Chủ Nhật, 24/11/2024 21:12 CH
Bừng lên sức sống Trường Sa
Bài 4: Khi Tổ quốc cần…
Thứ Hai, 04/03/2013 14:00 CH

Ở Trường Sa, sự hy sinh, mất mát của cán bộ, chiến sĩ là khó tránh, bởi nguy hiểm về tự nhiên và mưu đồ bành trướng của kẻ thù. Nhiều chiến sĩ đã ngã xuống khi tuổi đời và tuổi quân còn rất trẻ, lấy máu mình, tô thắm màu cờ Tổ quốc…

ts-11130304.jpg

Đoàn công tác từ đất liền dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sa - Ảnh: H.MY

HÒA VÀO SÓNG NƯỚC

Vừa đặt chân đến đảo Trường Sa Lớn, chưa kịp nghỉ ngơi, đoàn công tác chúng tôi do thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Phó lữ đoàn trưởng quân sự Lữ đoàn 146 đoàn Trường Sa, Trưởng đoàn công tác phía Nam dẫn đầu vội vã xếp thành hàng dài vào dâng hương báo công tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, đội nắng trưa, cả đoàn tiến về Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ Trường Sa dâng hương tưởng nhớ các cán bộ, chiến sĩ trung kiên đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì sự trường tồn chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Tiếp đó, gượng nhẹ bước chân ra khoảng đất kề sát biển, đầu đường băng sân bay Trường Sa Lớn, đoàn tiến về phía hai ngôi mộ của liệt sĩ Lê Văn Tuấn (SN 1988, hy sinh năm 2010) và Hoàng Văn Nghĩa (SN 1986, hy sinh năm 2010). Đây là hai liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa Lớn. Dâng nén hương nghi ngút khói, thượng tá Nguyễn Hồng Quân đọc lời tưởng niệm: “Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mỗi tảng san hô, từng hạt cát, nhành cây, ngọn cỏ nơi đây đều mang hình hài của hồn thiêng sông núi, thấm đẫm bao mồ hôi, xương máu của các thế hệ người con đất Việt... Kính mong các đồng chí yên nghỉ trong bóng hình sóng nước phù hộ cho thế hệ hôm nay và mai sau bảo vệ vững chắc, toàn vẹn chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, để Trường Sa, Hoàng Sa mãi mãi trường tồn”. Trong tiếng sóng rì rào, khói hương làm nhiều người trào nước mắt.

Theo thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Tuấn và Nghĩa chỉ là hai trong số nhiều liệt sĩ đã hy sinh để canh giữ, bảo vệ Trường Sa. Đó còn là Hoàng Đặng Hùng, khẩu đội trưởng DKZ trên đảo Đá Lớn, hy sinh khi cùng đồng đội lao ra biển cứu chiếc xuồng máy bị dông lốc cuốn trôi. Thi hài của cậu chiến sĩ trẻ 20 tuổi được đồng đội đưa về yên nghỉ tại góc đảo Nam Yết và mới đây, đúng dịp 27/7, hài cốt của liệt sĩ Hùng được cất bốc đưa về quê nhà Hải Phòng an táng. Là liệt sĩ Quách Hoàng Lâm (SN 1984), hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tuần tra tại đảo Đá Tây, bị dông lốc cuốn trôi lúc anh vừa tròn 22 tuổi. Là liệt sĩ Nguyễn Văn Thi đã lao ra cứu xuồng và bị dòng biển xoáy cuốn đi ngay đúng vào đêm trước sinh nhật 26 tuổi xuân... “Nhiều người trong số họ hy sinh khi tuổi quân và tuổi đời còn rất trẻ, và hết thảy đều chưa có vợ con. Một số liệt sĩ, hài cốt đã được đưa về đất liền với gia đình. Một số liệt sĩ khác vẫn còn nằm lại trên các đảo nổi cùng đồng đội. Và một số liệt sĩ nữa đang nằm dưới lòng biển sâu cùng với những cha, anh đã hy sinh trong cuộc chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma vào

ngày 14/3/1988. Họ đã sống một cuộc đời ý nghĩa, lấy thân mình làm nên những “cột mốc chủ quyền” của quần đảo Trường Sa. Lòng quả cảm và thân xác họ đã hòa vào cùng giá trị thiêng liêng của non sông đất nước, vào sự hy sinh lớn lao vô bờ bến của dân tộc để gìn giữ chủ quyền Tổ quốc”, thượng tá Nguyễn Hồng Quân xúc động.

ts-12130304.jpg

Cán bộ, chiến sĩ và các nhà báo dâng hương tại mộ của một liệt sĩ ở đảo Trường Sa Lớn - Ảnh: H.MY

TẤM LÒNG TRI ÂN

Trong công cuộc gìn giữ, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, gần 150 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh tại quần đảo Trường Sa. Hằng năm, cứ mỗi lần có tàu ra Trường Sa, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân lại tổ chức thả vòng hoa, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Tháng 4/2010, Quân chủng Hải quân và UBND tỉnh Bình Phước đã khánh thành Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ Trường Sa, trong đó tượng đài chính cao 12,85m, chân đài rộng 7,4m, dài 19m với tổng kinh phí gần 8,5 tỉ đồng. Đây là công trình có ý nghĩa sâu sắc về chính trị xã hội, thể hiện sự tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng máu xương của mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo, tô thắm thêm truyền thống bất khuất của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Thiếu tá Nguyễn Văn Sửu, Thuyền trưởng tàu HQ-571 cho biết: Trong những chuyến tàu chở thân nhân ra thăm đảo vào tháng 5 hằng năm, ngoài người thân của cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở quần đảo Trường Sa, còn có những thân nhân các liệt sĩ ra thăm mộ con em của mình. Họ mang theo nhang thơm, cúc trắng và cả một tấm lòng nhớ thương người thân, đến bên mộ các liệt sĩ, thủ thỉ hằng giờ. Với họ, được một lần ra tận nơi mà máu thịt người thân của họ đã hòa vào sóng nước Trường Sa là một niềm mong ước lớn, luôn đau đáu trong lòng. Một nghĩa cử đúng tinh thần “Trường Sa vì cả nước, cả nước vì Trường Sa”.

Có nhiều chiến sĩ hy sinh, xác các anh vẫn còn nằm lại giữa lòng biển khơi. Để tưởng niệm các liệt sĩ này, gia đình các anh đã nhờ đồng đội mang về một nhành san hô hay một chai nước được lấy từ chính vùng biển nơi các anh hy sinh. Họ coi đó như một phần anh linh của đứa con mình. Đại tá Nguyễn Đức Vượng, Phó chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân thổ lộ: “Với những ông bố bà mẹ của các liệt sĩ Trường Sa, được nhìn thấy chút xương cốt của con mang về từ đáy biển luôn là một mong ước khắc khoải. Tuy nhiên, việc quy tập hài cốt liệt sĩ trên biển là một công việc khó khăn gấp bội lần so với việc quy tập trên bộ. Nhiều năm qua, Quân chủng đã nỗ lực trong công tác tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Đó không chỉ là chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, của Bộ Quốc phòng và Quân chủng, mà còn là tình cảm, trách nhiệm của những người lính với đồng đội, là đạo lý của người Việt”.

Trung tá Nguyễn Ngọc Vinh, Chính trị viên đảo Trường Sa Đông kể lại kỷ niệm gắn bó giữa anh và các đồng đội đã hy sinh: Trước tháng 5/2012, khi chưa đưa hài cốt của ba liệt sĩ Thi, Mão và Lâm về đất liền với gia đình, tối nào, anh và cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông cũng ra chỗ ba ngôi mộ này trò chuyện và đàn hát. Anh thường thổi kèn melodion bài “Hạ trắng” và “Một cõi đi về” cho đồng đội nghe và kể về tiểu sử của các liệt sĩ. Anh Vinh nói: “Tiếng kèn réo rắt nhưng say đắm này hy vọng sẽ phần nào làm vui lòng những đồng đội đã khuất. Đây cũng là cách giáo dục các tân binh và chiến sĩ trẻ về truyền thống, lòng tri ân với các anh hùng, liệt sĩ. Từ đó, giúp họ biết hiến thân cho Tổ quốc nhiều hơn”.

Trung úy Trần Văn Thức, công tác tại điểm đảo Đá Đông C, tâm sự: “Hơn 20 năm công tác ở quần đảo Trường Sa, tôi được nghe nhiều về sự hy sinh anh dũng của 74 cán bộ, chiến sĩ hải quân nước ta để bảo vệ biển đảo Tổ quốc trong sự kiện 14/3/1988; về tấm gương anh dũng hy sinh của lớp trẻ như thiếu úy Trần Văn Phương lúc ngã xuống đã ôm lá cờ Tổ quốc để máu thịt của mình được quyện chặt với mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc, hay mới đây nhất là hai liệt sĩ Nguyễn Văn Hà (SN 1989), Hoàng Đăng Hùng (SN 1984) đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ và thân xác nằm lại ở đảo Nam Yết… Tất cả những hy sinh đó đã góp phần cho tôi hiểu giá trị của chủ quyền dân tộc đôi khi phải đánh đổi bằng cả xương máu để bảo vệ, canh giữ từng tất đất, sải nước ở Trường Sa. Chúng tôi nguyện tiếp nối truyền thống đó, sẵn sàng hy sinh vì biển đảo thân yêu”.

Ngày con tàu chở đoàn công tác chia tay Trường Sa, rẽ nước, về lại đất liền, trong tôi cứ vấn vương mãi hình ảnh những ngôi mộ nằm giữa biển khơi lộng gió trong niềm thương nhớ và vòng tay của đồng đội. Và phút chốc, những câu thơ “Không đề” của nhà thơ Phước Lập lại ùa về trong tôi, rưng rưng: “Có ngọn gió nào vỗ vào lòng đất liền chiều nay/ Mang vong hồn của người giữ biển/ Trong đồng vọng của gió trời thao thiết/ Tiếng ngàn đời vì nước xả thân”

Bài cuối: Hiên ngang Trường Sa

HÀ KIỀU MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bài 3: Chuyện tình người lính đảo
Thứ Bảy, 02/03/2013 14:05 CH
Bài 2: Bình yên nơi biển đảo
Thứ Sáu, 01/03/2013 14:00 CH
Bài 1: Vững tin với Trường Sa
Thứ Năm, 28/02/2013 14:05 CH
Về “Thủ đô gió ngàn”
Thứ Sáu, 15/02/2013 15:00 CH
Huyền thoại mẹ Hường
Thứ Sáu, 15/02/2013 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek