Thứ Hai, 30/09/2024 00:40 SA
Cá ngừ đại dương được mùa, ngư dân vẫn lỗ, vì sao?
Bài 5: Cần xây dựng chợ đấu giá cá ngừ để bảo vệ quyền lợi cho ngư dân
Thứ Ba, 12/06/2007 07:00 SA

Hiện nay cá ngừ đại dương Phú Yên không đảm bảo chất lượng, chỉ có 30% sản lượng được xuất khẩu trực tiếp sang các nước Mỹ, Nhật Bản...? Làm gì để tình trạng các đại lý không còn ép giá, ép phẩm cấp cá... gây thiệt hại cho ngư dân? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi những vấn đề trên với lãnh đạo Hiệp hội nghề cá Phú Yên và Chi cục Quản lý thị trường tỉnh.

 

Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Phú Yên Phan Ngọc Trang: “VẪN BIẾT CÁC ĐẠI LÝ CÓ BIỂU HIỆN THAO TÚNG THỊ TRƯỜNG CÁ NGỪ, NHƯNG NHÀ NƯỚC CHƯA QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, XỬ LÝ”

 

070611-Ong-Trang.jpg

Ông Phan Ngọc Trang

* Với chức năng nhiệm vụ của mình, vì sao lâu nay, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh không tham gia sắp xếp ổn định thị trường mua, bán cá ngừ ở Phú Yên, thưa ông?

 

- Chi cục chỉ quản lý về hoạt động thương mại như buộc các doanh nghiệp thu mua cá ngừ đăng ký kinh doanh. Gần đây, Chi cục cũng phối hợp với ngành thuế để quản lý thu thế các doanh nghiệp này. Thị trường thu mua cá ngừ rất lộn xộn, đã tồn tại lâu nay, song rất khó quản lý, sắp xếp ổn định. Bởi, nó còn liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp, trong đó có việc đầu tư cảng cá ở Phú Yên đúng nghĩa, đúng tầm để quy tụ các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá (trong đó có cơ sở thu mua cá ngừ) về một đầu mối để quản lý…

 

* Ngành quản lý thị trường có giải pháp gì để tham gia quản lý, ngăn chặn tình trạng các đại lý mua ép giá, ép phẩm cấp cá ngừ, bán xăng dầu cho ngư dân cao hơn giá thị trường?

 

- Công bằng mà nói, các đại lý đã tham gia giải quyết tốt đầu ra cá ngừ cho ngư dân. Còn kiểu kinh doanh hiện nay như bắt tay thống nhất giá, rồi mua ép giá, ép phẩm cấp cá ngừ để trục lợi là có biểu hiện của sự thao túng thị trường. Nhưng đó là cơ chế giá của thị trường cá ngừ, Nhà nước chưa có quy định nào về quản lý giá cá ngừ, cũng chưa có cơ chế hay quy định nào để quản lý hay xử lý vi phạm về lĩnh vực này. Còn ngư dân mua xăng dầu với giá cao hơn giá xăng dầu trên thị trường là do có sự thỏa thuận giữa đại lý và ngư dân mua nợ. Theo tôi được biết, việc mua bán xăng dầu hay cá ngừ  hiện nay là hoàn toàn chưa “thuận mua vừa bán”, chưa công bằng đúng pháp luật, nhưng ngư dân phải chấp nhận do chịu sức ép về vốn vay mượn và lệ thuộc hoàn toàn vào các đại lý. Do vậy, hiện nay ngành quản lý thị trường cũng chưa thể can thiệp giải quyết tình trạng trên.

 

* Nói như vậy, thì các cơ quan Nhà nước đành bó tay, buông lỏng quản lý cho các đại lý tiếp tục thao túng thị trường cá ngừ hay sao, thưa ông?

 

