Thứ Ba, 26/11/2024 14:33 CH
Săn lùng cây mật nhân
Thứ Bảy, 21/05/2011 14:00 CH

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hầu như ngày nào cũng có người đến xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) săn tìm cây mật nhân. Vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, số lượng người lên đến vài chục, đa số là người ở huyện Sông Hinh, nhưng cũng có người đến từ các huyện Tây Hòa, Sơn Hòa. Sự khai thác quá mức, không chọn lựa khiến cây mật nhân trở nên khan hiếm và có nguy cơ bị xóa sổ.

 

mat-nhan-3-110521.jpg

Đào cây mật nhân tại rừng Sông Hinh. - Ảnh: V.THÙY

 

VÀO RỪNG “SĂN” MẬT NHÂN

 

Để mục sở thị, chúng tôi quyết định vào rừng một phen. Nhờ mối quen biết, một nhóm “săn” mật nhân đã đồng ý cho chúng tôi theo. 5 giờ sáng, trời còn mù sương, 6 người trên 3 chiếc xe máy thẳng tiến về xã vùng sâu Sông Hinh (huyện Sông Hinh), nơi có “mỏ” mật nhân đang khai thác. Đến địa phận xã Sông Hinh, một người trong nhóm điện thoại cho một “thổ địa” dẫn đường, đó là anh Thân - một thanh niên nói tiếng Hà Tĩnh. Vào con đường đất ngoằn ngoèo, mất chừng 15 phút thì đến bãi tập kết. Dúi vội xe máy vào lùm cây, cả nhóm chia nhau người vác đồ, người cầm xà beng, dao, búa, cưa lốc, can đựng nước uống… hối hả đi về cánh rừng thuộc thôn Suối Dứa, xã Sông Hinh. Anh Thân cho biết: “Muốn nhận biết cây mật nhân ở trên rừng không khó. Cây này thuộc loại gỗ tròn, thân mọc thẳng đứng, tán lá mọc ra từ thân cây, lá cây chừng hai ngón tay mọc đối nhau. Một đặc điểm đáng chú ý của lá cây mật nhân là khi ta lấy tay vò mạnh lá vẫn không bị dập nát, bỏ tay ra lá trở lại bình thường. Trên rừng nếu nghi ngờ là cây mật nhân, chỉ cần lấy tay bóc ít vỏ ngửi hoặc đưa vào đầu lưỡi là nhận ra ngay mùi thơm đặc trưng và vị đắng đặc biệt của nó” .

 

Đến nơi, chúng tôi tìm mãi chẳng thấy cây mật nhân nào. Dấu vết còn lại là nham nhở những hố sâu to, nhỏ và những cành, lá cây mật nhân vừa mới bị triệt hạ. Anh Thân phân bua: “Mới hai hôm trước, tôi đến đây thăm bãi, cây vẫn còn mà hôm nay đã mất hết rồi…”. Anh Thân cho biết thêm, cây mật nhân có trên các triền núi thuộc khu vực rừng núi các xã Sông Hinh và Ea Trol, nhiều nhất là khu vực Hòn Cồ (xã Ea Trol), chúng thường mọc tập trung thành từng đám… Không chịu bó tay, anh Thân dẫn cả nhóm quay lại cánh rừng phía đông Hòn Cồ. Nhìn đỉnh núi cao chót vót, ngán ngẩm nhưng chẳng ai dám nói ra. Mọi người cùng động viên nhau bám cây rừng theo lối mòn dò từng bước, có những đoạn dốc đứng phải bò mới qua được. Anh Thân leo vun vút, một loáng đã nghe tiếng “Đến rồi” từ trên núi cao vọng xuống. Chúng tôi lần theo, nhưng cũng phải mất 15 phút đi tìm cây mật nhân mới đến nơi. Chọn hai cây to bằng thân người lớn, cả nhóm bắt đầu đào bới. Sau gần một buổi vất vả, hai cây mật nhân đã được đưa xuống núi để lại những hố đất sâu hoắm, đỏ quạch. Anh Thân cho biết: “Những cây mật nhân to và những bãi mật nhân như thế này không còn nhiều. E rằng vài hôm nữa, chúng ta quay lại cũng sẽ chẳng tìm thấy một cây nào...”.

 

CÂY “BÀ ÐẺ” CHỮA BÁCH BỆNH?

 

Đời sống của người Ê Đê gắn với rừng núi từ ngàn đời nay. Rừng cho họ gỗ để làm nhà, củi để nấu nướng, muông thú để làm thức ăn và cả những cây thuốc quý để chữa bệnh, trong đó có cây mật nhân. Hỏi cây mật nhân thì quá xa lạ, nhưng nói đến cây “bà đẻ” thì ai cũng biết. Sở dĩ như vậy là từ lâu, cây mật nhân được coi như một loại thuốc quý để người phụ nữ Ê Đê sử dụng sau mỗi lần “vượt cạn”. Với chế độ mẫu hệ, người phụ nữ Ê Đê quán xuyến mọi việc trong gia đình, từ việc bếp núc đến việc nương rẫy. Kpá Chúc, một phụ nữ ở khu phố 3, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) kể: “Cả ba lần sinh đẻ, cả ba lần tôi đều “nằm ổ” không quá một tuần nhưng vẫn rất khỏe. Nhờ uống nước mật nhân mà phụ nữ Ê Đê sau khi sinh đẻ vài ngày là đã đi làm rẫy, không thì cũng ra suối giặt giũ, tắm rửa, chẳng kiêng khem như người Kinh đâu”.

 

mat-nhan-1-110521.jpg

Một cây mật nhân được đào lên ở vùng rừng xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh). - Ảnh: V.THÙY

 

Cây mật nhân được gọi theo tiếng Ê Đê là Ana Sor Prao. Ông Ksor Kế, chồng của Kpá Chúc cho hay, Ana Sor Prao hiện diện trong cuộc sống của người Ê Đê hàng ngày. Ngoài tác dụng chống nhiễm nước, nhiễm gió độc cho phụ nữ mới sinh nở, trong mỗi gia đình thường có một vài khúc Ana Sor Prao. Nếu ai chẳng may bị đau bụng, tiêu chảy hay nhiễm gió lạnh, chỉ cần lấy dao vạt vài lát Ana Sor Prao, cho vào cốc nước sôi, uống nóng sẽ có tác dụng tức thì. Ông Huỳnh Thanh Hoa ở khu phố 5, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), trước đây sức khỏe giảm sút vì những bệnh hen phế quản, viêm mũi dị ứng, sáng ngủ dậy khó thở, hay bị dị ứng da. Dù đã đi khám chữa ở nhiều bệnh viện lớn nhưng bệnh ông Hoa vẫn không khỏi. “Sau hơn 2 tháng uống nước mật nhân, bệnh của tôi gần như tan biến. Là chủ một doanh nghiệp xây dựng, phải ngoại giao nhiều, lúc nào cũng phải cầm ống hít mũi, uống vài ly rượu bia là nổi ngứa khắp người rất bất tiện. Bây giờ thì sướng rồi… uống mật nhân mãi thành ra nghiện”, ông Hoa kể. Để chứng minh, ông Hoa với tay rót một cốc nước mật nhân đầy có màu vàng nhạt, ực một hơi hết sạch vừa khà sảng khoái. Kinh nghiệm của ông Hoa là dùng mật nhân sao vàng, hạ thổ, đun sôi thay nước uống hàng ngày, không nên uống đậm đặc, độ đắng vừa chấp nhận là được. Chị Đỗ Thị Yên ở khu phố 6, thị trấn Hai Riêng, sau thời gian uống nước mật nhân thấy chứng bệnh đau nhức toàn thân, tê mỏi chân tay của mình thuyên giảm nhiều liền mua cả bao tải dự trữ uống dần.

 

Tìm hiểu về cây mật nhân, chúng tôi đến nhà lương y Lê Xuân Đào ở khu phố 4, thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh). Cả khoảng sân rộng chừng 15m2 phơi đầy mật nhân đã được bào thành lát mỏng, cạnh đó là hàng chục rổ nhựa đựng mật nhân đã khô chuẩn bị đóng gói. Một mùi thơm nhẹ từ đống mật nhân làm mọi người dễ chịu hơn dưới trưa nắng. Vừa đưa một cây mật nhân mua được trong buôn, không những khẳng định đích thực là mật nhân “xịn” mà ông Đào còn cho chúng tôi xem một số tài liệu có liên quan đến cây mật nhân. Theo ông Đào, cây mật nhân được dân gian sử dụng từ lâu và được gọi là cây “bách bệnh” hay cây “bá bệnh”. Cây này có khả năng chữa những bệnh về đường tiêu hóa, cảm gió, bổ dưỡng cho người bị khí huyết hư, mình mẩy đau mỏi, phụ nữ đau bụng khi hành kinh… Qua thực tế đã kiểm nghiệm, cây mật nhân có tác dụng làm giảm sự phát triển đối với những bệnh mang tính “thời đại” như gút, mỡ máu tăng, gan nhiễm mỡ… Cách dùng là nấu nước tắm, xông hoặc uống. Toàn bộ rễ, thân, lá cây đều sử dụng được, sơ chế đơn giản, chỉ cần băm nhỏ, phơi khô rồi đun với nước hoặc ngâm rượu uống hàng ngày, liều lượng vừa phải. Nếu uống quá liều sẽ bị say thuốc…

 

mat-nhan-2-110521.jpg

Vạt cây mật nhân để làm thuốc. - Ảnh: V.THÙY

 

NGUY CƠ CÂY MẬT NHÂN BỊ XÓA SỔ

 

Cây mật nhân mãi mãi bình yên là cây “bà đẻ” nếu không có những lời rỉ tai nhau về tác dụng chữa bách bệnh của nó, từ những bệnh đơn giản như đau bụng, trúng gió đến bệnh ung thư, cột sống… Thực hư chưa rõ nhưng không ít người ói mửa, vật vã do lạm dụng quá liều nên đã bị say bởi nước mật nhân, nhưng cũng có nhiều người coi nó là vị cứu tinh, là thần dược. Cây mật nhân đang trở thành chủ đề sôi nổi đưa ra bàn tán xôn xao tại các nơi làm việc, thậm chí được đưa ra tranh luận tại các bàn nhậu. Với những lời thì thầm to nhỏ về thần dược, mật nhân đang trở thành mặt hàng mua bán đang nóng dần hiện nay ở Sông Hinh. Anh Lê Xuân Đào cho biết: “Lúc đầu tôi chỉ lấy một ít mật nhân về làm thuốc, thời gian gần đây có nhiều người đến hỏi mua, vì nguyên liệu đang sẵn có nên chỉ bán với giá khoảng 50.000 đồng/kg, còn bây giờ trở thành hàng hiếm nên giá tăng lên đến 100.000 đồng/kg khô. Đa số người mua để sử dụng chữa bệnh, cũng có nhiều người mua để làm quà biếu. Nhiều người ở các tỉnh ngoài Bắc hoặc trong Nam điện thoại đến nhờ mua giúp. Thực tế trên thị trường, mật nhân được rao bán với giá từ 400.000-500.000 đồng/kg khô.

 

Thời gian gần đây, nhiều người đã lập thành từng nhóm, cơm đùm, cơm nắm rủ nhau vào rừng tìm mật nhân. Nhiều đại gia đánh hẳn xe con, ôtô tải thuê người đến đây đào bới, tìm kiếm khiến cây mật nhân ngày càng cạn kiệt. Với tình hình khai thác mật nhân như hiện nay, nhiều người dân ở huyện Sông Hinh lo ngại cây mật nhân sẽ bị xóa sổ… Ông Ksor Kế than vãn: “Thỉnh thoảng, những người đàn ông trong buôn chúng tôi lại rủ nhau lên rừng, tìm những cây Ana Sor Prao to bằng bắp đùi, chặt thành từng đoạn đem về chẻ nhỏ cho vào nồi nấu làm nước uống hàng ngày cho cả nhà hoặc gác lên mái nhà phòng chữa bệnh cho cả gia đình. Từ xưa đến nay, mỗi lần vào rừng lấy mật nhân chỉ mang theo rựa, chọn cây lớn chặt lấy thân, chừa lại gốc để cây mọc chồi mới. Còn bây giờ, họ mang theo cả xà beng, cưa lốc lấy từ ngọn đến gốc rễ, từ lớn đến nhỏ, đi đến đâu triệt hạ đến đó. Cây mật nhân đang bị tận diệt…”.

 

VĂN THÙY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ðời công nhân xa xứ
Thứ Bảy, 14/05/2011 14:00 CH
“Tôi thương bệnh nhân nghèo”
Thứ Bảy, 07/05/2011 14:00 CH
“Bà đỡ” cho người bán vé số
Thứ Sáu, 06/05/2011 18:00 CH
Tìm “tâm hồn” cho trẻ tự kỷ
Thứ Bảy, 16/04/2011 15:00 CH
Tìm lại những làng nghề đã mất
Thứ Bảy, 09/04/2011 14:00 CH
Tìm về cội nguồn
Thứ Bảy, 26/03/2011 18:11 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek