Thứ Ba, 26/11/2024 21:28 CH
Người thanh niên 20 lần hiến máu
Thứ Hai, 17/07/2006 07:29 SA

Tham gia công tác Đoàn từ năm 1996, khi còn là học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa), học đại học hai năm rồi về nhà, đi bộ đội, sau đó tiếp tục gắn bó với phong trào, Lê Hoàng Thanh Tùng là một cái tên khá quen thuộc trong các hoạt động tình nguyện. Đặc biệt, chàng trai 27 tuổi này đã 20 lần hiến máu!

 

ĐỘI TRƯỞNG ĐỘI HIẾN MÁU CẤP CỨU

 

060717-anh-hien.jpg

Lê Hoàng Thanh Tùng (giữa) cùng các đội viên hiến máu tình nguyện tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên – Ảnh: P.T

Tuần trước, khoảng 9 giờ đêm, anh Võ Nguyên, Trưởng ban Văn hóa - Tư tưởng Tỉnh đoàn Phú Yên, “đầu mối” của các “Ngân hàng máu sống” gọi điện cho Tùng: Tìm gấp hai người thuộc nhóm máu O. Bệnh viện vừa gọi”. Không lâu sau đó, hai bạn trẻ Mai Vũ Quốc Bảo (Trung tâm Bảo vệ thực vật TP Tuy hòa) và Bùi Thanh Bình ở phường 6 có mặt tại Bệnh viện đa khoa Phú Yên, kịp thời tiếp máu cho người bệnh.    

 

Tìm máu nhóm O không khó, khó nhất là máu nhóm A-B. Trong danh sách 35 người ở trong và ngoài phường 7 mà Tùng quen biết và có thể vận động hiến máu bất cứ lúc nào, chỉ bốn người máu nhóm A-B. Liên lạc được rồi, song họ có cho máu hay không còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe. Đợt trước, có một bệnh nhân phẫu thuật cần máu nhóm A-B. Tìm hoài không ra, bí quá, Tùng vận động bạn gái của mình cho máu. Cũng là “dân” phong trào nên cô này hăng hái tham gia, ngay cả khi không được khỏe.

 

Những cuộc điện thoại của Tỉnh đoàn, Thành đoàn, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Yên có thể vang lên bất cứ thời điểm nào trong ngày: sáng, trưa, chiều, tối, với nội dung duy nhất: Tìm người cho máu. Tùng biết, đằng sau đề nghị hết sức ngắn gọn ấy là tính mạng của con người. Nếu không được truyền máu kịp thời, người bệnh phải từ bỏ cuộc sống. Vậy nên không bao giờ được toan tính thiệt hơn, không bao giờ được chậm trễ. Bản thân mình không thể cho máu thì gọi anh em bạn bè, người này không được thì tìm người khác. Từ đầu năm đến nay, Tùng đã vận động trên 20 đoàn viên thanh niên trong và ngoài phường hiến máu.

 

Thời gian đầu, tìm người hiến máu trong các trường hợp cấp cứu thật không dễ dàng. Với những người đã qua tuổi thanh niên, việc vận động càng khó khăn hơn. Ở tuổi này, họ đắn đo hơn khi cho máu và đưa ra nhiều lý do để từ chối. Có người hoài nghi, hỏi: “Hiến máu cho ai vậy?” và nghĩ rằng Tùng vận động cho một nhân vật có vai vế nào đấy. Dần dần, họ hiểu ra. Tham gia tích cực nhất vẫn là đoàn viên thanh niên. Không nhận tiền của người nhà bệnh nhân, đó là phương châm của đội. “Người ta khổ, người ta mới cần tới mình”.

 

Tùng may mắn có được những người bạn tràn đầy nhiệt huyết với cộng đồng. Ngày nọ, họ nảy ra ý lập đội hiến cấp cứu và bầu Tùng làm đội trưởng. Vậy là đội ra đời, nói nôm na là thuộc Ủy ban Hội liên hiệp thanh niên phường 7, vì Tùng là Chủ tịch Ủy ban Hội. Hai năm qua, 9 thành viên của đội (tuổi từ 19 đến 33, trong đó có Bí thư Đoàn phường) luôn nhiệt tình hiến máu cứu người. Họ thống nhất với nhau: Kêu gọi những người mới hiến máu trong các đợt vận động, còn khi cần tiếp máu cấp cứu thì ưu tiên cho anh em trong đội. Chừng nào không được thì mới tìm trong danh sách 35 người.

 

Nhiệt tình cho máu, nhưng họ vẫn phải giấu gia đình. Một số bạn sáng đi hiến máu, trốn đến chiều mới về nhà. Ba bạn nữ trong đội cũng ngại xuất hiện trên mặt báo, chỉ vì sợ gia đình biết. 

 

“PHẢI CHẾT VÌ THIẾU MÁU THÌ VÔ LÝ QUÁ!”

 

Tùng trả lời như vậy, khi tôi hỏi vì sao anh hăng hái hiến máu đến 20 lần, từ khi còn là cán bộ Đoàn trường Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa), là sinh viên ở TP Hồ Chí Minh, là anh bộ đội ở Sư đoàn 2 (An Khê, Gia Lai) cho đến khi trở thành Phó Bí thư đòan phường 7. Tùng bảo, mình muốn góp phần thay đổi nhận thức của các bạn trẻ. Các bạn chú tâm học tập, làm việc để khẳng định mình, nhưng cũng đừng quên chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng.

 

Lần hiến máu gần nhất là vào tháng 1-2006, còn lần đầu tiên cách đây đã 8 năm, khi phong trào Hiến máu tình nguyện hãy còn mới mẻ. Lúc đó, cậu học trò lớp 12, Bí thư Đoàn trường Nguyễn Huệ đi hiến máu để hưởng ứng phong trào và để… cho biết, đơn giản vậy thôi. Sau đó Tùng nhận ra: Rất nhiều người bệnh cần máu, trong khi mình và nhiều người khác thì có đủ. “Vậy tại sao không san sẻ một ít cho họ? Lấy đi một đơn vị máu, mình cũng đâu có sao, nhưng lại giúp được người bệnh rất nhiều. Phải chết vì thiếu máu thì vô lý quá!”

 

Lần nọ, nhận điện thoại yêu cầu tiếp máu nhóm A, Tùng và một người bạn hăm hở chạy tới bệnh viện. Đến nơi, mới hay bệnh nhân này đã tìm được máu. Cả hai chần chừ chưa muốn về thì hay tin có một đứa bé ở Sông Hinh đang cần máu, nhưng không biết thuộc nhóm nào. Thế là cả hai ngồi đợi. Hóa ra, em bé cùng nhóm máu A. Vậy là họ cho máu luôn.

 

Nhiều ông bố bà mẹ không muốn con mình hiến máu, vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Biết vậy nên thời gian đầu, Tùng không dám nói với mẹ. Nhưng rồi bà Lê Thị Kiểm, mẹ của Tùng, phát hiện “bí mật” này. Một lần, thấy Tùng gọi điện tìm người cho máu, bà nói: “Kêu hai đứa em con đi luôn!” Nghe vậy, Tùng thở phào nhẹ nhõm: À, thì ra má hiểu và ủng hộ mình.

 

Về chuyện hiến máu của con trai, bà Kiểm thiệt thà: “Lúc đầu cũng sợ, không biết có ảnh hưởng gì không. Nhưng rồi thấy nó càng cho máu càng khỏe, không mắc bệnh lặt vặt, cũng mừng. Hiến máu cứu người là việc rất tốt”.

 

Nghĩ  cũng lạ, nhiều người, trong đó có Tùng, đã lên cân sau nhiều lần cho máu. Bởi vậy, mỗi khi vận động người khác tham gia phong trào này, Tùng cứ lấy bản thân mình và bạn bè - những người có trên chục lần hiến máu - ra làm ví dụ.

 

ƯỚC MƠ CHƯA CHẠM TỚI

 

Tùng là con nhà nghèo. Trước đây, khi cả ba anh em còn đi học, mọi chi tiêu trong gia đình đều trông chờ vào cái quán nước liêu xiêu của mẹ ở bến xe nội tỉnh. Hiểu được nỗi nhọc nhằn mưu sinh nên Tùng và hai cô em gái luôn cố gắng học tập. Thi đậu đại học, Tùng trở thành sinh viên ngành Công nghệ thông tin được hai năm. Lúc đó, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, và mọi gánh nặng đè lên đôi vai gầy guộc của mẹ. Tùng đành khép lại giấc mơ đại học, trở về tìm việc làm. Khi ấy, Bưu điện Phú Yên mở lớp chuyên viên công nghệ thông tin vào ban đêm. Tùng cân nhắc tới lui rồi đăng ký học, sau đó đi vay 1,2 triệu đồng trả góp để đóng học phí học kỳ đầu. Để có tiền trang trải, Tùng xin làm phụ xe tuyến Tuy Hòa - Phú Túc. Công việc bốc dỡ hàng nặng nề cực nhọc, nhưng bù lại, một ngày kiếm được cả trăm ngàn.  Số tiền trên, Tùng phụ mẹ chạy chợ và trả nợ. Suốt nửa năm, ban ngày đi làm, ban đêm đi học, song Tùng vẫn tranh thủ tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương. Cuối năm 2000, Tùng được bầu làm Phó Bí thư  Đoàn phường 7.

 

“Lê Hoàng Thanh Tùng là một cán bộ Đoàn năng nổ nhiệt tình và gương mẫu, có khả năng đoàn kết tập hợp thanh niên tốt. Đặc biệt, Tùng tham gia các phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng rất tích cực, trong đó phong trào hiến máu”.

 

(Bí thư Thành đoàn Tuy Hòa Hồ Hồng Nam)

“Tùng rất nhiệt tình, có ý thức cộng đồng rất cao. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình huống nào, khi Bệnh viện cần máu, mình gọi là Tùng có mặt ngay.”

 

(Anh Võ Nguyên, Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Tỉnh đoàn Phú Yên)

Trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, tháng 2 - 2001, Tùng lên đường nhập ngũ, một lần nữa gác lại ước mơ gắn với ngành công nghệ thông tin. Ngày Tùng lên đường, bà Kiểm nhận được quyết định gọi con trai đi làm việc tại một lớp công nghệ thông tin.

 

Tùng tâm sự: “Đi bộ đội, bỏ qua một số cơ hội nhưng bù lại, mình được nhiều thứ. Trong hai năm làm lính của Sư 2, mình trưởng thành hơn”. Năm 2003 xuất ngũ trở về, Tùng tiếp tục làm Phó Bí thư Đoàn phường, tiếp tục hết mình trong các phong trào với mong muốn góp phần khơi dậy ngọn lửa tình nguyện.

 

Tùng không nói nhiều về những lần hiến máu, vì cho rằng đó là trách nhiệm của đoàn viên thanh niên, rằng còn nhiều người hiến máu “thâm niên” hơn mình. Chàng trai đầy nhiệt tình này hào hứng kể: Năm ngoái, ra Hà Nội dự Đại hội Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, mình gặp mộït bạn nữ 28 tuổi nhưng đã 29 lần hiến máu. Không chỉ có vậy, bạn còn vận động cả 6 người trong gia đình đi hiến máu. Cha bạn ấy ngoàøi 50 tuổi, làm nghề đạp xích lô song cũng cho máu cứu người. Mình vô cùng khâm phục!”

 

Lúc rảnh rỗi, Tùng lại “ôm” những quyển sách viết về công nghệ thông tin. Cuộc sống gia đình đã vơi bớt khó khăn vì cả ba anh em đều có việc làm, mẹ không còn phải sớm khuya tần tảo. Và Tùng, sau những bộn bề công việc ở Đoàn phường, vẫn ấp ủ ước mơ thời đại học của mình…

 

PHƯƠNG TRÀ

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Gìn giữ sắc màu thổ cẩm
Thứ Ba, 11/07/2006 15:17 CH
Cồng chiêng về lại buôn làng
Thứ Bảy, 08/07/2006 08:12 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek