Thứ Ba, 01/10/2024 00:24 SA
Gìn giữ sắc màu thổ cẩm
Thứ Ba, 11/07/2006 15:17 CH

Ở các buôn làng, hầu hết phụ nữ đứng tuổi đều biết dệt thổ cẩm. Những chiếc áo, ên, chăn... mà họ tạo ra bằng đôi tay khéo léo đã làm ấm lòng chồng con mỗi khi mùa đông tràn về khắp núi rừng; làm cho các thành viên trong gia đình thêm rạng rỡ mỗi khi buôn làng bước vào lễ hội. Song cùng với sự giao thoa văn hóa, người dệt thổ cẩm ngày càng ít đi, khi lớp trẻ chỉ thích mặc quần jean áo pull. Nếu không gìn giữ, nét đẹp truyền thống này sẽ mai một...

 

KHUNG CỬI DƯỚI CHÂN NHÀ SÀN     

 

060712-cam.jpg

Mí Lan bên khung dệt thổ cẩm

Mí Lan ở buôn Độc Lập A là một trong số ít phụ nữ ở xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) còn mặn mà với khung dệt. Đó là một phụ nữ Êđê rất truyền thống, mặc chiếc ên màu đen, tai đeo hoa tai bằng đồng, hai tay đeo vòng, đầu quấn khăn. Giao thoa văn hóa chỉ thể hiện duy nhất ở cái kính lão to bản đặt trên đôi mắt hay cười bất chấp tuổi tác, và trên sống mũi thẳng rất đẹp của mí. Người phụ nữ này trông càng “truyền thống” hơn khi ngồi dệt vải dưới chân nhà sàn, trong một buổi trưa rào rạt gió ngàn.

 

Mí Lan có nụ cười phúc hậu và ánh nhìn tinh nghịch như trẻ thơ. Mí không nhớ mình bao nhiêu tuổi, chỉ biết: “Nghe người ta nói tui sinh năm 1943, không biết có trúng không. Hồi đó đâu có giấy tờ để ghi chép”. Ấy vậy mà mí nhớ, mình biết dệt từ  năm 15 tuổi. Chừng như với người phụ nữ này, đó là mốc thời gian khá quan trọng trong đời. Mí Lan nói: “Hồi đó, tui biết dệt là do má tui bày cho”. Tới giờ, mí vẫn giữ thói quen tự kéo sợi để dệt và hái chàm nhuộm những tấm vải thổ cẩm của mình. Riêng chỉ màu là phải mua. Mí bảo, một năm dệt hai tấm thổ cẩm cho gia đình. Hiện giờ đang dệt cái mền để đắp, cũng phải cả tháng mới xong. Đương nhiên mí biết dệt cả áo, khố, ên… cho con cháu. Con cái đi làm rẫy, mí ở nhà giữ cháu, buồn thì đem khung ra dệt cho vui. Hỏi con gái mí có biết dệt vải không, mí lắc đầu, cười: “Không đâu, nó đi làm rẫy miết!”

 

Chợt nhớ đến mí Nga, một phụ nữ 69 tuổi ở thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân). Năm ngoái, khi tôi đến nhà và trò chuyện với mí thì khung dệt bỏ trống. Mí nói đã lâu không đụng tay vào, vì lo làm nương làm rẫy. Năm đó nắng dữ quá, trồng sắn trồng lúa đều mất mùa. Ba mẹ con mí không yên cái bụng. Chỉ có đứa con gái đi làm công nhân may công nghiệp trong  Sài Gòn là không biết được nỗi lo của người ở nhà.

 

Cái khung dệt bám bụi ở nhà mí Nga có từ lâu lắm. Mí biết dệt cũng từ lâu lắm, năm 19 tuổi kia. Song, những bộ trang phục truyền thống do những phụ nữ Bana như mí chăm chút từng đường chỉ, phải đợi đến lễ hội của buôn làng mới dùng đến. Còn bán ư? Năm thuở mười thì mới có khách tới mua. Cầm cái áo thổ cẩm có hoa văn rực rỡ, kết cườm tấm thiệt đẹp, lục lạc rung lên leng keng, ai cũng thích, hỏi giá bao nhiêu. Năm trăm ngàn. Khách kêu: Trời, sao mà mắc dữ! Nào ai biết những thợ dệt của buôn làng đã phải cặm cụi hết ngày này qua ngày khác, hết tháng này qua tháng khác mới có được một chiếc áo như vậy. Và, trong lúc miệt mài bên khung dệt, đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ Bana, Êđê, Chăm H’Roi đã gởi cả tấm lòng vào từng đường chỉ.

 

Về chuyện dệt vải, mí Hợi, người hàng xóm của mí Nga, chép miệng: “Không làm thì sợ mất đi truyền thống, mà làm thì cực quá! Làm một cái chăn mặc, mau lắm cũng cả tháng mới xong”. Đó là chưa kể khâu xe bông thành sợi, rồi kéo, rồi bắn để có nguyên liệu dệt vải. Để cho tiện, khỏi tốn nhiều thời gian, các mí ở đây rủ nhau vô Tuy Hòa mua sợi.

 

Tôi tò mò hỏi: Lâu lâu mới bán được một bộ, mí dệt nhiều làm gì? Mí Hợi trầm ngâm: “Dệt dự trữ trong nhà, sợ sau này mình mất, không ai làm nữa”. Mí dệt bộ áo, chăn cho con gái, tỉ mẩn, công phu. Bộ đồ trị giá cả triệu bạc. Dệt không thì chẳng khó, khó ở chỗ tạo hoa văn; việc kết cườm cũng mất nhiều thời gian.

 

Mí Hợi tên đầy đủ là Sô Thị Nghiệp, người làng Xí. Năm 20 tuổi, mí đã ngồi vào khung dệt, sau khi được mẹ, cô bác thím dì bày cho. Mí kể: “Hồi đó làng dệt thổ cẩm đông lắm. Bây giờ giảm nhiều rồi. Mấy đứa nhỏ đâu có muốn”. Đó là mí nói về hai cô con gái của mình, họ chỉ thích mặc quần jean, áo pull thôi.

 

RA ĐI VÀ TRỞ VỀ

 

Hai năm trước, mí Hợi, mí Nga cùng năm người khác ở Xí Thoại có một chuyến đi rất xa. Họ vô tận Củ Chi dệt thổ cẩm và chế biến rượu cần cho một công ty du lịch. Đó là kỷ niệm khó quên đối với những phụ nữ quanh năm chỉ biết đến cái rẫy cái nương. Mí Hợi cho biết vì sao bà “dám” rời liếp nhà sàn, rời làng buôn đi xa đến như vậy: “Tiền xe cộ người ta lo, ăn uống người ta lo, một tháng được sáu trăm ngàn”. Đó là số tiền không nhỏ đối với mí, khi bắt đầu cảm thấy đám rẫy trở nên quá rộng so với đôi bàn chân đã đi qua 64 mùa, và cái rìu cái rựa đã quá nặng trên đôi tay gầy guộc. Coi đi coi lại, dệt thổ cẩm là công việc tương đối nhẹ nhàng, phù hợp hơn cả.

 

060712-tho.jpg

Một “tác phẩm” của Mí Hợi – Ảnh: L.Vy

Khác với ở nhà, khi nào rảnh rỗi mới đem khung ra dệt, ở Củ Chi, các mí dệt suốt ngày. “Đông lắm, người K’Ho, người Lạch, Stiêng và lũ tui” - mí Hợi hào hứng kể - “Vui, nhưng mà xa quá. Nhớ con nhớ cháu, mỗi lần gọi điện về tốn mười ba mười bốn ngàn đồng”. Bởi vậy nên sau 6 tháng làm việc, các mí lục tục trở về. Mua quà cáp cho con cháu xong, trong túi mỗi người còn chừng 3 triệu. Số tiền đó đôi lúc làm mí Nga thấy tiêng tiếc, muốn ở trong đó làm thêm một thời gian nữa. Mí kể: Ở trỏng, ngày thường thì dệt vải, thứ bảy chủ nhật thì nấu rượu cho khách xem, tối ngủ trong ngôi nhà sàn rộng thênh với bầu bạn. Ở đó, thổ cẩm mà các mí làm ra, du khách mua liền, mặc liền, không như ở nhà.  

 

Nhưng giờ đây, “ở nhà” đã khác. Những thợ dệt của buôn làng đã có thể truyền nghề cho lớp hậu sinh. Đó là khi Trường Dạy nghề huyện Đồng Xuân mở lớp dạy dệt thổ cẩm cho các học sinh lớp 8, lớp 9 của Trường Dân tộc nội trú. Các mí rất hào hứng với công việc mới của mình, dù từ làng đi xuống trung tâm huyện cũng khá xa. Chừng như biết được khó khăn của các mí, Trường Dạy nghề mở thí điểm lớp dệt ngay tại các thôn buôn của xã Xuân Lãnh. “Sự kiện” này làm thay đổi cái nhìn của lớp trẻ đối với nghề truyền thống mà họ cho rằng nhọc công và tốn thời gian. Nhiều cô gái trẻ đã hào hứng ngồi vào khung dệt, sau đó được nhận sản phẩm của mình. Và những phụ nữ có hơn 20 năm chăm chút nâng niu sắc màu thổ cẩm có thể tạm yên lòng, khi biết rằng nét đẹp văn hóa của đồng bào mình đã và đang được truyền lại cho những người trẻ để họ tiếp tục gìn giữ.

 

LÂM VY

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cồng chiêng về lại buôn làng
Thứ Bảy, 08/07/2006 08:12 SA
Những cuộc đời được “đánh thức”
Thứ Hai, 03/07/2006 10:22 SA
Câu kéo phiêu lưu ký
Thứ Hai, 26/06/2006 08:46 SA
Về đâu hồn tượng?
Thứ Hai, 12/06/2006 11:15 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek