Thứ Hai, 30/09/2024 02:24 SA
Cá ngừ đại dương được mùa, ngư dân vẫn lỗ, vì sao?
Bài 2: Khi các đại lý liên minh...
Thứ Năm, 07/06/2007 07:00 SA

“Alô! hôm nay “đặt” giá mua cá ngừ bao nhiêu?” - Dường như mỗi buổi sáng, các đại lý đều phone cho nhau và bắt tay “làm giá” mua cá ngừ. Tuỳ theo thói quen, mạng lưới mua cá ngừ tồn tại nhiều kiểu. Nhưng lâu nay ở Phú Yên, các đại lý sau buổi đầu cạnh tranh đã nhanh chóng bắt tay liên minh để... ép giá cá ngừ thấp hơn thị trường ngoài tỉnh rất nhiều. Riêng việc đánh giá chất lượng cá thì phụ thuộc hoàn toàn ở “cái nhìn” của người mua. Các đại lý còn bán xăng dầu và “tính” lãi nợ dầu với giá cắt cổ! Thực trạng trên khiến hàng trăm chủ tàu cá ngừ và người đi bạn phải “thắt lưng buộc bụng” gánh chịu những khoản thiệt hại. Thế nhưng, đến giờ không thấy có ngành chức năng nào “ra tay” can thiệp để bảo vệ ngư dân.

 

070606-ca5.jpg

Các đại lý mua cá ngừ đại dương tại bến cá phường 6 (TP Tuy Hòa) - Ảnh: N.L

 

LIÊN MINH ĐỂ... ÉP GIÁ

 

Ngày mới bắt đầu. Tàu thuyền đầy ắp cá nối đuôi nhau về cập bến cá phường 6. Trong khi đông đúc đám bạn ngồi quây quần trên các boong tàu chờ đưa cá lên bờù, thì các nậu, vựa vẫn “bình chân như vại” để bắt tay “làm giá” rồi mới cân cá. Hiện tượng ép giá, ép phẩm cấp, ép cân “già ký”… thường xuyên xảy ra, nhất là vào mùa chính vụ hoặc vào thời điểm nhiều tàu thuyền đánh bắt tiêu thụ cùng loại hải sản với sản lượng lớn.

 

Ông Lê Văn Mười, chủ tàu PY91972 than phiền: “Ngư dân vất vả vật lộn với sóng gió, với thời tiết khắc nghiệt ở khơi xa mới câu được con cá ngừ, nhưng đến khi vào bờ bán cá càng vất vả hơn, cay đắng hơn. Chuyến trước, tui bị “ép” dạt 500kg cá. Còn chuyến này, tàu của tui chưa bốc dỡ cá lên bờ, chưa biết chất lượng cá ra sao, vậy mà đầu nậu đã thông báo trước là sẽ mua theo giá cá “sôcôla” (loại cá dạt với giá rẻ bèo chỉ 20.000 đồng/kg - PV). Khổ nỗi, tui mượn vốn của đầu nậu 50 triệu đồng để “sắm chuyến” ra khơi, nên bây giờ buộc phải bán cá cho họ…”.

 

Thị trường tiêu thụ cá ngừ hoàn toàn thả nổi cho các đại lý, nậu, vựa. Tại Phú Yên có 2 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp và 19 đầu mối mua ủy thác. Người mua đánh giá chất lượng cá theo kiểu dùng que đâm thử thịt cá và phụ thuộc hoàn toàn ở “cái nhìn” bằng mắt thường. Điều này dẫn đến tình trạng các nậu, vựa luôn ép phẩm cấp cá của ngư dân một cách vô tội vạ để trục lợi cho mình. Chẳng hạn, mỗi ngày, một chủ nậu có thể mua cả chục tấn cá, nhưng chỉ cần “nhìn” 5 con cá ngừ với chất lượng loại 1 (khoảng 50kg/con) “rớt” xuống thành loại 2, thì đã thu lời bỏ túi riêng 5.750.000 đồng (hiện nay, giá cá giữa loại 1 và loại 2 chệch lệch nhau khoảng 23.000 đồng/kg – PV).

 

Ông Chích, chủ tàu 90864 ở Đông Tác, đi chuyến biển câu được 44 con cá, bị người mua ở cơ sở V.S “nhìn” cá dạt 12 con. Ông Chích tiếc của, nên chở cá đem bán cho doanh nghiệp T.S thì chỉ bị dạt có 2 con! Hầu hết chủ tàu thuyền đều biết kiểu mua “ép” phẩm cấp cá như trên, nhưng cũng phải bán cá cho chủ nậu, vựa theo ký ước, bởi lẽ trước khi ra khơi chủ nậu, vựa đã cho vay vốn hoặc bán nợ xăng, dầu... Thực trạng này khiến ngư dân khai thác cá ngừ bị thiệt hại nặng.

 

Ông Phạm Lời ở Đông Tác chỉ câu được 6 tạ cá, thì DN T.T mua dạt loại 2 gần 3 tạ cá, nên bị lỗ chuyến đến 20 triệu đồng.

 

Ông Năm Tịnh, chủ tàu PY90819 ở Đông Tác cho hay: “Trong một chuyến biển vừa qua, tàu của tôi câu khơi đạt 2,3 tấn cá, cứ tưởng thu lãi rất cao, nhưng chỉ mừng hụt bởi khi cân bán, đầu nậu đã ép hơn 1,3 tấn cá dạt xuống hạng bét!

 

Sau 25 ngày lênh đênh trên biển, sáng ngày 14/5, tàu PY 92447 của ông Trần Văn Lại vào bến cá phường 6 cân bán 12 con cá thì bị cơ sở mua của ông Phạm Phong Ngưu thử thịt cá và “nhìn” đến 10 con cá dạt xuống loại 2! Ông Lai đành chịu lỗ chuyến biển này trên 30 triệu đồng!

 

Mấy năm nay, ngư dân Phú Yên “đau đầu” vì giá cá ngừ chỉ dao động ở mức thấp, từ 60 – 75.000 đồng/kg loại 1, trong khi xăng dầu liên tục lên giá, ngư cụ và các vật phẩm cần cho chuyến đi biển cũng lên theo. Trong vụ mùa năm nay, giá cá ngừ liên tục hạ thấp từ 75.000 đồng/kg xuống còn 72.000 đồng, rồi 68.000 đồng/kg và hiện nay dao động từ 63.000 – 65.000 đồng/kg loại 1; giá cá loại 2 chỉ 40.000 đồng; loại 3 là 20.000 đồng.

 

Hầu hết các chủ nậu, vựa đều đổ lỗi cho ngư dân Phú Yên kéo dài thời gian đánh bắt trên biển và câu nhiều cá bị ngủ nước (cá chết trước khi kéo câu lên tàu), cá phèn (do ướp đá bị phèn) sơ chế cá bị “sôcôla” (cá bị xuống cấp kém chất lượng)… , nên mua giá thấp. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Năm (ngư dân ở phường 6 có 2 chiếc tàu câu cá ngừ), các nậu, vựa lợi dụng tình trạng hơn 80% chủ tàu câu cá ngừ ở TP Tuy Hòa lệ thuộc vào việc mượn vốn “sắm chuyến” của họ, để mua ép giá, ép phẩm cấp. “Gia đình tôi đã từng học tập ngư dân Khánh Hòa, bằng cách chủ động nguồn vốn và đánh bắt, bảo quản cá đạt chất lượng cao và được quyền chọn lựa ai trả giá cá cao hơn thì bán. Nhưng thực tế các đại lý ở Phú Yên đều “bắt tay” thống nhất chỉ mua cá chất lượng với giá ngang bằng giá cá loại 1 giống như tất cả các tàu khác trong tỉnh! Nói tóm lại, do thiếu sự quản lý của Nhà nước, nên từ lâu ngư dân Phú Yên đã bị “mất quyền” bán cá ngừ theo giá thị trường trong nước. Do vậy, ngư dân càng bám biển khai thác khơi, càng gặp khó khăn, có khi lỗ vốn nặng, trong khi đó thì các cơ sở, doanh nghiệp mua cá ngừ thu lợi cao và giàu kếch sù!” - Ông Năm bức xúc.

 

TÍNH LÃI NỢ DẦU VỚI GIÁ CAO

 

Vào gần nửa đêm thượng tuần tháng 4/2007, cửa ngõ ngôi nhà của bà Phan Thị Mên ở khu phố Trần Hưng Đạo, phường 6 (TP Tuy Hòa) bỗng nhiên bị đập phá ầm ầm, vỡ vụn. Ông Điềm (ở phường 4) – một người thân cận của cơ sở bán xăng dầu Thu Vân (phường 6) chuyên cho ngư dân vay vốn nợ xăng dầu với giá cao, vừa phá cửa, vừa lớn tiếng chửi bới đòi bà Mên phải trả liền tiền nợ xăng dầu đi khơi. Gia đình phải báo Công an phường 6 đến giải quyết, lập biên bản ông Điềm vi phạm, gây rối an ninh trật tự khu phố. Bà Mên kể lại như mếu: “Tôi bơm dầu của cơ sở bà Thu Vân với giá cao hơn thị trường 200 đồng/lít. Tôi đã trả tiền mặt hết 35 triệu đồng, còn thiếu nợ dầu 15 triệu đồng, bà Thu Vân bắt buộc phải ký giấy nợ với ông Điềm trả lãi 6%/tháng (nghĩa là bà Mên phải trả tiền lãi của 15 triệu đồng là 900.000 đồng/tháng – PV). Tiền nợ dầu được ký kết trả trong thời gian 3 tháng, vậy mà chỉ mới 2 tháng ông Điềm đã ngang nhiên “hành xử” với gia đình tôi theo kiểu côn đồ như vậy!” Cũng theo bà Mên, hầu hết ngư dân nợ tiền dầu của cơ sở Thu Vân đều phải viết giấy vay nợ với ông Điềm với lãi suất 6%/tháng. Nếu ai không sớm trả khoản nợ này, thì ông Điềm sẵn sàng ra tay uy hiếp!

 

Cá ngừ đại dương đánh bắt được thường có khối lượng từ 25-70kg/con. Thị trường một số nước trên thế giới với những yêu cầu khắt khe về an toàn chất lượng sản phẩm, đòi hỏi bảo quản cá nguyên con (có nội tạng hoặc không có nội tạng). Giá bán cá tươi nguyên con (loại từ 30kg/con trở lên) cao gấp 5 lần cá chế biến đông lạnh. Hiện do chất lượng thấp nên chỉ có khoảng 30% sản lượng cá ngừ Phú Yên có thể “bay” thẳng sang Mỹ, Nhật Bản…!

Chúng tôi được biết mỗi tàu câu cá ngừ đại dương (loại có công suất từ 90CV trở lên) ra khơi “ngốn” từ 4.500 - 5.000 lít dầu với chi phí không dưới 40 triệu đồng. Toàn tỉnh có khoảng 900 chiếc tàu có công suất lớn câu khơi, tính ra tiền dầu hơn 36 tỉ đồng! Đây là “mảnh đất” màu mỡ để các đại lý chạy đua đầu cơ buôn bán xăng dầu ở hầu hết các vùng đông đúc tàu thuyền ở ven biển. Điều đáng nói là, do mùa vụ năm trước nhiều ngư dân khai thác cá ngừ bị thua lỗ nặng, nên trong vụ mùa năm nay, lợi dụng việc thiếu vốn “sắm chuyến”, một số cơ sở đã trục lợi, bằng cách đầu cơ bán dầu cho ngư dân với giá tăng cao từ 200 – 400 đồng/lít, và thu lãi phần tiền dầu còn nợ với giá cắt cổ. Với giá cá ngừ thấp như hiện nay, mỗi chuyến biển của tàu trên 90CV vươn khơi, ngư dân phải câu ít nhất 7 tạ cá loại 1 mới vừa đủ trả… tiền dầu!

 

Bà Nguyễn Thị Sương, ngư dân ở phường 6, bức xúc: “Mỗi lần mua dầu, ngoài khoản nợ tiền dầu từ 10 – 15 triệu đồng bắt buộc phải trả lãi cao, hầu hết bà con đều trả tiền mặt từ 60 – 70% số lượng dầu mua của tư thương. Thế nhưng, các tư thương bán xăng dầu vẫn “ép” ngư dân trả khoản chênh lệch giá mỗi lít dầu tăng cao từ 20 – 40% so với giá thị trường là điều hết sức vô lý!”. “Vậy sao bà con không trực tiếp mua dầu ở các đại lý xăng dầu lớn trong tỉnh” - tôi hỏi. Nghề biển khơi xa đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Ngư dân thiếu vốn sắm chuyến và không thể xoay xuở đủ tiền mặt để đến các đại lý ở nơi khác mua đủ số lượng dầu cho một chuyến biển, nên đành bấm bụng chấp nhận mua dầu nợ như vậy. Tình trạng bán dầu với giá cao trong mùa khai thác cá ngừ đã tồn tại rất lâu, gây ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân. Vấn đề là Nhà nước cần can thiệp, có chính sách hỗ trợ vốn cho ngư dân trong mùa vụ đánh bắt.

 

Phóng sự của NGUYÊN LƯU – ĐỨC THÔNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek