Quần đảo Trường Sa, vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, lá chắn hiên ngang bảo vệ không chỉ vùng lãnh hải mà cả dải đất hình chữ S thân thương. Trường Sa không chỉ có những con người kiên trung, vượt bao khó khăn gian khổ, ngày đêm nắm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn có nhiều câu chuyện rất đời thường…
Cuối cùng tôi cũng thực hiện được giấc mơ được một lần đặt chân lên Trường Sa, lãnh thổ máu thịt của Tổ quốc Việt
Đảo Trường Sa Lớn nhìn từ biển. - Ảnh: A.BANG
HƠI ẤM ÐẤT LIỀN...
Khởi hành từ vùng 4 Hải quân (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), sau một hành trình dài trên biển hơn 30 giờ cùng con tàu HQ-936, chúng tôi đã có mặt ở hòn đảo đầu tiên của Trường Sa thân yêu. “Toàn tàu báo thức! Báo thức toàn tàu!” - lệnh báo thức vang lên trong các khoang tàu. Các thành viên của đoàn công tác bật dậy, khẩn trương làm vệ sinh cá nhân rồi thu dọn hành lý để chuẩn bị lên đảo. Hừng đông bắt đầu ló dạng ở phía nơi dường như trời tiếp giáp với biển, quét một vệt sáng vàng tươi xuống mặt biển lung linh, rồi dần chiếu sáng lên toàn bộ bề mặt hòn đảo. Con tàu rúc lên những hồi còi dài, nhanh chóng cập vào bờ đảo chìm Đá Lát.
Chiến sĩ hải quân trên đảo Trường Sa Đông. - Ảnh: A.BANG
Quần đảo Trường Sa có hơn 100 đảo và bãi san hô, trong đó có 23 đảo và bãi san hô nhô lên khỏi mặt nước. Thực chất đó là những đỉnh nhô cao của một cao nguyên ngầm với tổng diện tích khoảng 414.000km². Các đảo, bãi đá, bãi ngầm có dạng hình vành khăn hay e-líp được bao quanh bởi các thềm san hô nước nông, ra khỏi thềm san hô, nước biển sâu đột ngột từ vài trăm đến vài ba nghìn mét. Quần đảo Trường Sa nằm giữa biển Đông, cách Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) 248 hải lý, cách biển của Malaysia khoảng 250 hải lý, cách biển của Philippines khoảng 210 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 600 hải lý và cách đảo Đài Loan khoảng 900 hải lý. Quần đảo án ngữ đường hàng hải quốc tế nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, là một tuyến đường huyết mạch có lưu lượng tàu thuyền tấp nập thứ hai thế giới.
Bắt đầu một ngày mới giữa biển khơi mênh mông, ngắm bình minh đang lên dần, cảm xúc vỡ òa khó diễn đạt bằng lời. Hầu như mọi người trên tàu cùng thốt lên: “Đẹp quá! Lung linh quá!”.
Đoàn công tác chúng tôi lần lượt xuống xuồng trung chuyển để lên đảo. Cán bộ, chiến sĩ cùng người dân trên đảo xếp hàng chỉnh tề đón những vị khách từ đất liền ra thăm. Đảo trưởng đảo Đá Lát, đại úy Trần Nhật Linh, gương mặt sạm đen vì nắng gió, hồ hởi nắm chặt tay từng người nói: “Biết tin đoàn công tác ra thăm đảo, chúng tôi mừng lắm, anh em thao thức cả đêm mong cho trời mau sáng. Bác Hiển (người dân trên đảo) thì từ chiều qua đã quyết đánh được nhiều cá bò sừng để đãi khách”.
Đúng vậy! Khi những chiếc xuồng nhỏ của đoàn công tác cập bờ ngọn hải đăng đảo Đá Lát, chúng tôi lập tức nhìn thấy mấy sọt đầy các loại cá tươi đặt sẵn ngay trước cầu thang bắc lên nhà đèn. Bữa cơm trưa có món cá bò sừng khá lạ lẫm với tôi và với nhiều người của đoàn công tác, nhưng ai ăn cũng tặc lưỡi khen ngon khiến khuôn mặt bác Hiển như trẻ ra.
Tuần tra bảo vệ biển đảo quê hương. - Ảnh: A.BANG
Thời tiết ở vùng biển đảo thật lạ, mới sáng sớm mà ánh mặt trời đã chói chang. Bên trong nhà, ai cũng tíu tít thăm hỏi, trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ, từ chuyện ăn ngủ, sinh hoạt, đến rèn luyện, chiến đấu. Mỗi lần có tàu ra, có các đoàn đến thăm, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, vơi bớt nỗi nhớ quê nhà, người thân, để phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình” - chuẩn úy Nguyễn Ngọc Trung nói.
15g, những chiếc xuồng nhỏ tiễn đoàn công tác rời đảo. Đảo chìm Đá Lát mờ trong tầm mắt. Các chiến sĩ lại trở về với công việc thường nhật của mình với những câu chuyện mới vừa nhận từ đất liền, với những lá thư đầy ắp tình cảm của những người bạn, người mẹ và cả người yêu đang chúc các anh hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
ÐẢO NÀY, BIỂN NÀY LÀ CỦA TA
Quần đảo Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt
Cờ Tổ quốc tung bay ở đảo Trường Sa Đông. - Ảnh: A.BANG
Xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm của mình với Trường Sa, với Tổ quốc, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ ở đây đã kiên cường bám trụ bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải. Dù đối mặt với phong ba, bão táp và nắng gió khắc nghiệt của Trường Sa, hay sự khiêu khích của các thế lực nước ngoài, các anh vẫn luôn phát huy cao độ phẩm chất, lý tưởng của “Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, giữ lấy sự bình yên cho vùng biển đảo thân thương.
Chuẩn úy Nguyễn Ngọc Trung ở đảo Ðá Lát, khẳng định: “Chúng tôi luôn xác định Trường Sa là môi trường để rèn luyện, không sợ hy sinh gian khổ. Không những sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi còn tổ chức tăng gia, trồng rau, bắt cá... gắn bó với biển đảo, dù trong điều kiện khắc nghiệt nhất. Dù gặp tình huống xấu nhất, chúng tôi vẫn quyết chí một lòng bảo vệ Tổ quốc”.
Theo thiếu tá Lê Văn Thành, Ðảo trưởng đảo Trường Sa Đông, công việc hàng ngày của người lính trên các đảo gần như “kín” lịch. Ngoài tuần tra bảo vệ biển, đảo và vùng trời biên cương Tổ quốc, xây dựng các hòn đảo ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn, lính ở Trường Sa còn có một nhiệm vụ quan trọng nữa là giúp đỡ, cứu nạn ngư dân trong bão tố và khi gặp nạn trên biển. Qua những công việc này, bản lĩnh chính trị của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên rất nhiều.
Tất cả cán bộ, chiến sĩ có mặt ở các đảo Ðá Lát, Ðá Tây, Thuyền Chài, An Bang… nơi chúng tôi đến thăm đều thể hiện chung một ý chí sắt đá, là không ngừng phấn đấu, rèn luyện, vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trên khuôn mặt từng người, tôi nhận ra một điều, ở các anh, ai cũng thể hiện quyết tâm: Giữ trọn vẹn chủ quyền!
Bài 2: Khi Trường Sa có điện
AN BANG