Thứ Ba, 26/11/2024 23:50 CH
Những cuộc đời được “đánh thức”
Thứ Hai, 03/07/2006 10:22 SA

Về Sơn Giang (huyện Sông Hinh) hôm nay, người ta bắt gặp niềm vui trong những gia đình tưởng như nhà tan cửa nát vì bị cuốn vào nàng tiên nâu. Những cuộc đời ấy đã được những người lính Cụ Hồ năm xưa đánh thức bằng tình làng nghĩa xóm.

 

TỪ NHỮNG “CƠN ÁC MỘNG PHÙ DUNG”

 

Sơn Giang là nơi những di dân nghèo gởi gắm ước vọng đổi đời. Ở đây không chỉ có các dân tộc bản địa như Kinh, Ê Đê, Ba Na, Chăm mà còn có đồng bào Nùng, Tày, Dao, Mèo… từ phía Bắc di cư vào. Và cũng không chỉ có người Phú Yên đi kinh tế mới,  đây còn là nơi lập nghiệp của dân nghèo từ Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh đến Khánh Hoà, Đồng Nai. Có sự góp mặt của dân tứ xứ nên những năm trước đây, tình hình an ninh trật tự ở Sơn Giang rất phức tạp. Một số hộ dân ở Cao Bằng, Lạng Sơn di cư mang theo cây thuốc phiện vào đây. Những năm 1991-1993, mầm họa ma túy đe dọa cuộc sống bình yên của người dân quê mộc mạc bên hạt lúa, củ khoai. Thuốc phiện như vòi bạch tuột cuốn lấy những chàng trai tuổi thanh xuân.

 

060703-ong-Khim.jpg

Ông Khìm bên sân sắn vừa mới thu hoạch - Ảnh: Kim Liên

 

Ông Đàm Xuân Mạc, 80 tuổi kể lại tình hình lúc ấy: “Dân ở đây trước kia không có chuyện nghiện hút, nhưng sau khi đồng bào các dân tộc ngoài Cao Bằng, Lạng Sơn vào thì người nghiện quá nhiều. Có những gia đình hai, ba cha con đều hút. Có những nhà làm được một ha lúa, bán hết để mua thuốc phiện. Nhiều gia đình thảm thương lắm, con đi học mà không có vở, không có đôi dép để mang tới trường. Bữa ăn chỉ có tí nước mắm chan cơm, bởi có đồng nào thì anh chồng “nướng” hết vào những cơn nghiện. Trước tình hình đó, nhiều nhà có con trai học cấp 2 sợ đến mức phải cắt cử người đưa đến trường vì sợ con dây vào con đường nghiện hút.” Ngày ấy, đói khổ bao quanh những căn nhà tuềnh toàng trống trước hở sau. Và, người ta kể cho nhau nghe những câu chuyện buồn nẫu ruột của những gia đình có người lao vào nghiện hút. Những người vợ thì còng lưng làm ruộng, chạy chợ, còn chồng thì sớm tối chỉ biết mỗi “tẩu bầu đèn mỡ”, rồi ngồi hong hóng chờ ăn, rồi ăn cắp tiền nhà đi hút. Có cái nồi cơm vợ vừa bắc lên bếp, ngó trước ngó sau đã thấy chồng đổ gạo ra đem nồi đi bán. Có người vợ mua được đôi dép nhựa về để đi đám cưới đứa cháu, chưa kịp mang thì chồng đã đem bán để đổi thuốc. Đến khi chẳng còn gì để bán nữa thì đi bắt trộm gà, vịt… Và, còn nhiều câu chuyện như thế nữa ở Sơn Giang ngày ấy.

 

Trước tình cảnh ấy, ông Lê Văn Thường (56 tuổi, quê ở Bố Trạch, Quảng Bình) không thể ngồi yên nhìn bà con hàng xóm tan cửa nát nhà. Ông cùng với ông Đàm Xuân Mạc và một số cựu chiến binh trong thôn Nam Giang bàn cách xoá cho bằng được các ổ nghiện. Hai ông đến từng nhà có con nghiện, nói chuyện với vợ con họ và gặp gỡ những con nghiện, chỉ cho họ thấy con đường sai trái. Người ta thấy hai ông đi cả ngày lẫn đêm. Một, hai giờ sáng, nghe ở nhà nào có con nghiện đang tụ tập hút thuốc phiện là hai ông lại đi đến, can gián, rủ rỉ tác động để con nghiện từ bỏ thuốc. Chỉ khi nào bị phản ứng dữ quá, hai ông mới báo công an xã cùng đi, còn hầu hết đều tự giải quyết. Khi con nghiện quyết tâm bỏ thuốc, hai ông luôn có mặt giúp sức, phòng khi họ lên cơn. Hai ông nói: Chúng tôi tình nguyện làm công tác này để giúp cho người dân và chính quyền. Mình làm với trách nhiệm của cựu chiến binh, với danh nghĩa của “bộ đội Cụ Hồ”. Vậy thôi!

 

ĐẾN NHỮNG CUỘC ĐỔI ĐỜI

 

Chúng tôi đứng trước ngôi nhà ông Chu Văn Khìm ở thôn Nam Giang - gia đình mà trước kia cả ba cha con đều lao vào con đường nghiện hút. Một cuộc sống mới đang hiện hữu nơi đây. Đám cháu nội của ông nô đùa trong căn nhà sàn vững chãi. Còn bà Mông Thị Ngọ, vợ ông Khìm thì cười híp mắt và luôn miệng cảm ơn chú Thường, ông Mạc. Bà nói: “Ông nhà tôi, các con tôi bỏ được thuốc là nhờ chú Thường, ông Mạc khuyên bảo. Đấy, bây giờ ổng đã khoẻ hơn nhiều rồi”. Ông Khìm nghe vợ nói cười ngượng nghịu. Nước da tai tái, gương mặt hằn nhiều nếp nhăn và vóc dáng gầy gò, trông ông già hơn tuổi 60 của mình rất nhiều. “Dấu ấn” của những năm tháng cũ vẫn còn hiện rõ, nhưng ông đã đoạn tuyệt với quá khứ. Ông khoe: “Hơn bốn năm nay, ba cha con tui nuôi được 20 con bò, làm được 10 ha rẫy mì, mía, nên cuộc sống cũng đỡ, đỡ ghê lắm! Ngày trước làm gì có được như bây giờ. Tất cả là nhờ từ bỏ thuốc phiện. Nhờ chú Thường, ông Mạc, nhờ địa phương quan tâm giúp đỡ”.

 

060703-ong-Mac.jpg

Ông Mạc hàng ngày đến thăm những gia đình con nghiện trước đây - Ảnh: K.Liên

Anh Hoàng Lin Phong, người Nùng ở thôn Nam Giang, trước đây không chỉ nghiện mà còn bán thuốc phiện cho các con nghiện ở Sơn Giang. Ông Thường, ông Mạc đã đến nhà phân tích cho anh thấy việc làm phạm pháp và khuyên anh nên ra đầu thú để được hưởng khoan hồng. Ban đầu anh không nghe, nhưng hai ông đã kiên trì khuyên bảo. Và ông Thường đã đưa anh ra đầu thú. Sau 3 năm cải tạo tốt, anh được về Sơn Giang xây dựng lại cuộc sống. Giờ anh đã cưới vợ và tu chí làm ăn. Ngày nào người dân trong thôn cũng thấy vợ chồng anh đèo con đi rẫy. Năm rồi thu hoạch 2 ha sắn cộng với tiền vay 3 triệu đồng từ quỹ xoá đói giảm nghèo ở xã, anh mua hai con bò. Làm ăn dành dụm, vợ chồng anh xây căn nhà hơn 10 triệu đồng và mua được chiếc xe máy. Nghĩ đến những ngày trước đây, anh không khỏi rùng mình: “Bây giờ có cho không tôi cũng không hút nữa. Tôi đã biết đó là tệ nạn xã hội, biết nghiện cái chất đó, khi lên cơn thì chuyện gì cũng làm, cái nào có tiền là bán à”. Nhắc đến chuyện ông Thường đưa anh đi đầu thú, anh cười thật hiền: “Không có giận đâu. Bây giờ tôi cảm ơn. Tôi cảm ơn chú Thường và mọi người xung quanh trong xóm đã nhắc nhở, giúp đỡ tôi từ bỏ việc làm gây tổn hại đến người khác”.

 

Ông Lê Văn Thường nói: “Chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm. Gia đình người ta, một hạt gạo, một bát cơm đều bị đổi thành thuốc phiện, nên chúng tôi quyết tâm dẹp bỏ, để họ có cuộc sống hạnh phúc”.

 

Phó Bí thư thường trực xã Sơn Giang Phan Hữu Hanh nói: “Bây giờ, tình trạng nghiện hút không còn nữa. Chính quyền địa phương đã phối hợp với công an huyện, các ban ngành đoàn thể trong xã cùng những người sống gần gũi với những đối tượng này, tuyên truyền, vận động, thuyết phục họ từ bỏ thuốc phiện. Phải thật kiên trì mới có kết quả như hôm nay. Giờ thì ổn hết rồi. 17 hộ dân từng lâm vào cảnh nhà tan cửa nát do thuốc phiện, hiện nay kinh tế đã ổn định cả rồi. Với sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, một số hộ như Chu Văn Khìm, Hoàng Văn Pha… đã mua được xe máy, ti vi. Cuộc sống của họ đã khá hơn trước rất nhiều”.

 

…Ngồi bên ông Thường, ông Mạc, nghe hai ông kể về đời quân ngũ của mình, chuyện gia đình tham gia đánh Pháp, đánh Mỹ, chuyện hai ông xuất ngũ rồi lại xung phong tái ngũ khi nghe tin biên giới Tây Nam bất ổn, chuyện ngày đêm đi hoà giải những xích mích trong gia đình hàng xóm láng giềng… mới hiểu vì sao hai ông dành nhiều thời gian và tình cảm lo cho cuộc sống của người dân nơi đây đến vậy.

 

NGỌC DUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Câu kéo phiêu lưu ký
Thứ Hai, 26/06/2006 08:46 SA
Về đâu hồn tượng?
Thứ Hai, 12/06/2006 11:15 SA
Người tìm ánh sáng bằng nghị lực
Thứ Hai, 05/06/2006 09:22 SA
Xóm đèn dầu 2
Thứ Ba, 30/05/2006 08:09 SA
Xóm đèn dầu
Thứ Bảy, 27/05/2006 14:51 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek