đàn heo chết sạch, gia đình tôi không biết lấy tiền đâu để trả lãi ngân hàng mỗi năm hơn 50 triệu đồng. Không biết ngân hàng cho khoanh nợ hay không?”.
Bà Nguyễn Thị The ở phường 9 (TP Tuy Hòa), than thở: “Nhà có hai mẹ con, thu nhập chính nhờ vào chăn nuôi heo. Dồn vốn liếng nuôi gần 50 con heo, vậy mà mấy ngày qua lần lượt ngã bệnh và chết. Xét nghiệm không phải bệnh tai xanh nên gia đình cũng không được hỗ trợ gì cả. Nợ nần chồng chất”. Bà Trần Thị Xuân, 70 tuổi ở thôn 4 xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) sống một mình và làm nghề bán nón lá trang trải qua ngày. Của để dành khi trái gió trở trời là 1 con heo nái và 3 con heo thịt, bây giờ heo ngã bệnh. Bà Xuân kể: “Tôi gọi người đến mua, nhưng họ trả con heo nái chỉ… 30.000 đồng, 3 con heo thịt bán được 300.000 đồng. Vậy là trắng tay!”.
Dịch heo tai xanh không chỉ gây khốn đốn người nuôi mà những người làm nghề giết mổ heo, bán thức ăn cho heo… cũng đang lao đao. Bà Lê Thị Ngọc Kim, chủ đại lý thức ăn gia súc ở thôn Phước Lâm, xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa) nói: “Từ khi heo tai xanh bùng phát, người chăn nuôi vội vàng bán đổ bán tháo heo nên việc bán thức ăn cho heo cũng đang tình cảnh ế ẩm. Hiện mỗi ngày chỉ bán được 3 bao cám, giảm khoảng 10 bao so với trước kia. Đa số bà con mua nợ nên khi heo bệnh không có tiền trả”.
3g sáng, chúng tôi có mặt tại một lò mổ gia súc ở TP Tuy Hòa. Công việc tại đây không còn nhộn nhịp như trước, vì lượng heo đưa vào giết mổ giảm mạnh. Chị Bùi Thị Hương, ở phường 8 cho biết: “Trước đây, mỗi ngày tôi mổ 4 con heo để bán thịt, còn nay mỗi ngày chỉ mổ một con mà bán không hết”. Còn ông Nguyễn Huỳnh, thợ mổ heo tại đây cho biết: “Khi chưa xảy ra dịch bệnh heo tai xanh thì mỗi ngày chúng tôi mổ gần 100 con heo, nhưng nay mỗi ngày chỉ mổ được hơn 10 con”.
Không chỉ những người làm nghề mổ heo, bán thịt heo điêu đứng mà những người bán cháo lòng, bún giò… cũng phải đóng cửa hoặc chuyển sang kinh doanh các mặt hàng khác. Quán bún giò của chị Nương trên đường Trần Hưng Đạo (TP Tuy Hòa), gần một tháng nay phải chuyển sang bán bún bò vì nhiều người ngại ăn thịt heo. Chị Nương nói: “Nếu bám mãi nghề bún giò thì chắc đổ nợ theo con heo luôn”.
TUYẾT HƯƠNG