- Tôi nói, riêng ngành quản lý thị trường thì không đủ chức năng để giải quyết. Nhưng nếu UBND tỉnh sớm quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh cùng bắt tay vào cuộc tháo gỡ những vướng mắc, thì khả năng sẽ sắp xếp ổn định được thị trường mua bán cá ngừ và cung ứng dầu cho ngư dân. Trong đó, ngành thủy sản đóng vai trò chủ đạo trong việc huy động vốn đầu tư hoàn thiện cảng cá ở Phú Yên để vận động đưa toàn bộ các cơ sở kinh doanh các dịch vụ hậu cần (trong đó có cơ sở thu mua cá ngừ) vào cảng cá. Trên cơ sở đó thống nhất các quy định, quy chế quản lý, các biện pháp chế tài để xử lý vi phạm… Ngành thủy sản giúp dân nâng cao chất lượng cá ngừ; tổ chức được chợ đấu giá cá ngừ để tăng sức cạnh tranh lành mạnh giữa các đại lý, qua đó tăng giá cá ngừ theo thị trường tiêu thụ. Ngành quản lý thị trường sẽ tham gia tăng cường vai trò, chức năng kiểm tra, giám sát các hoạt động thương mại mua bán cá ngừ theo quy định pháp luật. Ngành ngân hàng cũng phải tham gia tích cực trong việc cho vay, tạo điều kiện cho ngư dân đủ vốn đầu tư khai thác cá ngừ, chứ không lệ thuộc vốn vay mượn của các đại lý…

 

Tiến sĩ Trần Thị Việt Ngân – Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề cá Phú Yên: “CẦN CÓ “TRỌNG TÀI” ĐỂ BẢO VỆ QUYỀN LỢI CHO NGƯ DÂN TRONG TIÊU THỤ CÁ NGỪ”

 

070611-BA-NGAN.jpg

Bà Trần Thị Việt Ngân

* Từ lâu, các đại lý tung hoành ép giá, ép phẩm cấp cá ngừ gây thiệt hại cho ngư dân, thế nhưng vì sao Hiệp hội Nghề cá (HHNC) Phú Yên không có động thái gì để tham gia can thiệp, bảo vệ quyền lợi cho ngư dân?

 

- Tình trạng “đem con bỏ chợ”, thiếu trách nhiệm lo cho dân khai thác, tiêu thụ cá ngừ đại dương là trách nhiệm chung của nhiều ngành chức năng trong tỉnh, trong đó có nhiệm vụ lớn của HHNC Phú Yên. Tuy nhiên, lâu nay HHNC Phú Yên chưa củng cố được vai trò hoạt động, thiếu đội ngũ cán bộ hội nhiệt tình giúp ngư dân. Thêm vào đó, nguồn kinh phí hoạt động của hội quá hạn chế, trong khi đó hội viên (là ngư dân) không đóng hội phí… Chính những khó khăn như vậy, nên hội chưa đứng ra can thiệp, bảo vệ quyền lợi của ngư dân trong tiêu thụ cá ngừ đại dương. Có một thực tế là, một số cơ sở thiếu đạo đức trong kinh doanh, họ sẵn sàng ép giá, ép phẩm cấp cá ngừ để thu lợi bất chính. Trong khi đó, ngư dân lệ thuộc vốn của các đại lý, sơ chế cá còn kém chất lượng và thiếu thông tin, địa chỉ về các doanh nghiệp thu mua cá ngừ để lựa chọn tiêu thụ cá…

 

* Ngư dân cần làm gì để  nâng cao chất lượng sơ chế và bảo quản cá, đồng thời nắm bắt được nhiều thông tin giá cả để có thể bảo vệ quyền lợi của mình, thưa bà?.

 

- Lâu nay, ngư dân đánh bắt cá ngừ theo kiểu “đánh lô tô với trời”, được - thua hoàn toàn nhờ... may rủi! Sơ chế và bảo quản ngay từ lúc mới kéo cá lên tàu là công đoạn đầu tiên, cực kỳ quan trọng, quyết định hiệu quả kinh tế của mỗi chuyến ra khơi, nhưng ngư dân chưa chú trọng thực hiện, dẫn đến cá có chất lượng kém. Do vậy, trước mắt, ngư dân cần áp dụng công nghệ bảo quản cá hiện đại như ướp cá đông lạnh, nước máy đá vảy (Trung tâm Khuyến ngư đã tuyên truyền, chuyển giao công nghệ sử dụng máy nước đá vảy). Ngư dân cần biết nắm bắt thông tin về giá cả, về các cơ sở tiêu thụ cá, trên cơ sở đó chọn lựa và ký kết hợp đồng kinh tế trước khi mua bán cá. Khi tất cả ngư dân đều đánh bắt, sơ chế cá đạt chất lượng và có hợp đồng kinh tế tiêu thụ, thì sẽ ngăn chặn dần tình trạng các tư thương thu mua ép giá, ép phẩm cấp. Về lâu dài, các ngành chức năng cần sớm tham gia xây dựng lực lượng “trọng tài” và có thể trang bị phương tiện kiểm định chất lượng cá để bảo vệ quyền lợi cho ngư dân.

