Vừa “lên” thị xã được 40 ngày, Sông Cầu phải gánh chịu hậu quả nặng nề chưa từng có do bão, lũ gây ra. Ngoài hàng trăm ngôi nhà, trường học, trụ sở làm việc... bị lũ làm sập, cuốn trôi, lũ cũng đã cướp đi sinh mạng của 14 con người.
Bí thư Tỉnh ủy Đào Tấn Lộc chia buồn cùng vợ chồng anh Huỳnh Đình Trung, có hai con bị lũ cuốn ở TX Sông Cầu - Ảnh: N.LƯU
ĐẦU ĐỘI HAI, BA MẢNH KHĂN TANG
Đã gần một tuần kể từ khi cơn bão số 11 đi qua và sau ba ngày nước lũ rút đi, nhưng cảnh hoang tàn vẫn còn hiện rõ trên từng khu phố, làng xóm ở TX Sông Cầu, đặc biệt là cảnh tang thương bao trùm các phường nội thị, nơi lũ đi qua.
Đứng trước ngôi nhà mới xây, giờ chỉ còn lại một mảng tường, phần móng và nền bị lũ khoét sâu, chị Nguyễn Thị Ái Nhi, ở khu phố Long Bình, phường Xuân Phú, có hai con gái, đứa 14 tuổi và đứa 9 tuổi bị chết trong trận lũ kinh hoàng, giọng run run nói trong nước mắt: “Niềm vui, niềm hy vọng của vợ chồng sau gần hai mươi năm sống chung là hai đứa con. Vậy mà giờ đây…”. Chị Nhi nhớ lại, sau khi bão tan, ăn cơm chiều xong, thấy không có thiệt hại gì đáng kể nên gia đình đóng cửa đi ngủ. Bỗng nghe “ầm, ầm”. Tường nhà bị sập, nước tràn vào cuốn phăng mọi thứ trong nhà. Cùng với đồ đạc, cả nhà bị lũ cuốn mỗi người một nơi. Sau một đêm chơi vơi giữa dòng nước hung tợn, vợ chồng chị được lực lượng cứu hộ vớt. Còn hai đứa con gái thì mấy ngày sau mới tìm thấy xác. Ông Mạnh, ở gần nhà chị Nhi cho hay, mấy ngày nay chị Nhi như người mất hồn. Có lúc chị bảo “muốn đi theo hai đứa con”. Họ hàng, người thân phải cắt cử người ở bên cạnh để đề phòng bất trắc.
Không riêng gì vợ chồng chị Nhi, anh Đỗ Kim Hùng, ở khu phố bên cạnh cũng mang trên đầu hai chiếc khăn tang. Trong đó, một của vợ và một của đứa con trai 7 tuổi. Đứng trước bàn thờ, giọng vẫn còn thất thần, anh Hùng kể lại: “Khi lũ đến, tôi chỉ kịp giữ lấy đứa lớn, còn đứa nhỏ ngủ chung với mẹ nó nên cũng theo mẹ luôn. Đột ngột và đau xót quá. Không ai có thể ngờ lũ đến nhanh và lớn đến vậy”.
Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội TX Sông Cầu, trận lũ lịch sử vừa qua toàn thị xã có 14 người chết. Trong đó, ba gia đình có đến hai, ba người chết. Nhiều đơn vị, cá nhân đã đến chia sẻ, nhưng mất mát đau thương là không thể bù đắp được, có hai đôi vợ chồng có hai con đều mất cả hai.
Con đường hẻm vào nhà vợ chồng anh Võ Ngọc Giàu và chị Nguyễn Thị Thơm ở khu phố Long Bình, phường Xuân Phú đến sáng ngày 7/11, nước lũ vẫn chưa rút hết; bùn đất ngập ngụa đến quá mắt cá chân, có đoạn lên đến gần đầu gối. Trước căn nhà xập xệ, còn hằn mức nước lũ cao quá đầu người, vợ chồng anh Giàu đang loay hoay bên mớ sách vở học sinh đã ẩm ướt trước hiên nhà. Không còn nước mắt để khóc con, anh Giàu cứ thơ thẩn, quanh quẩn trong xóm giữa bùn lầy như người mất hồn. Khi chúng tôi đến thăm, anh bật khóc: “Đây là số sách vở, đồ chơi của bé Quân (6 tuổi) và bé Quyền (2 tuổi). Bị ướt nên vợ chồng tôi đang phơi, hong cho khô để đem ra mộ đốt gởi cho hai chị em nó… Ở trường cháu Quân học giỏi lắm, tuần nào cũng được cô khen. Bé Quyền thì rất thích chơi đồ hàng cùng chị. Nhưng chị em nó “đi” mà không kịp mang theo thứ gì hết”.
MẤT TRƯỜNG, HỌC SINH KHÔNG CÓ NƠI ĐỂ HỌC
Ngày 7/11, khi đến thăm và trao tiền hỗ trợ những gia đình bị nạn trong cơn lũ tại TX Sông Cầu, đoàn công tác của Báo Sài Gòn Giải Phóng đã tặng “nóng” Trường tiểu học Xuân Lâm 5.000 quyển vở và đặt đóng ngay 20 bộ bàn ghế học sinh. Đoàn công tác cho biết, sẽ tiếp tục vận động bạn đọc, những nhà hảo tâm tặng sách giáo khoa để thầy và trò của trường sớm đến lớp. |
Trận lũ lịch sử tối ngày 2/11 với sức mạnh kinh khủng đã cuốn phăng nhiều công trình cầu cống, nhà cửa, tài sản của nhà nước và người dân TX Sông Cầu, trong đó có ngôi trường tiểu học và trường mẫu giáo thôn Bình Nông, xã Xuân Lâm. Tại nơi trước đây là ngôi trường tiểu học, nhà mẫu giáo (vừa mới xây dựng), giờ chỉ còn trơ lại hai trụ cổng với tấm biển tên “Trường tiểu học…”. Toàn bộ bàn ghế, đồ dùng dạy học… đều bị nước lũ cuốn phăng theo dòng Tam Giang đổ ra biển. Cục Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) đã cử một đại đội đến đây, làm việc cật lực suốt ba ngày qua vẫn chưa dọn sạch được đống đổ nát. Ngồi bên đống sách vở, tài liệu… còn sót lại ướt sũng và lấm lem bùn đất, cô giáo Lê Thị Ngọc Tuyết, Hiệu trưởng nhà trường xót xa: “Lũ đã cuốn đi tất cả, chỉ còn lại độc một chiếc trống Đội với mớ sách, tài liệu này, nhưng không thể sử dụng được do nhiều ngày ngâm trong nước bùn. Sách vở của học sinh để ở nhà cũng bị lũ cuốn đi hết”. Thấy cô hiệu trưởng đến, nhiều em học sinh chạy đến vây quanh vui mừng. Hết em này hỏi, đến em khác hỏi: “Cô ơi, bao giờ chúng em mới đi học lại hả cô?”, nhưng cô hiệu trưởng không thể trả lời được trước đống hoang tàn. Cô Tuyết cho biết, ban giám hiệu nhà trường và chính quyền xã đã báo cáo lên cấp trên, đồng thời nhờ lực lượng vũ trang cho mượn lều bạt, dựng tạm trên nền cũ để học sinh có thể đến lớp trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, theo cô Tuyết, khó khăn lớn nhất là vấn đề sách vở và bàn ghế. Thầy cô giáo và học sinh không thể dạy và học trong điều kiện không sách giáo khoa, không tập vở ghi chép.
Ông Trần Thêm, Phó chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho biết, ưu tiên hàng đầu của địa phương hiện nay là tập trung giải quyết hậu quả của lũ bão, không để dân đói, rét, sớm khôi phục cuộc sống của người dân và sớm đưa học sinh trở lại trường, lớp. Trong đợt lũ vừa qua, ngành giáo dục bị thiệt hại rất nặng, trong đó có Trường tiểu học Xuân Lâm. UBND thị xã sẽ tích cực chỉ đạo Phòng Giáo dục – Đào tạo và xã Xuân Lâm khắc phục khó khăn; đề nghị tỉnh, trung ương hỗ trợ; đồng thời kêu gọi những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ để học sinh nơi đây sớm được trở lại trường lớp trong điều kiện tốt nhất.
XUÂN HIẾU