Chủ Nhật, 24/11/2024 22:53 CH
Bừng lên sức sống Trường Sa
Bài 2: Bình yên nơi biển đảo
Thứ Sáu, 01/03/2013 14:00 CH

Bài 1: Vững tin với Trường Sa

Những vườn rau vẫn xanh mơn mởn trước gió, những cây bàng vuông đơm hoa kết trái trên đảo chìm và các loài chim lưu trú đã xem đảo như là tổ ấm… Sức sống của Trường Sa không chỉ hiện diện qua sự thay đổi từ diện mạo của các đảo, mà còn thể hiện trong sự sinh sôi, nảy nở của cây cối, chim chóc… Một Trường Sa bạt ngàn xanh và thanh bình…

ts-4130301.jpg

Cán bộ, chiến sĩ đảo chìm Đá Tây trồng rau mồng tơi để cải thiện bữa ăn - Ảnh: H.MY

PHỦ XANH ĐẢO TRỐNG

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Đảo chìm” và là người lính tại đảo chìm Thuyền Chài gần 30 năm về trước, lần thứ 3 quay lại đảo đã liên tục thốt lên: “Ngạc nhiên! Quá ngạc nhiên!”. Ông cho biết trước đây cây cối rất ít, thường bị bão táp nên cây cằn khô, không được nõn nà. Bây giờ trở lại, Trường Sa mát mẻ, trù phú như công viên sinh thái, cây cối mỡ màng, không khí rất trong lành. Thật vậy, từ trên tàu lớn, ngắm nhìn từ xa, các đảo Trường Sa Đông, Trường Sa, An Bang với màu xanh của cỏ cây viền quanh, bao bọc… hiện ra như những viên ngọc xanh nổi lên giữa đại dương mênh mông. Khung cảnh đẹp đến nỗi, một vị khách đến từ đất liền phải thốt ra thơ: “Xanh thẳm bốn mùa bàng xanh lá/Hàng phong ba, mưa nắng gánh sơn hà”.

Trường Sa có 4 loại cây đặc trưng: Phong ba, mù u, tra biển và bàng vuông mọc đan xen phủ kín trên các triền cát. Theo các chiến sĩ hải quân, sức sống của các loại cây này thật kỳ diệu, cứ sừng sững giữa mưa, gió, bão bùng, như một sự thách thức với thiên nhiên khắc nghiệt.

Tại đảo chìm Đá Tây, ấn tượng màu xanh là cây xương rồng cao chạm trần nhà, vừa nở bừng hoa trắng muốt và rực rỡ. Trung úy Nguyễn Đình Thái, Điểm trưởng đảo Đá Tây B cho biết, cây xương rồng này được các chiến sĩ ở đảo chăm chút được hơn 10 năm và đây là mùa thứ hai nở hoa. “Màu xanh ở đảo tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của người lính. Cứ mỗi lần ra đảo công tác, chúng tôi đều mang mầm xanh từ đất liền ra trồng. Mỗi cây phong ba, mỗi giàn muống biển, đều thấm đẫm mồ hôi, công sức của quân, dân trên đảo. Chính màu xanh ấy đã giúp chúng tôi yêu đời hơn, làm vơi đi nỗi nhớ đất liền, đồng thời góp phần làm Trường Sa đẹp hơn và thu hút các đoàn khách từ đất liền ra thăm đảo nhiều hơn”, anh Thái tâm sự.

Ngoài cây xanh do cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo trồng, còn có cả sự góp sức của các đoàn công tác mỗi lần ra thăm đảo. Tháng 4/2012, Tỉnh đoàn Bến Tre tặng đảo Trường Sa 20 cây dừa ươm để Trường Sa xanh hơn, đẹp hơn. Một cán bộ ra thăm Trường Sa, thấy nơi đây chưa có bóng tre xanh hiện diện, đã về lại đất liền, gửi tặng Trường Sa hai mươi cây tre trúc, vừa trang trí cho phong cảnh của Trường Sa thêm xanh đẹp, vừa tiếp thêm động lực cho lính đảo vững tin “giữ làng, giữ nước”.

Đặc biệt, Trường Sa giờ đây đã không còn nỗi lo thiếu rau xanh. Hầu hết ở các đảo, đều có ít nhất từ hai vườn rau xanh tốt. Các loại rau được trồng ở đây khá đa dạng, từ mồng tơi, rau cải, rau muống, rau dền, đến các loại lá mơ, rau thơm, ngải cứu, rau răm… Năm 2012, cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn thu hoạch khoảng gần 11 tấn rau, củ, quả; còn đảo Trường Sa Đông, đảo An Bang quy hoạch hẳn từ ba đến bốn khu trồng rau xanh, nhiều đảo chìm đã tự chủ được rau xanh, đảm bảo bữa ăn đủ chất cho chiến sĩ. Đến đảo Trường Sa Đông, nhiều người sẽ ngỡ ngàng trước những vườn rau xanh mướt với những lá mồng tơi to hơn hai bàn tay xòe ra, đám rau muống được trồng đan vào nhau, xung quanh che chắn bởi tôn lá, những mảnh gỗ ghép, hay thích thú trước giàn bầu bí trĩu quả… Trung tá Đỗ Xuân Vạn, trợ lý cán bộ Vùng 4 Hải quân cho biết: “Cán bộ và chiến sĩ trên các đảo vẫn tranh thủ từng giờ nghỉ, thay phiên nhau chăm sóc rau. Vì thời tiết ở Trường Sa rất khắc nghiệt, mưa gió thất thường, nên chiến sĩ phải che chắn rau rất cẩn thận và có chế độ chăm sóc đặc biệt. Từ đầu năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai dự án Sản xuất thử nghiệm một số giống cây trồng, vật nuôi ở quần đảo Trường Sa với tổng chi phí dự kiến là 3 tỉ đồng, thời gian thực hiện đến năm 2014. Trong đó có cả những công nghệ mới như làm nhà kính để chống chọi với sự khắc nghiệt của nắng, gió Trường Sa. Dự án này dự kiến sẽ tăng cường đáng kể nguồn thực phẩm tại chỗ cho quân, dân huyện đảo. Một số loài cây lâu năm như tre gai, tre lấy măng, mít, dừa và một số loài cây mang giá trị tinh thần như hoa cúc, sống đời, hoa giấy, các loại hoa xương rồng cảnh sẽ được trồng thử nghiệm trên đảo. Đó là một tin rất vui. Vui vì sự gắn bó giữa đất liền với đảo thật sâu sắc, bởi sự quan tâm của đất liền chu đáo tới những vấn đề rất đời thường, cụ thể như thế. Sự gắn bó ấy là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết gắn biển đảo Trường Sa với đất liền”.

ts-6130301.jpg

Chú chim bồ câu trên đảo chìm Đá Tây - Ảnh: H.MY

CÂY BÀNG VUÔNG Ở ĐẢO CHÌM

Bên cạnh những loài cây chắn sóng như cây phong ba, cây tra…, cây bàng vuông được xem là biểu tượng cho ý chí và lòng quả cảm của quân và dân đang sinh sống làm việc tại quần đảo Trường Sa. Trồng cây bàng vuông tại các đảo nổi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Trường Sa đã khó, trồng cây sống được trong không gian chật hẹp ở các đảo chìm lại càng vất vả hơn. Thế nhưng, tại điểm đảo chìm Thuyền Chài B, nhờ bàn tay chăm chút của người lính đảo, các cây bàng vuông không những phát triển xanh tươi mà còn kết được một quả bàng căng tràn nhựa sống sau hơn 8 năm cây bám rễ trên đảo. Theo trung úy Nguyễn Văn Ngọc, Đảo trưởng điểm đảo Thuyền Chài B, năm 2005, những người lính trên đảo đã vớt được quả bàng vuông dạt vào bờ sau nhiều tháng ngày lênh đênh trên biển. Anh em đã cạo hết vỏ, lấy hạt ươm vào chậu cát trong 20 ngày liền. Tuy nhiên, chỉ có ba hạt nảy mầm, phát triển và tỏa bóng mát trên đảo. Những năm đầu tiên, khi cây bàng vuông còn non yếu, cán bộ, chiến sĩ của đảo phải trồng cây trong thùng phuy. Mỗi ngày, anh em đều đặn bê thùng vào nhà vào buổi tối để tránh sóng, gió biển, ban ngày lại bê ra ngoài để cây lấy ánh sáng quang hợp. Bấy giờ, nước ngọt chưa phải đã nhiều. Vào thời gian ít mưa, nước sinh hoạt của bộ đội hằng ngày còn thiếu nhưng mỗi cây bàng quả vuông đều được ưu ái dành hẳn một xô nước ngọt dưỡng ẩm. Đến kỳ cây đủ cứng cáp, có thể đối mặt với sóng gió, chiến sĩ Thuyền Chài B mới đưa cây ra trồng ngoài bồn, nhưng ban đêm vẫn phải căng bạt che sóng và gió…

Không phụ công chăm sóc, nâng niu của chiến sĩ, các cây bàng vuông ngày càng lớn và vững chãi hơn. Bàng vuông bắt đầu đơm hoa từ năm 2009, nhưng suốt ba năm nay, chưa từng đậu quả. Mãi đến tháng 11/2012, hoa mới kết quả bàng đầu tiên trong niềm vui sướng và hạnh phúc của những người lính đảo Thuyền Chài B. Đây cũng là quả bàng vuông duy nhất, tính đến thời điểm này ở các đảo chìm trên quần đảo Trường Sa. Điều này rất có ý nghĩa với cán bộ, chiến sĩ trên điểm đảo Thuyền Chài B nói riêng và các đảo chìm nói chung. “Sự xuất hiện của trái bàng vuông giữa biển và trong điều kiện sống khó khăn của đảo chìm mang đến niềm vui và niềm tin mãnh liệt vào sức sống và ý chí vượt mọi khó khăn của người lính trên đảo chìm. Cây bàng vuông kết trái ngầm nhắn nhủ người lính đã thích nghi với cuộc sống trên đảo, đồng thời góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Vì thế, anh em trên đảo luôn để ý giữ gìn, quyết tâm bảo vệ tốt quả bàng đầu tiên này làm giống để nhân thêm nhiều cây bàng quả vuông cho các đảo chìm. Đây cũng là cách tốt nhất để lưu giữ lâu dài thế hệ “hậu duệ” đầu tiên của cây bàng quả vuông trên các điểm đảo chìm”, anh Ngọc bộc bạch.

CHIM TÌM VỀ ĐẢO

Ngoài các con vật nuôi được lính đảo mang ra từ đất liền để vừa “làm bạn”, vừa tăng gia sản xuất như chó, gà, vịt, heo… tại một số đảo, còn có nhiều loài chim, cò, trong lúc di cư, tạt ngang qua đảo và ngẫu nhiên “nhập quốc tịch” tại đây. Trên các đảo nổi, nơi hàng cây bàng vuông, cây tra, phong ba… xanh lá, lấp ló trong những lùm cây, hàng chục con chim sẻ, chim sáo thi nhau liệng cành. Tại tầng 3 của tòa nhà kiên cố đảo chìm Đá Tây B có một cái chuồng bồ câu xinh xắn. Cái chuồng được làm bằng những thanh tre nẹp dọc, mái chuồng là tấm bìa các-tông được bẻ đôi, bọc ni-lông để che mưa gió táp vào. Thượng úy Hoàng Minh Học, quân y điểm đảo Đá Tây B mở cửa lồng, lần lượt bắt hai chú chim bồ câu mũm mĩm, tung lên trời. Hai chú chim sải cánh, bay lượn tự do một vòng xung quanh tòa nhà kiên cố, rồi rượt đuổi nhau giữa không trung. Trung úy Học kể, hơn hai năm trước, có một chú chim bồ câu không biết từ đâu “ghé chân” vào đảo Đá Tây, rồi ở lại đây. Giữa cảnh trời nước mênh mông, bồ câu không phải là loài chim biển, cho nên, sự xuất hiện của chú chim này là một kỳ tích. Các chiến sĩ trên đảo thích thú, chăm sóc “thành viên” mới này rất nhiệt tình. Một thời gian sau, lại có thêm một chú chim bồ câu khác tìm đến, kết bạn với chú chim cũ. Từ đó đến nay, Đá Tây tiếp nhận thêm hai thành viên mới. “Hai con bồ câu này hiền lắm, quấn quýt ở đảo không rời. Chúng bay liệng một lúc, có thể sang đậu ở điểm đảo khác, nhưng rồi cuối ngày, lại tìm đường về chuồng. Bồ câu là biểu tượng của hòa bình và tự do. Xem đây là món quà tinh thần của biển trời ban tặng, anh em trên đảo luôn thương yêu, chăm sóc cho hai chú chim, như những người bạn quý”, anh Học tâm sự.

Còn tại điểm đảo chìm Thuyền Chài B, mặc dù không gian đảo nhỏ hẹp, nhưng mấy năm gần đây, cứ vào khoảng tháng 10, hàng chục con cò không biết từ đâu lại bay đến đậu. Cách đây năm tháng, có hai con cò còn rủ nhau “định cư” lâu dài tại đảo. Chúng tỏ ra dạn dĩ và thân thiện, cùng ăn, cùng ngủ với các loại gia cầm, gia súc được nuôi tại đảo như: gà, vịt, heo... Trung úy Huỳnh Như Thảo cho biết: “Sợ cò bay đi, chúng tôi cắt tỉa lông cánh của chúng. Ở đây, bốn bề là biển nước mênh mông, không gian heo hút, nên có thêm một người bạn mới, rất đáng quý. Hơn nữa, đảo có lành, có yên bình thì chim cò mới tìm đến đậu. Điều này chứng tỏ sức hút của Trường Sa là rất lớn. Đây là một niềm vui và cũng là sự tự hào nên bộ đội trên đảo luôn ra sức bảo vệ”.

Bài 3: Chuyện tình người lính đảo

HÀ KIỀU MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bài 1: Vững tin với Trường Sa
Thứ Năm, 28/02/2013 14:05 CH
Về “Thủ đô gió ngàn”
Thứ Sáu, 15/02/2013 15:00 CH
Huyền thoại mẹ Hường
Thứ Sáu, 15/02/2013 07:00 SA
Chở tết ra Trường Sa
Chủ Nhật, 10/02/2013 18:00 CH
Người xung khắc với rắn
Chủ Nhật, 10/02/2013 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek