Thứ Ba, 01/10/2024 00:25 SA
Cồng chiêng về lại buôn làng
Thứ Bảy, 08/07/2006 08:12 SA

Tiếng cồng chiêng ngân vang khắp núi rừng Cà Lúi như mời gọi, đánh thức lũ làng dậy về cùng vui trong ngày hội. Tiếng cồng chiêng như đưa người ta qua những ngôi nhà sàn, qua những núi đồi trập trùng, vang xa ngoài rẫy, trên rừng... Đến nỗi nếu có ai đó đứng ở đỉnh ChonbRon chót vót cũng nghe thấy...

 

060708-cheng.jpg
Đêm hội cồng chiêngẢnh: D.T.Xuân

 

LẤY LẠI CỒNG CHIÊNG

 

Cái tin những thanh niên ở một số buôn làng người dân tộc thiểu số góp tiền mua cồng chiêng trong vòng hai năm trở lại đây đã làm vui lòng rất nhiều người, đặc biệt là những người tâm huyết với nhạc cụ này.

 

Vào những thập niên 80 của thế kỷ 20, một số buôn làng do đời sống khó khăn đã bán cồng chiêng để đổi lấy gạo, muối. Như người Chăm ở Phú Yên, bây giờ cồng chiêng của dân tộc này rất ít, hiện chỉ còn ở làng Hà Rai, Phước Tân. Một số nơi khác cũng rất ít sử dụng. Một nét văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số tưởng như dần bị mất đi.

 

Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Ka Sô Liễng tâm sự: “Gần đây, người ta nói rằng có hiện tượng chảy máu cồng chiêng. Đó là điều rất buồn và đau lòng, vì cồng chiêng là văn hoá của người dân tộc thiểu số. Tôi thấy thanh niên ở Cà Lúi, Phước Tân, Krông Pa (Sơn Hoà), EaLâm (Sông Hinh) đã nhìn  được vai trò của cồng chiêng. Do đó, họ đã góp tiền để mua cồng chiêng. Đây là điều rất đáng mừng. Những bộ cồng chiêng không chỉ mang theo niềm vui buôn làng trong các lễ hội, mà còn thể hiện rõ ý thức bảo tồn văn hoá dân tộc trong thế hệ trẻ. Cái đó rất đáng phát huy, nên phát huy và cần phát huy. Tôi mong ở các xã khác cũng nên tiếp tục việc làm này. Bởi mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng, mà văn hoá dân tộc thì không thể mất. Nó gắn liền với cuộc sống của lớp trẻ sau này. Như thế cồng chiêng mới tồn tại, nó mới sống được”.

 

Tôi về xã Cà Lúi, nơi thanh niên dân tộc thiểu số tiên phong trong việc bảo tồn văn hoá của dân tộc mình. Già làng Oi Dành (buôn Ma Đỉa) ngất ngư bên ché rượu cần, cười mãn nguyện: “Từ ngày có bộ cồng chiêng trong buôn, già thấy vui cái bụng lắm. Ma Đỉa đã không phải đi mượn cồng chiêng ở buôn khác. Những ngày Tết và lễ hội của buôn làng mình vui hơn trước đây nhiều. Lúc nào cũng tổ chức đánh cồng chiêng. Ngày vui dài lắm!”.

 

Bộ cồng chiêng có 23 cái được thanh niên trong buôn mua về với giá 3 triệu đồng, cả buôn quay quanh trầm trồ, xuýt xoa. Trước đây Ma Đỉa cũng có một bộ cồng chiêng của Oi Mang. Nhưng rồi khi túng quá, Oi Mang cũng bán đi để mua gạo. Từ đó, mỗi khi Ma Đỉa có lễ hội thì phải sang buôn Ma Lúa để mượn. Thích thì người ta cho mượn, không thích thì họ lắc đầu. Vì thế, ngày vui của buôn làng đã không vui được nhiều. Ma Khả, Bí thư chi đoàn buôn Ma Đỉa, người đi đầu trong phong trào góp tiền mua cồng chiêng nói: “Mỗi khi nghe cồng chiêng nổi lên thanh niên ở đây rất ghiền. Vì thế, mấy anh em mình có suy nghĩ là góp tiền lại mua cồng chiêng về để buôn làng mình vui hơn, cho nên tôi gương mẫu góp trước”.

 

BUÔN LÀNG VANG TIẾNG CỒNG CHIÊNG

 

Một bộ cồng chiêng tuỳ loại từ 17-23 cái mà có giá từ 2,5-3 triệu đồng. Tuy không là khoản tiền lớn, nhưng với thanh niên ở những vùng còn khó khăn như Cà Lúi, đó là sự đóng góp của cả một năm. Họ góp những đồng tiền nhỏ từ ký lúa, ký đậu, ký khoai qua bao mùa nương rẫy nhọc nhằn thấm đẫm mồ hôi của mình mới mua được bộ cồng chiêng như hôm nay. Những thanh niên ở đây hiểu rằng không có gì dễ tập hợp được thanh niên dễ dàng như mỗi khi nổi cồng chiêng. Y Keo, một thanh niên trong buôn nói: “Khi có cồng chiêng thì thanh niên, phụ nữ tập hợp rất đông. Nó không chỉ là niềm vui mà còn là phong tụccủa dân tộc mình nên mọi người rất hưởng ứng. Có cồng chiêng thì vui vẻ, rộn ràng lắm”. Để tập hợp, vận động thanh niên tham gia vào một phong trào nào đó như giúp những hộ neo đơn trong buôn thu hoạch vụ mùa, thực hiện kế hoạch hoá gia đình… không gì dễ dàng hơn là tổ chức đánh cồng chiêng, nhảy A Ráp, rồi lồng vào đó việc vận động.  Bây giờ, không chỉ có buôn Ma Đỉa, mà các buôn Ma Thìn, Ma Lưng ở xã Cà Lúi. Trong năm 2004, đã có đến 3 bộ cồng chiêng được mua về từ sự đóng góp của thanh niên. Cũng năm 2004, thêm hai xã Phước Tân, KrôngPa của huyện Sơn Hoà và Ea Lâm, Ea Bar (huyện Sông Hinh) đều có cồng chiêng do thanh niên mua về.  Già Làng Oi Min ở buôn Ma Thìn bày tỏ: “Dân tộc mình không thể bỏ cồng chiêng. Ăn đám hoặc trong tết có cồng chiêng mới vui. Giờ lại có thanh niên trẻ ủng hộ, mình vui lắm. Có cồng chiêng không sợ phong tục của dân tộc bị mai một”.

 

060708-cong.jpg

Thanh niên Êđê biểu diễn cồng chiêng tại một lễ hội - Ảnh: X.Hiếu

Tôi may mắn có lần tham dự ngày lễ mừng lúa mới của bà con nơi đây. Những vòng tròn nam nữ quanh đống lửa trong điệu nhảy A Ráp càng về khuya như càng ngày càng nới rộng ra. Tiếng cồng chiêng ngân vang khắp núi rừng Cà Lúi như mời gọi, đánh thức lũ làng dậy về cùng vui trong ngày hội. Tiếng cồng chiêng như đưa người ta qua những ngôi nhà sàn, qua những núi đồi trập trùng. Nó như  vang xa ngoài rẫy, vướng trên rừng... Đến nỗi nếu có ai đó đứng ở đỉnh ChonbRon chót vót cũng nghe thấy. Hồi đó, mí Lý ở trong buôn là người có con nhỏ nhưng cũng không thể cưỡng tiếng cồng chiêng khi nó cứ như thúc giục đôi chân mí tìm đến lễ hội của buôn làng.  Mí Lý cười: “Mỗi khi được nghe tiếng cồng chiêng, mình thấy vui lắm. Vì nó là của buôn làng mình mà”....

 

Âm thanh cồng chiêng trở thành thứ máu thịt của đồng bào dân tộc thiểu số. Không một sử thi nào trong quá khứ của dân tộc ÊĐê, Chăm, GiaRai… không có “bóng dáng” của thứ âm thanh mộc mạc này. Hàng chục năm nay bà con đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn văn hoá cồng chiêng như bảo vệ sự sinh tồn và phát triển của cộng đồng. Cồng chiêng như là ngôn ngữ của buôn làng. Đó là âm thanh của cội nguồn, sống cùng con người, trở thành tiếng nói đặc biệt của người Tây Nguyên trong cuộc giao tiếp với thần linh. Cồng chiêng đã trở thành “di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Việc bảo tồn là vô cùng cần thiết, nhưng phải bảo tồn trong không gian làng, chứ không phải trên sân khấu. Thế hệ trẻ vùng cao đã rất ý thức trong việc bảo tồn văn hoá dân tộc của dân tộc mình. Và như thế nghĩa là sẽ có nhiều thêm những bộ cồng chiêng trở về.

 

NGỌC DUNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Những cuộc đời được “đánh thức”
Thứ Hai, 03/07/2006 10:22 SA
Câu kéo phiêu lưu ký
Thứ Hai, 26/06/2006 08:46 SA
Về đâu hồn tượng?
Thứ Hai, 12/06/2006 11:15 SA
Người tìm ánh sáng bằng nghị lực
Thứ Hai, 05/06/2006 09:22 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek