Năm nay, nước ta tổ chức Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam 2011 (1/6- 8/6) với chủ đề “Trí tuệ xanh cho sự phát triển bền vững biển đảo Việt Nam” nhằm hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới 8/6. Trong bối cảnh các tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển, đảo, ngư dân khai thác hải sản bị tàu Trung Quốc đe dọa ngay trong vùng lãnh hải nước ta thì việc tổ chức Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam càng có ý nghĩa.
Việc thả tôm giống tái tạo nguồn lợi thủy sản được ngành Thủy sản Phú Yên thực hiện hằng năm - Ảnh: N.TRƯỜNG
TÀI NGUYÊN BIỂN, ĐẢO PHÚ YÊN
Phú Yên có bờ biển dài 189km với 21.000ha đất ngập nước ven biển, tổng diện tích mặt biển khoảng 34.000km2, có nhiều rặng đá, kết hợp với 9 đảo lớn nhỏ gần bờ như: Lao Mái Nhà, Hòn Yến, Hòn Chùa, Hòn Than, Hòn Dứa, Hòn Khô, Hòn Nưa… là nơi tồn tại nhiều rạn san hô và thảm thực vật biển, tạo điều kiện lý tưởng cho các loài hải sản sinh trưởng và phát triển, làm giàu nguồn lợi thủy hải sản cho vùng biển ven bờ. Đây là vùng có ý nghĩa quan trọng đối với sinh kế của nhân dân địa phương, cung cấp ngư trường và mặt nước cho hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, là tiềm năng phục vụ du lịch sinh thái, góp phần điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
Hiện tại, vùng cửa sông, bãi triều nước lợ ven biển gồm 7 đầm, vịnh và cửa sông, lạch chính rộng khoảng 21.000ha đã khai thác trên 2.200ha để phục vụ nuôi trồng thủy sản, sản lượng hàng năm đạt hơn 5.400 tấn, trong đó đáng kể nhất là nuôi tôm hùm, đạt gần 600 tấn/năm. Đối với lĩnh vực khai thác hải sản, Phú Yên có đội tàu hơn 7.200 chiếc với tổng công suất 210.200CV, trong đó gần 700 chiếc loại từ 90CV trở lên chuyên nghề khai thác khơi, đánh bắt đàn cá nổi di cư theo mùa vụ, đặc biệt là cá ngừ đại dương; sản lượng hải sản đánh bắt đã đạt gần 37.000 tấn, trong đó cá ngừ đạt 5.000 tấn. Hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản nói trên đã cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đạt kim ngạch 22-25 triệu USD/năm. Ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động.
Dọc bờ biển Phú Yên có những thắng cảnh, di tích lịch sử cấp quốc gia, tiêu biểu như gành Đá Dĩa, đầm Ô Loan, vịnh Vũng Rô, vịnh Xuân Đài tạo nên nhiều bãi biển đẹp, hoang sơ như Bãi Môn, Bãi Xép, Bãi Từ Nham, Long Thủy… Với tiềm năng đó, Phú Yên được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến; bước đầu đã có một số dự án du lịch đi vào hoạt động. Năm nay, Phú Yên tổ chức kỷ niệm 400 năm hình thành và phát triển, được Ủy ban Du lịch quốc gia chọn đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011 với chủ đề “Du lịch biển, đảo” phần nào nói lên tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo Phú Yên.
THÁCH THỨC TRONG QUẢN LÝ, BẢO VỆ
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, biển và hải đảo của tỉnh đang chịu nhiều tác động từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cũng như thiên tai. Hậu quả được thể hiện qua tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái sinh cảnh và tài nguyên thủy sinh, suy giảm đa dạng sinh học. Việc khai thác hải sản ven bờ có sử dụng các ngư cụ mang tính hủy diệt, tần suất và số lượng khai thác quá mức không thể kiểm soát; việc nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt là nuôi tôm hùm, tôm sú không có quy hoạch đã làm cho diện tích các vùng đất ngập nước bị thu hẹp, các hệ sinh thái thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và môi trường nước bị suy thoái nghiêm trọng, kéo theo là đa dạng sinh học và sản lượng khai thác ở các vùng đất ngập nước bị suy giảm nhanh chóng, nhiều loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng như cá mòi cờ, sò huyết Ô Loan, cá ngựa Sông Cầu… Bên cạnh đó, việc khai thác không hợp lý các tài nguyên, khoáng sản tại bãi biển, cát sỏi trên sông, các vùng cát ven biển, đất ngập nước... gây ảnh hưởng bất lợi đến sinh cảnh và sự cân bằng tự nhiên của các hệ sinh thái; lũ lụt, triều cường, xâm thực bờ biển đe dọa đến sự an toàn cuộc sống của con người.
Những bất cập trên xuất phát từ việc mỗi ngành kinh tế, mỗi địa phương có quy hoạch và khai thác biển, đảo theo lợi ích riêng của ngành và địa phương mình dẫn đến suy thoái, cạn kiệt tài nguyên biển đảo. Nhận ra tồn tại đó, cùng với việc thành lập Tổng cục Biển - Hải đảo thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25 về quản lý tổng hợp và bảo vệ tài nguyên biển. Mới đây, tất cả 28 tỉnh, thành phố ven biển được thành lập chi cục Biển - Hải đảo để tăng cường năng lực quản lý tổng hợp về biển, đảo. Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Chi cục Biển - Hải đảo (Sở Tài nguyên - Môi trường Phú Yên), cho biết: “Chi cục đang triển khai đề án tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo Phú Yên, tập trung vào những nội dung: phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển biển, hải đảo; nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường, về chủ quyền quốc gia và hội nhập quốc tế trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo; kiến thức phòng ngừa, kiểm soát thiên tai, sự cố môi trường; xây dựng thương hiệu biển Phú Yên. Hy vọng dự án này thực hiện sẽ làm thay đổi hành vi ứng xử của cộng đồng đối với biển, đảo trong quá trình khai thác lợi thế, tiềm năng của biển, đảo, góp phần thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”.
Trong bối cảnh tình hình biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, vùng biển đảo nước ta bị tàu nước ngoài xâm nhập trái phép và uy hiếp các hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân ta, việc tăng cường bảo vệ chủ quyền biển, đảo càng cấp bách đối với các ngành chức năng từ trung ương đến địa phương. Ngày Đại dương thế giới 6/8 năm nay có chủ đề “Bảo vệ đại dương - trách nhiệm của thế hệ trẻ” đặt ra yêu cầu cho thế hệ trẻ nước ta: Cần có những hành động thiết thực hơn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên biển, đảo cũng như bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với vùng lãnh hải của Tổ quốc, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.
NGUYÊN TRƯỜNG