Công trình nước tự chảy nhưng... không có nước chảy. Công trình nước sạch lại ra... nước dơ. Công trình cấp nước cho cả thôn nhưng chỉ một số hộ “đầu nguồn” thì hứng được nước chảy... rỉ ra, cuối thôn tắc tị. Công trình cấp nước vừa bàn giao xong chưa tới 1 tuần thì hỏng... Phóng viên Báo Phú Yên đã tìm hiểu và thực hiện loạt bài về những công trình này.
Bài 1: Từ công trình nước... không chảy đến công trình nước chảy chập chờn!
CÔNG TRÌNH NƯỚC TỰ CHẢY... KHÔNG CÓ NƯỚC CHẢY!
Xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) nằm trên một vùng núi đá nên gặp rất nhiều khó khăn về nước sinh hoạt. Ông Nguyễn Văn Hảo, người dân ở thôn 2 xã này, cho biết: “Ở đây người ta đào giếng rất nhiều, như nhà tôi phải đào tới 2 cái giếng mới có nước xài. Giếng thì đào rất sâu, khoảng 8-10m, nhưng tới đó là cùng vì gặp đá bàn. Bởi vậy, nhiều giếng đào xong rồi để đó đợi mùa mưa xuống làm “thùng” đựng để dành xài dần chứ không tìm đâu ra nước mạch”. Theo người dân nơi đây, cứ đến mùa nam (mùa hè) hàng năm là tình trạng thiếu nước bắt đầu xuất hiện và kéo dài đến 3 – 3,5 tháng, cho đến khi mùa mưa tới. Người ta phải đến hai bên bờ của suối Cái, suối Con để đào giếng, cả làng phải ra gánh nước đó về sử dụng.
Vòi nước tự chảy ở Đa Lộc chảy được 1 tháng rồi “nín” luôn ba năm rưỡi nay |
Khó khăn là vậy nên năm 2002, khi thấy cán bộ của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Phú Yên (TT NSH&VSMTNT) về khảo sát, rồi sau đó là xây dựng hệ thống nước tự chảy, bà con xã Đa Lộc mừng như mở cờ trong bụng. Con suối bắt nguồn từ núi Hòn Đát, nước trong vắt và mát lạnh đã được “chỉnh” để chảy vào một hệ thống lọc và hồ chứa, từ đó dẫn về các thôn 1, thôn 2 và thôn 3 với khoảng 300 hộ dân được hưởng lợi từ nguồn nước này. “Đầu năm 2003, 27 vòi nước ở ba thôn nói trên nước chảy về dào dạt. Khỏi nói hết niềm vui của bà con ở đây. Nhiều người bảo sống ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà nước chảy bằng vòi ru-mi-nê thì đâu có thua gì thành phố. Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”…” – ông Nguyễn Văn Hảo thở dài. Chưa được 1 tháng hoạt động, hệ thống nước tự chảy có vốn đầu tư gần 400 triệu đồng này... tự ý chảy. Theo lời một số hộ dân ở thôn 2, các mối nối trong hệ thống ống bị bứt ra bởi không chịu nổi áp lực cao của nước. Nước không chảy vào ống nữa mà tràn ra đất, làm ngập vườn, sân nhà dân... Nhưng điều tồi tệ hơn là sau đó nước không còn chảy nữa. TT NSH&VSMTNT có mấy lần lên sửa chữa, nghe đâu phải tốn thêm đến 70 triệu đồng, thế nhưng nước vẫn không về với dân. Các anh Đinh Văn Tiểu, Nguyễn Văn Cường, Đoàn Văn Chờ là người dân tộc Chăm H’roi ở thôn 1 đưa chúng tôi ra một trụ nước sứt vòi, nói rằng: “Nó chảy chỉ có mấy chục ngày rồi nín luôn. Tụi này vẫn phải đi xin nước nhiều nơi để sử dụng. Khi không còn xin được nữa thì phải ra
May mắn cho người dân xã Đa Lộc là năm ngoái, Đoàn khảo sát địa chất Trung ương có ghé lại địa phương này đã khoan thăm dò một giếng sâu 50m và tìm được nguồn nước mạch dồi dào. Đoàn đã giao lại cho địa phương quản lý giếng khoan nói trên và khuyên nên xây dựng hồ chứa, dùng bơm điện bơm nước từ giếng này lên và tận dụng lại hệ thống ống, vòi nước của công trình nước tự chảy trước đây để cấp nước cho bà con.
Vì sao công trình nước tự chảy ở Đa Lộc mau chóng trở thành “đồ bỏ”? Ông Phan Đình Trí, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, xác nhận: “Hệ thống nước tự chảy này đã không hoạt động hơn ba năm rưỡi nay rồi. Lý do chính là có ai đó trong 50 hộ dân đang làm lúa nước ở đồng Hóc Lách dưới chân hồ chứa đã liên tục phá đường ống dẫn nước để lấy nước vào ruộng của họ. Đã vài lần chủ đầu tư có đến sửa chữa, chúng tôi cũng họp dân vận động dữ lắm nhưng bà con vẫn vi phạm”. Nhưng ông Trí cho rằng hệ thống này không hoạt động không chỉ do lỗi ở dân, mà lỗi chính ở khâu khảo sát: “Đối với một xã miền núi, có được 8ha lúa nước làm 2-3 vụ/năm như ở đồng Hóc Lách là quý lắm. Nhưng khổ nỗi cả cánh đồng này chỉ ăn nước từ con suối trên núi Hòn Đát, khi hệ thống nước này được xây dựng, nước chảy hết vào bể chứa, ruộng lúa của dân coi như bỏ không. Nhiều người phản ứng với địa phương rằng họ có thể tìm nước ở nơi này nơi khác, nhưng ruộng lúa thì không thể tìm ở đâu cho ra được. Cho nên, tôi nghĩ khâu khảo sát chưa tính được chuyện này. Thêm nữa, vào mùa nắng nóng này, nước suối lại chảy ngầm, không lộ thiên n ên nếu còn hoạt động thì hệ thống này cũng có sự cố bởi nước đâu chảy
Hệ thống bể chứa của công trình nước tự chảy xã Đa Lộc bị bỏ hoang
Tuần trước, khi chúng tôi đến, hệ thống nước tự chảy có mức đầu tư 400 triệu, sửa chữa 70 triệu này chỉ còn là một công trình bỏ hoang. Dưới chân bể chứa, đường ống đã bị đập vỡ lộ nham nhở ra ngoài, nước nhểu long tong chứ không đủ sức chảy thành dòng. Ông Chủ tịch xã Đa Lộc cho biết ông Giám đốc TT NSH&VSMTNT có làm việc với xã cách đây không lâu và đã thừa nhận công trình này coi như bỏ không. Giá mà các chuyên gia khảo sát, thiết kế nghiên cứu kỹ lưỡng hơn thì bà con Đa Lộc đỡ khát nước mà ngân sách nhà nước cũng đỡ lãng phí mấy trăm triệu đồng oan uổng!
CAO PHONG NƯỚC CHẢY CHẬP CHỜN...
Thôn Cao Phong (xã Xuân Lâm, huyện Sông Cầu) nằm trên ngọn đồi thuộc đỉnh Dốc Găng, là thôn gặp khó khăn về nước sinh hoạt “nổi tiếng” nhất Sông Cầu. Ở đây, người ta cũng đào giếng, nhưng hiếm khi tìm được mạch nước vì đa số giếng đào đều gặp đá bàn. Cả thôn chỉ vài cái giếng có nước, trở thành giếng công cộng, nhưng mùa khô thì giếng nào cũng cạn trơ đáy. Chị Nguyễn Thị Mùi, một cư dân Cao Phong, kể: “Năm ngoái, ai có xe nổ (xe máy) thì chạy xuống thị trấn Sông Cầu cách đây 3-4 cây số để mua về dùng. Ai không có xe thì phải mua lại của họ với giá đắt hơn gấp 4 lần, mỗi đôi nước giá 2.000 đồng, nên có thể nói nước sạch ở đây quý vô cùng”.
Một đoạn đường ống của công trình nước tự chảy thôn Cao Phong nằm trên đất rẫy của dân |
Nỗi khổ thiếu nước “truyền kiếp” của người Cao Phong những tưởng đã chấm dứt vĩnh viễn khi TT NSH&VSMTNT Phú Yên đầu tư tại đây một hệ thống nước tự chảy. Ông Trần Ra, trưởng thôn Cao Phong, nói: “Theo tôi được biết, mức đầu tư cho hệ thống này đâu khoảng 800 triệu đồng. Nước bắt nguồn từ Gộp Sình trên ngọn núi cao thường gọi là Đám Tranh Cưa, qua hệ thống lọc và bể chứa rồi theo đường ống dài 5.400m về thôn. Nước ở Gộp Sình rất trong và mát, không bao giờ cạn”.
Thế nhưng, đến Cao Phong cách đây vài ngày, chúng tôi vẫn thấy cảnh nhiều người dân quảy thùng đến các giếng công cộng để gánh nước như khi hệ thống nước sạch chưa được xây dựng. Trưởng thôn Trần Ra cho biết: Thôn Cao Phong có 168 hộ dân, nhưng 68 hộ ở phía Đông hoàn toàn không hưởng được nước của hệ thống nước sạch này. Trong khi đó, chưa tới 90 hộ xài được nước từ hệ thống, nhưng thường là lúc chảy lúc không. “Có hệ thống nước tự chảy này bà con mới đỡ khổ chút chút chứ chưa thoát khổ hoàn toàn. Càng về sau này, nước càng chảy yếu và rất thất thường” – ông trưởng thôn nói. Càng về phía QLI, nghĩa là phía cuối hệ thống, thì nước càng... không thèm đến. Chị Nguyễn Thị Hoa bức xúc: “Tôi nhà sát đường, làm trụ nước sạch, mua đồng hồ đo về gắn, mất hơn 300.000 đồng mà cả nửa năm nay chẳng thấy nước chảy, đành phải hứng nước mưa hoặc đi gánh về dùng”. Đúng ra, hồi đầu năm, vòi nước sạch nhà chị Hoa cũng chảy được non chục ngày, rồi sau đó “nín” luôn. “Tuần trước thấy có chiếc xe con chạy qua làng, cả xóm tụi tôi kháo nhau: “Chắc là mấy “ông nước” về sửa chữa hệ thống, chắc nhà tụi mình sắp có nước xài lại rồi”. Nhưng chờ cho đến giờ vẫn chưa thấy nước “cử động” chi cả” – chị Hoa thổ lộ. Còn chị Võ Thị Bảy ở giữa thôn nhưng sát đường cái, nghĩa là gần đường ống đi qua, khi chúng tôi đến, thấy dưới trụ nước nhà chị nào thùng nào xô hứng nước. “Hồi sáng nước còn nhểu, nhưng tới giữa buổi thì “nín” luôn. Tôi tật nguyền, không đi gánh nước được, hồi trước phải mua, bây giờ canh khi nào nước nhểu thì hứng để dành. Còn chuyện nước trong vòi “nghỉ” chảy là thường xuyên, có khi một ngày, nhưng lắm lúc cả tuần, thậm chí nửa tháng chẳng thấy nước nhểu!”.
Hơn 1 tháng trước đây, TT NSH&VSMTNT định tổ chức nghiệm thu công trình, nhưng lãnh đạo UBND xã Xuân Lâm đã không đồng ý vì cho rằng nhà thầu thi công không đúng thiết kế. Còn Bí thư chi bộ thôn Cao Phong Phan Minh Hùng bức xúc: “Mối nối giữa các ống với nhau không đảm bảo, thường xuyên bị bứt ống hoặc ré nước nhiều nơi, lượng nước bị rò rỉ rất nhiều, những hộ ở đầu hệ thống nước chảy còn yếu thì làm sao những hộ phía sau đó nước chảy mạnh được”.
Trưởng thôn Trần Ra đưa chúng tôi đến một số nơi có đường ống dẫn nước đi qua. Thật ngạc nhiên, đường ống được chôn trong rẫy sản xuất mía, bắp của dân; nhiều đoạn đơn vị thi công còn để lộ cả lên trên mặt đất. “Với kiểu “đi” ống thế này thì công trình không đảm bảo an toàn lâu dài. Chúng tôi đã khuyến cáo bà con trong thôn phải hết sức chú ý đến hệ thống đường ống khi làm đất và trong khi canh tác, nhưng thật khó bởi chỉ cần máy cày hay trâu bò vô tình “dậm” lên trên đường ống này thì hệ thống coi như... tiêu. Thêm nữa, một số nơi ống nằm trơ dưới nắng dưới mưa như thế thì chẳng mấy chốc mà bị mục, hỏng thôi” – ông nói.
Kỳ tới: "Nước máy... đục và nước "khô sạch"!".
QUỐC KHƯƠNG – ĐỨC THÔNG