“Với mỗi điều thiện, bạn gieo vào lòng đất, vào cuộc đời một hạt giống, mặc dù có thể bạn không nhìn thấy mùa gặt hái!”. Bà Phùng Thị Kim Huệ (ở số 6 Vân Ðồn, phường Phước Hòa, TP Nha Trang, Khánh Hòa) là người như vậy. Dù là “đại gia” trong nghề làm đại lý vé số ở Nha Trang, có cuộc sống khá giả, nhưng gần 20 năm qua, bà Huệ vẫn lặng lẽ giúp người nghèo, tàn tật có công ăn việc làm ổn định từ việc bán vé số.
Bà Huệ kiểm đếm lại vé số. - Ảnh: L.PHONG
TÌNH NGƯỜI DƯỚI “MÁI NHÀ VÉ SỐ”!
Chiều hôm ấy phố biển Nha Trang chợt mưa. Những giọt mưa mỏng vương đọng trên gương mặt hiền thục của những thiếu nữ xứ trầm hương. Mưa luống cuống, phập phồng bước chân tật nguyền của Hảo. Phía trước, phía sau Hảo và xa hơn nữa... còn nhiều người như Hảo cuộn tập vé số trong chiếc áo mưa mỏng manh vội vã đi qua đường để cùng nhau về địa chỉ số 6 Vân Đồn. Ở đó chính là ngôi nhà đoàn tụ của một đại “gia đình vé số”, một mái ấm tình thương. Nắng, mưa là chuyện của trời. Còn chuyện ở trong ngôi nhà số 6 Vân Đồn này, thường ngày vẫn vậy, lúc nào cũng nhộn nhịp, cũng đầy ắp tiếng nói cười, cũng ấm áp sự sẻ chia, cũng bùi ngùi, lưu luyến khi người đi, kẻ ở,... Mỗi người, mỗi số phận, mỗi hoàn cảnh, mỗi quê nhà khác nhau, nhưng họ cùng có mặt ở đây và cùng ăn, cùng ở, cùng đồng cam cộng khổ giúp đỡ nhau, cùng gắn bó mưu sinh bằng nghề bán vé số!
Dưới “mái nhà vé số” ấy có khoảng hơn 140 người vây quần bên nhau đếm vé số hoặc đếm tiền bán vé số trả lại cho chủ đại lý. Đông nhất là những người phụ nữ luống tuổi, có chung cảnh nghèo, chủ yếu quê ở các vùng nông thôn của tỉnh Phú Yên. Trong số này, tôi nhận ra nhiều người tật nguyền và cảm giác cay cay sống mũi khi nghe biệt danh của từng người tàn tật, như “Học cùi”, “Sum xụi”, “Tuấn xe lăn”... Nguyễn Văn Hảo (40 tuổi, quê ở thôn Phú Thứ, xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa) - còn gọi là “Hảo tật”, ngồi chen với đông người bán vé số, vắt cái chân ốm teo trên cái nạn gỗ, bàn tay dị tật lèo khoèo cầm xấp tiền bán vé số, miệng đếm từng đồng tiền lẫn trong tiếng mưa rơi. Sinh ra đã tật nguyền, hay đau bệnh, gia cảnh lại quá nghèo, Hảo đi bán vé số từ khi mới 15 tuổi. Hảo nói với tôi: “Hồi mới tập tễnh đến Nha Trang đi bán vé số cực lắm. Tui “cày” khắp hẽm phố Nha Trang để bán từng tờ vé số và phải tự lo thuê nhà ở, lo cái ăn, tự lo thuốc men khi phát bệnh. Song, mười mấy năm nay, nhờ bà Huệ cưu mang nên bán được khấm khá, gửi được nhiều tiền về nhà giúp đỡ cha mẹ già yếu”. Nhìn đôi chân tật nguyền của Hảo, có lẽ ai cũng động lòng thương, cũng hào phóng, cũng mua nhiều vé số của Hảo. Mỗi ngày, Hảo kiếm được 50.000 - 80.000 đồng...
Rồi bữa cơm chiều được người phụ bếp bày ra với những nồi cơm bự, những nồi canh, chảo cá to. Thức ăn có đủ loại cá kho, canh thịt nấu bí chanh, rau xào, rau sống... sắp đặt trên bàn tròn và cả một dãy dài dưới nền nhà. Như thành thói quen, không ai bảo ai, mọi người bán vé số ngồi vào bàn ăn rất trật tự, người chưa ăn lo cho người đang ăn; người ăn trước lo cho người ăn sau. Một bữa ăn đông như... ăn giỗ! Bà Nguyễn Thị Tặng (71 tuổi, quê ở xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa) vừa ăn, vừa tâm sự: “Đi bán vé số cả ngày rũ rượi chân tay, nhưng về đến nơi ở và được ăn uống vui vẻ và đầm ấm như thế này là quên ngay mệt nhọc. Mỗi bữa ăn, mỗi người chỉ trả 6.000 đồng, còn chỗ ngủ, sinh hoạt tắm giặt ở đây đều miễn phí hoàn toàn. Vậy nên ở đây, ai cũng cảm giác thoải mái, thân thiện và đều cảm ơn ân huệ của bà Huệ!” Sau bữa ăn, tôi “thị sát” nơi ở của đại “gia đình vé số” với rất nhiều phòng dành riêng biệt cho đàn ông, phụ nữ và những đôi vợ chồng có con nhỏ. Phòng nào cũng được trang bị đầy đủ các vật dụng sinh hoạt, trưng bày ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ. Mỗi người được bà Huệ giao cho một hộc tủ cá nhân để cất tiền và túi xách đựng vé số. Mọi sinh hoạt trong “gia đình vé số” cũng được quy định với nội quy “5 không”: không được về khuya sau 23g, không cờ bạc, không uống rượu say, không hút xách ma túy, không dẫn người lạ về phòng ở”.
“BÀ ÐỠ” CHO NGƯỜI BÁN VÉ SỐ XA QUÊ
Dưới “mái nhà vé số”, tôi bắt gặp một người đàn bà thấp đậm với gương mặt đôn hậu, bặt thiệp, luôn nở nụ cười tươi với mọi người bán vé số, đôn đốc những người giúp việc lo giao nhận vé số, tiền, lo bữa ăn cho người đi bán vé số. Đó chính là bà Phùng Thị Kim Huệ (48 tuổi) - chủ đại lý vé số số 6 Vân Đồn, và là “bà đỡ” cho những người đi bán vé số xa quê. Từ một cán bộ của trạm y tế với đồng lương ít ỏi, bà Huệ cùng chồng là ông Nguyễn Trung Trực (48 tuổi, quê ở xã An Ninh Tây, huyện Tuy An) ngày đêm bàn tính nhiều phương kế sinh nhai. Và năm 1992, vợ chồng bà Huệ “bén duyên” với nghề làm đại lý vé số ở TP Nha Trang. Ban đầu chỉ mười, mười lăm người đến đại lý của bà lấy vé số đi bán, về sau đông dần. Đến nay, ngoài đại lý ở số 6 Vân Đồn, bà Huệ mở thêm hai đại lý vé số quy mô nhỏ ở Vĩnh Phước và phường Tân Lập và mỗi ngày có khoảng 300 người bán vé số thuộc đại lý bà Huệ. Đa số những người bán vé số cho đại lý của bà Huệ đều ở tỉnh Phú Yên, một số ít người ở Bình Định, Ninh Thuận... Họ thường thuê chỗ ở trong những khu nhà trọ quá ọp ẹp, tồi tàn, ăn uống kham khổ nhưng mọi chi phí lại cao. Thấy vậy, bà Huệ thuê luôn căn nhà bốn tầng thoáng mát của người quen để vừa làm đại lý, vừa lo luôn nơi ăn, chốn ở cho người đi bán vé số nghèo, xa quê.
Nhờ bà Huệ giúp đỡ, anh Nguyễn Văn Hảo có thu nhập từ việc bán vé số. - Ảnh: L.PHONG
Ở TP Nha Trang có khoảng 40 đại lý bán vé số, nhưng chỉ có vài đại lý như bà Huệ giúp đỡ tạo điều kiện cho người đi bán vé số là người ngoại tỉnh có hoàn cảnh khó khăn. Và mười mấy năm trôi qua, để duy trì “bếp ăn” đủ chất dinh dưỡng, ngon và giá rẻ cho nhiều người nghèo đi bán vé số này, bà Huệ không quản ngại gian khó, tự lo đi chợ mua từng bó rau, con cá. Bà Huệ cho hay: Dù cơn “bão giá” đang leo thang, nhưng tôi vẫn không tăng tiền ăn và mỗi bữa ăn chỉ trừ 6.000 đồng/người. Để “đầu vào” nguyên liệu thức ăn được rẻ, tôi về tận quê An Ninh Tây (huyện Tuy An) đặt mua hàng tấn lúa khi đến mùa gặt để xay gạo; rau củ quả thì ra mua ở chợ đêm, thịt thì mua tại lò mổ, hải sản mua tại cảng cá Hòn Rớ đem về chứa trong bốn tủ cấp đông để dùng dần, còn nước mắm tự muối,... Ngoài thời gian lo phân phát, kiểm vé số, tôi phải “chỉ huy” người giúp việc nấu ăn đổi món hợp lý theo ngày, đảm bảo mọi người đi bán vé số được ăn no, hợp khẩu vị.
Dù “quản lý” một đội quân bán vé số đông như vậy, trong số đó có người mới đến lạ hoắc, nhưng bà Huệ nhớ như in tên từng người. Bà đặc biệt chăm lo đến sức khỏe của người đi bán vé số, bởi theo bà, ngày ngày họ phải đi bộ vài chục cây số dưới trời nắng chang chang hay mưa dầm, gió chướng. Trong nhà, bà Huệ trang bị một tủ thuốc dành cho người đau ốm, cảm sốt đột ngột lúc nửa đêm. Hễ ai rủi ro bị tai nạn hay bệnh nằm viện, bà hỗ trợ ngay tiền thuốc men. Năm 2010, bà Huệ bỏ ra cả trăm triệu đồng để hỗ trợ nhiều người đi bán vé số, bệnh chết, gặp nạn thương tâm, như giúp đỡ cho gia đình bà Nguyễn Thị Đạt (người ở Bình Định) bị bệnh chết, bà Lê Thị Mười (ở Phú Yên) bị bệnh, anh Trần Văn Đảm bị tai nạn chấn thương sọ não, bà Nguyễn Thị In ung thư gan,... Không chỉ thế, bà Huệ còn cưu mang lo nơi ăn ở cho con em của người nghèo bán vé số, như trường hợp con của chị Trương Thị Nhung học ở Trung cấp y tế Khánh Hòa; con của chị Nguyễn Thị Hiệp học ở Trường Cao đẳng nghệ thuật Khánh Hòa, hay nhận anh Võ Đình Luân con của bà Nguyễn Thị In chết vì ung thư gan làm con nuôi…
Tôi xin mượn lời tâm sự của ông Phan Cảnh, nguyên Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết Khánh Hòa về bà Huệ để kết thúc bài viết này: “Bà Huệ tập hợp được người lao động bán vé số, trợ giúp khó khăn, nơi ăn, ở. Đây xuất phát từ trái tim nhân hậu, từ tấm lòng với nghĩa cử cao đẹp của bà Huệ, mà không phải chủ đại lý vé số nào cũng làm được. Việc làm này rất có ý nghĩa, có thể nhân rộng để vừa quản lý được người làm nghề bán vé số, vừa thuận lợi cho việc phân phối vé số, vừa góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Đây cũng là địa chỉ mà các nhà hảo tâm nên lưu tâm đến để làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn!”.
LƯU PHONG