Thời gian qua, tỉnh Phú Yên tập trung đầu tư, khuyến khích ngư dân khai thác, đánh bắt xa bờ và nuôi trồng thủy sản. Việc làm này đã đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế biển, đời sống ngư dân ngày càng được cải thiện, từ đó gắn kết với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ngư dân phường 6, TP Tuy Hòa được mùa cá ngừ đại dương. - Ảnh: P.NAM
KHAI THÁC GẮN VỚI BẢO VỆ VÙNG BIỂN
Phú Yên có chiều dài bờ biển gần 190km, là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển kinh tế biển, trong đó nghề đánh bắt hải sản được xem là mũi nhọn. Toàn tỉnh hiện có 7.200 tàu thuyền, tổng công suất 208.000CV. Năm 2010, sản lượng đánh bắt trên 42.000 tấn hải sản, tăng gần 6.700 tấn so với năm 2006. Đáng chú ý là toàn tỉnh có trên 650 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên chuyên hành nghề đánh bắt xa bờ, sản lượng mỗi năm khoảng 5.000 tấn. Riêng 5 tháng đầu năm 2011, ngư dân Phú Yên khai thác được 4.500 tấn cá ngừ đại dương, chiếm tỉ trọng 19% sản lượng khai thác, trong đó khoảng 60% sản lượng cá ngừ được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật, EU.
Có thể nói việc đánh bắt xa bờ, trong đó có nghề câu cá ngừ đại dương nằm trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Phú Yên. Đây là hoạt động không những làm tăng sản lượng khai thác, mà còn thể hiện quyền làm chủ ngư trường trên vùng lãnh hải đất nước. Để việc khai thác khơi xa có hiệu quả, đến nay ngư dân đã thành lập trên 100 tổ tàu thuyền an toàn, với 860 phương tiện và hơn 6.000 thuyền viên tham gia. Ngoài khai thác hải sản, mỗi năm các tổ tàu thuyền cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị, trong đó có nhiều tin tức liên quan đến biên giới biển của tỉnh và chủ quyền an ninh quốc gia; phối hợp với các đồn biên phòng và trạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong việc kiểm tra phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ hành nghề trái phép như dùng chất nổ, hóa chất hoặc bằng những phương tiện có tính chất hủy diệt nguồn lợi thủy sản…
Để đảm bảo cho tàu thuyền hoạt động an toàn, tỉnh Phú Yên đang quy hoạch gần 80 điểm neo đậu dọc bờ biển, trong đó đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Cảng cá Tiên Châu (xã An Ninh Tây, huyện Tuy An); khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền Đầm Cù Mông (vịnh Xuân Đài, TX Sông Cầu) và đang tiếp tục triển khai dự án Cảng cá Phú Lạc (xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa); dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi hải sản lồng bè ở xã An Hải (huyện Tuy An); khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Đông Tác (TP Tuy Hòa)…
ÐA DẠNG HÓA NGHỀ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
Với lợi thế gần 14.000ha mặt nước đầm, vịnh là điều kiện để nghề nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên phát triển mạnh. Năm 2006, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh chỉ hơn 2.600ha, sản lượng gần 3.600 tấn, thì đến năm 2010, tăng thêm 90ha, nhưng sản lượng lại tăng gấp gần 2,4 lần (tương đương 8.500 tấn). Sản lượng thủy sản tăng là nhờ người dân mạnh dạn chuyển diện tích tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng, với năng suất đạt từ 4-6 tấn/ha/vụ, tăng gấp 2 lần so với nuôi tôm sú và có thể nuôi được 2 vụ/năm. Bên cạnh đó, người nuôi cũng đã áp dụng mô hình đa dạng hóa vật nuôi như cá mú, cá chẽm, cá hồng, tu hài, vẹm xanh… góp phần tăng sản lượng, cải tạo môi trường nuôi.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Phú Yên, giá trị sản xuất 1ha nuôi trồng thủy sản năm 2010 đạt 246,7 triệu đồng, tăng 8,7 triệu đồng so năm 2006. Một trong những nghề nuôi trồng thủy sản mạnh nhất của tỉnh là nuôi tôm hùm bằng lồng, sản lượng đạt từ 360-750 tấn tôm thương phẩm/năm. Với giá tôm hùm thương phẩm 1,2-1,4 triệu đồng/kg, đã kích thích người nuôi đầu tư mở rộng diện tích. Từ đầu năm 2011 đến nay, các huyện, thị xã trong tỉnh đã thả nuôi trên 12.000 lồng tôm hùm, chiếm gần 90% lượng lồng nuôi thủy sản của tỉnh, tăng gấp 2 lần so cùng kỳ năm 2010. Nếu như nghề nuôi tôm hùm tập trung ở TX Sông Cầu, thì nghề nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng phát triển mạnh ở hai huyện Tuy An và Đông Hòa, với 2.700ha. Cơ cấu kinh tế ngư nghiệp được chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng, sản lượng nuôi trồng, cơ sở hạ tầng nghề cá được đầu tư theo hướng tăng dần, góp phần tạo nên diện mạo mới cho vùng nông thôn miền biển, lực lượng lao động thu hút vào nghề cá ngày càng nhiều, đời sống của ngư dân từng bước được cải thiện. Theo Sở NN-PNTN, giá trị sản xuất của ngành thủy sản năm 2010 đạt gần 2.444 tỉ đồng, chiếm 34,6% giá trị sản xuất ngành nông lâm ngư nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, việc quản lý bảo vệ chưa được chú trọng đúng mức nên môi trường biển, đảo đang bị suy thoái, tài nguyên biển ngày càng cạn kiệt. Hưởng ứng tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới (8/6) năm nay là dịp để mỗi chúng ta nâng cao ý thức bảo vệ biển, đảo và cần có những hành động thiết thực giữ gìn để phát triển tài nguyên biển, đảo bền vững.
PHƯƠNG