Hôm qua (9/7), trong ngày làm việc thứ 7, phiên tòa xét xử vụ án kè Bạch Đằng tiếp tục thẩm vấn các bị cáo để làm rõ trách nhiệm, vai trò của từng bị cáo trong chuyện rút ruột gói thấu số 4 của công trình kè Bạch Đằng.
NGUYỄN HỮU THUẬN: SỐ TIỀN BỊ CÁO NHẬN CHỈ LÀ “HẠT CÁT”
Tại phiên tòa hôm qua, Hội đồng xét xử tiếp tục xét hỏi bị cáo Mai Trọng Oánh, chủ nhiệm đề án thiết kế công trình kè Bạch Đằng để làm rõ vai trò, trách nhiệm của Oánh trong việc ký biên bản nghiệm thu thanh toán vốn cho đơn vị thi công. Oánh khai: “Bị cáo tham gia trong dự án này với tư cách là giám sát tác giả, nghĩa là bị cáo giám sát việc thi công có đúng như thiết kế của bị cáo vẽ đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt hay không. Trong quá trình thi công ở bất cứ công trình nào đều có sự thay đổi so với thiết kế, nhưng những thay đổi này phải được người có thẩm quyền ra quyết định điều chỉnh. Vì vậy, việc đồng ý cho đơn vị thi công làm sai thiết kế là sai, có một phần trách nhiệm của bị cáo”.
Nguyễn Hữu Thuận
Hội đồng xét xử hỏi sang bị cáo Nguyễn Hữu Thuận, cán bộ Ban quản lý dự án thủy lợi Phú Yên. Thuận khai: “Tại công trình, Lê Thanh Sơn xin ý kiến của Lê Mao, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp-phát triển nông thôn Phú Yên lúc đó, Mai Trọng Oánh, Lê Hồng Chương-giám sát công trình và bị cáo để cùng với Lê Sỹ Tuấn, đội trưởng thi công xử lý phần loe cọc neo, giảm khối lượng vật tư cọc neo. Tất cả mọi người đều thống nhất ý kiến của Sơn”. Các hạng mục khác như cọc cừ, dầm neo, cát thô tầng lọc, Thuận khai là không biết đơn vị thi công đã thi công sai thiết kế. Tuy nhiên, Thuận đã ký vào biên bản nghiệm thu chi tiết đúng như thiết kế đã được duyệt để kho bạc chuyển tiền cho đơn vị thi công. Thuận khai tiếp: “Ông Mao đã chỉ đạo bị cáo tạo điều kiện thuận lợi để kho bạc cấp vốn cho đơn vị thi công. Vì vậy, bị cáo mới làm ngơ cho qua, ký vào biên bản nghiệm thu. Bị cáo ký vào biên bản nghiệm thu với tư cách là người kiểm tra số liệu cho lãnh đạo (ông Lê Mao-PV) và chính lãnh đạo bảo bị cáo ký vào”.
Tại phiên tòa, Lê Hồng Chương, giám sát công trình, bị truy tố về tội tham ô khai: “Lê Mao, Nguyễn Hữu Thuận, Mai Trọng Oánh, Lê Sỹ Tuấn, Tăng Văn Đạo, giám sát công trình biết việc Lê Thanh Sơn chỉ đạo giảm tiết diện sắt cọc cừ so với thiết kế. Bị cáo cũng biết thi công sai thiết kế, nhưng do sợ mất việc nên phải chấp nhận ký vào biên bản nghiệm thu. Sơn đưa cho bị cáo 3 triệu đồng và nói là quà biếu”.
Hội đồng xét xử hỏi: “Bị cáo có nhận đúng số tiền 45 triệu đồng và 1400 USD như cáo trạng quy kết không?”. Thuận nói: “Sơn đưa cho bị cáo 34 triệu đồng và 500 USD”. Hội đồng xét xử hỏi tiếp: “Tại sao Sơn đưa tiền cho bị cáo?”. Thuận khai: “Lâu nay, bị cáo làm ở Ban quản lý thủy lợi Phú Yên (Thuận về công tác tại ban này từ tháng 10/1994- PV) đều được các đơn vị thi công “bồi dưỡng”. Số tiền Sơn đưa cho bị cáo chỉ bằng hạt cát”. Hội đồng xét xử tiếp tục hỏi: “Có mấy đơn vị thi công đã bồi dưỡng cho bị cáo?”. Thuận nói: “Không nhớ. Bị cáo có hành vi nhận tiền của Sơn là sai, nhưng cáo trạng kết luận tham ô tài sản là không đúng”.
CÓ BỊ MỚM CUNG KHÔNG?
Trong suốt thời gian xét hỏi tại tòa, lời khai của Thuận mâu thuẫn với nhau. Có lúc, bị cáo Thuận khai: “Điều tra viên viết trước bảng lấy cung, rồi đưa cho bị cáo ký vào. Điều tra viên chỉ dẫn bị cáo viết đơn xin từ chối luật sư bào chữa”. Đến đây, đại diện Viện kiểm sát hỏi lại thì Thuận khai là chính tay viết ra. Đại diện Viện kiểm sát hỏi: “Trong thời gian tạm giam bị cáo có điện thoại, gửi thư về nhà không?”. Thuận nói: “Cán bộ Thư (chiến sĩ nghĩa vụ Võ Tuấn Anh Thư làm nhiệm vụ cảnh sát bảo vệ, hỗ trợ tư pháp tại nhà tạm giữ Công an TP Tuy Hòa-PV) đưa điện thoại cho bị cáo điện về nhà”. Lúc này, đại diện Viện kiểm sát công bố hai bức thư gia đình gởi cho Thuận do cơ quan điều tra thu giữ, vì theo đại diện Viện kiểm sát là có thông cung giữa bị cáo Thuận với một số bị cáo khác.
Vì bị cáo Thuận và một số luật sư cho rằng, Thuận bị điều tra viên mớm cung nên hội đồng xét xử giải thích, khẳng định các biên bản lấy lời khai tại cơ quan điều tra đúng thủ tục tố tụng.
P.V