Thứ Bảy, 05/10/2024 20:15 CH
Gắn “ISO” cho nguồn nhân lực
Thứ Bảy, 17/02/2007 16:30 CH

Chất lượng đào tạo không chỉ được kiểm định bằng văn bằng, mà quan trọng hơn là phải đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng trong thời kỳ mới.

 

070218-svien-s.jpg

Sinh viên ngành Hóa phân tích của Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa thực hành – Ảnh: THÚY HẰNG

 

Đi tìm lao động kỹ thuật cao

 

Theo các nhà doanh nghiệp, hiện nay không phải các công ty, xí nghiệp, cơ quan Nhà nước thiếu việc làm, mà chủ yếu là đang thiếu những sinh viên làm được việc. Trước đây sinh viên ra trường chỉ có tấm bằng chuyên môn là đủ, nhưng hiện nay yêu cầu của các nhà tuyển dụng rất cao, phải giỏi vi tính, không chỉ nghe và hiểu tiếng Anh mà còn phải biết thêm một ngoại ngữ khác mà điều này thì “sản phẩm” do các trường hiện nay đào tạo ra chưa thể đáp ứng được.

 

Trong 7 trường chuyên nghiệp đang đóng trên địa bàn tỉnh thì trường Cao đẳng Xây dựng số 3 có tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm cao nhất trên 95% và được các nhà sử dụng lao động đánh giá cao về hiệu quả đào tạo. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Tâm, Phó Hiệu trưởng nhà trường: “Đối với các doanh nghiệp trong nước thì trình độ học sinh của trường cơ bản đáp ứng được nhưng để xuất khẩu lao động thì các em phải được trang bị thêm rất nhiều”. Ông Tâm giải thích: Trong số hơn 150 học sinh, sinh viên được xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, hầu hết các em đều là học sinh đạt trình độ khá, giỏi mới hội đủ tiêu chuẩn làm việc. Ngoài ra, nhà trường còn phải thuê giảng viên dạy tiếng Hàn để trang bị ngoại ngữ giao tiếp cho các em.

 

Theo dự báo, dân số Phú Yên đến năm 2010 sẽ là khoảng 920 ngàn người, trong đó khoảng 520 ngàn người lao động trong độ tuổi. Để đảm bảo tỷ lệ lao động đã qua đào tạo từ sơ cấp nghề trở lên đạt mức 40% thì cần đào tạo bổ sung cho tỉnh trong giai đoạn tới sẽ khoảng hơn 100 ngàn người. Trong khi đó, hiện nay các trường Cao đẳng đóng trên địa bàn tỉnh hàng năm đào tạo khoảng 1.100 trình độ cao đẳng hệ chính quy (tuyển sinh trong cả nước). Điều đó nói lên nhu cầu ngày càng lớn và bức bách về đội ngũ giáo viên và cán bộ chuyên môn các ngành kinh tế – kỹ thuật trình độ cao.

 

“ISO” ngay từ ghế nhà trường

 

Theo thống kê mới nhất, tổng số người trong độ tuổi lao động ở Phú Yên có khoảng hơn 500.000 người, mỗi năm bổ sung thêm trên 10.000 lao động. Tuy nhiên hiện tổng số lao động chưa qua đào tạo nghề chiếm đến 84,7%, lao động từ công nhân kỹ thuật trở lên chỉ có 11,5%.

Năng lực giáo dục đào tạo, dạy nghề của các trường sẽ quyết định chất lượng lao động. Hàm lượng chất xám trong mỗi sản phẩm sẽ phải tăng lên và trở thành yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tương lai. Trong tương quan phát triển kinh tế và giáo dục các tỉnh, thành phố trong cả nước Phú Yên được xếp vào nhóm 30 tỉnh thành phố có chỉ số phát triển kinh tế bình thường. Nhưng sở dĩ nguồn nhân lực của chúng ta chưa phát huy được là do trình độ lao động mới chỉ ở mức lao động phổ thông.

 

Ông Cao Văn Thắng, Trưởng phòng giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp Sở GD – ĐT Phú Yên cho biết: “Năm 2007, quá trình hội nhập kinh tế thế giới buộc chúng ta cần xây dựng dự báo nhu cầu nguồn nhân lực trên cơ sở thực trạng nguồn nhân lực hiện có và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, 10 năm… của địa phương. Trên cơ sở đó, việc định hướng phân luồng đào tạo, phát triển các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh sẽ phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực, từng bước khắc phục hiện trạng “thừa thầy thiếu thợ”; mối quan hệ giữa đào tạo và sử dụng sẽ đạt hiệu quả cao hơn”.

 

Từ trước tới nay chất lượng đào tạo mới đánh giá hiệu quả bên trong, nghĩa là mới chú ý chương trình học, chất lượng giảng dạy và học tập từ các kỳ thi, văn bằng. Còn hiệu quả bên ngoài, nghĩa là sự thành công trong nghề nghiệp  của sinh viên sau khi ra trường chưa được quan tâm, nghiên cứu đầy đủ. Năm 2007, Phú Yên thành lập trường đại học, đây là cơ hội để chúng ta nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ông Phạm Văn Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Yên nói: “Để tránh tình trạng chỉ coi trọng việc học thi và lấy bằng chứ không phải học để hướng tới một công việc thực sự, vấn đề cần phải làm, đó là tăng cường công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, giúp các em có những thông tin cần thiết để có thể lựa chọn những ngành học tốt nhất phù hợp với khả năng của cá nhân và thị trường lao động”.

 

Cùng suy nghĩ như ông Cường, ông Huỳnh Tấn Khả, Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hoà bày tỏ: “Mỗi năm trường chúng tôi tuyển hơn 2000 chỉ tiêu đào tạo hệ công nhân và hệ trung cấp. Hầu hết học sinh sau khi tốt nghiệp nghề đều tìm được việc làm. Thị trường lao động đang có nhu cầu về công nhân kỹ thuật rất lớn, song tỷ lệ tuyển sinh đầu vào của hệ này hàng năm vẫn chưa đáp ứng đủ so với chỉ tiêu được đào tạo”.

 

THUÝ HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek