Đầu tháng 8/2006, Báo Phú Yên đã thực hiện loạt bài “Nỗi buồn từ những công trình cấp nước”, phản ánh việc có quá nhiều công trình cấp nước cho người dân vùng núi, vùng sâu, xa nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động và chất lượng nước cũng không đảm bảo. Mùa khô năm nay, trước tình hình thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, chúng tôi lại tiếp tục nhận được những thông tin buồn từ các công trình cấp nước.
Ông Nguyễn Ngãi và hai cục nước đá … vàng khè! – Ảnh: D.T.X
XUÂN QUANG 2: HỆ THỐNG NƯỚC SẠCH RA NƯỚC... VÀNG
Vợ chồng ông Nguyễn Ngãi và bà Phạm Thị Cúc ở thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, (huyện Đồng Xuân) không giấu được nỗi bức xúc khi nói về công trình cấp nước sạch mà Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường Phú Yên (TT NSH&VSMT) thực hiện cho người dân địa phương. “Nhiều tháng nay, nước máy từ công trình nước sạch bán cho chúng tôi có màu vàng khè, trông rất sợ. Nếu đựng qua một đêm thì dưới đáy chát, vò đọng lại một lớp cặn dày; ca ngâm trong nước này nhớt nhợt, ghê lắm” – ông Ngãi nói như thế. Còn bà Cúc, sau khi đưa chúng tôi ra hè sau để tận mắt chứng kiến chát nước màu vàng, còn mở tủ lạnh lấy ra những cục đá có màu vàng nhạt được đông lại từ thứ nước trên để chứng minh thêm.
Chiếc ca bị hệ thống nước sạch làm ngả màu vàng tại một hộ dân thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân - Ảnh: DTX
Không chỉ riêng vợ chồng bà Cúc, mà nhiều hộ dân ở thôn Triêm Đức cũng bày tỏ nỗi bức xúc tương tự. Ông Nguyễn Hoài Tâm, cán bộ thống kê của xã Xuân Quang 2, nhà ở thôn này, mở bình lọc nước để chỉ cho chúng tôi thấy một lớp cặn vàng khè đóng ở bộ phận lọc. Ông Tâm cho biết: “Cứ hai ngày mà không súc rửa thì cặn vàng đóng dày như vậy đấy. Nhà tôi phải lắng nước một đêm thì mới có được nước trong để bỏ vô tủ lạnh đong đá”. Còn bà Hồ Thị Thiên, có nhà ở khu vực cuối đường ống, cho biết: “Hồi hệ thống mới hoạt động, nước đục như nước cơm. Càng về sau càng đỡ dần, nhưng không trong được mà như mấy chú thấy, giống nước hến. Nước này đem nấu, lâu dần trong đáy ấm đóng cứng một lớp cặn dày”.
Nhiều người dân ở thôn Triêm Đức bày tỏ nỗi lo lắng khi thấy hệ thống nước sạch cho ra nước đục như vậy. Ông Tâm đặt vấn đề: “Nước uống còn lọc được, nhưng nước để nấu nướng thì vẫn phải lấy nước màu vàng đó thôi. Chúng tôi sợ vì không biết trong đó có chất gì không, có ảnh hưởng đến sức khỏe không?”.
Theo ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2, hệ thống cung cấp nước sạch nói trên được TT NSH&VSMTNT Phú Yên xây dựng để cung cấp cho 120 hộ dân ở hai thôn Triêm Đức và Kỳ Đu, với tổng mức đầu tư là hơn 900 triệu đồng. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động từ đầu năm 2005, công trình đã được chủ đầu tư giao lại cho địa phương quản lý khai thác. Xã bán nước cho dân với giá 2.500 đồng/m3 đối với hộ người Kinh và 2.000 đồng/m3 cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Hùng thừa nhận: “Kể từ tháng 1/2007, nước từ hệ thống cung cấp này bỗng vàng. Theo nhận định ban đầu của chúng tôi là nguồn nước bị nhiễm phèn, nhưng để biết chính xác nguyên nhân gây ra hiện tượng trên, xã đã gởi 3 mẫu nước từ giếng, hồ và ở điểm cuối đường ống cho TT NSH&VSMTNT. Tuy nhiên, gần 4 tháng nay, trung tâm chưa có trả lời gì”. Ông Hùng nói trong một lần gặp mới đây, ông Giám đốc của TT NSH&VSMT Phú Yên cho hay rằng đơn vị này đang xin chủ trương của tỉnh để đầu tư hệ thống lọc nước cho công trình này. Còn trước mắt, để hạn chế tình trạng nước sạch nhưng… không sạch, UBND xã Xuân Quang 2 yêu cầu tổ quản lý hệ thống thường xuyên súc xả hồ chứa trên núi Hòn Dinh và xả đường ống ở van cuối.
