Chủ Nhật, 06/10/2024 00:40 SA
Huyền thoại mẹ Hường
Thứ Sáu, 15/02/2013 07:00 SA

Vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, bộ phim “Huyền thoại về người mẹ” do đạo diễn Bạch Diệp dàn dựng và NSND Trà Giang thủ vai nhân vật chính - bà Hường - được Xí nghiệp Phim truyện Việt Nam công chiếu đã từng làm rung động hàng triệu trái tim người Việt Nam.

Chân dung nhân vật Hường đó chính là mẹ Nguyễn Thị Hường, hiện đã 81 tuổi, trú tại khu vực 5, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn (Bình Định). Một chân dung về người mẹ đã hy sinh thầm lặng cho cách mạng và một tình yêu thủy chung.

Moi-tinh-tho130202.jpg

Mẹ Hường hạnh phúc bên tuổi già - Ảnh: TẤN TRỰC

CHUYỆN CỦA HƠN 60 NĂM TRƯỚC

Ngôi nhà mẹ Hường nằm sâu tận trong con hẻm ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn. Ngôi nhà tuy nhỏ nhưng khá ngăn nắp, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, giấy khen của bà và chồng treo kín trên tường. Ở tuổi 81, sức khỏe mẹ đã yếu đi nhiều, cũng không nhiều người biết mẹ đã từng cưu mang, che chở hàng chục đứa con của đồng đội, chiến sĩ cách mạng, đến trẻ đường phố.

Mẹ Nguyễn Thị Hường sinh năm 1932, trong một gia đình nông dân nghèo có 4 anh chị em ở tỉnh Nghĩa Bình cũ (nay đã tách ra làm hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định). Cảgia đình sống bằng nghề làm muối. Cha bà mất vì làm việc quá sức, bị thổ huyết mà chết, hai anh trai đi công tác mất tích đến giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Hơn 10 tuổi (vào năm 1945), cô bé Hường đã tham gia hoạt động cách mạng làm giao liên cho Thị ủy Quy Nhơn. Nhớ lại ngày đó, mẹ Hường kể: “Hồi đó nhà mẹ nghèo lắm chỉ có củ lang, củ sắn mì, quần áo thiếu thốn, đến đôi dép mẹ phải dùng bằng mo cau, rồi vào rừng lấy cây dứa phơi khô đánh thành sợi đan dép đi chứ không như tụi con bây giờ. Được cái hồi còn nhỏ, mẹ nhanh nhẹn nên được cán bộ tin tưởng giao cho nhiệm vụ giao liên”.

Ngày ấy, hàng ngày cô bé Hường cải trang đi bán củ lang, củ sắn, lân la vào đồn địch để dò la tin tức. Ban đầu là làm quen cho bọn chúng khỏi nghi ngờ. Khi có nhiệm vụ tổ chức giao chuyển giấy tờ, thư mật, Hường để dưới đáy rổ giữa mấy lớp lá còn trên là khoai, làsắn. “Do quen rồi nên quân địch không nghi ngờ, hơn nữa bọn chúng thấy hoàn cảnh gia đình khổ thật, lại thường hay bán khoai cho chúng nên bọn chúng không nghi ngờ nữa”, bà Hường tâm sự. Khôn ngoan, nhạy bén nên mẹ Hường được tổ chức tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Mẹ trực tiếp gài chông, mìn, tham gia đào đường hào, vận chuyển tiếp tế lương thực, vận động bà con phá ấp chiến lược... Những năm 1950-1955, khi lãnh đạo Thị ủy Quy Nhơn và hầu hết lực lượng rút khỏi thị xã, để lại nhiều tài liệu, súng ống, đạn dược để Hường cùng một số ít đồng đội cất giữ, bí mật hoạt động trong lòng địch để báo cáo về cho tổ chức.

Tháng 4/1952, chính nhờ thông tin tình báo chính xác của Hường, Thị ủy Quy Nhơn đã đối phó thành công một trận càn rất lớn của quân địch. Sau trận đó, mẹ Hường bị nghi ngờ nên quân địch kéo đến đốt phá nhà cửa, đẩy mẹ già và 4 người con phải sống dưới gốc cây mận, cảnh màn trời chiếu đất cực khổ. Năm 1956, mẹ Hường bị bắt tù đày tại các nhà lao Quy Nhơn, lần thì 6 tháng, lần 1 năm rồi được thả. Chúng dùng mọi cách, dỗ đường mật không được, chúng chuyển sang tra tấn nhưng mẹ Hường một mực không khai. Lần cuối cùng mẹ Hường ra tù năm 1968, tổng cộng thời gian bị tù đày hơn 7 năm.

VÀ NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG

Từ cô bé giao liên, Hường đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Những ngày hoạt động cách mạng, Hường quen chàng thợ máy Trương Liêm người cùng quê, không bao lâu 2 người thành vợ chồng. Mẹ Hường bùi ngùi kể lại: “Ngày đó chiến tranh còn ác liệt, cưới nhau mà chỉ bên nhau vẻn vẹn 3 ngày rồi ông ấy phải lên đường tập kết ra Bắc. Nói là 2 năm về mà mãi 21 năm, sau giải phóng ông ấy mới về”. Thời gian 21 năm xa cách, người thiếu phụ xinh đẹp thông minh, sắc sảo đã hút hồn nhiều tên lính Mỹ, ngụy. Chúng nhiều lần ve vãn, tán tỉnh, có khi còn tìm đến tận nhà nhưng Hường vẫn một lòng sắc son chờ chồng và chỉ biết nhiệm vụ trước mắt là cống hiến cho cách mạng để giải phóng dân tộc. Có lẽ, người mẹ huyền thoại ấy sinh ra là để hy sinh hạnh phúc riêng của mình, một lòng phục vụ cách mạng, chăm lo cho những đứa trẻ mồ côi hay những người con của những đồng đội đã hy sinh.

 

Từ những năm 1945, mẹ Hường đã nhận cả chục đứa trẻ mồ côi đem về chăm sóc. Đến năm 1963, thấy mẹ Hường có năng lực nuôi dạy con trẻ nên tổ chức cách mạng chỉ đạo mẹ Hường tiếp cận những đứa trẻ mồ côi tìm hiểu lý lịch và huấn luyện chúng để hoạt động cách mạng. Thời gian này, mẹ đảm nhận nuôi những đứa con của cán bộ, chiến sĩ cách mạng đi thoát ly hoặc đã hy sinh. Mẹ Hường xúc động kể lại: “Năm 1963, địch càn quét tàn khốc, một đồng chí ở huyện Hoài Nhơn hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, để lại bé gái chưa đầy 2 tuổi nên mình phải đứng ra chăm sóc cháu bé. Đến năm 1967, lại một trận càn quét dữ dội, một phụ nữ đang mang bầu 7 tháng bị thương nặng ở đùi mất nhiều máu. Nghe tin, tui phải sắm vai nông dân cùng hai đồng chí nữ đi gặt để cứu chị này. Khi chúng tôi cáng người phụ nữ này đi được một quãng đường dài thì một máy bay trực thăng địch áp sát chỉ súng vào nói xi xô Việt Cộng. Nhưng thấy mình cầm liềm, người bùn đất lấm lem nên chúng không nghi ngờ rồi đưa chúng tôi lên cả máy bay đi cấp cứu tại bệnh viện Quy Nhơn. Sau đó, người mẹ hy sinh, để lại đứa con non chỉ 1,6kg nên phải nằm lồng kính cả nửa năm trời”. Đến năm 1968, tổ chức của ta bố trí đưa hai nữ đồng chí vào phá hủy kho đạn Đèo Son (Quy Nhơn) nhằm ngăn chặn âm mưu càn quét của địch trước khi kéo lên Tây Nguyên. Rồi hai nữ đồng chí hy sinh, để lại hai đứa con thơ dại, mẹ Hường lại đứng ra thay họ chăm sóc cả hai đứa nhỏ. “Con mẹ nhiều lắm, chúng ở nhiều tỉnh khác nhau, có đứa ở ngay Bình Định này, có đứa trong TP Hồ Chí Minh, có đứa tận bên Mỹ. Lâu lâu chúng cũng có viết thư về thăm mẹ, khi mẹ ốm chúng điện thoại hỏi thăm, mua quà cho mẹ. Nhưng lâu rồi mẹ không nhận tin các con nữa”, mẹ Hường nói.

Me-Huong130202.jpg

Mẹ Hường - Ảnh: TẤN TRỰC

MẸ HƯỜNG CỦA HÔM NAY

Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, bao hy vọng ngày vợ chồng đoàn tụ lại ùa về. Sau 21 năm thủy chung chờ đợi nhưng ngày trở về chồng bà lại dẫn theo bà vợ hai và 2 đứa con. Quá bất ngờ, buồn và một chút hờn trách chồng nhưng rồi mẹ Hường nghĩ, vợ chồng chưa có con với nhau nên bà đành hy sinh hạnh phúc riêng của mình, nhường chồng cho người vợ hai để sống cuộc sống bình lặng sau chiến tranh.

Sau đó, gia đình chồng phản đối, ông bà quay lại sống với nhau cùng người vợ hai và 2 con. Năm 1976, hai người có chung với nhau một cô con gái. Do tuổi cao nên việc sinh nở cũng khó khăn, đứa con chào đời nhỏ xíu lại hay ốm đau. Người con gái học đại học ra trường, mãi sau mới xin vào làm thống kê trong công ty giày dép tại Quy Nhơn.

Cuộc sống sau chiến tranh với mẹ Hường cũng nhiều vất vả. Ít lâu sau, bà vợ hai bệnh mất đi để lại 2 người con. Mẹ Hường lại thêm gánh nặng chăm lo nuôi dạy rồi lo cưới vợ, gả chồng cho 2 đứa con riêng của chồng. Tuy việc gia đình lo chẳng hết nhưng mẹ Hường vẫn tiếp tục gắn bó các hoạt động xã hội. Từ năm 1975-1988, từ làm ở phòng hộ sinh nhưng bên phụ nữ không có người nên bà Hường chuyển sang hội phụ nữ giữ chức Hội trưởng Hội Phụ nữ phường Đống Đa.

Cả đời cống hiến cho cách mạng, nuôi hàng chục người con của những đồng đội vàtrẻ mồ côi. Khi về nghỉ hưu, trăn trở với hoàn cảnh của những đứa trẻ mồ côi, học sinh nghèo hiếu học nên mẹ Hường xây dựng hũ tiền tiết kiệm và vận động các nhà hảo tâm để giúp đỡ các cháu.

Năm 1978, mẹ Hường vinh dự được mời ra Nhà hát Lớn Hà Nội báo cáo thành tích trong một hội nghị toàn quốc. Tại đây, mẹ Hường kể lại câu chuyện đời mình trong kháng chiến cũng như thời bình đã khiến những người có mặt tại hội nghị phải lặng người đi. Chính tại buổi gặp gỡ trò chuyện cảm động đó đã khiến các đạo diễn quyết định làm bộ phim “Huyền thoại về người mẹ” - Lấy mẹ Nguyễn Thị Hường là nguyên mẫu nhân vật chính trong phim và NSND Trà Giang làngười thủ vai chính này.

Sau này, đoàn làm phim về Bình Định dựng phim, mẹ Hường dẫn đoàn đi quay ở khắp các địa điểm bà từng hoạt động như đảo Yến, đầm Thị Nại, tịnh xá Ngọc Nhơn... suốt 6 tháng trời. Bộ phim khởi chiếu vào cuối năm 1980 đã làm hàng triệu trái tim khán giả phải rung động. Từ đó đến nay, cảm động về cuộc đời mẹ Hường, NSND Trà Giang thường điện thoại thăm hỏi, nhiều lần còn bỏ tiền túi và vận động báo chí giúp đỡ mẹ Nguyễn Thị Hường thay cho lời tri ân.

Trở về cuộc sống đời thường, với mức lương hưu trên 1 triệu đồng thật chưa xứng đáng với cống hiến mẹ dành cho cách mạng. Nhưng chưa bao giờ “người mẹ huyền thoại” than vãn kêu ca mà mẹ vẫn nhiệt huyết tham gia các hoạt động xã hội, giúp trẻ em nghèo vượt khó học giỏi.

TẤN TRỰC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Về “Thủ đô gió ngàn”
Thứ Sáu, 15/02/2013 15:00 CH
Chở tết ra Trường Sa
Chủ Nhật, 10/02/2013 18:00 CH
Tết đến từ những làng hoa
Thứ Bảy, 09/02/2013 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek