Thứ Ba, 01/10/2024 00:25 SA
“Trận đồ bát quái” của thị trường nông dược
Thứ Sáu, 07/07/2006 07:38 SA

Trong khi đầu ra cho các loại mặt hàng nông sản chưa thông thoáng, giá cả bấp bênh, nếu không hạn chế chi phí đầu vào (phân bón, thuốc, hoá chất…) thì lợi nhuận thu được trên cánh đồng là rất thấp, thậm chí còn bị thua lỗ. Ngược lại, các nhà sản xuất đã tung ra hàng loạt sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc thú y với nhiều chiêu quảng cáo, khuyến mại hấp dẫn nhắm vào túi tiền ít ỏi của người nông dân. Còn người nông dân với trình độ có hạn, bị lạc vào “trận đồ bát quái” của hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm thuốc. Và nhiều người đã trở thành con nợ triền miên của các đại lý thuốc.

 

MỘT LOẠI  BỆNH, TRĂM LOẠI THUỐC

 

060706-thuoc-bvtv-1.jpg

Nông dân phân vân không biết mua loại nông dược nào để sử dụng hiệu quả - Ảnh: Q.T

Tuần rồi, anh họ tôi tên Vinh ở thôn Mỹ Hoà, xã Hoà Hiệp Bắc (huyện Đông Hoà) rủ tôi đến một hiệu thuốc thú y ở khu phố 3, phường Phú Lâm (TP Tuy Hoà) hỏi mua thuốc kích sữa cho con heo nái mới đẻ. Bà chủ tiệm đưa ra lọ thuốc do một công ty trong nước sản xuất. Thấy chúng tôi có vẻ không tin tưởng lắm, chị ta lại mang ra 5 lọ Lactogen – K, rồi vui vẻ giải thích: “Thuốc này do Pháp sản xuất, tốt nhất rồi đấy, dùng hiệu quả lắm, giá chỉ có 9.000 đồng/lọ. Nhà chị cũng nuôi mấy con heo, toàn tiêm loại này”. Mua xong, chúng tôi quay ra chị ta còn dặn thêm: “Có gì thì quay trở lại đây chị đổi thứ khác cho. Gì chứ thứ thuốc kích sữa có tới hai, ba chục loại, tha hồ mà chọn!”.

 

Hoá ra, thị trường nông dược cũng phong phú và phức tạp không kém thị trường tân dược. Tìm hiểu chúng tôi được biết, trên thị trường Phú Yên hiện có khoảng 1.570 loại thuốc BVTV và vài ngàn loại thuốc thú y với trên 1.250 hoạt chất hoá học. Mỗi nhóm hoạt chất có ba, bốn chục loại sản phẩm khác nhau. Chỉ tính các công ty quen thuộc như: CP, Công ty Ba Lá Xanh, Công ty BVTV An Giang… đã có vài chục loại cho mỗi nhóm. “Chỉ có một hoạt chất nhưng có đến hàng chục tên sản phẩm, hoặc một loại thuốc nhưng hàng chục doanh nghiệp sản xuất với nhiều tên gọi khác nhau. Nếu tên thuốc nào tung ra thị trường mà cạnh tranh kém, lập tức nhà sản xuất đổi nhãn hiệu, bao bì, nông dân không biết tưởng mới, nhưng thực ra thành phần thuốc trong đó cũng vậy thôi” – một cán bộ ngành nông nghiệp giải thích.

 

Dạo một vòng các đại lý thuốc BVTV từ  vùng nông thôn của huyện Đông Hoà đến vùng sản xuất rau an toàn xã Bình Ngọc (TP Tuy Hoà), chúng tôi đếm được trên 30 công ty sản xuất trong nước với hàng trăm nhãn hiệu thuốc dành cho từng loại cây, nào là thuốc bón lá Sun, thuốc trừ sâu Peran, Regent, Bassa, diệt chuột RAT – K, thuốc trừ cỏ Ken – Up, Nu farm, Paraxin… Loại nào cũng có bao bì hấp dẫn kèm theo nhưng lời quảng cáo trên trời. Nào là “phun đâu tốt đó”, “đan giỏ đựng tiền”, “siêu ra bông”, “siêu ra trái”, “một giải pháp – tám công dụng”… Bà Lê Thị Sen, nông dân xã Hoà Tân Tây (Tây Hoà) bức xúc nói: “Tôi thấy hiện nay, thị trường thuốc nông dược còn quá nhiều loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Năm ngoái tôi ra ngoài đại lý mua thuốc  chống sương muối cho cây điều, đại lý bán cho 3 loại thuốc và bảo về pha trộn rồi xịt. Rõ ràng trên bao bì thuốc nào cũng ghi hiệu quả cao, nhưng xịt mấy lần bông điều vẫn cứ rụng”.

 

Theo danh mục thuốc sử dụng trong nông nghiệp hiện có 1.570 loại sản phẩm thuốc BVTV thì có đến 30 loại cấm sử dụng, 15 loại hạn chế sử dụng. Kết quả kiểm tra 6 tháng đầu năm 2006 của Chi cục BVTV tỉnh, trong số 200 cơ sở hoạt động buôn bán thuốc BVTV thì có đến 14 trường hợp vi phạm, trong đó có 12 trường hợp không đủ điều kiện kinh doanh; Có 48 đại lý chưa qua lớp tập huấn về nghiệp vụ và giấy phép kinh doanh. Trong 35 hộ nông dân được thanh tra, kiểm tra về sử dụng thuốc BVTV ở vùng rau an toàn Bình Ngọc đã phát hiện 8 trường hợp vi phạm.

Thuốc thú y thì còn phong phú hơn nhiều lần. Theo điều tra của Thanh tra Chi cục Thú y tỉnh, hiện nay trên thị trường Việt Nam có 130 công ty nước ngoài và trên dưới 100 công ty trong nước sản xuất, cung ứng thuốc thú y. Các công ty này cũng tỏ ra không kém trong khâu quảng cáo với những lời lẽ bốc lên tận… mây xanh: “mỏng da, chóng lớn”, “siêu tăng trưởng”, “hiệu quả tức thì”… Số cơ sở kinh doanh mọc lên như “nấm mọc sau mưa”… Còn  Thanh tra của Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh thì cho biết: Hiện trên địa bàn Phú Yên có 300 đại lý thuốc BVTV và thú y rải rác ở 9/9 huyện, thành phố trong toàn tỉnh, trong đó có 200 đại lý kinh doanh thuốc BVTV. Trong số 200 đại lý kinh doanh thuốc BVTV thì có đến 48 điểm chưa có giấy phép kinh doanh và lớp huấn luyện chuyên môn. Số cơ sở này chủ yếu tập trung ở các vùng nông thôn, kinh doanh theo mùa vụ, họ hành nghề theo kinh nghiệm và hướng dẫn của nhân viên tiếp thị, sắp xếp thuốc bừa bãi, bán thuốc cùng với các loại thực phẩm khác như gạo, dầu ăn, nước mắm… Một số còn bán thuốc cấm, thuốc quá hạn, thuốc không có trong danh mục. Khi kiểm tra, phát hiện sai phạm, trường hợp nhẹ thì nhắc nhở, nặng thì xử phạt hành chính, đình chỉ kinh doanh. Thế nhưng, có trường hợp xử phạt xong lại đâu vào đấy, chẳng khác gì “ném đá ao bèo”. Không chỉ mua được thuốc cấm, ngoài danh mục, chúng tôi còn được một số chủ đại lý bộc bạch: “Thuốc này là loại ngoài danh mục, tụi em phải giấu bên trong, “mấy ổng” (ý nói thanh tra) mà thấy được thì phạt chết!”. Theo bà Hoàng Thị Khương, thanh tra viên Chi cục BVTV tỉnh, đây là loại mặt hàng kinh doanh có điều kiện, các chủ đại lý nhất thiết phải có các điều kiện như: mặt bằng, trình độ nghiệp vụ, giấy đăng ký kinh doanh mới được phép kinh doanh. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm đang gặp rất nhiều khó khăn vì hầu hết các đại lý có dấu hiệu kinh doanh hàng cấm đều rất tinh vi nên khó phát hiện và xử lý.

 

BÁN NHIỀU, LỜI NHIỀU

 

Các nhà khoa học chuyên ngành nông dược cho rằng, việc cạnh tranh chiếm thị phần nông dược đã đến lúc báo động về giá cả và chất lượng. Trong cả ngàn thương hiệu nông dược đang được phép sử dụng, để cạnh tranh các nhà sản xuất nhập nguyên liệu của những nước có giá thành thấp, đặc biệt là Trung Quốc. Giá thành thấp, kéo theo là hiệu quả và chất lượng kém, thậm chí độc hại. Chẳng hạn như loại thuốc Sherpa Trung Quốc là loại thuốc cực độc đã bị cấm lưu hành từ nhiều năm nhưng hiện nay một số đại lý vẫn còn bán. Một số người bán còn tự ý san lẻ thuốc để tung ra thị trường.

 

060706-thuoc-bvtv.jpg

“Móc hầu bao” trước “trận đồ bát quái” thuốc bảo vệ thực vật – Ảnh: Q.T

 

Trong tình hình cạnh tranh gay gắt, các nhà sản xuất bắt tay với nhà phân phối thuốc tung ra nhiều chiêu khuyến mại hấp dẫn. Phần lớn là các đại lý hưởng hoa hồng cao, thưởng theo doanh số bán ra. Một chủ đại lý thuốc thú y ở QL1A phường 1 (TP Tuy Hoà) tiết lộ: “Đa số các công ty cho phép lấy lãi từ 1 – 7%, các đại lý lớn bán được nhiều chỉ cần ăn 2%, trong khi đó các đại lý nhỏ phải ăn 5 – 7% mới có lời. Bởi vậy mới có chuyện nhiều nhà nông ra tận thành phố mua thuốc mặc dù gần nhà mình cũng có đại lý. Ông Nguyễn Văn Tình, nông dân ở xã Hoà Vinh (huyện Đông Hoà) cho hay, cũng một loại thuốc trị tiêu chảy cho heo nếu mua đại lý tại xã giá tới 5.500 đồng, trong khi đó ra thành phố chỉ 3.500 đồng. Giá cả bán gần như tự do, theo quan sát của chúng tôi thì hầu hết các chủ đại lý  đều không niêm yết bảng giá và không công bố tiêu chuẩn chất lượng. Nguyên tắc kinh doanh dựa trên doanh thu “bán nhiều, lời nhiều” dẫn đến muôn vàn kiểu tiếp thị, quảng cáo. Nhà sản xuất thì đào tạo một đội ngũ nhân viên chuyên mang thuốc đến tận nơi tiếp thị kèm theo nhiều chế độ hậu mại hấp dẫn. Còn đại lý bán thuốc thì “ôm vào” rồi dùng nhiều cách để tư vấn thuyết phục nông dân. Chúng tôi không có ý “vơ đũa cả nắm”, nhưng bên cạnh những người bán hàng có chuyên môn, có lương tâm thì cũng không hiếm kẻ tìm mọi cách bán được nhiều thuốc, còn hậu quả như thế nào thì không cần quan tâm.

 

NÔNG DÂN LÃNH ĐỦ

 

Với trình độ có hạn, trước mặt họ là một “rừng” thuốc như vậy người nông dân làm sao không khỏi lúng túng. Trước tình thế này, họ chỉ biết trông cậy vào những lời khuyên của những người xung quanh và nhân viên bán hàng.

 

Trên cánh đồng Phước Lộc, xã Hoà Thành (Đông Hòa), chúng tôi gặp ông Lê Mân cầm chai thuốc trừ sâu từ trong một đại lý thuốc BVTV hớn hở bước ra. Hỏi giá bao nhiêu ông ậm ừ: “14.000 hay 15.000 đồng gì đó cũng không nhớ rõ”. Thấy tôi ngạc nhiên, ông giải thích: “Đi thăm đồng, thấy đám lúa bị sâu cuốn lá thế là tôi tức tốc chạy ra đây lấy chai thuốc này về xịt, ký sổ để đó đến mùa thu hoạch mới trả nên cũng không để ý giá cả bao nhiêu”. Ông Mân còn cho hay, nhà có 5 sào ruộng, mỗi năm phải trả nợ cho các đại lý thuốc, phân bón ít nhất 1 triệu đồng. “Mấy năm nay lúa không tăng giá là bao mà giá phân bón, thuốc BVTV quá đắt. Năm nào thời tiết thuận lợi cho trúng mùa thì có dư vài tạ, không thì đủ gạo ăn là may lắm rồi” – ông nói.

Tại đại lý kinh doanh thuốc BVTV Thành Huyền, cầu Ông Chừ, xã Bình Ngọc (TP Tuy Hoà) vì đang vào vụ sản xuất lúa hè thu nên cảnh mua, bán diễn ra rất tấp nập. Bà Vũ Khắc Ngọc Huyền, chủ doanh nghiệp cho biết: “Hiện tất cả giá các loại thuốc BVTV đều nhích lên từ 1 – 5% so với vụ trước. Sức mua cũng tăng lên vì đang vào vụ. Ngoài bán trực tiếp cho nông dân trong vùng, doanh nghiệp còn làm đầu mối phân phối thuốc cho các đại lý nhỏ lẻ ở các huyện. Doanh số bán ra bình quân lên đến 350 triệu đồng/tháng”.

 

Không chỉ có những người nghèo, bây giờ đa số nông dân đều mua nợ các loại thuốc nông dược ở các đại lý đến khi thu hoạch mới thanh toán. Mua nợ nên dĩ nhiên họ phải gánh thêm phần lãi suất, nhẹ thì 5 – 7%, nặng thì 20%.

 

Phú Yên hiện có 48.000ha gieo trồng lúa một và hai vụ, hơn 20.000ha cây hoa màu các loại; 400.000 con gia súc và 1,9 triệu con gia cầm. Nếu tính trên số diện tích cây trồng và số vật nuôi này, hàng năm bà con nông dân Phú Yên phải tốn hàng vài chục tỷ đồng chi phí phân bón, thuốc trừ sâu. Trung bình 1ha lúa chỉ riêng tiền thuốc BVTV đã chiếm 1/6 chi phí, nếu xảy ra dịch bệnh, thời tiết không thuận lợi thì chi phí càng cao hơn nữa. Ngoài ra, việc lạm dụng phân, thuốc không chỉ làm giảm thu nhập cho nông dân mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ và môi trường sinh thái.

 

ĐỂ NÔNG DÂN KHÔNG BỊ “MÓC TÚI”

 

Theo quy định tại Nghị định 26/NĐ – TTg – 2003 của Thủ tướng Chính phủ thì  thanh tra viên chỉ được phép phạt cảnh cáo hành chính và phạt tiền tối đa 200.000 đồng. Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn được phép phạt cảnh cáo hành chính và phạt tiền tối đa 500.000 đồng. Chi cục Trưởng, Chủ tịch UBND huyện được phép phạt tối đa 20.000.000 đồng và tước giấy phép kinh doanh.

Để  hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV nhằm giảm chi phí trong quá trình sản xuất,  ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều chương trình chăm sóc, bảo vệ cây trồng rất hiệu quả như: quản lý dịch bệnh trên cây lúa, cây rau (IPM). Bà con đã có ý thức tự kiểm soát dịch hại trên đồng ruộng, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, chỉ sử dụng khi nào thật cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Mạnh, Trưởng phòng kỹ thuật Chi cục BVTV tỉnh, hiện vẫn còn nhiều nông dân chưa biết áp dụng bón phân theo bảng so màu lá lúa, vì phương pháp này khá phức tạp. Gần đây, Chi cục triển khai chương trình “3 giảm, 3 tăng” (giảm giống, giảm phân bón, giảm thuốc trừ sâu, tăng năng suất, tăng chất lượng và hiệu quả kinh tế) và chương trình trồng rau an toàn, sử dụng thuốc trừ sâu sinh hoá, bón phân hữu cơ, xây dựng nhà lưới để hạn chế sâu bọ gây hại… Các chương trình này khi áp dụng vào thực tế đều cho hiệu quả cao và đang nhân rộng ra toàn tỉnh”.

 

Trong lĩnh vực chăn nuôi cũng đã đưa vào nhiều chương trình quản lý chuồng trại hợp vệ sinh, giúp nông dân phòng ngừa dịch bệnh có hiệu quả. Mô hình “năng suất xanh” hướng dẫn nông dân cách ủ phân xanh, xây dựng hệ thống bioga xử lý chất thải, kết hợp chăn nuôi và trồng trọt vừa giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường và hạn chế dịch bệnh. Thường xuyên phổ biến phương pháp xây dựng chuồng hợp lý, cách phun xịt thuốc sát trùng, vệ sinh chuồng trại. Tuy nhiên, trên thực tế không phải ai cũng nhanh chóng tiếp thu và áp dụng một cách tốt nhất. Nhiều người do ảnh hưởng tập quán canh tác cũ quá nặng nề, hoặc do chưa hiểu và tin tưởng nên không áp dụng. Khi hỏi về chương trình IPM, nông dân Lê Mân cho biết: “Đã từng đi tập huấn chương trình IPM, nhưng mỗi lần ra thăm ruộng thấy lúa bị sâu sốt ruột lắm, không xịt thuốc sợ mất mùa”.

 

Có thể nói hiện nay nông dân khó mà tránh khỏi chiếc bẫy lúc nào cũng chờ sập của “trận đồ bát quái” nông dược. Và để không trở thành đối tượng “móc túi” của một bộ phận kinh doanh nông dược thiếu lương tâm nghề nghiệp, không còn cách nào khác là người nông dân phải có hiểu biết, chịu khó học hỏi, tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật. Và điều quan trọng nữa là mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất cũ xưa, lạc hậu.

 

Phóng sự của QUANG THUẦN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Về đâu hồn tượng?
Thứ Hai, 12/06/2006 11:15 SA
Người tìm ánh sáng bằng nghị lực
Thứ Hai, 05/06/2006 09:22 SA
Xóm đèn dầu 2
Thứ Ba, 30/05/2006 08:09 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek