Thứ Ba, 26/11/2024 20:31 CH
Nỗi buồn từ những công trình cấp nước
Bài 3: Tại khảo sát, do địa phương, vì thi công!?
Thứ Ba, 08/08/2006 07:39 SA

Bài 1: Từ công trình nước... không chảy đến công trình nước chảy chập chờn!

Bài 2: Nước máy... đục và nước “khô sạch”

 

Để tìm hiểu kỹ hơn về những công trình cấp nước có vấn đề như đã nêu trong hai bài trước đây, Báo Phú Yên đã phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Thứ, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (TT NSH&VSMTNT) Phú Yên.

 

ĐÚNG LÀ CÓ NHỮNG CÔNG TRÌNH XÂY XONG RỒI ĐỂ LÃNG PHÍ!

 

060808-thu.jpg

Giám đốc TTNSH & VSMTNT Phú Yên Nguyễn Hữu Thứ

* Xin ông cho biết việc cấp nước sinh hoạt ở vùng nông thôn mùa khô 2006 có những chuyển biến gì so với trước đây?

 

- Hiện nay nhu cầu nước sinh hoạt ở nhiều địa phương vùng nông thôn rất lớn. Tuy nhiên, nhiều địa phương thiếu nước vẫn không thấy có đề xuất, chúng tôi chỉ biết qua việc cử tri phản ảnh với đại biểu HĐND, vì thế mà Trung tâm không thể tự ý giải quyết được. Yêu cầu giải quyết vấn đề nước sinh hoạt hiện nay là cấp xã phải làm đề xuất, trong đó báo cáo những điểm thiếu nước sinh hoạt, huyện xác nhận vào đó rồi mới gởi lên chúng tôi giải quyết.

 

Năm nay, vốn chương trình được Bộ (NN&PTNT) cấp gấp đôi những năm trước, được 6 tỉ đồng. Hiện đang triển khai khoảng 50% kế hoạch đã đề ra.

 

* Trong một bài viết trên Báo Phú Yên gần đây, có dẫn lời ông nói rằng: Hiện có khoảng 20% các công trình nước sạch ở nông thôn Phú Yên không phát huy được hiệu quả. Đó là những công trình nào và vì sao lại như thế, thưa ông?

 

- Tôi cũng không nhớ. Tôi có nghe trên báo đăng nhưng nhớ lại thì không ai phỏng vấn trực tiếp và tôi trả lời như vậy cả, có thể là phóng viên nắm ở đâu đó.

 

* Ông có biết những công trình nào của TT NSH&VSMT NT đầu tư mà hiện không phát huy tác dụng hoặc không phát huy hết tác dụng?

 

Từ năm 1999 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 35 công trình cấp nước tập trung cùng với hàng loạt những giếng đào, công trình của các chương trình khác và người dân tự đầu tư thực hiện đã đưa tỷ lệ dân số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 48%. Số tiền để thực hiện 35 công trình trên là hơn 36,4 tỷ đồng. Trong năm 2006, Phú Yên dành kinh phí 6 tỷ đồng để thực hiện chương trình này. Hiện các địa phương đang được tiến hành xây dựng công trình cấp nước tập trung là thôn Phú Tiến, xã Phú Mỡ (Đồng Xuân); xóm Đồng Môn, xã An Hải và một công trình tại xã An Thạch (huyện Tuy An); thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội (Phú Hòa). Ngoài ra, một công trình chuẩn bị triển khai tại thôn Tuy Bình, xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh).

 

(Theo bài “Để thoát khỏi “điệp khúc” đến hè thiếu nước sinh hoạt” trên Báo Phú Yên số ra ngày 26-6-2006).

- Có chứ. Theo tôi biết, công trình nước bơm tại Sơn Định (huyện Sơn Hòa), công tác quản lý sau đầu tư cũng còn kẹt, nhất là địa phương thiếu kinh phí vận hành... Chúng tôi đề nghị xã làm đề xuất để giúp đỡ nhưng không thấy họ làm.

 

Một cái vướng khác là hiện nay sau khi chuyển giao công trình cho địa phương quản lý thì chúng tôi không còn nhiệm vụ gì ngoài việc đi kiểm tra nắm tình hình và hướng dẫn thêm về mặt kỹ thuật. Còn việc yêu cầu địa phương báo cáo để phối hợp cùng nhau làm tốt việc quản lý công trình sau đầu tư thì hiện chưa làm được. Đây là cái kẹt nhất.

 

* Nghiệm thu và bàn giao xong thì vẫn phải có thời gian bảo hành chứ, thưa ông?

 

- Có. Từ khi bàn giao cho đến hết 1 năm là thời gian bảo hành công trình.

 

* Như ông nói thì công tác quản lý sau đầu tư là đang rất vướng?

 

- Vướng, không chỉ Phú Yên mà cả toàn quốc. Chúng tôi cũng đã có kiến nghị lên những cấp cao hơn về nội dung: Làm sao đó để tất cả các công trình cấp nước tập trung sau đầu tư có đủ lực lượng, có nguồn tài chính hẳn hoi để quản lý, vận hành và sửa chữa khi có sự cố. Phải có bộ phận quản lý chuyên ngành. Nếu chỉ giao cho địa phương thì cũng rất khó, đặc biệt là con người quản lý. Mặc dù TT NSH&VSMT cũng tổ chức tập huấn, nhưng các địa phương cũng không có nguồn để trả lương vì nguồn chính là thu tiền nước thì thường thu không đạt hiệu quả, nhất là những xã khó khăn thì việc này càng khó khăn hơn.

 

Do vậy, việc có nhiều công trình xây xong rồi thì để lãng phí là có thật chứ không phải là không có. Nhưng bây giờ phải nói làm sao đây?

 

* Ví dụ như những công trình nào?

 

- Thì như công trình nước tự chảy ở Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) mà báo chí đã nêu rồi đấy. Chính là bởi do việc quản lý sau đầu tư không tốt. Cái này địa phương đã nhận là do thiếu sót ở địa phương...

 

VỀ NHỮNG CÔNG TRÌNH NƯỚC Ở ĐA LỘC, EA LÂM VÀ CAO PHONG

 

* Nhưng Chủ tịch xã Đa Lộc thừa nhận là công tác quản lý của địa phương chưa chặt chẽ, nhưng ông ấy cho rằng lý do chính là việc khảo sát – thiết kế chưa khoa học khiến khi có công trình nước tự chảy thì nông dân địa phương không có nguồn nước tưới cho 8ha lúa nước, buộc họ phải lén lút đập trộm ống dẫn nhiều lần?

 

060808-cp4.jpg

Người dân thôn Cao Phong (xã Xuân Lâm, huyện Sông Cầu) vẫn phải đi gánh nước vì hệ thống nước tự chảy ở địa phương này chảy rất chập chờn

 

- Chủ tịch UBND xã Đa Lộc nói như thế đúng là có thực tế như vậy. Cái này lỗi là của đơn vị khảo sát, tư vấn xây dựng đã không tính đến nguồn nước sản xuất. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 6 của Luật Tài nguyên nước năm 1998 thì quy định rõ ở những vùng thiếu nước phải ưu tiên cho nước sinh hoạt trước, sau đó mới đến cây trồng vật nuôi. Tôi cũng nhận thấy rằng, luật nói là như thế, nhưng thực hiện trong thực tế thì không phải là đơn giản. Nhưng địa phương cũng không ý kiến, không phản ảnh gì cả. Thực tế thì công tác khảo sát, tư vấn xây dựng bao giờ cũng có đại diện địa phương.

 

Về việc khoan thăm dò ở Đa Lộc thì cũng rất khó, đất đá rất cứng nhưng mà xác suất (có nước – PV) cũng không cao lắm đâu.

 

* Hiện nước của công trình cấp nước sạch ở xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) xuất hiện tình trạng nước đục sau khi được TT NSH&VSMT khoan giếng sâu thêm. Lý do tại sao vậy, thưa ông?

 

Được biết, ngay từ khi bắt đầu Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Chính phủ đã quy định rõ trách nhiệm của từng cấp: “cấp xã là cấp hành chính cơ sở gần gũi nhất với người dân, sẽ phối hợp với người sử dụng, nhóm người sử dụng, các tổ chức quần chúng, nhất là Hội phụ nữ và các ngân hàng để thực hiện phần lớn chức năng hỗ trợ của Nhà nước đối với cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn. Cấp xã là người điều phối và tư vấn cho người sử dụng, là người thực hiện kế hoạch cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn của xã mình”. Nhưng tại Phú Yên, chủ trương này vẫn chưa được thực hiện. (Bài đã dẫn)

- Để đảm bảo độ sâu ngập giếng bơm, nghĩa là máy bơm phải đặt sâu để khỏi cháy vì trước đó tại đây đã có sự cố cháy máy bơm, chúng tôi phải khoan giếng sâu thêm. Nguồn nước ở đó có một lớp cát có chứa một ít sét nên hơi đục khi bơm lúc đầu khoảng 5-10 phút, sau đó sẽ trong thôi. Chúng tôi đã hướng dẫn là trong công tác quản lý, vận hành phải chịu khó một chút, khi bơm phải xả khoảng 5-10 phút đầu để nước đục chảy hết ra ngoài rồi mới cung cấp cho dân. Thứ hai là phải súc rửa hồ thường xuyên. Chứ còn cái này hiện nay không thể nào xử lý được, mà nếu xử lý thì công nghệ xử lý càng phức tạp hơn cho công tác quản lý của địa phương.

 

Vừa rồi Trung tâm Y tế dự phòng có lấy mẫu nước xét nghiệm nhưng cho kết quả là tốt, không có sắt, chỉ có hàm lượng chất hữu cơ hơi cao thôi.

 

* Còn hệ thống nước tự chảy ở Cao Phong (xã Xuân Lâm, huyện Sông Cầu) thì hệ thống đã chạy thử từ đầu năm nhưng nước khi có khi không, có nơi không chảy; xã cũng không chịu tham gia nghiệm thu. Thưa ông vì những vướng mắc gì vậy?

 

- Địa hình khó khăn và nguồn nước cũng xa quá. Hôm trước thì có nghiệm thu kỹ thuật nhưng thấy là chưa đạt yêu cầu, đơn vị thi công thực hiện sai một số vấn đề so với hồ sơ thiết kế nên chúng tôi đã yêu cầu làm lại. Họ đã hứa là sẽ sửa ngay... Công trình này theo kế hoạch là hoàn thành trong quý I năm nay, nhưng bây giờ vẫn chưa xong...

 

* Xin cảm ơn ông!

 

QUỐC KHƯƠNG – ĐỨC THÔNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nỗi buồn từ những công trình cấp nước
Thứ Sáu, 04/08/2006 08:11 SA
Người thanh niên 20 lần hiến máu
Thứ Hai, 17/07/2006 07:29 SA
Gìn giữ sắc màu thổ cẩm
Thứ Ba, 11/07/2006 15:17 CH
Cồng chiêng về lại buôn làng
Thứ Bảy, 08/07/2006 08:12 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek