Thứ Bảy, 05/10/2024 20:14 CH
Thi trắc nghiệm: Lo thi nhiều hơn lo học!
Chủ Nhật, 25/02/2007 07:00 SA

Năm 2007, kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT sẽ tổ chức thi trắc nghiệm hoàn toàn với môn Ngoại ngữ, Vật lý, Hoá học, Sinh học (nếu có quy định thi các môn này trong thông báo môn thi tốt nghiệp vào cuối tháng 3 tới đây). Riêng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ tháng 7/2007, các môn học này sẽ được tổ chức thi trắc nghiệm hoàn toàn. Hình thức thi tự luận hay trắc nghiệm đều ảnh hưởng đến cách dạy và học của thầy và trò.

 

070224-cung-hoc.jpg

Thi trắc nghiệm đòi hỏi kiến thức tổng quát làm nhiều học sinh lo lắng – Ảnh: T.HẰNG

 

Bộ GD – ĐT quyết định năm học này là năm đầu tiên áp dụng thi trắc nghiệm tốt nghiệp THPT, nhằm giảm bớt gánh nặng học hành cho học sinh, tránh học vẹt, học tủ. Nhưng do bộ công bố quyết định quá muộn (vào đầu học kỳ II), làm cho cả giáo viên và học sinh phải chịu áp lực nặng nề về những kỳ thi thử. Ông Ngô Minh Hoà, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Hoà) cho biết: “Hiện nay tổ trưởng của 4 bộ môn phải thi trắc nghiệm đang tập hợp ý kiến về chuyên môn để xây dựng đề thi trắc nghiệm. Mỗi đề có từ 40 – 50 câu hỏi, chủ yếu thiên về lý thuyết để phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm. Song cũng có một số bài tập tương ứng để phân luồng học sinh. Chúng tôi thực hiện những việc này dựa vào kinh nghiệm và kiến thức của tập thể bộ môn là chính, chứ chưa có một chuẩn nào để tham khảo”.

 

Sở GD – ĐT đã chỉ đạo các trường chuẩn bị và tổ chức cho học sinh làm quen với hình thức thi này. Hội đồng bộ môn tổ chức chọn lọc, thẩm định câu hỏi, phân công biên soạn câu hỏi phù hợp. Đây không phải là cách thi quá khó và hoàn toàn mới lạ, gây ngỡ ngàng đối với học sinh và cả giáo viên. Bởi trước đó, Sở GD – ĐT cũng đã tổ chức thi trắc nghiệm Ngoại ngữ trong học kỳ I năm học 2005 – 2006. Sở cũng đã có hướng dẫn về cách làm bài cho thí sinh. Điều làm nhiều học sinh và giáo viên băn khoăn nhất hiện nay đó là đề thi ra như thế nào cho phù hợp?

 

Ông Nguyễn Xuân Tình, Trưởng phòng Khảo thí và công nghệ thông tin Sở GD – ĐT Phú Yên bày tỏ: “Việc triển khai chủ trương này có phần bất ngờ khiến cho một số trường, nhất là ở vùng sâu, vùng xa bị động và cập rập trong khâu tổ chức thực hiện. Bởi trên thực tế, dù Sở nghiêm cấm, nhưng tại một số trường vẫn tồn tại kiểu dạy trọng tâm, dạy bài tủ để học trò dễ đậu tốt nghiệp theo phương pháp tự luận trước đây. Vì vậy, khi thực hiện chủ trương này, một số trường phải làm lại từ đầu, phát sinh tình trạng dạy dồn khiến cả giáo viên và học sinh đều căng thẳng, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học”.

 

Thông thường, một đề thi trắc nghiệm yêu cầu học sinh đạt được 3 mức độ: Kiến thức – thông hiểu – áp dụng. Phải học đầy đủ chương trình quy định, tránh học tủ, học vẹt, học kiểu đoán mò... Tuy nhiên, những yêu cầu này rất ít học sinh hội đủ. Em Trần Quốc Hùng, Trường THPT bán công Nguyễn Thị Minh Khai, bộc bạch: “Lâu nay, khi học ba môn Lý, Hoá, Sinh, tụi em chủ yếu thiên về giải bài tập. Nay chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm, yêu cầu lý thuyết nhiều hơn nên khó mà bao quát hết nội dung chương trình”. Cùng lo lắng như Hùng, nhiều học sinh khác cho rằng: “Thi trắc nghiệm buộc phải học tất cả chương trình, nhưng thời gian thông báo quá gấp, chúng em bị bất ngờ”.

 

Trắc nghiệm là một hình thức thi khoa học nhưng giáo viên chưa được làm quen. Hiện nay, mỗi trường là một ngân hàng đề tự phát, chất lượng đề vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.  Ông Lê Xuân Quang, Hiệu trưởng Trường THPT bán công Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Tây Hoà) cho biết: “Xây dựng ngân hàng đề thi là do Hội đồng bộ môn bao gồm các chuyên viên nòng cốt và giáo viên đang giảng dạy tại các trường THPT. Vì vậy, khó khăn nhất của thi trắc nghiệm là xây dựng ngân hàng đề cho chuẩn. Ở các trường, có thể câu hỏi trắc nghiệm chưa hay lắm nhưng không đến nỗi soạn không chính xác. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp không kiểm tra kỹ có thể dẫn đến sai sót”.

 

Đề thi trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệm THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ do Bộ GD – ĐT tổ chức biên soạn. Tuy nhiên, nếu đợi đến thời điểm ấy thì học sinh không thể nào theo kịp. Vì vậy, Ban giám hiệu lẫn thầy trò các trường đang phải “mò mẫm”, tìm hiểu cách làm đề, chấm thi để cho học sinh thi thử bằng hình thức trắc nghiệm. Trong các phương án đưa ra chỉ có duy nhất một phương án đúng. Do đó, nếu không nắm vững kiến thức, thí sinh sẽ không nhận biết được đâu là phương án đúng. Ông Tình khẳng định: “Trước mắt, Hội đồng bộ môn xây dựng ngân hàng đề thi không chỉ để cho các em thi tốt nghiệp mà còn thi đại học. Tùy từng bộ môn mà số lượng câu hỏi có thể dao động. Ngân hàng đề chủ yếu tập hợp các câu hỏi kiểm tra kiến thức và chương trình học sinh đã học, nhiều câu hỏi có thể trải khắp nội dung môn học, cho phép kiểm tra được một cách có hệ thống và toàn diện kiến thức, kỹ năng ở nhiều cấp độ khác nhau. Các câu hỏi trắc nghiệm sẽ giúp các em luyện tập sau khi đã học theo bài, theo chương trình ở sách giáo khoa, ở bài giảng của thầy cô chứ không phải là khuôn mẫu để căn cứ vào đó mà ôn tập”.

 

THUÝ HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đầu xuân bàn chuyện phát triển giáo dục
Thứ Năm, 22/02/2007 14:05 CH
Nông dân đi học
Thứ Tư, 21/02/2007 07:01 SA
Những người con xa xứ
Thứ Hai, 19/02/2007 15:48 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek