Ở các kỳ trước, loạt bài “Cá ngừ đại dương được mùa, ngư dân vẫn lỗ, vì sao?” đã cho thấy thực trạng: Nghề đánh bắt cá ngừ đại dương ở Phú Yên gặp nhiều khó khăn do ngư dân thiếu phương tiện đánh bắt hiện đại, yếu về kỹ thuật bảo quản cá sau đánh bắt; các đại lý ép giá, ép phẩm cấp khi mua cá, lại bán xăng dầu giá cao cho ngư dân... Trong quá trình thông tin đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng bức xúc trên, nhóm phóng viên thực hiện loạt bài này đã vào Khánh Hòa để tìm hiểu vì sao nghề câu cá ngừ đại dương ở tỉnh này sinh sau đẻ muộn hơn Phú Yên nhưng những năm gần đây đạt hiệu quả cao hơn? Quá trình tìm hiểu này cho thấy những gì đang diễn ra ở Khánh Hòa (không xa xôi gì) thật sự là một bài học cho các ngành chức năng và ngư dân Phú Yên - mà trước tiên là với các ngành chức năng, trong đó, đặc biệt là ngành Thủy sản.
Một góc cầu cảng Hòn Rớ hiện đại đảm bảo cho tàu có công suất lớn cập cảng
“BÁN CÁ GIÁ CAO… SƯỚNG LẮM!”
Vượt 150 km từ Tuy Hòa đến cảng cá Hòn Rớ đã quá 10 giờ sáng, nên chúng tôi tiếc rẻ khi không thể trực tiếp chứng kiến được phiên chợ mua, bán cá ngừ ở đây, vốn thường diễn ra sôi động, nhanh gọn vào mỗi sáng sớm. Song, vào thời điểm này, cảng cá vẫn còn ầm ào tàu thuyền ra vào tiếp nhận nhiên liệu, vật tư để chuẩn bị ra khơi câu cá ngừ. Trên mặt cảng, đám bạn đang hồ hởi vác đá, khiêng các đồ dùng lên boong tàu, còn những ông chủ tàu xúm xít “tính sổ” thu, chi chuyến biển và “công bố” số tiền lãi vừa mới bán cá để chia phần cho bạn tàu. Tôi bắt gặp niềm vui đang ngời lên trong ánh mắt họ.
“Năm ngoái, ngư dân Hòn Rớ đói tả tơi, bởi biển khơi mất mùa cá ngừ. Bù lại, mùa này câu được nhiều cá và bán giá cao hơn mọi năm, sướng lắm anh ạ! Riêng chuyến này, tàu của tôi câu được 1,7 tấn, bán xô (không phân biệt cấp loại cá – PV) với giá 96.000 đồng/kg, trừ chi phí và chia cho bạn còn thu lãi hơn 60 triệu đồng…” – Anh Nguyễn Hào, chủ tàu KH96851, vui mừng cho hay như vậy. Tôi chợt chạnh lòng cho ngư dân Phú Yên, bởi cũng trong thời điểm này bà con bán cá loại 1 thấp hơn ở Khánh Hòa đến hơn 30.000 đồng/kg, đấy là chưa kể cá ngừ bị “ép” xuống loại 2, loại 3 với giá rất thấp!
Bên những con tàu đang “ăn” đá lạnh để vươn khơi ở ngay đầu cầu cảng Hòn Rớ, tôi may mắn gặp ông Nguyễn Quý, chủ tàu KH96264 (60 tuổi, gốc ở xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, Phú Yên). Chúng tôi chưa kịp hỏi chuyện làm ăn, thì ông Quý đã hồ hởi cho biết: “Lèo thứ hai này tàu của tui vào cảng được vài hôm, cân bán được 2 tấn cá, lãi trên 70 triệu đồng. Lèo đầu tiên cũng thu lãi được ngần ấy”. Khi trao đổi những thông tin về khai thác, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm cá của ngư dân Khánh Hòa, ông Quý cho hay, tôi thường về quê thấy đa số bà con đi khơi kéo dài cả tháng trời, ham chạy theo số lượng, cốt sao câu được càng nhiều cá ngừ càng tốt trong khi lại quên mất yếu tố chất lượng. Khi bán cá, bà con lại lệ thuộc các đại lý thu mua do ứng trước vốn của họ. Ở Hòn Rớ, bà con đi mỗi lèo biển bình quân khoảng 20 ngày và sơ chế cá đảm bảo chất lượng hơn hẳn cá ở Phú Yên. Thêm nữa, bảo quản các sản phẩm hải sản trong điều kiện hiện nay phải nói đến nước đá, nhưng đá đông lạnh ở Phú Yên kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến quy trình ướp cá.
Ông Nguyễn Quý (gốc ở An Ninh Tây, huyện Tuy An): “Tiêu thụ cá ngừ ở cảng cá Hòn Rớ - Nha Trang với giá cao, sướng lắm”.
- Bà con Khánh Hòa đã áp dụng những kinh nghiệm gì để bảo quản cá đạt chất lượng cao?- Tôi hỏi.
- Ngư dân chọn đá đông lạnh đạt tiêu chuẩn, thường xuyên vệ sinh và cải tạo hệ thống hầm bảo quản cá trên tàu, sử dụng vật cách nhiệt polyurethan thay thế xốp thông thường, xử lý ngâm hạ nhiệt cá trước khi đưa vào ướp đá bảo quản và thực hiện đầy đủ quy trình bảo quản cá sau khai thác.
- Có phải nhờ bảo quản tốt sau khai thác nên giá cá tại Khánh Hòa luôn luôn cao hơn các tỉnh lân cận?
- Đúng như vậy, do sơ chế ban đầu ở trên tàu đạt chất lượng, nên một số doanh nghiệp ở Nha Trang và TP HCM đã trực tiếp “săn” mua cá của ngư dân ở ngay trên biển.
- Còn việc tiêu thụ cá ở chợ cá Hòn Rớ thì sao?
- Vào sáng sớm, cá được đưa lên sàn để đấu giá, ai trả cao hơn thì bán. Hình thức “đấu giá tự do” này do các công ty chuyên mua cá ngừ như Hoàng Hải, Đại Dương, Sao Đại Hùng, Hải Vương… thực hiện, đã giúp cho ngư dân bán cá được giá cao hơn và thu lợi nhuận nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện nay các công ty chuyển sang mua xô với giá dao động từ 70 – 96.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng cá của mỗi tàu.
- Các đại lý có ép giá, ép phẩm cấp khi mua cá của ngư dân?
- Hầu hết ngư dân Khánh Hòa không lệ thuộc vào việc mượn vốn của các đại lý thu mua nên muốn bán cá cho ai thì bán. Do vậy, ở đây ít xảy ra chuyện các đại lý thu mua ép giá, ép phẩm cấp…
Cuộc trò chuyện còn nhiều nội dung chưa đề cập hết thì ông Quý đành chia tay chúng tôi để “chỉ huy” cho con tàu của mình nhổ neo rời cảng. Mùa này tàu của ông Quý cũng như hầu hết các tàu khác của ngư dân Khánh Hòa đều “ăn nên làm ra”, nên ai cũng tranh thủ ra khơi…
HÌNH THÀNH NHỮNG TẬP ĐOÀN
Trong nắng trưa gay gắt ở khu neo tàu tại cảng cá Hòn Rớ, Trưởng ban cảng cá Hòn Rớ và chợ thủy sản Nam Trung bộ Đỗ Trung Hiệp vừa đưa chúng tôi ghé thăm “đội” tàu vỏ composite màu trắng chuyên khai thác cá ngừ vừa cho hay, mấy năm gần đây nhiều doanh nghiệp trong nước đã đến Khánh Hòa đầu tư phát triển nhiều tập đoàn đánh bắt cá ngừ hùng mạnh. Riêng ở cảng cá Hòn Rớ, các công ty Mạnh Hà (Vũng Tàu), Việt Tân và Biển Đông (TP Hồ Chí Minh) đã thành lập 3 tập đoàn với 36 chiếc tàu có công suất lớn, hiện đại. Tàu của vài tập đoàn hoàn toàn được làm bằng vỏ composite, được trang bị đầy đủ các loại máy móc rất tối tân như ra đa, bộ đàm, thiết bị hàng hải dò tìm đàn cá đang di chuyển để khai thác, thiết bị sơ chế cá…
Cảng cá Hòn Rớ (Khánh Hòa) gắn với chợ cá, được xây dựng hiện đại, phục vụ cho phát triển nghề câu cá ngừ - Ảnh: N.LƯU
Cá ngừ đại dương được nhiều nước trên thế giới sử dụng chủ yếu ở dạng thức ăn tươi sống (shasimi) và chế biến thành sản phẩm cá ngừ đóng hộp, hun khói, do vậy, hầu hết tàu của các tập đoàn ở Khánh Hòa đều trang bị hệ thống cấp đông khá hiện đại bằng máy chạy đá đông lạnh từ nước biển với nhiệt độ 00C đến –50C để bảo quản cá ngay từ lúc mới kéo lên tàu, đảm bảo chất lượng cá luôn tươi… Anh Lê Đức Thương, thuyền trưởng tàu 08 của Công ty Biển Đông cho biết: “Các tập đoàn đánh bắt cá ngừ tổ chức hoạt động sản xuất đều khép kín từ khâu khai thác khơi, đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm…, trong đó khâu bảo quản đông lạnh là quan trọng nhất. Ở đây, tôi phụ trách tàu dịch vụ hậu cần (còn gọi là “tàu mẹ”) chuyên cung cấp nhiên liệu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm cho các tàu khai thác hải sản để bám biển dài ngày. Toàn bộ sản lượng cá của các tàu trong tập đoàn khai thác được trong 1 tuần là được “tàu mẹ” vận chuyển vào bờ để chế biến, đóng thùng “bay” thẳng sang Nhật Bản, Mỹ tiêu thụ với giá cao hơn cá của ngư dân từ 20 – 40%. Nhờ vậy, mỗi chuyến ra khơi khai thác cá của tập đoàn đạt doanh thu rất cao”.
Mô hình tập đoàn đánh bắt cá ngừ công nghiệp làm ăn có hiệu quả kinh tế cao, nên được tỉnh Khánh Hòa khuyến khích ngư dân học tập và cùng nhau liên kết đầu tư phát triển. Không biết bao giờ tỉnh Phú Yên mới thu hút được những tập đoàn đánh bắt cá ngừ như ở Khánh Hòa?
HIỆN ĐẠI CẢNG CÁ ĐỂ LÀM “BÀ ĐỠ” CHO PHÁT TRIỂN NGHỀ CÁ NGỪ
KS Nguyễn Hải Đăng - GĐ Công ty TNHH Hoàng Hải (Khánh Hoà) - người gần 10 năm vật lộn tìm “đầu ra” cho cá ngừ Việt Nam - nhận xét: “Mua bán đấu giá là cạnh tranh công khai, minh bạch; không chỉ có tác dụng thúc đẩy khoa học công nghệ trong khai thác và bảo quản sản phẩm phát triển, mà còn tăng hiệu quả hoạt động của tàu và đảm bảo quan hệ hài hoà giữa người mua với người bán”.
Khi đặt chân đến cảng cá Hòn Rớ, chúng tôi thật sự choáng ngợp trước công trình được xem là hiện đại nhất ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ. Nếu như các cảng cá ở Phú Yên tồn tại nhiều bất cập, tạm bợ (mà Báo Phú Yên đã đăng tải loạt bài phản ánh), thì cảng cá Hòn Rớ xây dựng khá hoàn thiện từ cầu cảng đến kho bãi, nhà xưởng, nhà phân loại cá, khu hành chính, xe cần cẩu, xe chuyên chở hải sản… Trưởng ban cảng cá Hòn Rớ và chợ thủy sản Nam Trung bộ Đỗ Trung Hiệp cho biết: Cảng cá Hòn Rớ đầu tư trên diện tích 16.000m2, hoàn toàn khu biệt với nhà dân ở xung quanh, được hoàn thành từ năm 2002. Chợ cá ở trong cảng với mặt bằng 6.000m2 mới đưa vào sử dụng từ tháng 3/2007. Bước đầu chợ cá này chưa hoạt động hết chức năng, nhưng đã quản lý được các cơ sở thu mua, tổ chức được nhiều phiên đấu giá cá ngừ, nhằm chống tình trạng mua ép giá, ép phẩm cấp cá ngừ; quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm hải sản…
Những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng ở các cảng cá hiện đại, nhất là cảng Hòn Rớ, gắn với các dịch vụ hậu cần đảm bảo đủ năng lực làm “bà đỡ” cho nhu cầu phát triển nghề cá nói chung, nghề câu cá ngừ nói riêng. Chính vì thế, Khánh Hòa đã thu hút được nhiều doanh nghiệp nhảy vào đầu tư nghề đánh bắt cá ngừ; và giúp ngư dân chuyên nghề cá ngừ có cách làm ăn lớn trên biển.
Trước khi rời cảng cá Hòn Rớ, chúng tôi đặt ra câu hỏi: “Không biết bao giờ ngư dân Phú Yên mới có cảng cá và chợ cá ngừ như ở Khánh Hòa?”.
Kỳ tới: XÂY DỰNG CHỢ ĐẤU GIÁ CÁ NGỪ ĐỂ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯ DÂN
Phóng sự của NGUYÊN LƯU – ĐỨC THÔNG