Thứ Bảy, 05/10/2024 22:18 CH
Bừng lên sức sống sống Trường Sa
Bài 1: Vững tin với Trường Sa
Thứ Năm, 28/02/2013 14:05 CH

Có ra với biển Đông, hòa nhập vào cuộc sống ở Trường Sa, mới cảm nhận hết giá trị của tình yêu Tổ quốc qua sự hy sinh thầm lặng của những người lính đảo, tấm lòng, sự kiên cường của những người dân đang ngày đêm bảo vệ vùng trời, vùng biển đảo quê hương. Sự chung sức chung lòng của hàng triệu triệu bàn tay và khối óc Việt, Trường Sa đang bừng lên sức sống mãnh liệt. Trường Sa không xa, Trường Sa luôn gần trong ta, và Trường Sa là của chúng ta!

Bài 1: Vững tin với Trường Sa

Những ngày đầu năm, ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ hồ hởi ra quân đánh bắt ở ngư trường Trường Sa. Với họ, nơi đây không chỉ là ngư trường đánh bắt cho những khoang thuyền đầy cá, mà còn là nơi che chở cho họ lúc bão giông, hoạn nạn, và cung ứng nước ngọt, thuốc men khi cạn kiệt… Để rồi sau những chuyến đánh bắt kéo dài hàng tháng trên đại dương bao la, họ lại vững tin dựa Trường Sa, bám biển, khẳng định chủ quyền dân tộc, phần lãnh thổ của Việt Nam.

ts-1130228.jpg

Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây được thành lập để hỗ trợ cho ngư dân bám biển - Ảnh: H.MY

TRƯỜNG SA NHỮNG NGÀY GIÓ BÃO

Sáng 6/1, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương báo tin cơn bão số 1 với cường độ gió mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km/giờ), giật cấp 11- cấp 12, đang hoành hành trên biển Đông, ảnh hưởng trực tiếp đến quần đảo Trường Sa. Tâm bão nằm ngay tại khu vực đảo Trường Sa Lớn và dự kiến bão còn lờn vờn hoành hành tại đây từ 2-3 ngày tới. Nhận được tin, tàu HQ-571 chở đoàn công tác chúng tôi liền thay đổi lịch trình, vội vã chạy vào lòng “hồ” Đá Tây tránh bão. Suốt mấy ngày liền bồng bềnh trên biển nước, tôi chẳng thấy bóng dáng thuyền đánh cá nào, vậy mà khi nghe tin bão ập về Trường Sa, hàng trăm tàu thuyền đánh cá, câu mực các loại, nối đuôi nhau lách luồng, vào lòng “hồ” Đá Tây neo đậu. Ông Tô Văn Lanh, chủ tàu QNa-91799 TS áp sát mạn tàu Trường Sa 21, hô lớn: “Mấy chú hải quân ơi, cho tui cột neo trốn bão nhờ hỉ!”. Vừa dứt lời, đã thấy thủy thủ đoàn nhanh chóng tiếp cận mặt boong và quăng dây cột lên tàu Trường Sa 21. Gần chục chiếc tàu của ngư dân các tỉnh kẹp sát đuôi con tàu Trường Sa 21 để hy vọng được che chở.

Đảo Đá Tây là một trong những đảo chìm rộng nhất của quần đảo Trường Sa, dấu tích của miệng núi lửa hàng triệu năm trước phun trào giữa lòng đại dương. Nhìn trên hải đồ của hải quân có thể thấy rõ miệng núi hình ê-líp với chiều rộng khoảng 10km, dài 7km, độ sâu trung bình 8-15 mét. Ngư dân Trường Sa quen gọi khu vực đảo Đá Tây là “hồ”, bởi sự tĩnh lặng của gió và êm ả sóng. Ở đó, tất cả tàu thuyền của ngư dân đều được che chắn an toàn bất kể khi có gió mùa đông bắc hay tây nam. Sóng trong lòng “hồ” Đá Tây luôn thấp hơn những con sóng bên ngoài chừng 2-3 cấp. Chính vì vậy, đảo Đá Tây là một trong những nơi trú bão lý tưởng nhất của ngư dân tại Trường Sa.

Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Phó lữ đoàn trưởng quân sự Lữ đoàn 146 đoàn Trường Sa, Trưởng đoàn công tác phía Nam cho biết: “Hàng năm, Trường Sa đón hàng chục cơn bão lớn nhỏ và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Các tàu thuyền đánh cá, câu mực ra ngư trường Trường Sa, thường bám trụ hàng tháng trời. Vì vậy, khi gặp bão, giữa mênh mông biển nước, họ không có chỗ nào bấu víu ngoài các đảo. Cho nên, có được những địa điểm như lòng “hồ” Đá Tây để các tàu, thuyền đánh cá, câu mực trú bão là rất tốt. Ngư dân sẽ yên tâm ra khơi dài ngày mà không còn lo lắng nhiều khi gặp sóng to gió lớn”.

ĐIỂM TỰA VƯƠN KHƠI

Những ngày công tác tại quần đảo Trường Sa, chúng tôi bắt gặp không ít tàu cá các tỉnh Nam Trung Bộ ghé vào các đảo. Có tàu cá xin xác nhận, đóng dấu đánh bắt tại Trường Sa, có tàu cá xin hỗ trợ nước ngọt, gạo để bám biển lâu dài… Nhiều ngư dân trong quá trình khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ, không may bị tai nạn lao động, đã tìm đến quân y tại các đảo nhờ cấp cứu, khám, chữa bệnh miễn phí. Nhiều trường hợp nguy kịch tưởng chừng không qua khỏi nhưng sau khi được bàn tay của các bác sĩ, y sĩ nơi đây cứu chữa đã lành bệnh, trở về đất liền. Gần đây, điển hình là trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thành Trung, 36 tuổi, thuyền viên của tàu QNg-95490TS, ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, chuyển lên đảo Trường Sa Đông thì đã ở tình trạng sắp vỡ ruột thừa. Nhưng anh đã được các y, bác sĩ của bệnh xá cứu chữa kịp thời. Bệnh nhân Phạm Tiễn, 46 tuổi, quê ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi không may trong lúc lao động trên biển bị gãy hở xương cánh tay phải, được kíp quân y bệnh xá Trường Sa Đông nhanh chóng cắt lọc vết thương dập nát, cầm máu, đặt dẫn lưu, băng bó cố định xương gãy… Nhiều tàu cá, không biết luồng di chuyển, bị mắc cạn, cũng phát tín hiệu nhờ bộ đội các đảo giúp đỡ. Ngày 13/9/2012, tàu cá BĐ-96430TS gồm 6 thuyền viên do ông Nguyễn Văn Tâm (ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) làm chủ tàu, đang đánh cá trên biển thì bất ngờ gặp lốc và mưa giông làm tàu mất phương hướng, trôi dạt và mắc cạn tại bãi san hô, cách đảo Đá Tây A khoảng 1 hải lý. Chỉ huy đảo Đá Tây A đã nhanh chóng phối hợp với Trung tâm Thủy sản Đá Tây điều động lực lượng đến cứu hộ giúp ngư dân, kéo được tàu ra khỏi vị trí mắc cạn. Ngày 14/9/2012, tàu cá PY-90045TS do ông Trần Vĩnh (phường 6, TP Tuy Hòa) câu cá ngừ ở ngư trường Trường Sa, gặp sóng lớn, bị va đập mạnh nên đáy tàu bị vỡ. 7 ngư dân phát tín hiệu cấp cứu, được đội dịch vụ hậu cần âu tàu đảo Song Tử Tây cứu nạn an toàn.

Ngoài ra, để hỗ trợ các điều kiện tốt nhất cho ngư dân bám biển, vươn khơi, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây-Trường Sa-DK1 được thành lập từ tháng 5/2005 và Âu tàu tại đảo Song Tử Tây được đưa vào hoạt động từ tháng 3/2009 với chức năng cung ứng nhu yếu phẩm, nhiên liệu với giá bằng ở đất liền cho ngư dân mỗi khi có nhu cầu; cứu nạn, cứu hộ, sửa chữa miễn phí tàu thuyền ngư dân bị hư hỏng trên biển, cung cấp nước ngọt, sắp xếp chỗ nghỉ ngơi cho ngư dân mỗi khi đau ốm bệnh tật... Âu tàu tại đảo Song Tử Tây có diện tích rộng gần 4ha, độ sâu 8-10m, có sức chứa 100 chiếc thuyền công suất lớn. Còn Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây có 2 tàu 06 và 09 làm nhiệm vụ cung cấp hàng và thu mua hải sản di động, đồng thời thực hiện công tác cứu hộ ngư dân gặp nạn trên biển. Trưởng ban quản lý Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây Lê Văn Lâm cho biết: “Khu vực đảo Đá Tây có 3 đầu kéo thường xuyên làm nhiệm vụ dẫn thuyền ngư dân vào neo đậu an toàn. Trong năm 2012, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại đảo Đá Tây tiếp nhận 1.700 lượt thuyền ngư dân vào bán cá và mua nhu yếu phẩm. Trong đó, cấp nước ngọt 1.400m3,  500.000 lít dầu, cung cấp 27 tấn lương thực, thực phẩm và 25 lượt sửa chữa tàu cho ngư dân”. Ngư dân Huỳnh Minh Thuận (ở phường 6, TP Tuy Hòa), tàu PY-90388TS, thổ lộ: “Trước đây, khi chưa có khu hậu cần nghề cá, trong thời gian đánh bắt, nếu tàu bị hư hỏng, hoặc hết nhiên liệu, lương thực, thì tàu phải quay về đất liền nên rất tốn kém chi phí. Còn bây giờ, nhờ có khu hậu cần này, chúng tôi có thể bám ngư trường dài ngày hơn và sản lượng khai thác nhiều hơn”.

ts-2130228.jpg

Quân y của Bệnh xá Trường Sa Đông khám bệnh cho ngư dân - Ảnh: H.MY

THẮM TÌNH QUÂN DÂN

Mở cuốn sổ thống kê việc xác nhận, đóng dấu trong nhật ký đánh bắt cho ngư dân, đại úy Trương Hồng Phượng, Đảo trưởng đảo Đá Lát nhớ rõ từng tên tuổi, từng số hiệu của các tàu thuyền ghé qua đảo trong thời gian anh nhận nhiệm vụ chỉ huy tại đây. Anh Phượng nói: “Đảo chìm, bốn bề là nước. Vì vậy, mỗi lần có tàu đánh cá đi ngang qua đảo, chúng tôi mừng lắm và cứ trông chờ hoài. Chẳng để làm gì, nhưng đảo vẫn mong có khách từ đất liền đến thăm hỏi. Ngư dân mình hiện diện, làm ăn, sinh sống ở Trường Sa càng nhiều, càng khẳng định và chứng tỏ nơi đây thuộc chủ quyền của Việt Nam”.

Với những tàu cá, ngư dân được bộ đội các đảo cứu nạn, cứu mạng, có lẽ họ sẽ chẳng bao giờ quên được ân nghĩa của Trường Sa. Ngư dân Trần Văn Thông (quê ở xã An Phú, TP Tuy Hòa) bị tai nạn trong lúc xay đá lạnh để ướp cá, bàn tay bị lưỡi cưa đá cắt gần như đứt rời, được các y, bác sĩ đảo Song Tử Tây cứu chữa vào đầu tháng 1/2013, chia sẻ: “Bị tai nạn lao động bất ngờ, giữa bốn bề là nước, tôi cứ nghĩ mình sẽ không còn cơ hội để sống sót về lại đất liền. Nhưng nhờ sự tận tình cứu chữa của các y bác sĩ tại Trường Sa và sự nhiệt tình giúp đỡ của lính đảo, tôi đã bình phục trở về nhà an toàn. Suốt đời này, tôi sẽ không quên ơn cứu mạng của các anh”. Trung tá Lương Duy Hãnh, Đảo trưởng đảo Trường Sa Đông tâm sự: “Nhiều tàu cá bị mắc nạn và ngư dân bị tai nạn lao động, sau khi được bộ đội và quân y các đảo cứu chữa, giúp đỡ, xem đảo như là gia đình thứ hai của mình. Về đất liền, họ thường gọi điện ra đảo thăm hỏi. Và mỗi khi có dịp đi ngang qua đảo, họ lại mang cá đánh bắt được vào cho đảo để góp phần cải thiện bữa ăn cho anh em. Tình cảm giữa đảo và ngư dân vì thế càng trở nên khắng khít, gắn kết”.

Đại tá Nguyễn Đức Vượng, Phó chính ủy Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết: “Cùng với các chính sách, chương trình trên đất liền để hỗ trợ ngư dân vươn khơi như “Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi”, “Tấm lưới nghĩa tình”…, Vùng 4 Hải quân chúng tôi cũng xây dựng nhiều kế hoạch, công trình nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người dân vững tâm khai thác, đánh bắt thủy hải sản, đồng thời khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Không chỉ là khám, chữa trị và cấp cứu mỗi khi ngư dân cần mà các đảo luôn sẵn sàng chia sẻ từng can nước ngọt, ký gạo để góp phần hỗ trợ ngư dân. Chúng tôi mong muốn ngư dân xem thuyền là nhà, biển cả là quê hương, còn bộ đội trên đảo là người thân. Mỗi khi gặp bất trắc nào trong quá trình đánh bắt thủy hải sản, ngư dân cứ yên tâm tìm đến bộ đội các đảo, xem Trường Sa là máu thịt của mình để vững tâm bám biển, vươn khơi”.

Bài 2: Bình yên nơi biển đảo

HÀ KIỀU MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Về “Thủ đô gió ngàn”
Thứ Sáu, 15/02/2013 15:00 CH
Huyền thoại mẹ Hường
Thứ Sáu, 15/02/2013 07:00 SA
Chở tết ra Trường Sa
Chủ Nhật, 10/02/2013 18:00 CH
Người xung khắc với rắn
Chủ Nhật, 10/02/2013 11:00 SA
Những anh lính nuôi quân thầm lặng
Thứ Bảy, 09/02/2013 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek