Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên vừa kết thúc điều tra vụ án sai phạm tại công trình hệ thống chống ngập lụt TP Tuy Hòa (còn gọi là kè Bạch Đằng), chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên đề nghị truy tố 13 bị can với 6 tội danh tham ô tài sản, thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, đưa hối lộ và nhận hối lộ.
Công an Phú Yên nhận định đây là vụ án hết sức phức tạp, có nhiều đối tượng tham gia, từ phía chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát thi công cho đến nhà thầu xây dựng đều có người phạm tội. Thời gian phạm tội diễn ra nhiều năm ở hầu hết các khâu đấu thầu, thẩm định thầu, thi công, giám sát. Đây cũng là vụ án gây bức xúc trong dư luận thời gian qua ở Phú Yên.
Cán bộ điều tra kiểm tra hiện trường một đoạn kè Bạch Đằng bị sập do bị “rút ruột” – Ảnh: MINH ĐỨC
ĐẤU THẦU “CHÂN GỖ”
Năm 1999, UBND tỉnh Phú Yên quyết định đầu tư xây dựng kè Bạch Đằng chống ngập lụt cho thị xã Tuy Hòa (nay là TP Tuy Hòa) và giao cho Ban quản lý dự án thủy lợi (BQLDATL) thuộc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phú Yên làm chủ đầu tư. Lúc đó, với cương vị là Phó giám đốc Sở NN&PTNT kiêm trưởng BQLDATL, ông Lê Mao đã tổ chức khảo sát lập dự án với dự toán trên 50 tỷ đồng.
Đầu năm 2002, biết tỉnh Phú Yên đầu tư dự án này, Trần Yên Khánh, Trần Quốc Hoàn và Nguyễn Thanh Bình (cả ba ở Hà Nội, đều là những đối tượng chuyên chạy dự án) đã vào Phú Yên móc ngoặc với ông Lê Mao. Khánh, Hoàn nhận ba bộ hồ sơ năng lực của Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng, Tổng công ty cơ khí xây dựng và Tổng công ty xây dựng Hà Nội để dàn dựng việc “chạy” thầu. Khánh, Hoàn đặt vấn đề với ông Lê Mao giành quyền thi công gói thầu số 4 dự án kè Bạch Đằng. Để đảm bảo trúng thầu như thỏa thuận, ông Lê Mao đã cung cấp bản dự toán kinh phí của gói thầu này cho Khánh để đưa cho Trần Đình Hải, Giám đốc Công ty cơ khí xây dựng lắp máy điện nước (trực thuộc Tổng công ty cơ khí xây dựng) lập hồ sơ dự thầu sát với dự toán. Trong hồ sơ dự thầu của Tổng công ty cơ khí xây dựng lập sai hạng mục đá hộc từ 21.125m3 xuống còn 211,25m3, chênh lệch với hồ sơ mời thầu hơn 1,7 tỷ đồng. Lúc đó Nguyễn Hữu Thuận- cán bộ kỹ thuật BQLDATL, thành viên tổ chấm thầu- phát hiện điều này và báo cho ông Lê Mao. Tuy nhiên, ông Lê Mao vẫn phớt lờ và làm văn bản đề nghị Sở Kế hoạch- Đầu tư (KH&ĐT) thẩm định cho đơn vị này trúng thầu gói thầu số 4 với giá dự thầu 20,7 tỷ đồng.
Sau khi tạo được thân quen với ông Lê Mao, Trần Yên Khánh giới thiệu Lê Thanh Sơn, Phó giám đốc Xí nghiệp xây lắp số 3 (thuộc Công ty cơ khí xây dựng- lắp máy điện nước) và được ông Lê Mao cho số điện thoại của Bình để Khánh, Sơn liên hệ.
Trong khi đó, Nguyễn Thanh Bình nhận hai hồ sơ của Tổng công ty xây dựng số 1 và Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng. Có hồ sơ trong tay, Bình vào Phú Yên gặp ông Lê Mao và được ông Lê Mao hứa sẽ bố trí Tổng công ty xây dựng số 1 trúng gói thầu số 5. Trước khi nộp hồ sơ dự thầu, Khánh, Sơn, Bình liên hệ qua điện thoại hẹn gặp nhau tại khách sạn Hương Sen để trao nhau xem hồ sơ “quân xanh” nhằm thông đồng loại bỏ các hồ sơ khác, chỉ để lại một hồ sơ đã được chủ đầu tư sắp xếp đảm bảo trúng thầu.
Để có tiền “chạy” thầu, Khánh đã nhận hơn 1,3 tỷ đồng của Trần Đình Hải và Lê Thanh Sơn. Sau đó, Khánh đã “lót” tay cho ông Lê Mao 30 triệu đồng và ông Lương Ngọc Ái- Giám đốc Sở KH&ĐT Phú Yên bấy giờ- 100 triệu đồng. Những khoản tiền hối lộ trên được Sơn ghi vào sổ và có xác nhận của Khánh.
BỐN BÊN THÔNG ĐỒNG “RÚT RUỘT”
Kịch bản đấu thầu “chân gỗ” đã trót lọt, đúng như “kịch bản”, hai đơn vị trúng thầu gói thầu số 4 và số 5 là Tổng công ty cơ khí xây dựng và Tổng công ty xây dựng số 1. Trước khi khởi công công trình, ngày 5/4/2002, ông Lê Mao ký hợp đồng giao thầu giám sát thi công cho Công ty tư vấn- chuyển giao công nghệ thuộc Trường Đại học thủy Hà Nội. BQLDATL cử Nguyễn Hữu Thuận, cán bộ kỹ thuật trực tiếp theo dõi giám sát thi công.
Trong quá trình thi công, các bên chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát thi công và đơn vị thi công thông đồng “rút ruột” công trình. Cụ thể, Lê Thanh Sơn, Lê Sỹ Tuấn - đội trưởng công trình, Phạm Văn Khanh - chỉ huy trưởng công trình cấu kết với Lê Mao, Nguyễn Hữu Thuận, Mai Trọng Oánh – chủ nhiệm thiết kế công trình, Lê Hồng Chương, Tăng Văn Đạo- cán bộ giám sát công trình, “rút ruột” một số hạng mục. Lê Thanh Sơn đã chỉ đạo “rút ruột” hai hạng mục cọc cừ và cọc neo. Hạng mục cọc cừ theo thiết kế là sắt chịu lực 12 cây loại 22mm nhưng chỉ thi công 4 cây loại 22mm xung quanh bốn góc, 8 cây trong ruột dùng sắt loại 20mm. Loại cọc cừ có hai loại thép đai hình vuông và hình thoi nhưng chỉ thi công thành một loại thép đai hình vuông cho dễ làm và sử dụng sắt loại 6mm làm thép đai thay cho thép bảng ở đầu cọc. Với hạng mục cọc neo, theo thiết kế phần đầu cọc có tiết diện 30x40 cm nhưng thi công giảm còn 24x30cm và theo thiết kế phải là 12 cây sắt loại 22mm nhưng chỉ sử dụng 8 cây loại 20mm, giảm 4 cây và giảm tiết diện sắt. Chỉ riêng hai hạng mục cọc cừ và cọc neo, cơ quan điều tra phát hiện có đến 1.112 cọc cừ và 1.105 cọc neo bị giảm bớt khối lượng. Dù thi công sai phạm như vậy, song vẫn được chủ đầu tư, chủ nhiệm thiết kế, cán bộ giám sát nghiệm thu thanh toán theo hồ sơ thiết kế đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt.
Theo lời khai của các đối tượng với cơ quan điều tra, khi ông Lê Mao biết Lê Thanh Sơn chỉ đạo “rút ruột” hai hạng mục cọc cừ và cọc neo đã điện Sơn đến gặp riêng và yêu cầu Sơn phải chia cho BQLDATL. Lúc này, Sơn đưa ra mức chia là 2% dự toán công trình nhưng Lê Mao không đồng ý và yêu cầu chia cho ông 4%, kế toán Nguyễn Phụng 1%, Nguyễn Hữu Thuận 1%. Ông Lê Mao cũng hứa sẽ tạo thuận lợi nghiệm thu công trình nhanh hơn.
Sau khi ông Lê Mao nghỉ hưu, Nguyễn Khánh Tho làm phó BQLDATL trực tiếp chỉ đạo công trình kè Bạch Đằng. Biết được cách thức ăn chia với nhau của người tiền nhiệm, Tho đến gặp Sơn đòi chia phần trăm dự toán công trình và Sơn đã đồng ý chia cho Tho 2%. Để có tiền chi cho các khoản “lại quả” này, Sơn tiếp tục chỉ đạo cho Phạm Văn Khanh “rút ruột” những hạng mục khác trong gói thầu số 4. Khanh trực tiếp đến công trình hướng dẫn cho công nhân giảm sắt dầm neo dài 7m từ 6 cây sắt loại 20mm xuống còn loại 18mm. Ngoài ra, Khanh chỉ đạo không thi công lớp cát thô tầng lọc dày 30cm từ đáy công trình lên đến cao trình mặt đường và chiều dài dọc cả tuyến bờ kè. Việc “rút ruột” hai hạng mục này có sự đồng thuận của Nguyễn Khánh Tho, Mai Trọng Oánh, Nguyễn Hữu Thuận, Tăng Văn Đạo và đã ký nghiệm thu thanh toán. Cơ quan điều tra phát hiện có đến 1.105 dầm neo bị giảm khối lượng vật tư và không thi công cát tầng lọc như trong thiết kế.
Bằng thủ thuật “rút ruột” các hạng mục trên, các bên đã cấu kết rút vật tư ra khỏi công trình tổng cộng hơn 158,697 tấn sắt, 87,84m3 bê tông và 4.280m3 cát thô với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
13 bị can bị Công an Phú Yên đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố: -Lê Mao, nguyên Phó giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên kiêm Trưởng BQLDATL (đã nhận một điện thoại di động trị giá 15 triệu đồng và 265 triệu đồng) bị đề nghị truy tố hai tội nhận hối lộ và tham ô tài sản. -Lương Ngọc Ái, Giám đốc Sở KH&ĐT Phú Yên (nhận 100 triệu đồng) bị đề nghị truy tố tội nhận hối lộ. -Trần Yên Khánh (nhận 1,3 tỷ đồng của Lê Thanh Sơn để “chạy” thầu) bị đề nghị truy tố tội đưa hối lộ. -Trần Quốc Hoàn (nhận của Khánh 300 triệu đồng) bị đề nghị truy tố tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. -Trần Đình Hải, Giám đốc Công ty Cơ khí xây dựng- lắp máy điện nước bị đề nghị truy tố tội đưa hối lộ. -Lê Thanh Sơn, Phó giám đốc Xí nghiệp xây lắp số 3, bị đề nghị truy tố tội đưa hối lộ. -Nguyễn Khánh Tho, Phó BQLDATL (nhận 180 triệu), bị đề nghị truy tố hai tội tham ô tài sản và thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng Các bị can còn lại bị đề nghị truy tố tội tham ô tài sản gồm: Mai Trọng Oánh, Chủ nhiệm thiết kế công trình; Nguyễn Hữu Thuận, cán bộ BQLDATL; Lê Hồng Chương, giám sát công trình; Tăng Văn Đạo, giám sát công trình; Lê Sỹ Tuấn, đội trưởng công trình; Phạm Văn Khanh, chỉ huy trưởng công trình.
NGUYỄN HỮU VINH - MINH ĐỨC