 

* Vậy, theo bà, cần làm gì để xây dựng được lực lượng “trọng tài” để bảo vệ quyền lợi cho ngư dân trong tiêu thụ cá ngừ”?

 

- Lâu nay, một số đại lý thu mua cá ngừ ép giá đều tồn tại ở dạng nhỏ lẻ và nằm rải rác ở nhiều nơi nên rất khó quản lý. Hiện vẫn còn nhiều bất cập như bỏ ngỏ việc quản lý ngư trường, còn thả nổi giá cả, thị trường tiêu thụ cho các đại lý chưa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá…

 

Do vậy, theo tôi, muốn xây dựng được lực lượng “trọng tài kinh tế” để bảo vệ quyền lợi cho ngư dân trong tiêu thụ cá ngừ, thì phải xây dựng cảng cá hoàn chỉnh và tổ chức chợ đấu giá cá ngừ. Nhiều nước trên thế giới đều giao các cảng cá cho HHNC quản lý. Qua đó, HHNC có quy chế, quy định cụ thể về hoạt động, trực tiếp lo xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá, bao gồm tổ chức chợ đấu giá, dịch vụ cho thuê kho lạnh để ngư dân bảo quản cá, niêm yết giá cá trên thế giới, kêu gọi các doanh nghiệp vào cảng thu mua cá… HHNC quản lý việc đấu giá cá ngừ. Nếu các tư thương ép giá, thì ban quản lý HHNC lập tức trực tiếp làm “trọng tài kinh tế” để can thiệp, đồng thời tư vấn cho ngư dân bán cá cho các cơ sở khác… Nói tóm lại, các rủi ro trong tiêu thụ cá được HHNC “bảo kê”, nên rất ít xảy ra việc tư thương ép giá, ép phẩm cấp. Nếu tỉnh Phú Yên sớm mạnh dạn đầu tư cảng cá gắn với nâng cấp dịch vụ và thành lập chợ đấu giá cá đúng nghĩa như ở các nước, thì sẽ thu hút các doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào cạnh tranh thu mua cá cho dân. Qua đó, ngăn chặn được các đại lý ép giá, và giúp ngư dân thay đổi công nghệ khai thác đảm bảo chất lượng và tiêu thụ giá cao, góp phần xây dựng “Thương hiệu cá ngừ Phú Yên” đứng vững trên thị trường quốc tế.

 

LỜI TÂM HUYẾT CỦA MỘT NHÀ KHOA HỌC

 

Những ngày đầu tháng 5/2007 ở bến cá phường 6, chúng tôi tình cờ gặp Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm điện năng và hoạt hóa điện hóa Hà Nội, - người vừa hoàn thành công trình nghiên cứu bảo quản cá ngừ ở Việt Nam. Khi đến một cơ sở mua, bán cá trong bến, TS Khải đã bật thốt lên: “Cá ngừ được sử dụng chủ yếu ở dạng thức ăn tươi sống (shasimi) mà đem chất đống dưới sàn xi măng, rồi móc kéo để khiêng, cân… thì còn gì chất lượng cá và giá trị xuất khẩu?”.

 

070611-Khai.jpg

 Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải tại một điểm sơ chế cá ngừ đại dương ở phường 6 (TP Tuy Hòa) - Ảnh: N.LƯU

 

TS Khải cho biết, nhiều nước trên thế giới đều khai thác loài cá ngừ bằng lưới vây, câu vàng, câu chạy và câu tay; “đội” tàu chuyên khai thác cá ngừ xa bờ của họ được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị sơ chế, thiết bị hàng hải phục vụ dò tìm đàn cá đang di chuyển để khai thác dài ngày (từ 1,5-2 tháng). Ở Việt Nam, bà con khai thác cá ngừ bằng nghề duy nhất là câu vàng, với phần lớn tàu có hầm chứa cá chật hẹp, không cách nhiệt và đều bảo quản sản phẩm bằng đá lạnh xay, nên không giữ được độ lạnh thích hợp trong thời gian dài. Đây là phương pháp cổ điển nhất và cũng là cách làm duy nhất cho đến nay. Tuy nhiên, những vụ mùa gần đây tất cả các chủ tàu đều kéo dài thời gian đi biển với hy vọng đánh bắt được nhiều cá hơn để bù lại chi phí sắm chuyến rất cao. Hậu quả tất yếu là cá không tươi nguyên nên giá trị xuất khẩu thấp.

 

TS Khải bức xúc, cá ngừ là nguồn tài nguyên hải sản quý mà biển ban tặng cho ngư dân Phú Yên, nhưng trong suốt thời gian dài chưa được quản lý, đầu tư phát triển đúng mức. “Thương hiệu của cá ngừ Phú Yên” đã có tiếng trên thị trường quốc tế, nhưng hiện nay chỉ có 30% sản lượng cá đảm bảo chất lượng xuất khẩu là vì sao? Chúng ta có con cá ngừ, cũng giống như có đất tốt, nhưng chúng ta không biết trồng cây, thì ngay cả cây giống tốt cũng bỏ. Nói tóm lại, ngư dân Phú Yên phải thay đổi quy trình công nghệ sơ chế, bảo quản cá ngừ từ cách kéo con cá ngừ lên tàu, cách mổ xẻ cá, đến cách bảo quản bằng nước đá (mà nước đá đấy không có khuẩn), cách vận chuyển cá lên bờ…

 

Trước khi rời bến cá phường 6 để lên tàu trở về Hà Nội, TS Khải đã tha thiết nhắn gởi với ngư dân Phú Yên “Mấy năm rồi tôi thầm lặng nghiên cứu quy trình khai thác, bảo quản cá ngừ hiện đại. Nếu bà con Phú Yên muốn trang bị đầy đủ kiến thức của “nghề” này, tôi sẵn sàng chuyển giao toàn bộ kỹ thuật bảo quản cá ngừ miễn phí. Đây là món quà, là nguyện vọng cuối cùng của cuộc đời tôi. Trước mắt, ngư dân có thể dùng dung dịch điện hoạt hóa (gọi tắt là Anolyte - là hóa chất duy nhất diệt được hầu hết các vi khuẩn, vi  trùng, virut, nấm mốc bào tử… mà không để lại độc hại và giá vô cùng rẻ) để sơ chế cá ngừ ngay khi đưa lên tàu, nhằm “giữ” được cá ngừ tươi rất lâu. Khi có cá ngừ sạch, chất lượng cao, thì sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp nhảy vào cạnh tranh thu mua xuất khẩu, điều này hạn chế được tình trạng tư thương ép giá, ép phẩm cấp như hiện nay ở Phú Yên”.

 

Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên Phạm Văn Cường: Trường Đại học Phú Yên sẽ thực hiện đề tài khoa học về “Bảo quản cá ngừ đại dương bằng dung dịch Anolyte”:

 

Nghề khai thác cá ngừ ở Phú Yên đã phát triển hơn 10 năm, nhưng công nghệ đánh bắt, kỹ thuật sơ chế, bảo quản ngay khi kéo cá lên tàu còn hạn chế, dẫn đến chất lượng cá không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Điều này gây ảnh hưởng đến “Thương hiệu cá ngừ Phú Yên” và các tư thương lợi dụng mua ép giá, ép phẩm cấp. Trước thực trạng này, tôi vừa ký văn bản gởi Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN ) Phú Yên xem xét và hỗ trợ kinh phí 100 triệu đồng cho Trường Đại học Phú Yên  thực hiện đề  tài “Bảo quản cá ngừ đại dương bằng dung dịch Anolyte”. Nếu được Sở KH&CN chấp thuận, chúng tôi sẽ triển khai trong năm nay. Trung tâm tiết kiệm điện năng và hoạt hóa điện hóa Hà Nội sẽ chuyển giao công nghệ về đề tài này, bao gồm: kỹ thuật kéo cá lên tàu tránh xây xát; mổ bụng bỏ nội tạng, bóc mang, cắt vây; rửa bằng nước biển đã lọc sạch ở ngoài khơi, sau đó rửa nước Anolyte từ muối NaCL pha loãng; ướp nước đá Anolyte trong hầm tàu cách nhiệt tốt được tạo bằng các vật liệu không bám bẩn, nấm mốc, muối axit kiềm… Khi tàu vào bờ: Rửa cá lại bằng nước Anolyte; muối bằng nước đá Anolyte. Các dụng cụ chủ yếu: máy tạo nước Anolyte; máy lọc sạch nước biển; túi nilon để làm nước đá Anolyte; nguyên liệu để làm hầm ướp lạnh bằng nước đá Anolyte…

 

NGUYÊN LƯU – ĐỨC THÔNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek