Sau những câu chuyện về Trường Sa thân yêu, có một Trường Sa đầy lãng mạn trong những lá thư vượt đại dương về đất liền, trong tình yêu đơm hoa kết trái… Tình yêu và hạnh phúc gia đình là chỗ dựa để người lính đảo vững vàng tay súng.
Con gái ra tận quân cảng Cam Ranh để mừng bố từ đảo trở về đất liền đoàn tụ với gia đình - Ảnh: H.MY
NHỮNG CHUYỆN TÌNH LÃNG MẠN
Sau giờ ăn trưa, trong khi mọi người trong đoàn công tác và cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Đông A vội ngã lưng, thì chiến sĩ Lê Ngọc Hưng (20 tuổi, quê ở tỉnh Thanh Hóa) ngồi cặm cụi, tỉ mẩn dán cho xong trái tim bằng que tăm tre, để kịp gửi theo thuyền về đất liền, tặng người yêu nhân ngày lễ Tình nhân (14/2). Hưng cho biết, em quen cô gái cùng quê Nguyễn Thị Hải, sinh viên Trường trung cấp Y Thanh Hóa từ khi còn học chung cấp 1, nhưng cả hai chỉ mới ngỏ lời yêu gần ba năm nay. Thực hiện nghĩa vụ quân sự tại đảo Đá Đông, Hưng vẫn thường gọi điện về tâm sự và động viên người yêu. Hưng chia sẻ: “Ngày lễ Tình nhân này trùng vào dịp kỷ niệm 3 năm yêu nhau của chúng em. Vì thế, từ giữa năm 2012, em đã điện thoại nhờ bạn trong đất liền mua giúp que tăm tre, keo dán, điện chớp nháy, gửi theo thuyền ra đảo để em xếp hình trái tim, làm quà tặng người yêu. Hy vọng bạn gái em sẽ bất ngờ với món quà này”.
Cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang vẫn thường trêu vui thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Trường năm qua được mùa vàng. Vì không chỉ được cấp trên khen ngợi có thành tích xuất sắc trong công tác, giữa tháng 6/2012, anh còn được vợ ra thăm và tết này, anh hoàn thành 2 năm tăng đảo, trở về sum tụ bên gia đình. Nói về tình yêu lãng mạn của mình, anh Trường bộc bạch: “Ngày đó, trong một lần về phép, tình cờ chở em gái tới nhà bạn của em chơi, ngay cái nhìn đầu tiên, tôi đã “say nắng” Huyền. Quyết “cưa” cho được cô ấy, nên những ngày tiếp theo, tối nào, tôi cũng chạy xe hàng chục cây số để tới nhà Huyền. Như muốn thử thách lòng kiên nhẫn của tôi, 2 tháng đó, trời mưa ròng rã như trút nước, nhưng tôi vẫn không bỏ cuộc. Cuối cùng, tấm chân tình của tôi cũng được Huyền đáp lại. Mọi chuyện tưởng như thuận buồm xuôi gió đến khi tôi đặt vấn đề làm đám cưới thì Huyền cự tuyệt. Lý do là Huyền không may bị bệnh phụ nữ, rất khó có con. Khi biết được sự thật, tôi không nản lòng mà càng quyết tâm với bản lĩnh của người lính, phải chở che cho người phụ nữ yếu đuối này. Tôi bảo với Huyền: “Con cái là lộc trời cho, nếu số anh đã không có con thì dù gặp em hay người khác cũng vậy thôi. Giờ anh chỉ biết rằng anh yêu em và muốn cưới em làm vợ”. Xúc động trước tình cảm chân thành của tôi, Huyền nhận lời cầu hôn. Chúng tôi tổ chức một đám cưới giản dị và ấm cúng. Một tuần sau, tôi phải xa vợ, nhận lệnh quay về đơn vị để chuẩn bị ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Thấu hiểu nỗi nhớ nhung, chờ đợi và hy sinh của cô ấy, nên tôi càng thương yêu vợ hơn”.
Mặc dù bây giờ Trường Sa đã được phủ sóng điện thoại, mạng 2G, nhưng nhiều lính đảo vẫn giữ thói quen viết thư cho người thân, bạn gái. Bởi theo họ, thư tay sẽ nói được nhiều điều mình muốn, giữ được những kỷ niệm đáng nhớ. Và từ những lá thư này, nhiều lính đảo đã nên duyên chồng vợ. Thiếu tá Lưu Quang Sắc (quê ở tỉnh Thái Bình), Chính trị viên điểm đảo Thuyền Chài B cho biết chính nhờ những lá thư nơi đảo xa, anh đã cưới được cô vợ xinh xắn. Năm 2000, anh Sắc nhận nhiệm vụ công tác tại quần đảo Trường Sa. Bấy giờ, chưa có sóng điện thoại, internet. Để nối liền khoảng cách giữa đảo xa và đất liền, thường có chương trình viết thư giao lưu giữa chiến sĩ Trường Sa và sinh viên các trường cao đẳng, đại học. Lá thư làm quen anh Sắc đến tay cô sinh viên Vũ Thị Kim Chung (Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang) và được cô trân trọng, hồi âm. Cứ cách sáu tháng, những cánh thư chở bao thương nhớ, lại vượt sóng gió, từ đất liền ra đảo, rồi từ đảo về lại đất liền. Sau hai năm thư từ, tình yêu bắt đầu nhen nhóm trong hai người. Trong một lần về phép, anh Sắc đã hẹn gặp người yêu, tỏ tình. Sau bốn năm quen và yêu nhau, họ quyết định xây dựng tổ ấm. Bây giờ, anh Sắc và chị Chung đã có hai cháu nhỏ là Lưu Vũ Đình Nhật (6 tuổi) và Lưu Vũ Diệu Linh (4 tuổi). Hằng ngày, ngoài trao đổi qua điện thoại, anh chị vẫn giữ thói quen viết thư tay gửi cho nhau. Chị Chung còn dạy cho con trai lớn nắn nót viết nhật ký hằng ngày để mỗi khi có tàu ra đảo, gửi tặng bố, như một món quà giúp anh vơi đi nỗi nhớ nhà. Anh Sắc nói: “Mối tình nào của lính Trường Sa cũng đặc biệt. Bởi vì xa xôi cách trở, chẳng mấy khi được gặp mặt, nên phải có tình cảm sâu đậm lắm, phải có duyên có nợ thì mới về sống chung một nhà”.
Chiến sĩ đảo Sinh Tồn Lớn được người yêu tặng một nụ hôn mừng anh hoàn thành nhiệm vụ giữ đảo để về lại đất liền - Ảnh: H.MY
GIA ĐÌNH LÀ ĐIỂM TỰA
Trong những ngày đoàn công tác lưu lại các đảo, tôi thường lân la nghe các cán bộ, chiến sĩ ở đây tâm sự về gia cảnh của mình. Bởi dường như sau những lời kể mộc mạc, chân chất của các anh, tôi bắt gặp trong những ánh mắt sáng rực thương yêu và tự hào là cả một nỗi nhớ đất liền và khát khao đoàn viên. Mỗi khi đón một đoàn công tác ra thăm đảo, lính Trường Sa thường có thói quen gọi điện về khoe với gia đình, sau đó chuyền điện thoại cho khách nói chuyện với người nhà, nghe các con anh hát tặng, nghe vợ anh tỉ tê tâm sự như đã thân thiết từ lâu. Các anh bảo đây là một niềm vinh dự, niềm vui vì lâu lắm mới nhận được hơi ấm của đất liền, nên rất cần sẻ chia.
Trong chuyến tàu ra đảo đợt này, đất liền gửi nhiều vật phẩm ra đảo, trong đó có nhiều món quà của các gia đình gửi tặng cho người thân là lính đảo. Đó là hai bức tranh vẽ hoa lá, phong cảnh do con trai và con gái đang tuổi mẫu giáo gửi tặng cho bố Sắc ở đảo Thuyền chài B. Những họa tiết đơn giản, đường nét và sắc màu còn ngây thơ và hồn nhiên nhưng với thiếu tá Sắc, chúng là món quà tinh thần đáng giá hơn gì hết. Nét chữ run run, cậu con trai 6 tuổi vừa bì bõm học chữ của anh, viết: “Bố ơi! Chúng con nhớ bố. Chúng con yêu bố. Chúng con mong bố về lắm”. Là chiếc kèn acmonica và cây sáo mà người mẹ nghèo ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) gửi cho cậu con trai Trịnh Minh Cảnh, đang thực hiện nghĩa vụ quân sự ở đảo Trường Sa Đông để thổi những khi nhớ nhà. Cảnh nói: “Đi lính xa nhà, mới thấy thương gia đình, nhất là mẹ. Cứ vài ngày, mẹ lại gọi điện ra thăm hỏi. Rồi sợ con làm nhiệm vụ ngoài đảo sống thiếu thốn, ăn uống không đủ chất, mẹ lại lục đục làm cà pháo muối, phơi cá khô, gửi ra theo tàu. Tôi chợt thấy hối hận về những lúc đã làm ba mẹ phải buồn và lo nghĩ về mình trước đây. Mong ước lớn nhất là hoàn thành nghĩa vụ quân sự với Tổ quốc, trở về đoàn tụ với gia đình, sống vui vẻ trong tình thương của ba mẹ và anh chị”.
Với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, hậu phương vững chắc chính là nền tảng tiếp thêm sức mạnh để họ vững tâm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vì sống xa nhau nên để gìn giữ hạnh phúc gia đình, người lính đảo cũng có những bí kíp riêng. Theo Trung úy Huỳnh Như Thảo, công tác tại điểm đảo Thuyền Chài B, đồng cảm, sẻ chia và thủy chung chính là yếu tố quan trọng giúp tổ ấm của người lính đảo vẹn tròn. Anh Thảo bộc bạch: “Tôi quen và cưới vợ chỉ trong vòng một tháng khi tôi được về nghỉ phép. Trước khi đến với nhau, hai đứa cũng đã từng đổ vỡ trong tình yêu đầu. Và thực sự, khi mới cưới nhau, chúng tôi cần nhau hơn là yêu nhau. Bây giờ, qua thời gian vun đắp, tình cảm vợ chồng càng khắng khít, không thể tách rời. Để hôn nhân vững bền, trong mọi chuyện, chúng tôi đều chia sẻ, thăm dò và tôn trọng ý kiến của nhau. Bất kể khi mua một đồ đạc nào trong nhà hay làm một việc gì đó, chúng tôi đều bàn bạc và cùng quyết. Đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn”.
Bài 4: Khi Tổ quốc cần...
HÀ KIỀU MY