Chủ Nhật, 06/10/2024 00:36 SA
Những anh lính nuôi quân thầm lặng
Thứ Bảy, 09/02/2013 14:00 CH

Tại các đảo và trên những chuyến tàu đưa, đón các đoàn công tác, thân nhân chiến sĩ từ đất liền ra thăm Trường Sa luôn có những người lính thầm lặng, làm nhiệm vụ ở tuyến sau. Họ là lực lượng quan trọng đảm bảo hậu cần, vừa là cầu nối quan trọng giữa đất liền và đảo, vừa giúp cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa vững tâm vượt qua khó khăn để chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 

hinh-130208.jpg

Nấu ăn trên tàu trong điều kiện con tàu bị sóng gió làm chao đảo liên tục, các bếp trưởng phải chằng buộc dây cẩn thận để tránh nguy hiểm

VƯỢT SÓNG TO, GIÓ DỮ ĐỂ PHỤC VỤ

 

“Gần một tháng lênh đênh cùng con tàu HQ571 để trao quà tết và thực hiện nhiệm vụ thay thu quân ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), đoàn công tác chúng tôi đã nhận được sự phục vụ ân cần của cán bộ, chiến sĩ trên tàu và tại các đảo. Chính sự phục vụ chu đáo, tận tình đã giúp những người lần đầu đến với Trường Sa như chúng tôi vượt qua những cơn say sóng, đảm bảo sức khỏe để đến được với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo của Trường Sa thân yêu, cùng ăn, cùng ngủ để hiểu rõ hơn tâm tình và đời sống của người lính nơi hải đảo. Qua đó, chúng tôi càng khâm phục sự kiên cường vượt khó và quý mến hơn tấm lòng, tình cảm của các anh dành cho đất liền” - ông Nguyễn Phú Yên, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Dương đã xúc động khi nói về những người lính hậu cần trên tàu HQ571 và tại các đảo chìm, đảo nổi mà đoàn công tác của chúng tôi đã đặt chân đến trong suốt chuyến hải trình.

 

Từ ngày đầu khi con tàu rẽ sóng rời quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), đoàn phóng viên báo chí và cán bộ, chiến sĩ nhận nhiệm vụ tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã được những người lính hậu cần của tàu HQ571 phục vụ rất ân cần và chu đáo. Ngày ba bữa, cứ đúng giờ, lại vang lên trên loa thông báo: “Tổ phục vụ Lữ đoàn 146 thông báo: đã đến giờ cơm, xin mời chiến sĩ các đảo về nhà ăn khu C nhận cơm. 15 phút sau, xin mời thủ trưởng đoàn công tác và phóng viên, báo chí về nhà ăn dùng cơm”. Có nhiều người, không chịu được say sóng, vừa lên tàu, đã nằm vật ra. Không ai bảo ai, các chiến sĩ hậu cần của tàu ngày ba bữa, đều đặn thăm hỏi và chu đáo phục vụ theo nhu cầu, mang cơm, cháo đến tận phòng ở.

 

Có quan sát công việc nấu ăn của lính hậu cần trên tàu HQ571 mới hiểu hết nỗi vất vả và sự thầm lặng vượt khó của các anh. Trong không gian bếp chật hẹp khoảng 30m2, 12 thành viên của tổ phục vụ bếp ăn tất bật chuẩn bị thức ăn. Trong khi thớt trưởng tay thoăn thoắt thái thịt luộc, cơm trưởng mồ hôi nhễ nhại, tỉ mẩn xới cơm cho chín đều, thì hai bếp trưởng bấm chặt ngón chân xuống sàn tàu, người giữ quai nồi, người chằng buộc nồi nước nóng vào các thanh trên bếp bằng dây thừng để những lúc tàu rung lắc vì gặp sóng lớn, nồi thức ăn không chòng chành, đổ tháo gây nguy hiểm. Theo thiếu tá Nguyễn Hồng Sơn, Tổ trưởng tổ phục vụ nhà bếp, ngày của các anh nuôi bắt đầu từ 3g sáng với việc nhặt nhạnh rau, thái thịt, vo gạo nấu cơm để có bữa sáng vào lúc 6g, sau đó lại tất bật rửa chén đũa để chuẩn bị bữa trưa, tối và kết thúc công việc vào lúc 23g. “Chọn được anh nuôi theo tàu rất khó. Bởi lẽ ngoài nấu ăn ngon, họ phải có sức khỏe, chịu đựng được sóng gió. Trước chuyến ra khơi này, chúng tôi tuyển chọn từ gần 600 chiến sĩ hậu cần trong đất liền, sau đó chọn 12 người để phục vụ đoàn công tác. Vậy mà khi tàu nhổ neo, chỉ có một nửa thành viên không say sóng. Tuy vậy, chúng tôi vẫn phải đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn để đảm bảo cho mọi người đi trên tàu được ăn no, ngủ yên”, anh Sơn tâm sự.

 

Trên những chuyến tàu từ đất liền ra thăm đảo, ngoài bộ phận nhà bếp phục vụ ăn uống, tổ chiến sĩ cấp lương thực cũng phải luôn hoạt động “hết năng suất”. Vì phải luôn có mặt dưới hầm tàu để bảo quản hàng hóa nên họ được xem là những người lính “dạn sóng” nhất tàu. Dù có bão cấp 5, cấp 6, dù bị sóng tung đến “hoa mày chóng mặt” nhưng những người lính hậu cần vẫn phải luyện nhịn say sóng, kiểm tra, đảm bảo hàng hóa không bị hư hỏng…

 

Hầu hết các đảo ở Trường Sa không có cầu cảng. Vì vậy, hàng hóa và các thành viên trong đoàn công tác được tổ thủy thủ đưa xuống từng chiếc xuồng để di chuyển vào đảo. Những lúc sóng to, gió lớn, chiếc xuồng chuyển tải như một chiếc lá nhỏ bập bùng trên mặt sóng biển mênh mông nước. Người lính hậu cần phải lựa từng cơn sóng đưa người, hàng xuống xuồng sao cho không bị ướt, không bị rơi và không bị lật. Thiếu tá Nguyễn Văn Sửu, thuyền trưởng tàu HQ571 cho biết: “Căng thẳng và mệt nhọc nhất là những lúc biển nổi sóng to gió dữ, hay khi vào bờ gặp nước cạn. Sơ suất là lật xuồng, mất hàng hóa. Tất cả những người lính hậu cần của chúng tôi đều hiểu được tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn cho người và hàng khi đến các đảo, nhất là khi ngày tết đang cận kề. Bởi đó là niềm vui, niềm động viên từ đất liền gửi những người đồng đội đang ngày đêm chắc tay súng nơi tiền tiêu Tổ quốc được ăn một cái tết cổ truyền ấm cúng, no đủ”.

 

hinh-2130208.jpg

Các chiến sĩ còn tích cực tăng gia sản xuất bằng cách nuôi heo để cải thiện bữa ăn. Trong ảnh: Chiến sĩ đảo An Bang chăm đàn heo.

LÍNH NUÔI QUÂN TRÊN ĐẢO

 

Những ngày lưu lại trên các đảo, đoàn công tác chúng tôi luôn được bộ phận hậu cần của các đảo tiếp đón và phục vụ chu đáo. Sự tận tình được các anh thể hiện từ việc trang bị những thau nước ngọt (nước mưa được hứng) để khách rửa mặt, nhường chỗ ngủ… Thượng tá Trịnh Văn Long, nguyên Chỉ huy đảo Trường Sa lớn (sẽ về đất liền nhận nhiệm vụ mới) chia sẻ: “Trong năm 2012, đảo Trường Sa Lớn được đón 17 đoàn công tác của Quân chủng, của vùng và các cơ quan Trung ương, đảng và chính quyền các địa phương, đặc biệt là chuyến thăm của thân nhân các chiến sĩ trên đảo. Các chiến sĩ ở Trường Sa vì làm nhiệm vụ xa đất liền, xa nhà, thiếu vắng hơi ấm của đất liền, nên mỗi khi nghe tin đón các đoàn ra thăm đảo, chúng tôi vui mừng và trông ngóng lắm. Cho nên, dẫu có khó khăn, vất vả, chúng tôi vẫn luôn dành cho đoàn sự tiếp đón, phục vụ tốt nhất, như người thân của chính mình”.

 

Cả những khi có khách viếng thăm đảo, hay vào những ngày bình thường, đều đặn, các lính hậu cần vẫn tỉ mẩn với công việc bếp núc của mình. Ở đảo An Bang, một ngày của trung úy Trần Phi Doãn (40 tuổi, quê Hà Tĩnh) bắt đầu từ lúc 4g sáng, khi các đồng đội còn say giấc ngủ thì anh đã phải dậy để chuẩn bị bữa sáng. Là lính hậu cần, công việc của anh Doãn là đảm bảo ngày ba bữa cơm đầy đủ chất cho đồng đội. Với nước da sạm đen, nụ cười tươi rói, đang chế biến các món ăn từ thịt heo cho bữa “tiệc” đãi đoàn, bếp trưởng Doãn bộc bạch: “Ở Trường Sa, công việc của lính hậu cần vất vả gấp nhiều lần so với đất liền. Ngoài thiếu nguồn rau quả tươi sống và những gia vị cần thiết, chúng tôi vẫn phải chế biến các món ăn đa dạng, có đủ hương vị của đất liền để đồng đội dễ ăn, đảm bảo sức khỏe sẵn sàng chiến đấu”.

 

Ngoài số lương thực, thực phẩm được mang ra từ đất liền, anh Doãn còn cùng các chiến sĩ trên đảo An Bang tăng gia sản xuất cải thiện bữa ăn bằng cách trồng rau, chăn nuôi heo, gà, vịt, đánh bắt thủy hải sản… Anh khoe: “Trên đảo có thể trồng được mồng tơi lá to hơn cả hai bàn tay xòe ra, rau muống thì xanh mướt… nên không sợ cảnh thiếu rau ăn. Vì ở đây, nguồn nước ngọt khan hiếm, các chiến sĩ thường tận dụng nước qua sử dụng để tưới rau và hay đi nhặt các miếng ván trôi nổi trên biển để về che chắn rau cho đỡ bị gió biển và nước mặn xâm hại”.

 

Tại các đảo chìm, thường không có người phụ trách công việc bếp núc mà các cán bộ, chiến sĩ, ngoài nhiệm vụ tập luyện kỹ thuật chiến đấu, bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, còn gánh vác thêm công việc này. Trung úy Huỳnh Như Thảo, công tác tại đảo Thuyền Chài tâm sự: “Cán bộ, chiến sĩ nào trên đảo cũng nấu ăn rất giỏi, trồng rau xanh và chăn nuôi rất cừ. Không ai bảo ai, cứ đến giờ, chúng tôi lại chia việc cùng làm trong vui vẻ và hòa thuận”.

 

Trung tá Đỗ Xuân Vạn, trợ lý cán bộ Vùng 4 Hải quân cho biết: “Công việc của những người lính hậu cần ở Trường Sa rất vất vả. Ở các đảo nổi, ngoài việc thức khuya, dậy sớm nấu nướng đảm bảo sức khỏe cho đồng đội 3 bữa/ngày, họ còn kiêm thêm công tác thủ kho, chịu trách nhiệm bảo quản hàng hóa và cấp phát đúng, đủ cho từng tiểu đội. Còn ở các đảo chìm, các chiến sĩ cùng chia việc cho nhau làm. Thấu hiểu được đời sống khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ tại Trường Sa, ngoài việc tăng cường các chuyến hàng cấp nhu yếu phẩm, hàng hóa ra các đảo, chúng tôi luôn động viên, chỉ đạo anh em nỗ lực tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn. Cán bộ, chiến sĩ có sức khỏe mới yên tâm chiến đấu tốt”.

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Về “Thủ đô gió ngàn”
Thứ Sáu, 15/02/2013 15:00 CH
Huyền thoại mẹ Hường
Thứ Sáu, 15/02/2013 07:00 SA
Chở tết ra Trường Sa
Chủ Nhật, 10/02/2013 18:00 CH
Người xung khắc với rắn
Chủ Nhật, 10/02/2013 11:00 SA
Tết đến từ những làng hoa
Thứ Bảy, 09/02/2013 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek