Thứ Ba, 26/11/2024 15:41 CH
Ðời công nhân xa xứ
Thứ Bảy, 14/05/2011 14:00 CH

Theo chân nhà thầu xây dựng, những công nhân Trung Quốc đã đến làm việc tại công trình thủy điện La Hiêng 2 (xã Phú Mỡ, huyện Ðồng Xuân) từ hơn 1 năm nay. Họ sống trong những lán trại đơn sơ vây tạm bằng bạt nhựa, và cần mẫn làm việc hết ngày này sang tháng khác.

 

Lúc chúng tôi đến, tốp công nhân khoan đá nổ mìn vừa tan ca. Không khí trong đường hầm dẫn nước xuyên qua núi (tuyến áp lực nhà máy) còn nồng mùi thuốc nổ và bụi đất. Mặc dù ống thông gió đã được khởi động nhưng 10 phút trôi qua không khí trong đường hầm vẫn còn đặc quánh bụi đất. Vậy mà những công nhân Trung Quốc vẫn cần mẫn làm việc. Tốp công nhân tiếp theo đang chuẩn bị dụng cụ vận chuyển đá vụn ra ngoài. Cứ thế, họ luân phiên hết tốp này đến tốp khác. Tiếng khoét đá, đục hầm rền vang suốt đêm ngày.

 

lh2110514.jpg

Bắt đầu khoan núi để làm đường hầm dẫn nước nhà máy thủy điện La Hiêng 2  - Ảnh: A.BANG

 

NHỌC NHẰN THỢ ÐÀO HẦM

 

Thủy điện La Hiêng 2 là công trình đầu tiên ở Phú Yên có sử dụng công nhân người nước ngoài. Trong khoảng 100 công nhân đang làm việc tại đây, có hơn 80% là người Hoa, đa phần đến từ Triết Giang, một tỉnh ven biển phía Đông của Trung Quốc. Tết Nguyên đán vừa qua, tất cả những người công nhân này đều ở lại ăn tết tại công trường.

Đi cùng những công nhân Trung Quốc trong ca làm việc tiếp theo, chúng tôi dò dẫm từng bước, tiến vào đường hầm áp lực. Mặc dù dọc theo đường hầm có những bóng đèn đặt thành dãy dài, mỗi bóng cách nhau khoảng 5m nhưng bấy nhiêu cũng chỉ đủ giúp không gian trong hầm sáng lờ mờ. Phải mất một lúc lâu, chúng tôi mới quen dần với không gian tranh tối tranh sáng đó. Đi được 20m, mùi thuốc nổ chưa tan cứ xộc vào mũi, gây cảm giác khó chịu, choáng váng. Nước mạch ngầm rỉ ra từ các tầng đá trên cao nhểu thành từng giọt khiến không khí trong hầm ẩm ướt. Càng vào sâu, không khí càng ngột ngạt và nóng bức. Mới đi được khoảng 300m mà mồ hôi đã túa ra ướt áo khiến chúng tôi muốn quay lại. Thế nhưng chỗ những công nhân Trung Quốc làm việc lại ở vị trí cách cửa đường hầm gần 800m và còn hơn nữa vì tuyến áp lực của nhà máy dài đến 3,5km. Ở đó, hằng ngày, hơn 30 nhân công tổ đường hầm thay phiên nhau khoan đục đá, nổ mìn, vận chuyển đất đá ra bên ngoài… Công việc cứ lặp đi lặp lại một cách nhàm chán trong điều kiện thiếu dưỡng khí, mùa hè thì nóng nung người, mùa đông lạnh đến tê tái nhưng các công nhân vẫn làm việc như không hề biết mệt cả ngày lẫn đêm. Trong số những người đã đến đây, gắn bó với đường hầm này suốt từ ngày triển khai khoan hầm, một số người đành bỏ cuộc, nhưng phần lớn đã trụ lại mặc cho điều kiện làm việc hết sức khắc nghiệt đủ thấy sức chịu dựng của những công nhân khoan hầm như thế nào.

 

Đường hầm dẫn nước là một trong những hạng mục quan trọng của các công trình thủy điện. Nhà máy thủy điện La Hiêng 2 thuộc loại nhỏ (công suất chỉ có 18MW), nên đường kính hầm chỉ có 4,1m. Vì vậy, các nhà thầu không thể đưa những loại máy móc công nghiệp vào thi công. Quá trình xây dựng đường hầm chủ yếu dựa vào sức người. Công việc thủ công nặng nhọc, ô nhiễm bụi khí, tiếng ồn, và không gian làm việc bị giới hạn khiến công việc của công nhân làm hầm trở nên khó khăn hơn. Sự vất vả vì vậy cũng nhân lên gấp bội. Tất cả in hằn lên gương mặt đầy khắc khổ của những người công nhân xa xứ.

 

Ông Cao Vỹ, giám đốc điều hành các nhà thầu xây dựng Nhà máy thủy điện La Hiêng 2 cho hay: “Mỗi công nhân phải làm việc từ 8-9 tiếng/ngày, luân phiên không kể ngày đêm. Trong đường hầm không bao giờ vắng người và ngớt tiếng động, trừ trường hợp… cúp điện. Vì điều kiện làm việc khá khắc nghiệt nên chỉ những người có tuổi đời từ 30 trở lên mới chấp nhận làm việc trong hầm”.

 

Trong khi đó theo ông Vương Kim Tùng, kỹ sư trưởng công trình, đá ở khu vực này rất cứng nên công nhân làm việc phải có kinh nghiệm và cần sử dụng nhiều lực hơn để điều khiển máy khoan. Ông Hồ Siêu Hùng, một công nhân trong tốp khoan đá, chìa đôi bàn tay đầy vết chai cứng bảo: “Mấy anh em làm việc trong hầm đều bị như thế này cả”.

 

lh110514.jpg

Lán trại của các công nhân  - Ảnh: A.BANG

 

SAY MÊ CÔNG VIỆC

 

Ông Hồ Siêu Hùng là một trong những người gắn bó với tổ làm đường hầm ngay từ những ngày đầu tiên. 6 năm kinh nghiệm trong nghề, ông đã khá quen thuộc với điều kiện làm việc nặng nhọc nơi công trường.

 

Vừa bước ra khỏi đường hầm, ông Hùng hít vội không khí trong lành, đưa tay gạt mấy sợi tóc bết mồ hôi. Ông kể về công việc hằng ngày của mình: “Chúng tôi được phân thành từng tốp nhỏ 4-5 người, thay phiên làm các công đoạn khác nhau. Nhiệm vụ chính của tôi là dùng máy khoan thủ công khoan đá thành những hốc nhỏ để đặt thuốc nổ. Tốp tiếp theo sẽ tiến hành nổ mìn phá đá. Việc còn lại giao cho đội vận chuyển đá vụn ra bên ngoài. Cứ thế, mỗi ngày, trong điều kiện bình thường, chúng tôi có thể khoét được khoảng 4-5m mỗi đầu đường hầm”. Ông Hùng cho biết thêm, mặc dù công việc nặng nhọc nhưng đem lại một khoản thu nhập đáng kể cho công nhân (bình quân mỗi công nhân thu nhập 1.000 USD/tháng). Mỗi tháng, ông vẫn đều đặn gửi tiền về cho gia đình ở tỉnh Triết Giang (Trung Quốc).

 

Ông Đỗ Huệ Bình, năm nay 48 tuổi, hiện là người quản lý những nhân công làm đường hầm thủy điện La Hiêng 2. Ông đã mất một bàn tay trong lúc khoan đá đục hầm hồi còn làm công trình xây dựng bên Trung Quốc. 28 năm trong nghề, bôn ba qua nhiều công trường từ xứ mình đến xứ bạn, ông Bình tâm sự rất thành thật rằng “chỉ vì miếng cơm manh áo tôi mới cố gắng bám trụ đến hôm nay”. Chính vì vậy, dù mất một bàn tay, không thể trực tiếp vào hầm khoan đá, ông vẫn gắn bó với thủy điện La Hiêng 2, vẫn đem kinh nghiệm và cả niềm đam mê nghề nghiệp truyền cho các công nhân trẻ để họ tiếp tục trụ vững nơi công trường này. Thu nhập từ công việc đã giúp ông Bình yên tâm với nghề nghiệp mà mình đã chọn dù sức khỏe không còn được như trước.

 

Tiếp xúc với các công nhân người Trung Quốc làm công việc khoan hầm dẫn nước Nhà máy thủy điện La Hiêng 2, chúng tôi cảm nhận được họ rất kiệm lời và tính kỷ luật cao. Tất cả những người mà chúng tôi tiếp xúc đều bằng lòng với công việc hiện tại cho dù nó rất nhọc nhằn, vất vả. Những người như ông Hùng, ông Bình cho đến kỹ sư Tùng, chỉ huy Vĩ thường không nói về những khó khăn mà chỉ nói về công việc với niềm say mê. Tính kỷ luật cao của họ không chỉ thể hiện bằng những hành động cụ thể khi làm việc trong đường hầm mà còn cả trong công việc hàng ngày. Sống ở một khu vực hẻo lánh, rừng núi âm u, nhà ở chỉ là những chòi bạt che tạm nhưng căn nhà nào cũng sạch sẽ, ngăn nắp. Thấy có người lạ, những công nhân Trung Quốc dù bận việc vẫn gật đầu chào và nở nụ cười thân thiện rồi trở lại với công việc dang dở. Nhờ vậy mà những công nhân xa xứ mới có thể đảm nhận những công việc vô cùng nặng nhọc, sử dụng sức người là chính.

 

LÊ HẢO - HOÀI TRUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Tôi thương bệnh nhân nghèo”
Thứ Bảy, 07/05/2011 14:00 CH
“Bà đỡ” cho người bán vé số
Thứ Sáu, 06/05/2011 18:00 CH
Tìm “tâm hồn” cho trẻ tự kỷ
Thứ Bảy, 16/04/2011 15:00 CH
Tìm lại những làng nghề đã mất
Thứ Bảy, 09/04/2011 14:00 CH
Tìm về cội nguồn
Thứ Bảy, 26/03/2011 18:11 CH
Cuộc hội ngộ của những người lính biển
Thứ Bảy, 26/03/2011 09:11 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek