Bài 1: Từ công trình nước... không chảy đến công trình nước chảy chập chờn!
Tại xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh), công trình cấp nước sinh hoạt cho dân đã không đến được nhiều nơi ở buôn Bai, trong khi những nơi nước đến thì có tình trạng nước bị đục như... nước mương. Còn ở thôn Phú Lương (xã An Phú, TP Tuy Hòa), công trình cấp nước do Đông Tây Hội Ngộ tài trợ trị giá hơn 6.000USD hoạt động chỉ 6 ngày rồi... nghỉ luôn nửa năm nay!
HỆ THỐNG NƯỚC SẠCH CHẢY RA... NƯỚC ĐỤC!
Xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) luôn gặp khó khăn về nước sinh hoạt trong hàng chục năm nay. Mùa khô, vùng này thường không có nước để tắm táp, giặt giũ. Năm 2005, Ea Lâm thiếu nước đến nỗi huyện Sông Hinh phải chở nước sạch từ nơi khác đến để “cứu tế” cho bà con. Tháng 7-2005, hệ thống cấp nước sạch theo chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện tại xã này khiến bà con mở cờ trong bụng. Theo thiết kế, hệ thống này lấy nước bơm từ giếng khoan, đưa lên bể chứa dung tích 24m3 và cung cấp cho 400 hộ dân ở 5 thôn, buôn Bưng A, Bưng B, Gao, Học và Bai. Công trình trên chính thức được chủ đầu tư là Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (TT NSH&VSMTNT) Phú Yên bàn giao cho UBND xã Ea Lâm quản lý khai thác theo kiểu “tự thu tự chi” kể từ 1-1-2006. Hè 2006 là mùa khô đầu tiên người dân Ea Lâm hy vọng không thiếu nước nhờ có hệ thống này. Thế nhưng...
Ma Lan (buôn Bai, xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh) bên vòi nước chưa bao giờ có nước chảy - Ảnh: K.Duy |
Buôn Bai nằm sát trụ sở UBND xã, nơi đặt cơ sở hạ tầng của hệ thống nước sạch. Vậy mà nước sạch từ hệ thống này đã không chảy hoặc chảy chập chờn về buôn này. Ma Cất vặn cái ruminê chỗ cột nước xây dựng ở bên phải ngôi nhà sàn của ông. Tiếng ken két khô khốc rít lên giữa cái nắng trưa bức bối của mùa hè vùng cao. “Từ hồi được làm đến giờ nó chẳng chảy ra một giọt nước nào cả. Không chỉ nhà mình, mà những nhà bên cạnh đều như thế cả. May mà gần đây cũng có cái giếng nên cả buôn ra đấy gánh, xách về sử dụng” – Ma Cất cho biết. Cái cột nước nhà ông tuy không sử dụng đã lâu, nhưng Ma Cất vẫn hy vọng một ngày nào đó những dòng nước mát lành sẽ tuôn ra từ đấy. Ông sợ lũ nhỏ phá phách nên lấy luôn một cây gai keo “rào” cái cột nước lại...
Ở phía đối diện, cách nhà Ma Cất vài căn là nhà của Ma Lan. Bởi cái cột nước không chảy, giếng dùng chung thì lượng nước cũng ít, chỉ dành cho việc nấu nướng nên cả nhà Ma Lan cùng những nhà lân cận phải xuống cái ao phía sau nhà để tắm táp, giặt giũ. Đó là một cái ao nước đọng, rất bẩn, theo lời Ma Lan là sâu cũng đến gần ngập đầu con người. Cả xóm của anh đến đó tắm chung, giặt chung bởi không biết tìm nguồn nước nơi đâu nữa.
Đó là tình hình ở cuối buôn Bai. Còn đầu buôn này, nước sạch cũng “làm khó làm dễ”. Bởi ở gần hệ thống nên tình hình được cải thiện hơn, khi vặn hết cỡ ruminê trên cột nước thì cũng có nước... rỉ ra. Nhưng không thể đủ kiên nhẫn để “chờ” nước, bà con trong vùng có chung một sáng kiến: Nhà nào cũng moi phần ống dẫn dưới gốc cột nước để nối thêm vào một đoạn ống mềm dẫn đến một cái hố được đào bên cạnh đủ để đặt một cái thau. “Chỉ có cách đó mới có nước sử dụng. Nhưng chất lượng nước không tốt nên chúng tôi chỉ dành để tắm táp, giặt giũ; còn nước uống vẫn phải đi đến giếng cuối thôn để xách từng can” – chị Ma Thị Liên cho biết.
Nhưng ở vùng có nước chảy mạnh như ở buôn Bưng A ngay trung tâm xã cũng chưa hẳn đã “ngon”. Tại nhà anh Nay Y Thế, chúng tôi chứng kiến vòi nước xả cả nửa giờ đồng hồ mà màu nước vẫn vàng như thể nước dưới mương!
Nhiều hộ dân ở đầu buôn Bai (xã Ea Lâm - huyện Sông Hinh) phải đào hố mới hứng được nước từ hệ thống nước sạch
Vì sao có tình trạng này? Theo lời ông Ksor Y Lê, Chủ tịch UBND xã Ea Lâm: hệ thống cung cấp nước sạch của xã này do TT NSH&VSMTNT Phú Yên làm chủ đầu tư. “Sau khi bàn giao, hệ thống này hoạt động tốt và nước cũng rất chất lượng. Tuy nhiên, do lượng nước như thiết kế ban đầu không cấp đủ nhu cầu của bà con nên tháng 5 vừa rồi, TT NSH&VSMTNT đã tiến hành khoan giếng sâu thêm 9m nữa, kể từ đó xuất hiện tình trạng nước đục, vàng cho đến nay”. Ksor Y Lê nói tại nhà ông, mỗi sáng xả nước chỉ phải cho chảy liên tục khoảng hơn 5 phút là nước đỡ vàng, trong dần lại. Tuy nhiên, nhiều cán bộ khác và người dân ở Ea Lâm khẳng định là phải để nước chảy gần cả nửa tiếng, thậm chí có khi chảy đầy một hồ nước vẫn chưa thấy nước sạch (thực tế chúng tôi đã chứng kiến ở nhà Y Thế như đã nêu).
Theo Chủ tịch xã Ksor Y Lê, hiện 4 thôn, buôn Bưng A, Bưng B, Gao và Học hệ thống này nước sạch đã chảy tốt, đồng thời xác nhận tình hình khó khăn trong việc cấp nước từ hệ thống cho buôn Bai. “Buôn này trước đây Chương trình 135 có xây dựng một hệ thống bơm nước từ hồ môi sinh để cấp nước cho bà con trong buôn. Thế nhưng, sau một thời gian, công trình này cũng không hoạt động hiệu quả. Khi xây dựng công trình cấp nước sạch, để giảm bớt chi phí, toàn bộ hệ thống dẫn nước cũ ở buôn này được tận dụng lại. Khó khăn là bây giờ số hộ đã tăng gần gấp đôi so với trước đây, đường ống cũ lại nhỏ, nhiều đoạn hư hỏng nên nước vẫn không đến được với bà con”.
Được biết, huyện Sông Hinh cũng đã có cuộc họp và kiến nghị chủ đầu tư nghiên cứu, sửa chữa và nâng cấp để hệ thống hoạt động ổn định với chất lượng nước đạt tiêu chuẩn nước sạch. Một cán bộ thanh tra huyện tăng cường về Ea Lâm nói: “Đây là công trình tự thu tự chi, nhưng vừa rồi mới chỉ khoảng 40% số hộ dùng nước thanh toán tiền nước. Nhiều hộ còn lại không đồng ý nộp tiền, họ nói rất có lý rằng không ai bán nước bẩn mà lấy tiền cả! Trong khi đó, theo kế hoạch, chậm nhất là tháng 9 này công trình phải hoạt động theo cơ chế lấy thu bù chi vì huyện không cấp kinh phí hỗ trợ như mấy tháng nay nữa...”
CÔNG TRÌNH NƯỚC HOẠT ĐỘNG 6 NGÀ
Hồ chứa của hệ thống nước ở Phú Lương (An Phú - TP Tuy Hòa) đã bị bỏ không trong hơn 6 tháng qua |
Tại thôn vùng núi Phú Lương (xã An Phú, TP Tuy Hòa), tổ chức phi chính phủ Đông Tây Hội Ngộ (EMW – Mỹ) tài trợ 6.000USD để xây dựng hệ thống cấp nước cho bà con trong thôn, TP Tuy Hòa đầu tư 21 triệu đồng để kéo đường dây điện phục vụ công trình. Thế nhưng, sau 6 ngày hoạt động, chiếc máy bơm nước bị hỏng, công trình chính thức “nghỉ ngơi” hơn nửa năm nay!
Ở trên núi, Phú Lương được “trời cho” một nguồn nước dồi dào ở xóm Giếng Nhỉ – cái tên có lẽ ra đời từ cái giếng duy nhất được người xưa để lại mà mạch nước ngầm trong núi chảy ra không bao giờ dứt. Nhưng gần 40 hộ dân của xóm Giếng Nhỉ cũng phải khổ cực mới có nước sử dụng. Sau một ngày làm việc vất vả, họ phải đến giếng để gánh nước, đường đi lại khó khăn vì nhiều dốc và đá lởm chởm. Trời nắng thì còn gánh được, nhưng trời mưa thì “hỡi ơi”… là gian truân. Chuyện nước nôi càng khó khăn hơn khi người dân nơi này làm kinh tế nhờ vào chăn nuôi, có đủ nước tắm rửa cho bò, heo là chuyện khó khăn nhất của dân xóm Giếng Nhỉ.
Công trình nước sạch đã “khô sạch” gần nửa năm nay, nhưng tại buổi làm việc với chúng tôi, ông Ngô Đa Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã An Phú, nói rằng đang lập tờ trình gởi vào đại diện của EMW ở TP Hồ Chí Minh để họ làm việc với đơn vị thi công có biện pháp sửa chữa, khắc phục. Ông Tuấn nói: “Công trình đã được bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác nhưng chỉ sau một tháng hoạt động thì máy bơm nước gặp sự cố. UBND xã cũng đã chỉ đạo Tổ điện tiến hành sửa chữa, nhưng không khắc phục được và đã tháo cất gần nửa năm nay. Trước đó, Chủ tịch UBND xã Dương Ngọc Thanh cũng đã chỉ đạo sửa chữa, nhưng vì anh bị bệnh và phải nghỉ dưỡng nên mới có chuyện kéo dài việc sửa chữa cho đến nay”. Ông Tuấn thừa nhận việc chậm báo cáo với chủ đầu tư là lỗi của xã.
Rồi người dân ở đây nhận được tin vui: Giữa năm 2005, tổ chức EMW tài trợ xây dựng tại đây một công trình cấp nước, lấy nguồn từ Giếng Nhỉ, với nguồn vốn đầu tư lên đến 6.000USD. Với niềm vui quá lớn như vậy, dân trong làng hồ hởi lắm khi được Ban nhân dân thôn vận động họ góp 150 ngày công để đào đường ống dẫn nước từ giếng lên đến hồ chứa trên núi. “Vận động chuyện gì cũng khó, chỉ có chuyện làm cho có nước là dễ vô cùng vì ai cũng... khát. Chỉ nói đêm hôm trước, ngày hôm sau nhà nào cũng có “đại diện” làm công ích vì công trình nước” – phó trưởng thôn Phú Lương Trương Thái Triều nhớ lại. Rồi nữa, khi tuyến ống nước chính được dẫn ngang qua nhà, để có thể bắt vô nhà mình, hầu hết bà con ở thôn này phải chạy vạy khắp nơi, người mượn tiền, có người phải vay nóng để mua thiết bị, dụng cụ đưa nước về nhà. “Có người phải chạy đi chạy về giữa nơi này với Tuy Hòa (cách nhau cả chục cây số) để đổi đi đổi lại thiết bị, dụng cụ cho phù hợp mới có được cột nước cho riêng nhà mình” – anh Triều cho biết.
Đến đầu năm 2006, công trình hoàn thành nhưng chưa hoạt động được vì chưa có điện. UBND TP Tuy Hòa đã trích 21 triệu đồng từ nguồn ngân sách đầu tư xây dựng đường điện dẫn vào công trình. Ngày 6-3-2006, người dân xóm Giếng Nhỉ thôn Phú Lương lần đầu tiên trong đời thấy nhà mình giống như ở... phố khi chỉ cần vặn ruminê, nguồn nước trong sạch mát lành từ Giếng Nhỉ dẫn về chảy ào ạt.
Niềm vui chưa được bao lâu thì nỗi buồn, nỗi bực ập đến. Nước chảy được 6 ngày thì máy bơm cháy, nước “tịt” luôn cho đến nay!
Nhà của ông Lê Công Trường nằm cách công trình nước sạch khoảng vài chục mét. Khi công trình đang thi công thì vợ chồng ông cũng đầu tư cả triệu đồng để xây dựng một bể chứa nước dành khi “có sự cố”. Rủi thay, nước chảy được... một buổi, hứng được vài đôi là nhà ông không còn nhận được nước từ hệ thống nữa. “Chúng tôi lại phải quay lại cảnh gánh từng đôi nước trước đây. Có công trình nước sạch mà cũng như không, tụi tui ức lắm!” – ông Trường phản ảnh như thế.
Ông Triều cho biết: “Ngay sau khi máy bơm nước bị sự cố, chúng tôi đã báo lên UBND xã An Phú để sửa chữa. Cán bộ kỹ thuật cũng đã tháo gỡ máy bơm để sửa chữa, nhưng loại máy này ở đây (ở Phú Yên –PV) không sửa chữa được. Và cũng từ đó đến nay, việc sửa chữa máy bơm rơi vào “im lặng”. Tôi vừa viết đơn định gửi cho cơ quan chức năng TP Tuy Hòa để họ sớm can thiệp. Nói chung dân ở đây người nào cũng bức xúc khi công trình nước vừa đưa vào hoạt động đã hỏng”.
QUỐC KHƯƠNG – ĐỨC THÔNG