EA LÂM: NƯỚC “SẠCH” BỊ NHIỄM PHÈN VƯỢT GẤP 3 LẦN MỨC CHO PHÉP
Công trình cấp nước sinh hoạt xã vùng cao Ea Lâm, huyện miền núi Sông Hinh do TT NSH&VSMTNT làm chủ đầu tư, được đưa vào sử dụng cuối năm 2005 với kinh phí đầu tư hơn 1,2 tỉ đồng. Theo thiết kế, hệ thống có công suất từ 86m3 đến 108m3/ngày đêm và tuyến đường ống dài gần 4.750m, trong đó có đầu nối đường ống chính dẫn thẳng vào nhà của 315 hộ ở các buôn.
Hệ thống cấp nước sinh hoạt ở Ea Lâm không đến được nhiều hộ dân ở cuối buôn Bai, vì thế nhiều người đã sử dụng ao nước này để tắm rửa, giặt giũ – Ảnh: D.NGUYỄN
Tuy nhiên, đến tháng 9/2006, công trình này chỉ đủ sức cung cấp nước cho 142 hộ ở các buôn Học, Gao và Bưng B sử dụng. Điều đáng nói hơn cả là chất lượng nguồn nước không đảm bảo. Già làng Ma Thin ở buôn Bai cho biết: “Nước máy chảy yếu lắm, lại có màu vàng, mùi tanh, thấy bẩn đến mức không dám uống”. Ngày 8/3/2007, TT NSH&VSMTNT Phú Yên đã cùng các ngành hữu quan tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tại 1 giếng đào và 1 giếng khoan sau khi bơm hơn 3 giờ. Kết quả cho thấy giếng khoan và giếng đào đều bị nhiễm phèn gấp 2,5 đến 3 lần mức cho phép theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế.
Hơn thế nữa, hệ thống này cũng thường xuyên bị trục trặc. Ngày 8/5/2007, dây cáp giữ máy bơm đặt trong giếng khoan bị đứt, hệ thống phải dừng hoạt động; hàng ngàn người dân phải sử dụng giếng đào và nước ở sông Ba, cách trung tâm xã hơn 2 cây số. Sau nhiều lần báo cáo cho các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết, ngày 13/5/2007, UBND xã Ea Lâm đã tự hợp đồng với một cá nhân ở TP Tuy Hòa sửa chữa. Một tuần sau đó, hệ thống dây điện của trạm bơm lại bị cháy, người dân xã Ea Lâm lại tiếp tục không có nước sinh hoạt. Mãi đến ngày 21/5, sự cố này mới được khắc phục...
Ma Hon, một người dân ở buôn Bai cho biết: “Hiện bà con đang đói nước, nước tắm cũng không có, nước uống cũng không có. Đói ăn đã khổ rồi, đói nước càng khổ hơn. Đề nghị cấp trên xem xét, sớm có biện pháp khắc phục hệ thống cấp nước này để người dân Ea Lâm có nước sạch uống khỏi đau, khỏi bệnh”. Còn ông Ngô Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Lâm, nói: “Vấn đề nước từ công trình cấp nước sinh hoạt do TT NSH&VSMTNT đầu tư luôn là nỗi bức xúc của tất cả cán bộ và nhân dân trong xã. Chúng tôi đã nhiều lần báo lên TT NSH&VSMTNT và các ngành chức năng ở huyện, tỉnh về những phản ánh của bà con, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì”.
CẦN CÓ MỘT CUỘC TỔNG KIỂM TRA
SƠN ĐỊNH THIẾU NƯỚC SINH HOẠT Hiện xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Công trình cấp nước sạch của TTNSH & VSMTNT Phú Yên đầu tư xây dựng lại không phát huy hiệu quả, máy bơm liên tục hư hỏng nhưng vẫn không được sửa chữa. Nhiều gia đình có kinh phí đầu tư đào giếng thì phải bỏ ra từ 15-20 triệu và khoan sâu từ 95-100 m nhưng hiếm có giếng gặp nước mạnh. Để có nước sinh hoạt, người dân phải đi múc từng can hoặc phải mua lại từ những chiếc xe bục bịch chở bán với giá 10.000 đồng/20 lít nước. LỆ VĂN
Những công trình cấp nước cho người dân vùng núi, vùng cao không đảm bảo chất lượng, công trình mau chóng xuống cấp như chúng tôi từng phản ánh và cụ thể là hai hệ thống nêu trên đây đang đặt ra câu hỏi: Đâu là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên? Câu hỏi đó cần sớm được chủ đầu tư và đơn vị quản lý các hệ thống trên trả lời để giải quyết những bức xúc, lấy lại lòng tin từ người dân. Đồng thời, cần phân định rõ trách nhiệm của đơn vị hay của các địa phương để từ đó có biện pháp xử lý, sửa chữa, khắc phục.
Được biết, vừa qua, HĐND tỉnh Phú Yên đã giám sát việc xây dựng và sử dụng hệ thống cấp nước sinh hoạt ở Ea Lâm. Chúng tôi đề nghị các ngành chức năng của tỉnh cần có một cuộc tổng kiểm tra, đánh giá lại hiện trạng và hiệu quả sử dụng của các công trình, hệ thống cấp nước sạch, nước tự chảy trên địa bàn tỉnh, để từ đó xem xét hiệu quả đầu tư cũng như trách nhiệm của những đơn vị liên quan.
NGUYỄN MẠNH DƯƠNG – NGỌC CƯỜNG