Thứ Ba, 01/10/2024 18:39 CH
Thông tin tiếp theo về việc phát hiện heo tai xanh ở huyện Tuy An:
Có hay không sự thiếu trách nhiệm của cán bộ thú y?
Thứ Bảy, 25/09/2010 07:30 SA

* Tiêu hủy 65 con trong đàn heo mắc bệnh tai xanh

* Ngành Thú y đã làm hết trách nhiệm?

* Nhiều đàn heo ở thôn Giai Sơn chết hàng loạt.

 

Sáng 24/9, ngành Thú y Phú Yên phối hợp cùng với các cơ quan chức năng huyện Tuy An tiến hành tiêu hủy đàn heo 65 con của hộ ông Võ Đình Sang ở thôn Giai Sơn (xã An Mỹ, huyện Tuy An) bị mắc bệnh heo tai xanh. Việc tiêu hủy này tiến hành nghiêm túc và đúng quy trình, tuy nhiên nhiều hộ chăn nuôi heo ở đây còn có nhiều ý kiến bất bình…

 

heo-tai-xanh100925.jpg

Xử lý và chuyển heo tai xanh của hộ ông Võ Đình Sang ở thôn Giai Sơn, xã An Mỹ (huyện Tuy An) đi tiêu hủy - Ảnh: A.NGỌC

 

NGÀNH THÚ Y ĐÃ LÀM ĐÚNG?

 

Ông Võ Đình Sang ở thôn Giai Sơn (xã An Mỹ, huyện Tuy An) cho biết: “Trước đây đàn heo nhà tôi nuôi với số lượng lớn. Sau khi heo bị bệnh, đến ngày 7/9 tôi đã báo cáo đến cơ quan thú y để hỗ trợ về kỹ thuật và xem là bệnh gì. Lúc đó đàn heo nhà tôi còn lại 124 con (16 heo nái, 23 heo con, 85 heo thịt), tôi đã đề nghị cơ quan thú y đưa mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm heo tai xanh. Chờ mãi không thấy cán bộ thú y đưa đi xét nghiệm, tôi đã điện thoại đến Cục Thú y thuộc Bộ NN-PTNT để báo cáo việc này. Đến ngày 20/9, vì quá bức xúc nên tôi lén mang một con heo bệnh vào Phân viện Thú y miền Trung (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) để xét nghiệm bệnh heo tai xanh. Cơ quan này giải thích, nếu tôi mang heo bệnh đi xét nghiệm mà không có cơ quan chức năng xác nhận là không đúng. Tuy nhiên, phân viện vẫn xét nghiệm và cho tôi biết, nếu có kết quả các loại bệnh thông thường thì sẽ báo kết quả về gia đình, còn bị virus heo tai xanh thì sẽ báo về chi cục thú y địa phương, lệ phí cho xét nghiệm là 610.000 đồng. Đến ngày 21/9, cơ quan thú y đến lấy mẫu bệnh phẩm và bảo đưa đi xét nghiệm bệnh heo tai xanh…”.

 

Ông Tống Văn Đường, Trưởng trạm Thú y huyện Tuy An, cho biết: “Tôi không nhớ rõ, nhưng khoảng ngày 13/9, người của Cục Thú y thuộc Bộ NN-PTNT có gọi điện thoại chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh kiểm tra việc này, nhưng các triệu chứng bệnh tích điển hình sau khi mổ khám heo nhà ông Võ Đình Sang của cơ quan thú y tỉnh và huyện không có biểu hiện của bệnh tai xanh, nên lãnh đạo chi cục chỉ đạo tiếp tục theo dõi”.

 

Báo cáo số 104 ngày 9/9 của Trạm Thú y huyện Tuy An nêu rõ: Sáng 7/9, Trạm Thú y huyện nhận được thông báo đàn heo của ông Võ Đình Sang ở thôn Giai Sơn bị bệnh. Chiều ngày 7 và sáng ngày 8/9, Trạm Thú y huyện kết hợp với Phòng Kỹ thuật Chi cục Thú y tỉnh mổ khám 3 con heo bệnh (1 con đã chết). Kết quả mổ khám xác định heo bị bệnh tả. Cơ quan thú y đã hướng dẫn cho gia đình một số biện pháp: Cho mượn một máy phun động cơ để phun tiêu độc; cấp thuốc tiêu độc, sát trùng và hướng dẫn phun với mức 2 lần/ngày; yêu cầu gia đình không bán chạy heo, heo chết phải đào hố chôn; cử 2 cán bộ kỹ thuật ngành Thú y của tỉnh và huyện cùng một cán bộ thú y xã theo dõi, hướng dẫn các biện pháp phòng và trị bệnh; động viên gia đình đưa vắc xin dịch tả heo liều cao vào toàn đàn kết hợp với các loại thuốc trợ sức, hạ nhiệt nâng cao sức đề kháng…

 

Theo phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 65 ngày 22/9 của Phân viện Thú y miền Trung, cả 6 mẫu bệnh phẩm heo (loại mẫu: huyết thanh) của hộ ông Võ Đình Sang đều dương tính với virus PRRS (virus heo tai xanh). Ông Nguyễn Minh Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Phú Yên, giải thích: “Đàn heo của ông Võ Đình Sang không có lịch tiêm phòng dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn nên khi ngành Thú y kiểm tra, lập tức bao vây, phun thuốc sát trùng khử độc và xác định ban đầu là dịch tả. Hai lần mổ khám heo nhà ông Sang đều có triệu chứng bệnh dịch tả. Ngành Thú y cùng gia đình dùng vắc xin dịch tả tiêm cho đàn heo, tiếp tục theo dõi 12 ngày nhưng đàn heo tiếp tục chết và nhiễm bệnh. Lúc này, cơ quan thú y mới lấy mẫu bệnh phẩm của đàn heo ông Sang gửi đi xét nghiệm với kết quả có virus heo tai xanh. Do đó, chúng tôi tiến hành tiêu hủy theo quy định”. Ông Nguyễn Minh Hòa cho biết thêm: “Chúng tôi không biết ông Sang lấy mẫu đi xét nghiệm. Vì tại thời điểm chủ hộ chăn nuôi báo, chỉ có một ổ dịch, có biểu hiện của dịch tả nên không cần thiết bệnh phẩm xét nghiệm virus tai xanh mà phải theo dõi đàn heo bệnh trong vòng 12 ngày. Việc xử lý ổ dịch heo tai xanh tại nhà ông Sang là đúng quy định. Còn nguyên nhân gây ra bệnh heo tai xanh do đàn heo nhiễm bệnh dịch tả nên phát bệnh tai xanh hoặc do nguồn thức ăn…”.

 

Theo chúng tôi, việc ngành Thú y cử 3 cán bộ kỹ thuật theo dõi đàn heo mắc bệnh của ông Võ Đình Sang là việc làm tích cực, nhưng vì sao từ ngày 7-20/9, một khoảng thời gian quá dài mới lấy mẫu bệnh phẩm đem đi xét nghiệm? Phải chăng có sự chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm của cán bộ thú y? Nếu ông Sang không chủ động mang heo đi xét nghiệm, thì liệu dịch heo tai xanh có sớm được phát hiện? Dư luận mong muốn UBND tỉnh sớm làm rõ trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan trong việc phòng, chống dịch heo tai xanh tại huyện Tuy An.

 

heo-tai-xanh-100925.jpg

Tiêu hủy heo tai xanh của gia đình ông Võ Đình Sang - Ảnh: N.XUÂN

 

NHIỀU ĐÀN HEO CHẾT HÀNG LOẠT

 

Không chỉ heo gia đình ông Võ Đình Sang ở thôn Giai Sơn bị chết hàng loạt do mắc bệnh tai xanh, mà heo nuôi ở hàng chục hộ khác trong địa phương này chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân. Bà Nguyễn Thị Thưởng ở thôn Giai Sơn cho biết: “Cách đây vài hôm, 11 con heo nhà tôi đang trong thời kỳ tăng trọng bỗng xuất hiện nhiều chấm đỏ trên tai và thân, tiếp đó là nóng sốt và liệt hai chân sau. Thấy hiện tượng lạ, tôi gọi thú y viên đến tiêm thuốc, nhưng kết cục vẫn không cứu được con nào”. Tương tự, đàn heo 25 con 2-4 tháng tuổi của gia đình ông Nguyễn Văn Với ở cùng thôn Giai Sơn cũng có triệu chứng tương tự và chết sạch chỉ sau vài ngày. Ông Với cho hay: “Cách đây chừng hai tháng, tai heo có nhiều chấm đỏ, heo bị tiêu chảy và lên cơn co giật, rồi chết dần chết mòn, giờ không còn con nào”.

 

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong vòng hai tháng trở lại đây, trên địa bàn thôn Giai Sơn, xã An Mỹ có hơn 10 hộ nuôi heo, số lượng từ 10-20 con có triệu chứng như trên rồi chết đồng loạt, như hộ các ông Kiều Xuân Châu, Nguyễn Long Phi, Nguyễn Văn Bảy… Hầu hết xác heo chết chưa qua tiêu hủy và các hộ này cung cấp là đã vứt tự do ra môi trường với số lượng vài chục con. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, phần lớn các hộ gia đình có heo chết hàng loạt không được hướng dẫn cách phát hiện và phòng chống, lây lan dịch, nên mới xảy ra tình trạng trên.

 

Hiện nay, heo từ các tỉnh nằm trong vùng dịch vận chuyển ngang qua và vào địa bàn Phú Yên có số lượng khá lớn, nhất là từ Bình Định và các tỉnh phía Nam. Ông Nguyễn Văn Tùng, cán bộ thú y tại Chốt kiểm dịch động vật cầu Bình Phú (TX Sông Cầu), cho biết: “Tính từ ngày 20 đến trưa ngày 24/9, có 100 xe vận chuyển gần 11.500 con heo quá cảnh qua địa bàn Phú Yên và 31 xe vận chuyển gần 750 con heo vào địa bàn tỉnh. Phần lớn heo vận chuyển vào địa bàn có nguồn gốc từ Bình Định, heo quá cảnh qua địa bàn có nguồn gốc từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Vũng Tàu… nhưng chủ yếu là từ tỉnh Đồng Nai.

 

A.NGỌC-P.NAM-T.HƯƠNG-N.XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek