UBND xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) đã “mượn tên” cán bộ và một số hộ dân đứng tên để giao đất ở. Sau đó, dùng tiền ngân sách nộp trước tiền sử dụng đất cho Nhà nước, sau đó đứng ra tổ chức bán đấu giá những lô đất đó. Người trúng đấu giá muốn làm “sổ đỏ” thì phải nhận chuyển nhượng đất ở lại từ những chủ đất trên.
MƯỢN TÊN “LÓT” ĐẤT
Ngày 15/9/2003, UBND tỉnh Phú Yên duyệt kế hoạch cấp đất ở cho nhân dân khu vực nông thôn, trong đó quy hoạch 10.300m2 phía đông nam trường THCS Trần Kiệt, xã Hòa Hiệp Nam làm khu dân cư. UBND xã Hòa Hiệp Nam tiến hành đo đạc, quy hoạch, phân lô chi tiết thành 51 lô. Sau đó, UBND xã Hòa Hiệp Nam thông báo rộng rãi trong nhân dân về quy hoạch này và đã có 138 hộ dân có nhu cầu đất ở đến xã đăng ký. Số hộ đăng ký cao gấp nhiều lần so với quỹ đất nên UBND xã Hòa Hiệp Nam tổ chức bốc thăm 44 lô, mỗi lô đóng 45 triệu đồng và dành lại 7 lô để bán đấu giá xây dựng điểm bán xăng dầu. Để giải quyết 7 lô đất này, UBND xã có chủ trương “hợp thức” 7 lô đất cho cán bộ xã là Nguyễn Đức Toàn, Lê Tấn Hay, Nguyễn Như và những người quen biết với cán bộ xã như Trần Thị Diệp, Nguyễn Thị Xuân, Bùi Thị Hồng Sen, Nguyễn Thị Mừng, rồi dùng tiền ngân sách xã nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước. Sau đó, UBND xã lập danh sách đề nghị UBND huyện Tuy Hòa (nay là huyện Đông Hòa) ra quyết định giao đất cho những cán bộ này.
Sau khi đã mượn tên “lót” được đất, UBND xã Hòa Hiệp Nam thông báo bán đấu giá công khai 7 lô đất trên. Trong đợt đấu giá này, ông Trần Quốc Thạch ở thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam đấu giá trúng với giá hơn 307 triệu đồng.
300 TRIỆU ĐỒNG ĐỔI LẤY TỜ “GIẤY LOẠI”
Sau khi trúng đấu giá, Hội đồng giao đất gồm Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Nam Lương Văn Khạng cùng một số cán bộ khác đã tiến hành giao đất tại thực địa cho ông Thạch. Tuy nhiên, nếu ông Thạch muốn làm “sổ đỏ” thì phải nhận chuyển nhượng lại của 7 hộ trên và phải trả tiền sử dụng đất. Ông Thạch bày tỏ bất bình: “Tôi là người trúng đấu giá quyền sử dụng đất 7 lô đất đó và được hội đồng tiến hành giao đất thực địa, nhưng khi đến xã làm “sổ đỏ” thì cán bộ địa chính bảo rằng phải nhận sang nhượng lại thì mới tiến hành thủ tục. Cũng từ đó, cán bộ địa chính xã cứ khướt từ hết lần này sang lần khác, gây phiền hà cho gia đình tôi”.
Trao đổi với Báo Phú Yên về vụ việc này, ông Ngô Quang Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hiệp Nam thừa nhận: “Việc UBND xã “mượn tên” cán bộ và người quen cán bộ xã đứng tên trong đơn xin giao đất, dùng tiền ngân sách nộp tiền sử dụng đất “chạy” chính sách và bán đấu giá công khai 7 lô đất trên là hoàn toàn sai trái với Luật đất đai. Tuy nhiên, đây là chủ trương của Đảng ủy, HĐND và UBND xã Hòa Hiệp Nam mong muốn lấy tiền chênh lệch bán đấu giá đất cho ngân sách xã, chứ không phải tư lợi cá nhân”.
Hiện vụ việc sai phạm ở Hòa Hiệp Nam đã được UBND huyện Đông Hòa giải quyết. Những cán bộ có liên quan đến sai phạm trên cũng đã được xử lý. Kết quả bán đấu giá của UBND xã Hòa Hiệp Nam đã hủy bỏ, vì việc bán đấu giá 7 lô đất trên hoàn toàn trái với quy định pháp luật đất đai. Song, để làm được “sổ đỏ”, ông Thạch lại phải làm thủ tục chuyển nhượng đất với những người đứng tên trong 7 lô đất đó.
TỔ PHÓNG VIÊN BẠN ĐỌC