Giữa một vùng quê đầy nắng, cát và gió, có một vị lương y nghèo, quanh năm thầm lặng chữa bệnh rắn cắn cứu người nhờ phương thuốc gia truyền. Duyên nghề và đức độ của ông được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến như một thầy thuốc giỏi. Người đó chính là Trần Văn Bảy (SN 1950, ở xóm Gò Ốc, thôn Thọ Lộc, xã Xuân Bình, TX Sông Cầu).
Thầy Trần Văn Bảy đang khám bệnh cho bệnh nhân - Ảnh: TUY AN
CHỮA RẮN ÐỘC CẮN BẰNG LÁ CÂY
Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 giữa một vùng cát, ông Trần Văn Bảy rất vui vẻ, kể về việc hành nghề của mình: “Khoảng năm 1987, tôi có dịp được gặp thầy Tám Hiền người Phan Rang về làng này thăm người quen, rồi gặp và chữa cho một người bị rắn hổ phù cắn gần chết đã sống lại chỉ bằng vài nắm lá cây. Ngưỡng mộ tài năng của thầy, tôi xin làm “đệ tử” và được thầy Hiền đồng ý. Thế là suốt 3 năm sau, thầy Hiền đã tin tưởng truyền nghề cho tôi”. Từ đó đến nay, ông Bảy đã chữa bệnh cứu được rất nhiều người bị rắn độc cắn.
Mấy mươi năm qua, toàn bộ danh sách bệnh nhân đến chữa bệnh đều được ông ghi chép và lưu giữ cẩn thận trong nhiều cuốn sổ. Nói về cách đoán bệnh, ông bật mí: “Khi bệnh nhân đến, chỉ nhìn vết thương đã xác định được khoảng 70% loại rắn cắn. Những loại rắn cực độc thường là nhóm rắn hổ (hổ trâu, hổ chúa, hổ phù, hổ lửa, hổ đất…) và rắn mai gầm. Loại rắn này vết cắn to, dấu răng hàm in rõ trên da người và thường có vết bầm tím xuất hiện rất nhanh sau khi bị cắn. Nhóm thứ hai có vết cắn nhỏ, dấu răng dày khít, ít độc hơn gồm rắn lục và các loại rắn khác”. Nhờ đoán được vết cắn và chia làm hai nhóm cực độc với ít độc mà thầy đã biết cách cấp cứu, điều trị chính xác.
Ngoài cách đoán bệnh, phương thuốc chữa bệnh của ông Bảy là sự tổng hợp những loại lá cây. Tuy nhiên, để làm được điều này, ngày ngày ông phải tĩnh tâm, nghiên cứu tài liệu. Những cây thuốc trồng được, ông trồng ngoài vườn, những cây không trồng được phải đi xa lấy. Những loại thuốc khó phải chế biến để sẵn trong nhà. Có thuốc rồi, cách chữa là khâu quan trọng nhất. Theo ông, khi tiếp bệnh nhân nhất thiết ông phải buộc ga rô, xác định vết cắn đó thuộc nhóm rắn nào, sâu cạn, vị trí, mức độ nguy hiểm biểu hiện trên thể trạng nạn nhân mà có cách thêm bớt thuốc khác nhau. Bước tiếp theo là phải nẻ máu bằng cách rạch dọc chỗ vết cắn một đường ngắn rồi dùng tay nặn máu độc chảy ra, tuyệt đối không dùng miệng hút vì dễ nhiễm khuẩn vết thương và tránh chất độc vào cơ thể ta. Thuốc ông dùng thường là 8 loại lá cây gồm: bạch hoa xà, kim hoàng, nam thiên hoa phấn, cây nổ lá nhỏ, lá bàn biển, lá trầu lương, đọt thơm non, lá bồ ngót. Mỗi loại lá hái độ một nắm tay người, giã nhỏ hòa với nước cho uống ngay, nếu bệnh nhân nào không há miệng được phải cạy miệng hoặc đặt ống và phải đổ thuốc vào cơ thể kịp thời. Xác thuốc không vứt đi mà dùng đắp lên xung quanh vết cắn rồi cho bệnh nhân nằm thở đều, tiếp tục theo dõi tình trạng bệnh qua sắc diện và triệu chứng biểu hiện. Thông thường, chỉ sau độ 15 phút, thuốc sẽ có hiệu quả. Những trường hợp đáp ứng chậm, tình trạng bệnh nhân mệt kéo dài khoảng độ vài tiếng đồng hồ rồi cũng sẽ tỉnh. Sau khi tỉnh, bệnh nhân có biểu hiện vã mồ hôi, nôn ọe và khát nước liên tục. Ngoài thuốc uống và đắp tại chỗ, sau khi cấp cứu xong ông còn cho thêm vài gói thuốc cũng được chế biến bằng lá cây về nhà uống. Ca nào nặng thì 5-6 ngày, ca nào nhẹ thì 2-3 ngày. Ông Bảy khẳng định: “Hễ ca rắn cắn nào đến đây kịp thời đều được chữa khỏi và tuyệt đối không để lại biến chứng gì, kể cả những ca đã hoại tử thịt hay tắt mạch máu”. Trong thời gian điều trị, tuyệt đối không được uống rượu bia.
Ngoài rắn, người bị các con vật khác như rết, cóc, đẻn biển, nhện... cắn, ông Bảy cũng chữa hết và chưa “đầu hàng” bất kỳ ca bệnh nào. Kèm với uống lá, ông còn kết hợp với xoa bóp, bấm huyệt và dùng các phương pháp đông y để điều trị nhiều bệnh nan y khác.
Thầy Trần Văn Bảy đang chăm sóc cây thuốc - Ảnh: TUY AN
CHƯA CÓ TRƯỜNG HỢP SƠ SẨY
Ông Bảy còn nhớ như in họ tên, triệu chứng của những người bị rắn cắn nặng. Đó là trường hợp ông Lê Hòa, người cùng địa phương bị rắn hổ phù khoảng 2,5kg cắn năm 2002. Người nhà ông Hòa đã đưa ông đến cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Phú Yên. 3 ngày sau, bác sĩ “chê” bệnh, người nhà nhớ đến thầy và về tận nhà xin thuốc đem vào cho ông uống, chỉ một thời gian ngắn, tình trạng bệnh đã được cải thiện rồi khỏi hẳn, ông Hòa sống đến nay. Trường hợp khác là chị Nguyễn Thị Ngọc Hân ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định được người nhà đưa vào nhà ông cấp cứu khi toàn thân đã tím tái vì rắn khô mộc cắn. Ông Bảy đã cứu sống sau đó 2 ngày cũng từ bài thuốc trên. Có lần một người ở Hà Nội nghe tin ông Bảy giỏi nhưng vì quá xa xôi nên không chuyển người bệnh vào kịp, họ đã gọi điện mời ông mang thuốc bay ra Hà Nội giúp, hết bao nhiêu tiền họ trả. Vì đường sá quá xa xôi, với lại sợ đi xa lâu ngày, ở nhà lỡ có ai bị nạn thì không có ông để giúp. Do vậy, ông đã làm thuốc rồi gửi nhanh ra Hà Nội. Sau khi nhận được thuốc và làm theo chỉ dẫn, bệnh nhân đã khỏi, họ gửi lời cảm ơn, hậu tạ và bảo sẽ nhớ ơn suốt đời. Gần đây nhất là trường hợp bà Nguyễn Thị Đào ở thôn Thạch Khê, xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu) bị rắn hổ đất cắn khi đi làm đồng, được đưa đến chỗ ông lúc 21g ngày 29/11/2011 trong tình trạng thân thể tím tái, sốt cao, ông cũng chữa khỏi chỉ bằng nắm lá cây. Đến nay, ông Bảy đã cứu sống hàng ngàn bệnh nhân trên khắp cả nước. Ngoài làm phúc cứu người, ông còn phô tô tài liệu do tự tay mình ghi chép tên bài thuốc, cách dùng… gửi cho những ai cần ở khắp 63 tỉnh thành.
Điều đáng khâm phục là suốt gần 30 năm chữa bệnh, ông không chạy và cũng không để xảy ra trường hợp sơ sẩy đáng tiếc nào. Hiện ca nào nặng nhất, điều trị dài ngày ông cũng chỉ lấy cao nhất 150.000 đồng là tiền công đi hái thuốc, những ca nhẹ chỉ 20.000-50.000 đồng, những trường hợp gia đình khó khăn thì không lấy tiền. Cảm kích trước tấm lòng của người đã cứu sống mình, năm 2006, có một Việt kiều từ Hà Lan trở về thăm quê, thấy ông còn khó khăn, nhà tranh vách đất nên đã giúp đỡ ông sửa lại căn nhà nhỏ này trị giá khoảng 15 triệu đồng. Năm rồi, ông Việt kiều này trở về quê lần nữa cũng đã đến thăm ông và có tặng một chiếc áo làm kỷ niệm. Ngoài ra, còn có nhiều bệnh nhân đến thăm và ủng hộ về vật chất nhưng ông đều từ chối.
Ngoài giờ chữa bệnh tại nhà, ông Bảy còn kiêm thêm chức Phó chủ tịch Hội Đông y xã, Trưởng ban An ninh trật tự thôn. Trên bức tường chật hẹp nhà ông có rất nhiều giấy khen, bằng khen của huyện, tỉnh về thành tích chữa bệnh cứu người.
Ông Nguyễn Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Xuân Bình chia sẻ: “Thầy Trần Văn Bảy hành nghề rất hiệu quả và có cái tâm trong sáng, được nhiều người tin tưởng. Đây là niềm tự hào của địa phương, Chúng tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện cho thầy làm việc tốt hơn”.
TUY AN