Thứ Hai, 30/09/2024 02:33 SA
Cá ngừ đại dương được mùa, ngư dân vẫn lỗ, vì sao?
Bài 3: Doanh nghiệp thu mua cá ngừ và cung ứng xăng dầu nói gì?
Thứ Sáu, 08/06/2007 14:00 CH

Đa số ngư dân chuyên nghề đánh bắt cá ngừ đều phản ánh, trong khi ngư dân còn “tự bơi” trong khó khăn, thì các đại lý đã bắt tay nhau thao túng thị trường cá ngừ Phú Yên. Các đại lý đã tổ chức mua ép giá, ép phẩm cấp cá ngừ; đồng thời bán xăng dầu cho ngư dân với giá cao hơn giá thị trường. Vậy đâu là thực hư của vấn đề trên? Chúng tôi đã đối thoại trực tiếp với hai chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh các dịch vụ xăng dầu và mua cá ngừ ở Phú Yên, là ông Đặng Tấn Sum, chủ doanh nghiệp Mười Sum ở bến cá Đông Tác, phường Phú Lâm và bà Trịnh Thị Ngọc Sâm, chủ doanh nghiệp tư nhân Vinh Sâm (TP Tuy Hòa).

 

070608-ca-ngu.jpg

Các chủ doanh nghiệp thu mua cá ngừ đều dùng que thử thịt cá rồi “nhìn” bằng mắt thường để đánh giá chất lượng cá. – Ảnh: ĐỨC THÔNG

 

PHÂN LOẠI PHẨM CẤP CÁ CHỈ DỰA VÀO...…KINH NGHIỆM.

 

- Theo phản ánh của ngư dân, lâu nay, việc phân loại và đánh giá phẩm cấp cá ngư chủ yếu dựa vào kinh nghiệm từ “cái nhìn” bằng mắt thường của chủ cơ sở thu mua. Cá ngừ sau khi được nhập, người mua sử dụng thanh sắt đâm thủng vào con cá lấy thịt ra để phân loại. Cách đánh giá này có đúng thực chất của chất lượng không?

 

Bà Trịnh Thị Ngọc Sâm (T.T.N.S): Thường có mức chênh lệch 30%, nghĩa là trên cùng một con cá, nhưng chủ cơ sở thu mua này cho rằng cá chỉ đạt chất lượng ở 70%, thì chủ cơ sở thu mua khác có thể đánh giá đạt 100%.

 

- Việc đánh giá phẩm cấp chênh lệnh như vậy có nhằm “ép” ngư dân?

 

Bà T.T.N.S: Việc đánh giá phẩm cấp phân loại cá ngừ có sự chênh lệnh giữa các đại lý thu mua là do kinh nghiệm khác nhau. Tùy thuộc vào khả năng thẩm định chất lượng cá qua thịt mà đại lý đánh giá chất lượng con cá đó. Có trường hợp, đại lý đánh giá chất lượng loại 1, nhưng khi khách hàng kiểm chứng lại phát hiện cá đó không đạt chất lượng vì thịt cá bị biến dạng tổ ong. Mẫu cá đó không được thanh toán tiền, đại lý chịu thiệt.

 

Riêng doanh nghiệp của tôi thì… không ép, bởi tôi phân loại cá ngừ bằng cách phân cá thành hai loại cá ngủ và cá thức. Cá ngủ là cá dính câu đã chết ở dưới nước, thịt đã bắt đầu phân hủy nên ăn đá rất kém và chất lượng thịt cũng rất thấp, chỉ tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu theo hàng phi lê. Tuy nhiên, cũng có trường hợp cá ngủ vừa mới chết ở dưới nước bụng chưa trắng (thịt chưa phân hủy) thì cũng có thể xuất khẩu được. Tôi thường mua “vớt” cho dân loại cá này. Còn cá thức là cá ăn câu khi ngư dân bắt lên còn sống, loại này rất ăn đá nên chất lượng rất cao dành để xuất khẩu. Tôi chủ yếu xuất khẩu hàng nguyên con, vận chuyển bằng máy bay nên rất “mê” loại cá này.

 

070608-ong-Sum.jpg

Ông Đặng Tấn Sum – chủ doanh nghiệp Mười Sum đang đối thoại với phóng viên. – Ảnh: ĐỨC THÔNG

Ông Đặng Tấn Sum (Đ.T.S): Bằng kinh nghiệm thì cũng chính xác chứ ép gì đâu! Cơ sở của tôi phân cá ngừ thành ba loại: Loại 1 là cá ngừ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; loại 2 là cá sôcôla; loại 3 là cá trắng bụng (cá câu bị chết ở dưới nước). Đối với cá loại 1, thịt cá là màu hồng đỏ rất tươi. Đối với cá sôcôla là thịt cá có màu giống như sôcôla; loại 3 là thịt cá có màu nhạt tái, không dai như hai loại trên. Chúng tôi đã tìm hiểu về phương tiện kỹ thuật hỗ trợ cho việc xác định phẩm cấp cá, nhưng chưa có. Do vậy, lâu nay, chúng tôi căn cứ vào chất lượng thịt để đánh giá phẩm cấp. Nhiều ngư dân cho rằng chúng tôi làm vậy là ép họ, nhưng thực ra cá của họ không đạt chất lượng, nên không thể xuất khẩu được. Chúng tôi phải mua giá thấp, vì số lượng lớn cá chỉ tiêu thụ thị trường nội địa.

 

- Ngư dân phản ánh, doanh nghiệp cho rằng cá chất lượng kém để mua “ép” phẩm cấp, đúng không?

 

Ông Đ.T.S: Do chi phí cho mỗi chuyến biển khá cao, nên ngư dân thường đánh bắt dài ngày, trong khi đó, việc bảo quản cá đối với các tàu hiện nay đều sử dụng đá cây. Tuy nhiên, sản xuất đá cây trong tỉnh bị “non”, không đảm bảo chất lượng về độ lạnh, nên cá ăn đá rất kém. Vì vậy, cá kém chất lượng, thì doanh nghiệp mua giá thấp. Tôi nghĩ với tàu của ngư dân Phú Yên nên chọn đánh bắt ngắn ngày. Nếu những tàu đánh bắt dưới 15 ngày vào bờ thì tôi sẽ mua giá cao, vì cá đạt chất lượng.

 

Bà T.T.N.S: Chúng tôi mua cá theo chất lượng. Nhưng nhiều tàu đánh bắt không có cá đạt chất lượng loại 1. Số chủ tàu có lãi chỉ chiếm gần 30%, còn hầu hết là thua lỗ. Theo tôi, để chất lượng cá ngừ cao, ngư dân nên đánh bắt thời gian ngắn chừng 20 ngày trở lại. Chất lượng cá ngừ cao thì giá mua mới cao được. Thế nhưng, ngư dân khó thực hiện được điều đó vì chi phí mỗi chuyến biển rất cao, nên họ phải đánh bắt dài ngày để có số lượng cá nhiều hơn bù lại.

 

LIÊN KẾT VÌ...…KHÔNG MUỐN CẠNH TRANH LẪN NHAU.

 

- Ngư dân cho rằng các cơ cở thu mua liên kết với nhau để đưa ra giá thấp nhằm “ép” ngư dân?

 

Ông Đ.T.S: Tùy theo đánh giá phẩm cấp cá ngừ mà chúng tôi mua giá khác nhau. Giữa cá loại 1 và cá sôcôla chênh lệch rất xa (thấp hơn 1/3 giá tại thời điểm mua). Hơn nữa, giá cá ngừ cao hay thấp phụ thuộc vào thị trường cá ngừ trên thế giới. Chúng tôi dùng điện thoại liên hệ với các đầu mối và lên mạng lấy thông tin về giá cá ngừ trên thị trường thế giới để tham khảo. Sau đó, các cơ sở thống nhất với nhau một giá mua gần sát với giá trên thị trường. Giá cá ngừ ở thị trường thế giới biến động từng giờ, có lúc tăng cao gần chục giá và cũng có khi rớt giá rất nhanh. Chúng tôi mà không nhạy bén nắm bắt thông tin về giá thì rất dễ bị lỗ nặng. Ngoài ra, giá thu mua giữa cá ngừ đã mổ bụng với cá chưa mổ bụng cũng chênh lệnh với nhau từ 2 đến 3 giá.

 

Bà T.T.N.S: Tùy theo giá cả trên thị trường mà chúng tôi quyết định đưa ra giá mua cho phù hợp. Bởi vì giá cá ngừ trên thị trường thế giới phụ thuộc vào nguồn hàng cung cấp (sản lượng đánh bắt của các nước). Trường hợp hút hàng, khách hàng ở Mỹ, Nhật sẽ thông báo cho chúng tôi biết giá đã tăng và ngược lại. Hầu hết các đại lý thu mua cá ngừ ở Phú Yên chỉ tiêu thụ ở hai thị trường lớn này nên giá mua đầu vào đôi khi cùng giá chứ không phải thống nhất giá với nhau.

 

- Vì sao các cơ sở  thu mua cá ngừ ở Phú Yên phải thống nhất một giá trước khi mua cá?

 

Ông Đ.T.S: Chúng tôi thống nhất với nhau giá chấp nhận được cho cả ngư dân và doanh nghiệp. Nếu chúng tôi cạnh tranh mua giá cao hoặc bằng giá thị trường thế giới thì sẽ cầm chắc lỗ. Vì vậy, chúng tôi luôn liên kết đề ra giá hợp lý để ngư dân cũng có lời và người mua như chúng tôi cũng có lời.

 

- Cũng là cá loại 1, nhưng các đại lý thu mua ở Nha Trang (Khánh Hòa) mua giá cao hơn trong khi ở Phú Yên lại mua giá thấp hơn?

 

Bà T.T.N.S: Cá loại 1 ở Phú Yên và Nha Trang có sự khác biệt nhau. Cá loại 1 ở Nha Trang chất lượng cao hơn là do họ bảo quản tốt, cá chất lượng đạt loại 1 chiếm hơn 90% lượng cá đánh bắt. Trong khi, tàu thuyền Phú Yên yếu về ở khâu bảo quản, nên chất lượng cá thấp hơn. Tuy nhiên, cá loại 1 ở Phú Yên vẫn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nhưng giá mua ở thị trường thế giới thấp hơn. Mọi người nên biết giá cá ngừ phụ thuộc vào chất lượng từng con cá. Chất lượng cá càng cao, giá càng cao.

 

BÁN XĂNG DẦU GIÁ CAO ĐỂ...…THANH TOÁN LÃI VAY NGÂN HÀNG

 

- Vì sao nhiều cơ sở xăng dầu Phú Yên bơm dầu cho ngư dân đều tính giá cao hơn thị trường từ 100 - 200 đồng/lít?

 

Ông Đ.T.S: Ngoài việc thu mua sản phẩm cá ngừ, tôi còn kinh doanh xăng dầu tại bến Đông Tác và chuyên cung cấp dầu cho ngư dân. Tôi cho ngư dân bơm dầu nợ theo dạng gối đầu (chuyến biển lần sau trả nợ cho chuyến biển lần trước - PV), với số tiền nợ hơn 3,5 tỉ đồng. Vì bơm dầu nợ, tôi (cũng như hầu hết các cơ sở xăng dầu khác) phải tính giá chênh lệch so với giá bán trên thị trường. Khoản thu tiền chênh lệch này là để trả tiền lãi cho ngân hàng. Vì ngư dân vay không được nên tôi đứng ra vay cho họ và phải thanh toán theo hình thức này.

 

Bà T.T.N.S: Chúng tôi phải tính giá cao hơn thị trường, vì ngư dân mở chuyến biển phải bơm vài chục triệu đồng và đi cả tháng trời. Trong khi, các cây dầu phải trả tiền mặt cho khách hàng, nên chúng tôi buộc phải vay ngân hàng. Tiền lãi này ngư dân chịu là phải, chứ chúng tôi chịu luôn tiền lãi thì chẳng khác nào là kinh doanh lỗ!

 

- Nhưng, theo phản ánh của nhiều ngư dân, họ bơm dầu đều trả trước từ 1/3 đến 2/3 tiền mặt, phần còn lại thì chịu nợ. Vậy, vì sao các cơ sở xăng dầu đều tính chung giá chênh lệch và tính tiền lãi phần nợ cao đến 6%?

 

Bà T.T.N.S: Những ngư dân bơm nợ 100% thì chúng tôi tính giá khác. Những ngư dân bơm dầu có trả trước một khoản tiền, thì tùy theo khoản tiền trả mà chúng tôi tính chênh lệch giá (.). Chúng tôi tính chênh lệch giá là để đảm bảo theo lãi suất của ngân hàng cho vay, chứ không cao hơn. Việc một số người dân phản ánh, các cây xăng dầu có tính lãi vay cao đối với phần bơm dầu nợ, thì tôi… không biết! Nhưng riêng doanh nghiệp của tôi chỉ tính lượng dầu bơm nợ bằng… lãi suất ngân hàng theo từng thời điểm (.).

 

CÓ PHẢI CHO MƯỢN VỐN ĐỂ...… “BUỘC” NGƯ DÂN BÁN CÁ!

 

- Theo ngư dân phản ánh, các cơ sở thu mua cá ngừ đều cho ngư dân mượn vốn đóng tàu hoặc “sắm chuyến”, và sau đó “buộc”các chủ tàu phải bán cá cho các cơ sở với giá thấp?

 

Ông Đ.T.S: Tôi cho ngư dân mượn vốn đóng tàu, nhưng đổi lại ngư dân phải cam kết bán cá cho tôi. Trường hợp, những ngư dân nào đã mượn tiền của tôi nếu bán cho đại lý khác thì phải trả khoản tiền mượn của tôi trước rồi mới bán cá được. Tôi đã đầu tư vốn cho họ đóng tàu nên bắt buộc cá phải bán cho tôi để tôi sớm thu hồi vốn. Nếu như, ngư dân bán cá cho đại lý khác thì tôi không thể thu hồi được vốn. Chuyện làm ăn thì phải như thế, nếu không rủi ro thuộc về chúng tôi. Cơ sở của tôi cũng không ép mua cá giá thấp đối với ngư dân còn nợ vốn.

 

Bà T.T.N.S: Việc tôi cho ngư dân mượn tiền xem như là tiền đặt cọc của tôi với chủ tàu đó và cũng là cam kết làm ăn giữa chủ tàu đó với tôi. Khi chủ tàu đồng ý nhận tiền của tôi, thì đồng nghĩa là họ đồng ý chỉ bán cá cho tôi. Hơn nữa, tôi cho chủ tàu mượn tiền là để họ có vốn để đánh bắt, còn tôi bao tiêu sản phẩm của họ. Thực tế không phải ép giá cá của ngư dân mượn vốn, có thể lý giải là, trong trường hợp giá cá tăng, những người không mượn tiền thường bán giá cao hơn từ 4 đến 7 giá so với những người đã nhận tiền đặt cọc, nhưng khi giá thị trường giảm thì những chủ tàu tự do sẽ bán giá thấp hơn giá tôi bao tiêu từ 3-5 giá. Công bằng mà nói, chủ tàu nhận tiền cọc có lợi hơn, vì vừa có vốn đầu tư vừa có nơi bao tiêu sản phẩm…

 

Kỳ tới: BÀI HỌC TỪ KHÁNH HÒA

 

Phóng sự của NGUYÊN LƯU – ĐỨC THÔNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek