Thứ Năm, 28/11/2024 18:05 CH
TP Tuy Hòa:
Bao giờ chấm dứt “tình trạng lấn chiếm” lòng đường, vỉa hè
Chủ Nhật, 15/11/2009 07:00 SA

Vỉa hè là một phần trong kiến trúc của đô thị. Vì vậy khi vỉa hè bị xâm hại thì mỹ quan đô thị bị mất và kiến trúc đô thị sẽ bị ảnh hưởng. Về góc độ giao thông thì vỉa hè là để dành cho người đi bộ. Thế nhưng trên thực tế ở TP Tuy Hòa tình trạng  chiếm dụng vỉa hè của các con đường để kinh doanh mua bán xảy ra thường xuyên và ở hầu như tất cả các con đường. Vừa làm xấu bộ mặt của đô thị vừa che khuất tầm nhìn và tạo nguy cơ cao cho tai nạn giao thông:

 

le-duong.091115.jpg

Vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, đoạn dưới ngả 5 được dùng làm nơi bày bán hàng hóa

 

Chuyện người dân chiếm dụng vỉa hè để sản xuất kinh doanh không phải là chuyện đến bây giờ mới nói, thế nhưng tình trạng này ngày càng diễn ra phức tạp hơn và các ngành chức năng cũng không có biện pháp nào xử lý hiệu quả. Ai cũng biết vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ nhưng thực tế trên địa bàn TP Tuy Hòa hoàn toàn không phải như vậy. Hầu như  vỉa hè  tất cả các con đường chính, phụ của thành phố đều bị chiếm dụng. Nơi này người ta dùng vỉa hè để mở quán nước, bán hàng ăn đêm, ăn sáng, bán cà phê, nơi kia dùng để chứa vật liệu xây dựng, sửa xe, bày bán cả hàng hóa. Nhiều vỉa hè, những người có nhà mặt tiền trước đây thì dùng dù che còn nay thì “kiên cố hóa” bằng cả mái che di động, cứ sáng đến thì mở ra để kinh doanh mua bán trên vỉa hè đến tối mới dọn cất hàng hóa vào nhà. Hãy đi một vòng qua các đường phố chính của thành phố mà xem, các con đường như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê Thành Phương và cả đại lộ Hùng Vương, Bạch Đằng…. Mặc dù nhà nước đầu tư tiền tỷ để mở rộng, lát gạch vỉa hè sạch đẹp nhưng đối với những hộ dân có nhà mặt tiền thì phần vỉa hè trước cửa nhà trở thành phần đất độc quyền sử dụng của họ. Mặc dù thời gian gần đây ngành hữu quan của thành phố đã có kẻ vạch để một phần cho các chủ nhà sử dụng tạm thời như để xe, thế nhưng đa số họ đều sử dụng cả vỉa hè cho mục đích của mình. Không ít người đi đường phàn nàn rằng: rất ngại bước lên vỉa hè vì người ta đang bày bán hàng hóa, cũng không ít trường hợp  khi người đi bộ lỡ bước lên vỉa hè thì còn có chủ nhà tỏ ra khó chịu như lội vào trong nhà của họ.

 

Nếu ở các đường phố, vỉa hè trước mặt nhà là lãnh địa của mỗi gia đình có nhà mặt tiền thì ở các đường phố mới, vỉa hè là của chung mà ai có thể chiếm dụng bao nhiêu tùy ý. Các loại dịch vụ lưu động như bán đồ bành, giày dép hạ giá có thể bày ra ở bất cứ chỗ nào họ có thể bày bán. Chính quyền địa phương và ngành chức năng cũng đã tổ chức nhiều đợt giải tỏa nhưng khi lực lượng vừa rút đi thì đâu lại vào đó. Ngoài những trường hợp lấn chiếm, sử dụng vỉa hè để buôn bán kinh doanh, tại vỉa hè các đường phố còn xảy ra một vấn đề khác-đó là các loại ba nô áp phích, quảng cáo giăng đầy. Trên đường Nguyễn Huệ, đoạn gần Ga Tuy Hòa, nhiều bức quảng cáo khổ lớn treo dọc theo cột điện vừa che khuất tầm nhìn cộng với các hàng quán bày bán trên vỉa hè làm  cho người đi bộ không còn chỗ chen chân. Phường I- thành phố Tuy Hòa là địa bàn có nhiều con phố lớn và tình trạng người dân chiếm dụng vỉa hè cũng phổ biến. Mặc dù địa phương đã rất tích cực và áp dụng nhiều hình thức nhưng tình hình vẫn không chuyển biến. Ông Cao Hồng Thận, bí thư Đảng ủy phường I nói: “Đây là một vấn đề thực tế kéo dài từ trước đến giờ. Chúng tôi cũng đã giáo dục, vận động bằng nhiều cách, thậm chí đã dùng cả các biện pháp xử phạt nghiêm khắc nhưng người dân vẫn không thực hiện. Họ theo dõi khi thấy lực lượng kiểm tra thì dọn dẹp vào nhưng khi lực lượng kiểm tra đi thì đâu lại vào đấy!”.

 

Khi mà vỉa hè bị chiếm dụng thì người đi bộ chỉ còn cách phải bước xuống lòng đường và như vậy thì vô tình họ lại lấn phần đường của các phương tiện giao thông khác. Đã không ít lần người đi bộ bị xe cộ chạy trên đường va vệt vì trên vỉa hè không còn chỗ để đi. Ông Huỳnh Kiên, 78 tuổi, một người dân ở thành phố bức xúc nói: “Thành phố đã đầu tư rất nhiều tiền của để xây dựng vỉa hè thông thoáng, sạch đẹp nhưng lại trở thành mặt bằng kinh doanh của cá nhân nhiều hộ gia đình có nhà mặt tiền. Với trách nhiệm của một người dân thành phố, tôi đề nghị các ngành chức năng quản lý đô thị có biện pháp giải quyết để trả lại cảnh quan cho thành phố mà người đi bộ cũng khỏi phải bước xuống lòng đường để bị xe đụng”.

 

Không chỉ có vỉa hè trên đường phố mới bị chiếm dụng mà những đoạn đường nối từ nội thành đến các xã, phường cũng thường xuyên bị chiếm dụng. Nhiều đoạn đường xe chở hàng, vật liệu xây dựng ngang nhiên đậu bốc dỡ hàng hóa ngay giữa ban ngày làm ùn tắt các loại phương tiện giao thông khác. Mới đây người viết bài này chứng kiến một cảnh tượng không biết nên vui hay buồn. Trên đoạn đường nối từ đường Lê Thành Phương  đến phường 9, vì bị chiếc máy tuốt lúa án ngữ giữa đường đang hoạt động tung bụi khói mịt mù, một ông Tây balô phải xoắn quần bước vòng xuống ruộng. Ông Tây thì bì bỡm lội ruộng vừa lắc đầu vừa  bấm lia lịa chiếc máy ảnh  còn những người  tuốt lúa giữa đường thì rất  hồn nhiên, họ vừa chỉ trỏ vừa cười cợt. Không biết ông Tây kia nghĩ gì cảnh giao thông này!

 

duong.091115.jpg

Đường Nguyễn Huệ, đoạn gần ga Tuy Hòa: Vỉa hè được chiếm dụng buôn bán và làm công trường xây dựng

 

Phường 9 là một khu đô thị mới có dân số khá đông. Do cơ sở hạ tầng đô thị chưa ổn định nên xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng đường để họp chợ mua bán xảy ra nhiều nơi. Tình trạng này làm mất mỹ quan đô thị vừa gây cản trở giao thông. Theo bà Võ Thị Bông, Chủ tịch UBND phường 9 thì địa phương cũng liên tục kiểm tra, giải tỏa nhưng rồi đâu lại vào đó. “Địa phương đâu có đủ lực lượng để rải khắp các ngả đường và cũng không thể suốt ngày đi trên đường để giữ. Vậy thì công tác vận động tuyên truyền vẫn là chủ yếu!”-bà Bông nói như bất lực.

 

Được biết cách đây nhiều năm, thành phố Tuy Hòa đã có hẳn một đề án mang tên Đề án “Quản lý sử dụng vỉa hè, hẻm phố tạm thời”. Triển khai đề án này, thành phố giao cho cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức họp dân để lấy ý kiến và cam kết không lấn chiếm vỉa lè, lòng lề đường để kinh doanh mua bán. Theo đó từng khu phố tổ chức họp dân triển khai phổ biến và vận động người dân, tuy nhiên tình hình vẫn chưa được cải thiện. Theo lãnh đạo UBND thành phố, để làm chuyển biến nhận thức của người dân thì không phải là việc làm ngày một ngày hai nhưng thành phố sẽ kiên quyết làm. Trong đó, bên cạnh công tác tuyên truyền giáo dục là kết hợp với các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính kiên quyết đối với trường hợp vi phạm. Ông Trần Hiền, PCT UBND thành phố nói: “Thành phố Tuy Hòa đang tiếp tục triển khai thảo luận, lấy ý kiến nhân dân về xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Đồng thời sẽ lồng ghép với xây dựng văn hóa giao thông để làm thế nào xây dựng Tuy Hòa thành một thành phố văn minh, trật tự và đảm bảo về trật tự đô thị và  an toàn giao thông”.

 

Thành phố Tuy Hòa là trung tâm kinh tế-chính trị, là bộ mặt của tỉnh. Vì vậy, bên cạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng phải được chú trọng-trong đó có vấn đề xây dựng trật tự và văn minh đô thị và văn hóa giao thông. Vì vậy mong rằng mỗi người, mỗi cư dân của thành phố phải có ý thức và trách nhiệm của mình  để góp phần xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp và văn minh hơn.

 

TRÍ THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek