Thứ Bảy, 05/10/2024 18:13 CH
Trường Đại học Phú Yên đào tạo loại hình nhân lực nào?
Thứ Hai, 26/02/2007 13:40 CH

Được ngôi trường đại học đã quá khó, nhưng làm sao để Trường Đại học Phú Yên  trụ vững và tiếp tục phát triển cũng chẳng phải dễ dàng gì; còn bao nhiêu công việc khó khăn, thách thức ở phía trước.

 

070226-khoa-nhac.jpg

Sinh viên khoa nhạc họa Trường đại học Phú Yên - Ảnh: D.T.X

 

Sự kiện ra đời Trường đại học Phú Yên quả đúng là “Niềm vui lớn” như một tít của một bài báo viết về sự kiện này đăng trên  Báo Phú Yên số ra ngày 9/2/2007!

 

Có người nói rằng, Phú Yên có được trường đại học còn quý hơn được vàng. Thế là lịch sử gần 400 năm văn hiến  của tỉnh nhà đã ghi một dấu son  lịch sử: ngày 24/1/2007, Trường Đại học Phú Yên được thành lập!

 

Không phải là chuyện bây giờ mới kể, nhưng đây là việc “ôn cố tri tân” nên làm lắm chứ ! Năm 1993, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã đặt ra vấn đề phải xây dựng  cho bằng được một trường Đại học cộng đồng (Community College). Trong lời phát biểu tại hội thảo xây dựng trường  Đại học cộng đồng, một tư tưởng vượt trước cả nước- được tổ chức tại văn phòng Sở GD-ĐT Phú Yên (9/1993), đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Duy Luân cho rằng : “Phú Yên là một tỉnh nghèo, mới tách ra, đang bước đầu xây dựng, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật còn rất yếu và quá thiếu, cho nên trước hết phải coi trọng việc “học”. Là một tỉnh xa các trung tâm văn hoá, khoa học và công nghệ, để có thể nhanh chóng xây dựng và phát triển, ngoài việc “nhờ” sự hỗ trợ bên ngoài, Phú Yên phải chủ động đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhân lực khoa học kỹ thuật cho mình mới có thể nhanh chóng vươn lên ngang tầm với các tỉnh bạn. Đó cũng chính là thực hiện định hướng ổn định  và phát triển kinh tế , xã hội đến năm 2000 đã được thông qua trong Đại hội tỉnh Đảng bộ Phú Yên.

 

Được ngôi trường đại học đã quá khó, nhưng làm sao để Trường Đại học Phú Yên  trụ vững và tiếp tục phát triển cũng chẳng phải dễ dàng gì; còn bao nhiêu công việc khó khăn, thách thức ở phía trước. Tuy vậy, cái làm minh chứng  cho sự cần thiết của sự ra đời của Trường Đại học Phú Yên  đã cho thấy một tiền đồ tốt đẹp của nhà trường: “ Theo dự báo, dân số Phú Yên năm 2010 sẽ là 920 nghìn người, trong đó có khoảng 520,7 nghìn người lao động trong độ tuổi. Để  đảm bảo tỷ lệ  lao động đã qua đào tạo từ sơ cấp nghề trở lên đạt mức 40%, thì cần đào tạo bổ sung cho tỉnh trong giai đoạn tới 2010 sẽ khoảng hơn 100 nghìn người; trong đó trình độ từ Cao đẳng trở lên khoảng 20 nghìn người (4 nghìn người/năm). Như vậy cần phải đào tạo bổ sung thêm khoảng 2 nghìn người (cùng với khoảng 2 nghìn học sinh trúng tuyển ĐH,CĐ) mỗi năm từ trình độ Cao đẳng trở lên, chưa kể nhu cầu đào tạo thay thế.” (Theo Đề án khả thi thành lập Trường đại học Phú Yên của UBND tỉnh Phú Yên). Hơn nữa, theo Đề án này, địa bàn tuyển sinh của Trường Đại học Phú Yên đâu chỉ có ở trong tỉnh, mà còn bao gồm cả các địa phương lân cận của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

 

Trường Đại học Phú Yên sẽ đào tạo loại hình nhân lực và ở các trình độ nào ?

 

Trước hết, Trường đại học Phú Yên là trường đại học của tỉnh Phú Yên, nhằm mục đích đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; vì vậy, trường Đại học Phú Yên có đầy đủ thuộc tính của một trường đại học cộng đồng (ở nước ta mới chỉ có Trường Cao đẳng cộng đồng); nghĩa là địa phương cần loại nhân lực nào, ở bất kỳ trình độ nào, từ sơ cấp nghề đến trình độ đại học, với  các hình thức học tập đa dạng, thì trường đại học Phú Yên  có nghĩa vụ phải đáp ứng được nhu cầu đào tạo ấy. Điều này được thể hiện rõ trong đề án khả thi thành lập Trường Đại học Phú Yên : “Quy mô, cơ cấu đào tạo của Trường Đại học được xác định trước hết xuất phát từ yêu cầu đảm bảo đáp ứng những nhu cầu thiết yếu về giáo viên và nhân lực chuyên môn kỹ thuật cho tỉnh Phú Yên và các tỉnh trong khu vực. Việc mở các ngành nghề đào tạo sẽ được cân đối với các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Kế hoạch phát triển đào tạo (về quy mô, cơ cấu trình độ) được xây dựng trên cơ sở phân tích các dự báo nhân lực của các ngành, các lĩnh vực hoạt động của các địa phương và nhu cầu học tập của nhân dân. Dự kiến có bốn nhóm ngành đào tạo: Sư phạm, Kinh tế, Nông nghiệp - Kỹ thuật và Kỹ thuật công nghệ với 25 chuyên ngành”. Lộ trình phát triển các chuyên ngành đào tạo cũng đã được đề án xác lập cụ thể , khả thi. Nói riêng  năm 2007, Trường Đại học Phú Yên, ngoài các chuyên ngành truyền thống ở trình độ Trung cấp và Cao đẳng mà các trường Trung cấp  kinh tế – kỹ thuật và CĐSP Phú Yên đã và đang đào tạo,  sẽ tuyển sinh ngay 250 chỉ tiêu đào tạo trình độ đại học: đại học sư phạm (ĐHSP) mầm non, ĐHSP tiểu học, ĐHSP Tin học, cử nhân Công nghệ thông tin, cử nhân kinh tế nông nghiệp.

 

14 năm là một quãng thời gian vật chất khá dài của một đời người, nhưng là đủ ngắn để đánh giá sự thành tựu của một ý tưởng sáng suốt có tầm chiến lược, đặt nền tảng cho sự ra đời của một ngôi trường đại học ở Phú Yên. Đại học đại chúng là triết lý giáo dục đại học của thế kỷ XXI- thế kỷ của nền kinh tế tri thức và xã hội học tập; con số chỉ tiêu 600 trường CĐ-ĐH mà hệ thống giáo dục đại học nước ta sẽ đạt tới  vào năm 2020 đến nay đã được 50%, trong đó có sự đóng góp vào túc số ở vị thứ 315, xếp theo trật tự thời gian thành lập, của Trường Đại học Phú Yên ngày nay.

 

NGUYỄN HUY VỊ

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nông dân đi học
Thứ Tư, 21/02/2007 07:01 SA
Những người con xa xứ
Thứ Hai, 19/02/2007 15:48 CH
Gắn “ISO” cho nguồn nhân lực
Thứ Bảy, 17/02/2007 16:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek