Tháng Chạp, khi Trường Sa ưỡn mình đón thêm cơn bão mới, cũng là lúc những chuyến tàu của Vùng 4 Hải quân, Bộ Quốc phòng mang quà tết từ đất liền ra với lính đảo. Vượt trùng khơi bộn bề sóng vỗ, chuyến tàu HQ-571 đã mang hơi ấm và tấm lòng của đồng bào cả nước đến với các đảo ở khu vực phía nam quần đảo Trường Sa.
Thiếu úy Đoàn Quốc Cường tặng hoa ốc biển cho người yêu khi cô vừa đặt chân đến quân cảng Cam Ranh - Ảnh: H.MY
HÀNH TRÌNH CỦA YÊU THƯƠNG
Ngày con tàu rời quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) mang quà, lương thực, thực phẩm thiết yếu của ngày tết ra Trường Sa cũng là lúc nơi đây oằn mình đón bão. Sau một đêm rồi một ngày vượt sóng, vượt gió, chúng tôi đặt chân đến đảo chìm đầu tiên - đảo Đá Lát lúc trời chập choạng tối. Nằm chơi vơi giữa biển khơi, đảo nhỏ hiện ra gần gũi và thân thuộc. Sau phút đón chào trịnh trọng và những cái ôm nồng ấm, toàn bộ chiến sĩ, bộ đội có mặt đầy đủ, nhanh chóng vận chuyển hàng tết từ xuồng CQ vào đảo. Kết thúc ngày, đoàn công tác được các chiến sĩ “đãi” một bữa ăn ấm cúng với đầy đủ thịt, cá và rau xanh - đặc sản nơi đây.
Hành trình trao quà tết với các đảo Đá Tây, Trường Sa Lớn gặp nhiều trở ngại hơn khi Trường Sa liên tiếp đón nhận bão và áp thấp nhiệt đới. Tàu phải di chuyển đến lòng hồ Đá Tây giữa quần đảo Trường Sa và nằm chênh vênh trú bão ở đó suốt nhiều ngày, đêm. Mọi người cùng ăn, ngủ và chống chọi với cảnh lắc lư của con tàu theo sóng bổ. Sóng gió làm cho nhiều người mệt lả, nhưng mỗi khi di chuyển từ tàu HQ-571 xuống xuồng CQ vào một đảo mới trao quà, thay quân, ai cũng phấn khởi. Các đảo chìm Đá Tây, Thuyền Chài đẹp như một bức tranh, còn các đảo Trường Sa Đông, An Bang như viên ngọc xanh nổi lên giữa biển nước. Trong khi đó, Trường Sa Lớn là thủ đô giữa biển Đông với các công trình được xây dựng ngày càng quy mô, khang trang như Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Bia tưởng niệm liệt sĩ, Nhà văn hóa, Nhà khách Thủ Đô… Vẻ đẹp của đảo cùng sự chào đón nồng nhiệt của các chiến sĩ, đã làm cho khách đến Trường Sa có cảm giác thân thuộc như được về nhà.
Trong gần một tháng, tàu di chuyển qua 14 đảo, điểm đảo thuộc khu vực phía nam quần đảo Trường Sa để chuyển giao quà tết của các đơn vị đến lực lượng chiến sĩ và các hộ dân sinh sống ở đây. Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Phó lữ đoàn trưởng quân sự Lữ đoàn 146 đoàn Trường Sa, Trưởng đoàn công tác phía Nam, tâm sự: “Những chuyến hàng mang quà tết có ý nghĩa rất lớn với lực lượng chiến sĩ làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. Các chiến sĩ ở ngoài khơi những ngày này luôn mong ngóng và trông chờ những chuyến tàu tết ra đảo, bởi họ rất vui khi được hơi ấm của đất liền tiếp sức trong những ngày tết đến xuân về phải xa nhà, xa quê làm nhiệm vụ. Những chuyến tàu tết này giúp đất liền và đảo xa như xích lại gần nhau”.
Các chiến sĩ Đảo Trường Sa lớn trang trí cây đào Tết - Ảnh: HÀ MY
MÙA XUÂN ẤM ÁP
Những ngày theo tàu HQ-571 trao quà tết ở Trường Sa, chúng tôi được nghe những câu chuyện ngày tết ở đảo.
Dù ở đảo chìm hay đảo nổi, các chiến sĩ đều được đơn vị tổ chức đón tết đầy đủ và đầm ấm như trong đất liền. Ngoài những con heo béo, bánh mứt, nước ngọt và nhiều thứ khác được mang ra từ đất liền, những ngày này, các chiến sĩ tại các đảo còn tích cực tăng gia sản xuất bằng cách trồng rau xanh, cây ăn quả, nuôi thêm gà, vịt, heo… để làm phong phú hơn cho thực đơn ngày tết. Những cây mai vàng của miền Nam, đào Nhật Tân của miền Bắc, quất nặng trĩu quả, những cây tre “giữ làng, giữ nước” cũng được mang ra đảo để trang trí cho ngày tết thêm sắc màu. Tại một số đảo, các chiến sĩ còn tận dụng cả cây phi lao, cây bàng vuông, gắn hoa vàng, dây điện chớp nháy để trang trí trong phòng ở. Theo Đại úy Trương Công Pháp, Chính trị viên Trạm Rađa Đảo Trường Sa Lớn, quê ở xã Hòa Tân Đông, Đông Hòa, ngày tất niên của các chiến sĩ trên đảo Trường Sa Lớn được tổ chức vào ngày 29 tết. Từ sáng sớm, các lực lượng công tác trên đảo tập trung thắp hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ và các liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ đảo. Tiếp đó, chiến sĩ của các cụm tập trung chia nhau các phần việc mổ heo, gói và nấu bánh chưng, trang trí bàn thờ Tổ quốc… Đêm giao thừa, mọi người sum vầy bên nhau hái hoa dân chủ nhận bao lì xì, văn nghệ… “Đặc biệt, để tết ở đảo không kém phần tươi vui như ở đất liền, cùng với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, cấp ủy, chỉ huy đảo còn tổ chức nhiều hoạt động thu hút đông đảo cán bộ chiến sĩ tham gia, như thi gói bánh chưng, trang trí mâm ngũ quả, thi làm báo tường xuân, làm cành đào, cành mai, giao lưu văn nghệ, thi các môn thể thao…”, anh Pháp cho biết thêm.
Chiến sĩ Nguyễn Văn Hoan, quê ở phường 9, TP Tuy Hòa, làm công tác trắc thủ Rađa tại Đảo Đá Tây chia sẻ: “Đây là cái tết thứ hai tôi ăn tết ở đảo, lần trước là tại đảo nổi Trường Sa Lớn, lần này là tại đảo chìm Đá Tây. Tết đến, ai cũng muốn sum vầy bên gia đình, nhưng vì nhiệm vụ nên chúng tôi sẵn sàng. Những hoạt động tổ chức vui xuân, đón tết ở đơn vị rất bài bản, màu sắc, làm chúng tôi vơi bớt nỗi nhớ nhà và thấy lòng ấm áp, phấn khởi hơn trước xuân mới để tiếp tục vững vàng tay súng bảo vệ biển đảo của Tổ quốc”.
Mùa xuân đến cũng là dịp để các cán bộ, chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ trở về đất liền ăn tết bên gia đình. Thiếu úy Đoàn Quốc Cường, vừa hoàn thành nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn Lớn, quê ở tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Tôi đã làm một cây ốc biển rất đẹp để dành tặng người yêu. Sau hai năm yêu nhau, tết này, tôi quyết định ngỏ lời cưới nàng”.
Giữa mùa xuân ngập tràn, ngày tết cổ truyền đang đến gần, lòng người chộn rộn và tất bật hơn. Tạm biệt mùi hương lá tra, mùi thơm ngái của những búp bàng vuông đang đơm dưới nắng xuân cùng các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa, chúng tôi mang về đất liền là tình người dạt dào nơi biển khơi và niềm tin vào mùa xuân mới, các anh vẫn vui xuân đón tết ấm áp như ở đất liền và luôn vững chắc tay súng.
HÀ MY