Thứ Bảy, 05/10/2024 20:15 CH
Nông dân đi học
Thứ Tư, 21/02/2007 07:01 SA

Mỗi lớp học có 30 – 50 người, đều là nông dân. Lớp học có thể tổ chức vào ban ngày hoặc ban đêm tuỳ vào nhu cầu người học chứ không do người dạy quyết định. Họ thích học gì thì… học cái ấy.

 

070219-u-rom-s.jpg

Nông dân xã Xuân Sơn Bắc học làm nấm rơm – Ảnh: M.THÚY

 

Học nhanh, ứng dụng gọn

 

Cuối năm, công việc bộn bề nhưng vì nguyện vọng được học làm nấm rơm của những nông dân ở thôn Tân Bình, xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân), Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) của xã phải tìm thầy về dạy. Học sinh là những nông dân ở độ tuổi 40 – 60 đã làm thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Hoà lúng túng. Ngay lập tức thầy Hoà được học sinh trấn an: “Đã vào lớp học thì dù có đáng tuổi cha, chú…  cũng là học sinh. Ai học không nghiêm túc thì phạt thẳng tay”.

 

Nông dân đi học nên thầy Hoà rất tâm lý, nói rất ít về lý thuyết, dành nhiều cho phần thực hành. 8 công đoạn làm nấm đều được truyền đạt bằng cách “cầm tay chỉ việc” nên học viên nắm bắt rất nhanh. Bà Hà Thị Thanh Kỳ, một học viên cho biết: “Chỉ học trong vòng 1,5 tháng là có cái nghề làm ăn nên chúng tôi không bỏ qua cơ hội đi học. Vậy là, ăn tết xong chúng tôi có thể tự làm nấm để tăng thêm thu nhập”.

 

Ai có nhu cầu học văn hoá, có lớp dạy văn hoá, người có nhu cầu về phổ biến kiến thức làm ăn, trồng trọt hay cập nhật thông tin…cứ báo cáo về Ban quản lý TTHTCĐ. Ban quản lý có nhiệm vụ nắm bắt nguyện vọng của nông dân, lên kế hoạch rồi mời “thầy” về dạy. Đây là nét mới, linh hoạt trong việc xã hội hoá học tập của ngành giáo dục Phú Yên. Bởi trong một thời gian dài, sự nghiệp giáo dục – đào tạo có bước phát triển lớn, nhưng chủ yếu vẫn nằm trong hệ thống trường học. Còn đại bộ phận nông dân vẫn chưa có các hình thức học tập phù hợp để nâng cao trình độ, bắt nhịp với tiến bộ khoa học kỹ thuật đang phát triển ngày càng nhanh. Để khuyến khích, huy động và tạo điều kiện cho toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục, tạo cơ hội cho mọi người học tập, những lớp học dành cho nông dân ra đời. Và loại hình học tập này đã góp phần làm thay đổi đời sống của nhiều nông dân.

 

Với đồng bào dân tộc thiểu số, mô hình “cần gì học nấy” càng hiệu quả hơn. La Lang Tiến, một người dân tộc thiểu số ở thôn Suối Mây (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) lộ rõ sự mừng rỡ khi kể lại những gì mà anh đã được học ở lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi bò vỗ béo do TTHTCĐ tổ chức. Anh bộc bạch: “Qua lớp học, tôi mới biết cách chọn giống, cách chăm sóc, nhờ thế mà đàn bò khi bán cho thương lái có giá cao hơn”. Cả thôn Suối Mây dự tính ăn tết xong sẽ rủ đến trung tâm nhờ cán bộ dạy cho cách trồng cỏ nuôi bò.

 

Không chính quy nhưng chính đáng

 

Phú Yên hiện có 104 TTHTCĐ

 

Năm 2007, Phú Yên là một trong 13 tỉnh được Bộ GD – ĐT chọn tham gia dự án triển khai thí điểm quản lý các TTHTCĐ. Theo đó, các TTHTCĐ sẽ được hỗ trợ về phương tiện, phương pháp học tập trong quá trình tổ chức, quản lý chất lượng đào tạo.

4 chuyên đề được nông dân chọn học nhiều nhất đó là cung cấp thông tin (học tập các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước), xoá mù chữ, phát triển kinh tế thông qua các mô hình làm ăn và nâng cao chất lượng cuộc sống. Chuyên đề nào cũng thiết thực, thế mới biết, những điều mà nông dân đi học là sát với cuộc sống góp phần tháo gỡ những khó khăn, lúng túng trong đời sống ở cơ sở.

 

Ông Trần Giang Nam, Trưởng ban quản lý TTHTCĐ xã Xuân Sơn Bắc cho biết: “Kinh phí “tự thân vận động”, nếu chỉ dựa vào sự hỗ trợ của

 

ngân sách địa phương thì chỉ mở được vài lớp là hết kinh phí. Để tồn tại, chúng tôi phải liên kết với nhiều ban ngành”. Chẳng hạn để thoả mãn nhu cầu học làm nấm rơm của bà con, ông Nam đã chủ động liên kết với Trung tâm dạy nghề huyện để không phải mất kinh phí trong việc mời báo cáo viên giảng dạy. Cách làm này cũng được nhiều TTHTCĐ khác vận dụng nên nhiều người ví những lớp học của nông dân là lớp học “không chính quy nhưng chính đáng”. Học viên hôm nay học lớp này nhưng vài hôm sau lại học lớp khác. Nhu cầu học của họ phụ thuộc vào thời vụ và thực tế cuộc sống đang cần. Ông Nguyễn Văn Vinh, một người dân bày tỏ: “Cần gì học nấy, liệu có trường lớp nào chịu dạy miễn phí cho chúng tôi. Vả lại, bốn, năm mươi tuổi thì có mấy ai chịu đi học ở các trường lớp chính quy. Vậy là chỉ có các lớp học do TTHTCĐ tổ chức mới thỏa mãn được nhu cầu học tập của nông dân chúng tôi”.

 

MẠNH THÚY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Sàng lọc” để nâng chất
Thứ Hai, 12/02/2007 08:04 SA
Niềm vui lớn
Chủ Nhật, 11/02/2007 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek