Phú Yên là nơi phát xuất nghề câu cá ngừ đại dương và trở thành địa phương điển hình trong cả nước về nghề này. Mùa câu năm nay được mùa lớn. Những chiếc tàu vươn khơi đều trở về với cá nặng đầy khoang. Vậy mà ngư dân chẳng hưởng lợi được bao nhiêu, có khi lỗ vốn do chi phí quá cao, giá cá lại thấp và bấp bênh. Trong khi đời sống của đa số ngư dân còn khó khăn, phải lênh đênh theo những con tàu đi “săn” cá ngừ ở nơi “đầu sóng ngọn gió”, thì các đại lý đã “bắt tay” nhau “độc quyền” thao túng thị trường cung ứng xăng dầu cho tàu thuyền và thu mua cá ngừ! Thực trạng này đã kéo dài hơn 10 năm nay. Đâu là giải pháp để giúp ngư dân?
Ngư dân phường 6 (TP Tuy Hòa) đưa cá ngừ vào sơ chế để tiêu thụ - Ảnh: N.LƯU
Bài 1: Lênh đênh những con tàu xa bờ
Mùa này, cá ngừ xuất hiện dày đặc ở ngư trường, vậy mà ngư dân vẫn… âu lo và “ngại” ra khơi. Bởi chi phí quá cao, trong khi đó giá cá liên tục “rớt”.
VẤT VẢ RA KHƠI
Buổi sáng, quán cóc trong bến cá Đông Tác (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) chỉ có vài người ra vào ăn uống. Một lão ngư dáng người thấp đậm, gương mặt đen nhẻm và hằn sâu những nếp nhăn của năm tháng ăn sóng, nói gió, vào quán gọi một bát cơm đạm bạc rồi vừa ngồi ăn một cách chậm rãi vừa nhìn đám bạn đang khiêng cá từ những chiếc tàu vừa cập bến cá. Tôi đứng cạnh dõi trông ông rồi bắt chuyện:
Ông Phạm Lời bên con tàu đang nằm bờ vì thiếu vốn sản xuất.
- Ở đây, ai ai cũng “chạy đua” đóng tàu vươn khơi, còn chú có tàu đi câu khơi không?
- Có chứ, tôi cũng như bà con, mượn vốn những người mua bán cá, góp vốn cổ đông đóng tàu gần nửa tỉ bạc đi câu cá ngừ, nhưng mấy mùa rồi làm ăn không hiệu quả, năm ngoái lỗ vốn nặng, năm nay ráng “gỡ” lại, nhưng xem ra khó quá - ông thở dài.
- Nhưng mùa này, tàu nào đánh bắt cũng “trúng đậm” cá ngừ cơ mà?
- Thật ra chỉ có một số tàu trúng đậm cá từ đầu vụ mùa. Riêng tôi đi khơi được hai lèo (chuyến biển) rồi. Lèo thứ nhất được hơn 1,1 tấn cá, bán thu lãi chỉ 10 triệu đồng. Lèo thứ hai chỉ câu được 6 tạ cá ngừ, bán lỗ 20 triệu đồng. Bây giờ, mạn tàu bị hư hỏng, phá nước, nên đành nằm bờ ở đằng kia kìa – ông vừa nói vừa chỉ tay về phía con tàu đang nằm trên… bãi cát.
Cả cuộc đời gắn bó với biển và hơn 10 năm lăn lộn, lênh đênh theo con tàu sóng gió, trong tay ông giờ chỉ có con tàu còn nợ vốn góp từ ba cổ đông, nợ của tư thương 50 triệu đồng. Vậy nên, đến bây giờ, cuộc sống của cả gia đình ông vẫn khó khăn, vẫn ở trong ngôi nhà cấp 4 với những phương tiện sinh hoạt đơn sơ.
Ông họ Phạm tên Lời, năm nay 63 tuổi ở Đông Tác, chủ tàu PY5238.
Trong khi ông Lời còn toan tính “gỡ” được những khó khăn để đưa tàu ra khơi, thì trong suốt mùa cá ngừ năm nay, ông Hồ Văn Lưu, ở khu phố Bà Triệu (phường 7, TP Tuy Hòa) không thể xoay xở ra vốn để “sắm chuyến” chuẩn bị các yêu cầu cần thiết cho chuyến đánh bắt đưa con tàu của mình vươn khơi. “Gần 35 năm qua, tôi bám biển cùng con thuyền nhỏ khai thác ven bờ, với thu nhập quá thấp chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Vậy nên, năm 2005, tôi chạy đôn chạy đáo vay vốn ngân hàng, vốn góp cổ đông… trên 560 triệu đồng đóng chiếc tàu 140CV. Năm 2006, phải lo “hậu cần” để kịp hạ thủy đi khơi “mở hàng” cùng các tàu bạn khác. Xui rủi lại gặp phải năm mất mùa cá ngừ, bị lỗ vốn 70 triệu đồng sau 3 lèo đi biển, nên kinh tế kiệt quệ. Gia đình phải thế chấp nhà 60 triệu đồng để trả nợ ngân hàng…” - ông Lưu nghẹn ngào nói. So với đa số tàu ở phường 6 và Đông Tác, tàu của ông Lưu thuộc loại lớn, trang thiết bị hiện đại, vậy mà mùa này đành nằm bờ phơi nắng phơi mưa! Đời sống của gia đình ông Lưu đang lâm vào cảnh khó khăn, vợ ông phải vất vả đi buôn bán hàng rong để nuôi 5 đứa con ăn học…
Ông Lời, ông Lưu - họ chỉ là hai trong số hàng trăm ngư dân trong tỉnh vấp phải những khó khăn trong cuộc hành trình vươn khơi câu cá ngừ đại dương. “Thuyền to thì sóng lớn” – hàng loạt tàu thuyền “vay nóng” càng vươn khơi, càng lỗ vốn và nợ như Chúa Chổm. Theo phản ánh của ngư dân, hiện ở phường 6 có hơn 70% tàu nợ vốn ngân hàng và nậu, vựa; ở Đông Tác có đến gần 90% tàu xa bờ nợ vốn cổ đông! Và hiện nay, hầu hết những con tàu vay vốn theo chương trình đánh bắt xa bờ của Nhà nước đều bị “mắc cạn” nằm bờ và nợ ngân hàng kéo dài… Có một thực tế là, giống như “hội chứng” tôm sú, hàng loạt ngư dân chạy đua ồ ạt đầu tư đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư cụ chuyển mạnh sang khai thác cá ngừ. Nhưng họ vốn chỉ có thuyền nhỏ và chỉ biết làm nghề cá ven bờ, nên thiếu kinh nghiệm, non kém về trình độ quản lý và kỹ thuật sản xuất xa bờ, chưa nắm bắt được ngư trường di chuyển cá ngừ, dẫn đến đánh bắt không hiệu quả và sơ chế cá kém chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Điều đáng nói là đa số tàu câu khơi ở Phú Yên còn làm ăn theo kiểu đơn lẻ, chưa liên kết với nhau theo kiểu tập đoàn câu khơi để cùng hỗ trợ về kỹ thuật, về thăm dò ngư trường.
ĐƯỢC MÙA CÁ NGỪ, NGƯ DÂN VẪN...…LO!
Mục tiêu từ nay đến năm 2020 phát triển nghề sản xuất cá ngừ đại dương thành một nghề sản xuất công nghiệp, hiện đại, ổn định và hiệu quả. Phát triển số lượng tàu câu cá ngừ công nghiệp 150 chiếc, tàu đánh cá truyền thống 2.000 chiếc, lưới vây cơ giới 10 chiếc và lưới vây bán cơ giới 1.000 chiếc. Sản lượng khai thác đạt 40.000 tấn, sản lượng chế biến, xuất khẩu 35.000 tấn. Nguồn: Viện Nghiên cứu Hải sản và Bộ Thuỷ sản.
5 tháng đầu năm 2007 được xem là thời điểm được mùa cá ngừ nhất từ trước đến nay, nhiều chiếc tàu đi biển trở về đánh bắt được 1-2 tấn cá. Thế nhưng tâm trạng “mừng mà lo” vẫn bao trùm các bến cá. Bởi sản lượng cá đạt cao, chất lượng cá lại giảm và ngư dân “đau đầu” vì câu ít cá bị lỗ đã đành, nhưng câu được nhiều cá cũng lỗ vốn. Trên chiếc tàu PY91972 của ông Lê Văn Mười ở bến cá Đông Tác, tôi bắt gặp những gương mặt phờ phạc, buồn bã trên boong tàu nhìn bà con ở các tàu khác khiêng cá lên bến. Anh Lê Thanh - một người đi bạn than thở: “Được mùa, mỗi chuyến biển câu được cả tấn cá, nhưng tàu thu lợi và chia cho bạn chẳng được bao nhiêu. Lèo đầu tiên, tui bám biển ròng rã 29 ngày, chỉ được chia gần 1 triệu đồng, tính ra tiền công mỗi ngày chưa bằng đi làm phụ hồ, khổ quá! Còn lèo này đi 23 ngày câu chỉ được 20 con, chắc chỉ đủ phí tổn không có tiền công, đám bạn không nhận được đồng nào, nên chẳng còn muốn ra khơi nữa…”. Năm ngoái, tàu của ông Mười lỗ hơn 50 triệu đồng, mùa này đi khơi được mấy chuyến câu được nhiều cá, nhưng chỉ mới “gỡ” được 20 triệu đồng!
Mặc dù được mùa cá ngừ, nhưng ngư dân vẫn “ngại” ra khơi, bởi bây giờ tàu phải vươn khơi rất xa từ 400 – 600 hải lý và bám biển dài ngày với chi phí “sắm chuyến” quá cao từ 60 – 70 triệu đồng/chuyến, trong khi đó giá cá quá thấp, bấp bênh. Thêm vào đó, năm ngoái, hơn 80% tàu xa bờ bị lỗ “chỏng gọng”, nên ngư dân thiếu vốn và “ngại” ra khơi. Các gia đình ông Bùi Dân, bà Nguyễn Thị Sựng… ở phường 6, đều không dám xuất bến... Ông Đỗ Rúc, cũng ở phường 6, TP Tuy Hòa vốn có 2 chiếc tàu câu cá ngừ, vậy mà khi được mùa cá cũng không dám “đưa” tàu vươn khơi, đành bán 1 chiếc để trang trải nợ nần.
BÀI 2: CÁC ĐẠI LÝ “LIÊN MINH” ÉP GIÁ?
Phóng sự của NGUYÊN LƯU – ĐỨC THÔNG