Người dân xóm Trường, thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) đang nén đau thương sau những mất mát quá lớn để gượng dậy, tiếp tục cuộc sống phía trước.
Gia đình ông Huỳnh Tấn Kế đang dọn dẹp lại nhà - Ảnh: XUÂN HUY |
Cái xóm nhỏ nằm bên bờ sông Kỳ Lộ giờ hoang tàn với những móng nhà trơ trốc, bên cạnh là những bụi tre, bụi chuối bị bứng gốc, ngã đổ ngổn ngang. Chỉ trong một đêm, 41/43 ngôi nhà ở cái xóm nhỏ này bị san bằng, để lại những đống đổ nát, hoang tàn. Ở đầu xóm, vẫn còn đó chiếc quan tài cuối cùng dành cho một nạn nhân xấu số hiện vẫn chưa tìm được xác. Bên những ngôi nhà chỉ còn hiên được che tạm để tránh mưa tránh nắng, vẫn còn đó những con người với đôi mắt ráo hoảnh, ngồi bất động hàng giờ trước di ảnh của người thân…
Được sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Pháo binh 572 (Quân khu 5), các gia đình đã dựng lên từ đống đổ nát những chiếc chòi trú tạm. Những ngày này, ở xóm Trường, đi đến đâu cũng dễ bắt gặp cảnh hàng xóm giúp đỡ lẫn nhau để qua cơn hoạn nạn: người khỏe mạnh chăm sóc, động viên người yếu, người bệnh; hộ bị thiệt hại ít lo chỗ ăn, chỗ ngủ cho hộ bị thiệt hại nặng. Ông Huỳnh Tấn Kế, một người dân trong xóm, bộc bạch: “Đau thương thì thật quá đau thương rồi. Bây giờ tụi tui cũng phải cố gắng lấy lại tinh thần để có thể sống tiếp. Suốt từ hôm qua đến nay, hai cha con tôi làm tạm chiếc chòi này để có chỗ đặt lưng”. Cách nhà ông Kế một đoạn, vợ chồng anh Nguyễn Tấn Đức đang gồng lưng đào bới trong đống đổ nát với hy vọng tìm được những gì còn sót lại của gia đình. Anh Đức cho biết: “Hai vợ chồng tui định sẽ bỏ xứ ra đi. Nhưng mới bước mấy bước thì lại không đành lòng, bởi dù sao đây cũng là quê cha đất tổ của mình. Vậy là kéo nhau ở lại rồi bàn tính làm lại…”. Còn ông Mạnh Thế Đông thì nói chậm rãi: Bây giờ có khóc lóc, than tiếc hoài thì cũng không giải quyết được chi hết. Còn bao nhiêu chuyện phải lo cho sắp nhỏ nên người lớn phải ráng thôi. Phải lo cho rẫy nương, ruộng đồng nữa…
Gần đó, chị Võ Thị Như Mai đang đội nắng để tháo những liếp cửa ngả nghiêng. Đáng lẽ việc này do cánh đàn ông trong nhà đảm nhiệm. Nhưng sau cơn lũ, gia đình mất đến bốn người, chỉ còn chị và người em trai tên Võ Thành Đại. Em trai chị do mất cả vợ lẫn con bởi dòng nước dữ nên đã phát điên, bỏ đi đâu chẳng rõ. Vậy là một mình chị phải cáng đáng mọi việc. Sau một hồi dọn dẹp, tranh thủ những lúc nghỉ tay, chị lại tất tả chạy xuống xóm dưới để hỏi han tin tức của em mình. Chị Mai nói: “Tôi phải cố dựng cho được một chỗ để khi thằng Đại về còn có chỗ cho nó nghỉ, chú à”.
Những ngày này, người dân cả nước hướng về xóm Trường với sự cảm thông, sẻ chia và giúp đỡ. Những chuyến hàng cứu trợ gồm tiền, gạo, mì ăn liền, chăn màn, quần áo, giường xếp, võng… liên tục đến với người dân ở đây. Bên cạnh yếu tố vật chất, đây còn là sự động viên rất lớn về mặt tinh thần, giúp người dân xóm Trường gượng dậy sau nỗi đau. Anh Hồ Ngọc Trọng, một người dân trong xóm, xúc động: “Không có sự cưu mang, động viên của đồng bào cả nước, cả tỉnh, người dân xóm tôi không biết đến bao giờ mới có thể lấy lại sức lực và tinh thần để tạo dựng lại cuộc sống”.
Ông Nguyễn Văn Thời, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Quang 2, cho biết: “Hiện nay, chỉ vài gia đình thường đi về nơi xóm cũ, còn hầu hết dân xóm Trường đã vào ở nhờ nhà bà con hoặc người quen ở phía trong xã. Sắp tới, huyện và xã sẽ đưa toàn bộ các hộ dân xóm Trường đến khu vực gò Hòn Chinh, thôn Triêm Đức và thôn Kỳ Đu để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Còn rất nhiều việc phải làm để ổn định cuộc sống cho bà con. Chúng tôi rất cần sự góp sức, quan tâm hỗ trợ của nhiều ngành, nhiều cấp…”.
XUÂN HUY