Thứ Ba, 26/11/2024 15:33 CH
Giáo sư - bác sĩ Jacques Samani:
“Tôi thương bệnh nhân nghèo”
Thứ Bảy, 07/05/2011 14:00 CH

Các bác sĩ ngoại khoa Việt Nam nói đến ông với sự kính trọng về một tài năng, đức độ. Mới đây, ông đến Phú Yên, vừa phẫu thuật chỉnh hình vừa giúp nâng cao tay nghề cho các phẫu thuật viên Bệnh viện Ða khoa tỉnh. Ông là giáo sư - bác sĩ Jacques Samani, chuyên gia y khoa hàng đầu châu Âu về lĩnh vực cột sống.

 

samani-1-110507.jpg

Giáo sư - bác sĩ Jacques Samani.

Mấy ngày qua, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên như có thêm luồng sinh khí mới khi có sự hiện diện của giáo sư - bác sĩ Jacques Samani. Sự trở lại Phú Yên sau nửa năm của ông đã biến những giấc mơ thành hiện thực.

 

BÁC SĨ TÀI NĂNG

 

Đã 60 tuổi nhưng trông bác sĩ Jacques Samani rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Đó cũng là phong thái của ông trong các ca phẫu thuật. Hơn 4 giờ đồng hồ cùng các cộng sự phẫu thuật thành công chỉnh vẹo cột sống cho cháu bé Đỗ Thu Đông, 9 tuổi, ở thôn Ngọc Phước (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa) tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên ngày 5/5 là một minh chứng về tinh thần làm việc của ông. Bởi trong khoảng thời gian ấy, ông làm việc trong điều kiện trang thiết bị, dụng cụ mổ còn thiếu; đôi giày vô khuẩn bị chật, phòng mổ nóng và ông còn phải phân tâm để làm “tổng chỉ huy”. Đến thời điểm này, ông đã phẫu thuật, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hơn 2.000 trường hợp bị các bệnh lý về cột sống, về khớp.

 

Qua hai đợt được vị bác sĩ người Pháp chỉ dẫn về chuyên ngành, bác sĩ Trần Anh Dũng, Phó khoa Ngoại chấn thương Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, cho biết: “Tôi rất ngưỡng mộ tài năng của bác sĩ Jacques Samani. Ông luôn gần gũi, trao đổi với các cộng sự. Đây là dịp may hiếm có chúng tôi được đào tạo bởi người thầy này. Tôi rất mong được tiếp tục học tập ở ông”.

 

Khi 25 tuổi (năm 1976), bác sĩ Jacques Samani đã trở thành phẫu thuật viên tại Bệnh viện Lyon (Pháp) và được công nhận phẫu thuật viên chính năm 1980. Đến năm 1985, bác sĩ Jacques Samani được công nhận là phẫu thuật viên chỉnh hình. Giai đoạn 1982-1985, ông là Phó Giáo sư Đại học Claude Bernard; 1983-1997, ông là Trưởng khoa Chỉnh hình Bệnh viện Charles, Lyon, sau đó làm Trưởng khoa Chỉnh hình Bệnh viện Anthea (Ý). Năm 2010, ông là thành viên của Trung tâm Cột sống thuộc Bệnh viện Gennolier - một trung tâm y khoa nổi tiếng về chất lượng của Pháp.

 

Trong hoạt động ngoại khoa, mỗi năm bác sĩ Jacques Samani tham gia phẫu thuật khoảng 150 trường hợp khớp háng, khớp gối, 25 trường hợp chỉnh vẹo cột sống, điều trị hàng trăm trường hợp bị thoái hóa cột sống, soi khớp… trên khắp các châu lục. Vị bác sĩ tài năng này còn chủ trì và tham gia trong nhiều công trình y học nói chung, ngoại khoa nói riêng đăng trên các tạp chí quốc gia và quốc tế. Những phát minh của ông có giá trị lớn như dụng cụ kéo cột sống dùng trong vẹo cột sống, khớp háng giả, dụng cụ cố định, dụng cụ cứng khớp với que và vít… phân phối trên 40 quốc gia.

 

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên Bùi Trần Ngọc, nói: “Tôi phục ông ở sự tự tin trong chuyên môn. Ở khâu thực hành, ông mổ rất tốt và vững. Có được một người thầy như thế rất quý cho bệnh viện”.

 

“TÔI THƯƠNG BỆNH NHÂN NGHÈO”

 

Giáo sư - bác sĩ Jacques Samani nói: “Đến nay, nhiều trung tâm y tế lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có trình độ không thua kém châu Âu. Tuy nhiên, giữa các trung tâm này với các bệnh viện tuyến tỉnh có khoảng cách rất lớn về trình độ phẫu thuật, chữa trị cột sống. Trong khuôn khổ hợp tác làm việc của tôi với Phú Yên, tôi hy vọng góp phần thu hẹp khoảng cách này”.

Năm 1992, giáo sư - bác sĩ Jacques Samani được mời đến Hà Nội 3 tuần để tham gia phẫu thuật ở một bệnh viện lớn. Đó là lần đầu tiên ông đến Việt Nam, lúc ấy, nhìn thấy cảnh người dân nghèo lại phải chật vật lo chi phí phẫu thuật, ông suy nghĩ rồi đi đến quyết định sẽ làm từ thiện tại Việt Nam.

 

Như có duyên làm từ thiện, bác sĩ Jacques Samani liên lạc được với giám đốc Công ty Thành An - Hà Nội để đơn vị này làm cầu nối cho ông đến Việt Nam và thực hiện ý nguyện của mình. Những năm đầu, bác sĩ Jacques Samani đến Bệnh viện Việt Đức, Viện Nhi Trung ương. Năm nào ông cũng có mặt ở Việt Nam từ 1-3 lần để phẫu thuật cho bệnh nhân nghèo và chuyển giao kỹ thuật cho các phẫu thuật viên chỉnh hình. Ông nói: “Từ lâu, tôi đã làm y tế nhân đạo ở châu Phi và các nơi khác. Mổ cột sống là chuyên khoa của tôi. Nếu có sự lựa chọn thì tôi thích giúp trẻ em hơn, vì cuộc sống của chúng còn dài, cả mấy chục năm”.

 

Từ năm 2010, giáo sư - bác sĩ Jacques Samani sang Việt Nam nhưng không đến những nơi ông đã từng giúp trước đó. Ông bảo: “Các bác sĩ ở đó trình độ được nâng cao, đã mổ độc lập được rồi. Tôi phải tiếp tục đến nơi mới, mà Phú Yên là điểm tôi cần đến”. Tháng 10/2010, bác sĩ Jacques Samani về tập huấn và mổ một số bệnh lý về cột sống tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Trong số các bệnh nhân có chỉ định mổ về cột sống, khớp lúc ấy, ông đặc biệt quan tâm đến hai chị em bé Đỗ Trần Nhân (11 tuổi), Đỗ Thu Đông (9 tuổi) bị vẹo cột sống bẩm sinh rất nặng. Ông quyết tâm mổ, nhưng lại không thực hiện được vì thể trạng bệnh nhân lúc đó chưa ổn; không có thiết bị chuyên dụng, gia đình bệnh nhân lại quá nghèo, không có tiền để mua dụng cụ nẹp cột sống. Ông nói: “Nếu không mổ được hai cháu bé ở đây thì chuyển chúng qua Pháp cho tôi mổ!”.

 

samani-2-110507.jpg

Giáo sư - bác sĩ Jacques Samani (bên trái) phẫu thuật chỉnh vẹo cột sống cho bé Đỗ Thu Đông. - Ảnh: T.THỦY

 

Bệnh viện Đa khoa Phú Yên và Công ty Thành An đã phối hợp để giúp ông có điều kiện thực hiện được quyết tâm đó. Khi ca phẫu thuật chỉnh vẹo cột sống cho cháu Đỗ Thu Đông ngày 5/5 thành công, ông là người mừng hơn ai hết. Giáo sư - bác sĩ Jacques Samani bảo, trường hợp bé Đỗ Trần Nhân, ông sẽ quay lại phẫu thuật trong tháng 10 tới và sẽ ở lại Phú Yên một tuần.

 

Kế hoạch làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên chỉ đến ngày 5/5, nhưng đến chiều 6/5 ông mới dừng tay sau 7 ca phẫu thuật. Dự định đi một chuyến đến đảo Phú Quốc trước khi về Pháp của ông đành gác lại để dành thời gian cho bệnh nhân Phú Yên. Hoàn thành nhiệm vụ, ông chào mọi người ra về mà không chút đòi hỏi riêng tư, trong khi một số giáo sư bác sĩ ngoại quốc khác đến Việt Nam thì phải trả thù lao cho họ với mức rất cao được tính theo giờ.

 

Nghĩ về lâu dài, bác sĩ Jacques Samani nói: “Có lẽ lĩnh vực cột sống còn mới mẻ ở Phú Yên. Qua truyền đạt kiến thức cũng như thực hành, tôi thấy các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên thông minh, nhiệt tình và khả năng tiếp thu nhanh. Tôi sẽ tiếp tục cộng tác để hướng dẫn và đến lúc nào đó sẽ chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ phẫu thuật viên ở đây. Bệnh viện này cần được trang bị đầy đủ trang thiết bị chuyên dụng để giúp được nhiều cho bệnh nhân”.

  

DƯƠNG THU THỦY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Bà đỡ” cho người bán vé số
Thứ Sáu, 06/05/2011 18:00 CH
Tìm “tâm hồn” cho trẻ tự kỷ
Thứ Bảy, 16/04/2011 15:00 CH
Tìm lại những làng nghề đã mất
Thứ Bảy, 09/04/2011 14:00 CH
Tìm về cội nguồn
Thứ Bảy, 26/03/2011 18:11 CH
Cuộc hội ngộ của những người lính biển
Thứ Bảy, 26/03/2011 09:11 SA
Bài cuối: QUYẾT NUÔI GIỮ RÙA NƯỚC
Thứ Sáu, 25/03/2011 14:18 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek