Thứ Ba, 26/11/2024 13:42 CH
Chuyện ở Trường Sa:
Bài 3: Những cao thủ ở Trường Sa
Thứ Tư, 15/06/2011 14:00 CH

Ở Trường Sa, bộ đội ta không chỉ thuần thục các phương án chiến đấu trên không, dưới nước, trong bờ, mà còn huấn luyện các phương án chiến đấu trực diện kẻ thù khi không có vũ khí.

 

tsa1-110615.jpg

Trung úy phân đội trưởng Phan Văn Hải thủ thế.

 

“Nói đến phân đội 2 trên đảo An Bang, anh em trên đảo nể phục lắm vì có nhiều “cao thủ võ lâm”. Trong số những tay võ nghệ cao cường phải nhắc đến phân đội trưởng Phan Văn Hải hay binh nhất Nguyễn Minh Hảo” - thiếu tá Nguyễn Hữu Tự, sĩ quan ở đảo An Bang, tự hào.

 

PHÂN ÐỘI TRƯỞNG “KIÊN NHẪN”

 

Phân đội trưởng phân đội 2, trung úy Phan Văn Hải, sinh ra ở một vùng thôn quê, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Anh nhập ngũ năm 2003 và hăm hở lên đường nhập học ở Trường Sĩ quan Lục quân 1. Hành trang Hải mang theo là lời dặn của người cha Phan Văn Khúc: “Bố từng là bộ đội nên con đi học ráng học tập rèn luyện, phải giữ lửa truyền thống của gia đình”.

 

Tốt nghiệp năm 2008, với cấp bậc thiếu úy, Hải được điều động về công tác tại Bộ Tư lệnh Hải quân. Hơn một tuần sau, Phan Văn Hải được cấp trên điều về Đoàn M01 hải quân để huấn luyện học viên năm thứ nhất Học viện Hải quân. Là sĩ quan chỉ huy tham mưu binh chủng hợp thành, ngón nghề mà Hải tâm đắc chính là võ thuật. Ngay khi học cấp 3, Hải có tìm đến võ đường của thầy Trần Thắng ở khác huyện để bái sư. Võ sư Trần Thắng nổi tiếng trong vùng về quyền thuật, sau hai năm luyện võ, môn sinh Phan Văn Hải cũng nắm được vài “tuyệt chiêu” do sư phụ chân truyền. Nhưng thiếu úy Hải cho biết, trình độ võ công của anh chỉ thực sự lên tầm khi vào học tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, nhờ được đào tạo bài bản và chăm chỉ học thêm ngoài giờ, Hải thuộc lòng trong đầu 35 thế liên quyền, các thế tấn công phòng thủ, các miếng đánh hiểm của bộ đội trinh sát.

 

Trải qua nhiều đơn vị, đến năm 2010, lúc này Hải đã là trung úy, được điều động ra công tác tại đảo An Bang, giữ chức vụ phân đội trưởng phân đội 2 (phân đội chủ lực trên đảo). Do đòi hỏi của bộ đội ngoài đảo phải có thể lực bền bỉ, dẻo dai để trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, nên anh nào muốn có chút võ nghệ cũng phải trải qua món “nhồi” thể lực với cường độ cao. Ngoài các giờ học võ theo lịch huấn luyện, phân đội trưởng Phan Văn Hải động viên anh em luyện tập thể lực ngoài giờ vào buổi chiều như chạy trên cát xung quanh đảo, bơi lội, chơi thể thao, tập thế thiền trên cát…

 

Trung úy Hải kể, ngày mới ra đảo, binh nhất Nguyễn Minh Hảo người “mỏng cơm” nhất, có 58kg, đến nay đã được 68kg. Còn binh nhất Trần Đình Hiếu, 84kg, mập ú giờ tập luyện săn chắc, chỉ còn 72kg. Trên bãi tập thể hình chiều hôm đó, tôi quan sát thấy cán bộ, chiến sĩ ở phân đội 2, ai cũng như “kiến càng”, cơ bắp nở đẹp, nâng tạ 30-40kg trông nhẹ tênh.

 

HẢO “TAM” MÔN

 

Binh nhất Nguyễn Minh Hảo là con út trong gia đình có bốn anh chị em, từ tuổi nhỏ đã theo học võ cổ truyền Thiếu lâm. Anh cho biết, từ ông nội, cho đến bố rồi hai anh trai trong gia đình đều luyện tập võ nghệ. Ông nội là một võ sư có tiếng. Bố thì học và luyện Vovinam. Hảo được lĩnh hội “ngón nghề” của cha, nhưng thích theo nghiệp của ông, luyện tập Thiếu lâm tự. Hảo phân tích: “Thiếu lâm tự rèn tất cả về thể chất, nên đòi hỏi môn sinh phải tập đều cả quyền cước và khí công. Hồi mới vào đơn vị, tôi từng khiến anh em “lác mắt” khi biểu diễn khí công, dùng đầu công phá làm vỡ 10 viên ngói chồng lên nhau”. Hảo cũng thổ lộ, chỉ thực sự nể trọng phân đội trưởng Phan Văn Hải khi được nghe câu nói: “Học võ không sợ kẻ cường quyền, chỉ sợ người sống có tâm”.

 

Trên bãi cát, tôi hoa mắt khi binh nhất Nguyễn Minh Hảo biểu diễn mấy thế võ đầy uy lực như Mãnh hổ khai sơn, Bạch hạc lưỡng xí, Mãnh công độc chưởng, còn gọi là Nhất chưởng thất sát - một đòn hạ gục đối thủ. Về cước thì Nguyễn Minh Hảo thi triển Bàn long cước (đá vào chấn thủy, vùng yết hầu), Đảo sơn cước (đá vào thái dương), Độc tiêu cước (đá vào hạ bộ)…

 

Sau khi múa võ nửa giờ, mặt không biến sắc, hơi thở vẫn đều, Hải tự hào khoe với tôi: “Về binh khí, Thiếu lâm tự có thập bát ban binh khí nên tôi có thể sử dụng thành thạo đao, thương, kiếm, trường côn, côn nhị khúc, côn ba khúc (tam đoản côn). Đặc biệt là trường côn và côn nhị khúc thì mình đi ngủ cũng thuộc từng chiêu thức”.

 

tsa2-110615.jpg

Tập luyện võ thuật giữa Phan Văn Hải và Nguyễn Minh Hảo. - Ảnh: A.BANG

 

Hảo kể, năm anh học lớp 10, có kẻ ăn trộm chó trong thôn, khi đang trên đường chạy thì bị Hảo phát hiện. Tên trộm rút ngay con dao mẹo (có đầu sắc nhọn như lưỡi mác) xông vào tấn công, cứ nhắm đầu Hảo mà chém. Ngay lập tức, cậu học sinh lớp 10 xuống tấn, rồi trong nháy mắt tung ra chiêu Lăng không phi cước (tung người lên không) đá chân vòng 360 độ đúng vào gáy tên trộm. Choáng váng trước cú đòn hiểm của Hảo, tên trộm chó sợ hãi vứt cả dao lẫn chó bỏ chạy.

Ngày sắp hoàn thành nhiệm vụ quân sự trên đảo, ngồi trên bãi cát ngắm sóng nước, Hảo tâm sự: “Em ước mơ sau này thi vào Trường Sĩ quan Lục quân 1 để tiếp tục đời binh nghiệp, bảo vệ quê hương, Tổ quốc”.

 

THÁI HOÀNG ANH “CẦN CÙ”

 

Binh nhất Thái Hoàng Anh trong phân đội 2 thì lại là tấm gương điển hình về việc luyện tập tiến bộ nhanh như gió, mà các chiến sĩ đảo An Bang hay đùa là chiến sĩ “cần cù”. Binh nhất Nguyễn Văn Thuân kể: “Hồi mới ra đảo, Hoàng Anh nghe phân đội trưởng Hải giảng về võ nghệ hay đi mấy bài quyền thì mặt cứ ngây ra. Anh em cứ trêu là Anh “tồ”. Sau bị trêu ghê quá, Hoàng Anh quyết tâm luyện tập để thành “cao thủ”.

 

Không chỉ lĩnh hội từ thầy Hải, sau những buổi tập theo quy định, Hoàng Anh rủ Nguyễn Minh Hảo ra bãi cát tập thêm ngoài giờ. Ngày nghỉ cũng tập, tối cũng tập, chẳng bao lâu, “trình” của Hoàng Anh lên trông thấy. Ở nơi đầu sóng, Nguyễn Minh Hảo cũng chẳng giấu gì đồng đội, truyền dạy cho Hoàng Anh những tuyệt chiêu Thiếu lâm tự. “Nhờ vậy mà tôi tự tin lên hẳn trên bãi tập”, Hoàng Anh “khai” thật.

 

“Trường Sa dù thời tiết luôn khắc nghiệt hơn đất liền. Sóng đảo An Bang vẫn dữ dội, liên tục đánh trùm qua cả dãy nhà của phân đội 2, nhưng anh em trong phân đội vẫn thầm động viên nhau gắng luyện tập”, trung úy Hải trần tình.

 

----------------

Bài 4: Những “chiến sĩ” đặc biệt

 

AN BANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bài 2: Khi Trường Sa có điện
Thứ Ba, 14/06/2011 14:00 CH
Bài 1: Hiên ngang Trường Sa
Thứ Hai, 13/06/2011 14:00 CH
Bẫy tôm hùm giống
Thứ Bảy, 11/06/2011 18:00 CH
Bám giữ ngư trường xa
Thứ Hai, 30/05/2011 07:00 SA
Săn lùng cây mật nhân
Thứ Bảy, 21/05/2011 14:00 CH
Ðời công nhân xa xứ
Thứ Bảy, 14/05/2011 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek