Thứ Ba, 26/11/2024 19:41 CH
Đường Hồ Chí Minh trên biển 55 năm nhìn lại
BÀI 1: Mở đường
Thứ Tư, 19/10/2016 14:00 CH

Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nước ta tạm thời chia làm 2 miền, dự kiến 2 năm sau sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, nhưng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ngang nhiên vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ, âm mưu chia cắt lâu dài nước ta, hòng biến miền Nam thành căn cứ quân sự của Mỹ.

 

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng tàu Không số (ký hiệu 41) anh hùng - Ảnh: PV

Tháng 1/1959, Hội nghị lần thứ 15 (khóa 2) của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam xác định con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng đã mở ra bước ngoặt, đánh dấu sự kiện chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài.

 

Để bảo đảm cho cuộc chiến đấu giành thắng lợi, Đảng ta xác định phải nhanh chóng tổ chức chi viện sức người sức của cho miền Nam đánh giặc.

 

Ngày 19/5/1959, Tổng quân ủy và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” sau đó đổi tên thành Đoàn 559 có nhiệm vụ mở đường giao thông vận tải hàng quân sự cho cách mạng miền Nam, đưa đón cán bộ, bộ đội từ Bắc vào Nam và ngược lại. Tiểu đoàn 301 là lực lượng đầu tiên làm nhiệm vụ đó.

 

Cùng lúc trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm các hình thức vận tải thủy trong kháng chiến chống Pháp ở Khu 5 đã từng dùng thuyền buồm, thuyền chèo vận tải vũ khí từ các tỉnh miền Trung vào cực Nam Trung Bộ, từ Thái Lan về Nam Bộ. Tháng 7/1959, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Tiểu đoàn vận tải thủy 603 lấy tên “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”.

 

Cuối tháng 1/1960, tiểu đoàn tổ chức cho một tàu gỗ lắp máy kết hợp với buồm do đồng chí Nguyễn Bất cùng 5 thủy thủ chở 5 tấn vũ khí xuất phát mà điểm đến là Hồ Chuối - nam đèo Hải Vân. Thuyền gặp sóng to gió lớn, máy hỏng, buồm rách, thuyền có khả năng chìm nên toàn đội quyết định vất hàng xuống biển và bị địch bắt về giam ở nhà lao Hội An, sau đó là Côn Đảo.

 

Chuyến đi không thành, Bộ Quốc phòng chỉ thị Tiểu đoàn vận tải thủy 603 ngưng hoạt động. Trong khi chuẩn bị nghiên cứu xây dựng lực lượng theo đề án của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Chính trị Trung ương Đảng chỉ đạo cho các tỉnh ven biển miền Nam chủ động chuẩn bị bến bãi tổ chức mua sắm ghe thuyền vượt biển ra Bắc, vừa để thăm dò nắm tình hình, vừa nhận vũ khí đưa về kịp thời cung cấp cho phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương.

 

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Khu 8, Khu 9 chỉ đạo một số tỉnh ở Nam Bộ khẩn trương tổ chức lực lượng, phương tiện vượt biển ra miền Bắc nhận vũ khí.

 

Ngày 1/8/1961, thuyền thứ nhất do đồng chí Bông Văn Dĩa chỉ huy rời bến Cà Mau vượt biển đến chiều 7/8/1961 cập vào cửa sông Nhật Lệ, Quảng Bình. Sau khi đội thứ nhất đi được 20 ngày thì đội thứ hai do đồng chí Nguyễn Thanh Trầm chỉ huy rời bến nhưng do thuyền bị thủng, nước vào nhiều phải quay lại Trà Vinh.

 

Cùng với Cà Mau, Trà Vinh cũng chuẩn bị một thuyền do đồng chí Hồ Đắc Thắng chỉ huy rời bến ngày 3/8/1961 và bị lạc vào Ma Cao (Trung Quốc) được bạn cung cấp một số nhu yếu phẩm, dầu, nước. Thuyền có 6 người, được đại sứ quán ta bảo lãnh đi đường bộ về Hà Nội, còn thuyền được tàu bạn lai dắt về cảng Hải Phòng.

 

Tại Bến Tre, sau một thời gian chuẩn bị đội thuyền thứ nhất do đồng chí Đặng Bá Tiên chỉ huy xuất phát ngày 17/8/1961, đến đêm ngày 25/8 thuyền cập vào cửa biển Hà Tĩnh.

 

Hai ngày sau, đội thuyền thứ hai do Lê Công Cần chỉ huy cũng rời bến tại Cồn Lợi - Thạnh Phong hướng ra miền Bắc. Chiều 28/8/1961 thuyền dạt vào bãi biển Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

 

Tuổi trẻ Phú Yên thả vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ tại bến Vũng Rô - Ảnh: PV

 

Với tỉnh Bà Rịa, đến cuối năm 1961 mới làm xong công tác chuẩn bị cho một thuyền do đồng chí Nguyễn Sơn chỉ huy vượt biển, nhưng do sóng gió lớn thuyền hỏng máy phải ghé Phan Thiết sửa chữa đến ngày 27/2/1962 mới xuất phát tại Phước Hải, Long Đất. Thuyền đến Cam Ranh lại bị địch bắt vì bị nghi ngờ, cho đến ngày 19/4 thuyền được thả, tiếp tục vượt biển đến 25/4 thuyền dạt vào Di Linh, đảo Hải Nam (Trung Quốc), sau đó về Hải Phòng.

 

Như vậy, từ giữa năm 1961-1962 có 5 đội thuyền (1 Cà Mau, 2 Bến Tre, 1 Trà Vinh và 1 Bà Rịa) vượt biển, tuy có gặp sóng gió, thuyền bị hỏng, bị địch bắt, Trung Quốc tạm giữ… nhưng đều đến được miền Bắc, con đường vận tải trên biển Đông hé lộ.

 

Đề án về tổ chức lực lượng vận tải biển chi viện chiến trường miền Nam của Bộ Tổng tham mưu được Bộ Chính trị chấp thuận và được khẩn trương chấp hành. Ngày 23/10/1961, Bộ Tổng tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn 759 đặt dưới sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của bộ, đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam.

 

Các con thuyền do cán bộ chiến sĩ miền Nam đưa ra, sau khi kiểm tra kỹ lưỡng thì chỉ còn thuyền Bạc Liêu sửa chữa sử dụng lại, được gấp rút chuẩn bị cho chuyến đi trinh sát.

 

Thuyền được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt kể cả con người và trang thiết bị do đồng chí Bông Văn Dĩa chỉ huy cùng 6 đồng chí, đêm 10/4/1962 xuất phát tại Đồn Công an vũ trang cửa sông Nhật Lệ, Quảng Bình, có nhiệm vụ nghiên cứu tuyến đi từ Bắc vào Nam.

 

Sau 8 ngày lênh đênh trên biển, chiều 18/4/1962 thuyền vào cửa Bồ Đề. Đồng chí Bông Văn Dĩa gặp các đồng chí lãnh đạo Khu 9 báo cáo tình hình và chuyển đạt ý kiến chỉ đạo của Trung ương về khảo sát chuẩn bị bến bãi đón tàu vào.

 

Vạn sự khởi đầu nan!

 

22 giờ ngày 11/10/1962, chiếc tàu gỗ mang số hiệu 41 do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng, Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên cùng với 13 cán bộ đảng viên trên con thuyền được mang tên “Phương Đông 1” chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn trong sự tiễn đưa đầy tình cảm. Sau 9 ngày lênh đênh trên biển, gặp bao điều trắc trở, người đi bận rộn đối phó mọi tình huống, người ở nhà (cơ quan Bộ Tổng tư lệnh) nóng ruột chờ tin, căng thẳng qua từng ngày. Cho đến khi được tin tàu đã vào đến cửa Vàm Lũng, Cà Mau thì cả hội trường Bộ Tổng tư lệnh đang giao ban đều nhảy lên mừng vui khôn xiết. Tin thắng lợi của chuyến đi đầu tiên được báo lên Bác Hồ, Bác gửi điện biểu dương và chỉ thị “Hãy nhanh chóng rút kinh nghiệm, tiếp tục vận chuyển nhanh, nhiều vũ khí hơn nữa cho miền Nam đánh giặc, cho Nam - Bắc sớm sum họp một nhà”.

 

Tiếp đến, Bộ Tổng tham mưu quyết định cho con tàu thứ 2 (tàu gỗ Trà Vinh mới vừa được sửa chữa) mang số hiệu 54 với tên gọi tàu “Phương Đông 2” do đồng chí Đinh Đạt chỉ huy cùng 7 đồng chí xuất phát chở 14 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn vào bến Cà Mau sau mấy ngày vượt biển.

 

20 ngày sau ngày 14/11/1962, con tàu số hiệu 42 với tên gọi tàu “Phương Đông 3” do đồng chí Nguyễn Đức Dục làm thuyền trưởng, Hồ Đắc Thắng làm chính trị viên chở 34 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn. Ngày 14/12/1962, tàu số hiệu 55 với tên gọi tàu “Phương Đông 4” do đồng chí Lê Văn Thêm làm thuyền trưởng, Đăng Văn Thanh làm chính trị viên cũng lên đường. Cả hai tàu đều cập bến Cà Mau thắng lợi.

 

Cùng với việc tổ chức vận chuyển của các đơn vị tàu, Bộ Tổng tham mưu còn tiến hành công tác tổ chức sắp xếp bộ máy của Đoàn 759, đồng thời chỉ đạo cho Quân khu 9 thành lập đơn vị phục vụ bến mang tên Đoàn 962.

 

Thời gian này, Đoàn 759 được bổ sung một số sĩ quan trẻ tốt nghiệp các trường sĩ quan Hải quân, Trường trung cấp Hàng hải và các học viện Hải quân Trung Quốc để chỉ huy các con tàu sắt vừa mới đóng xong đưa vào sử dụng. Và người thuyền trưởng đầu tiên chỉ huy con tàu sắt mang phiên hiệu 43 là đồng chí Đinh Đạt, vốn là phân đội trưởng tàu quét lôi của Hải quân được điều về, chở 45 tấn vũ khí xuất phát tại Đồ Sơn đêm 17/3/1963 và vào Bến Tre đêm 23/3/1963 an toàn, đánh dấu bước phát triển mới về sử dụng phương tiện hiện đại và tổ chức chỉ huy cao hơn.

 

Liên tiếp sau đó, ngày 16/3/1963 tàu 56 do đồng chí Vũ Tấn Ích làm thuyền trưởng kiêm bí thư chi bộ cùng 11 cán bộ thủy thủ xuất phát chở 60 tấn hàng vào Cà Mau. Ngày 19/5/1963, tàu 67 chở 63 tấn hàng vào bến Trà Vinh. Ngày 3/6/1963, tàu 56 chở hơn 60 tấn hàng vào bến Cà Mau an toàn. Ngày 17/6/1963, tàu 55 chở 62 tấn hàng cập bến Bến Tre. Ngày 3/7/1963, tàu 68 chở 63 tấn vũ khí cập bến Cà Mau. Ngày 27/7/1963, tàu 54 chở 62 tấn vũ khí vào Bến Tre giao hàng và trở ra an toàn. Ngày 30/7/1963, tàu 56 chở 59 tấn vũ khí cập bến Cà Mau.

 

Ngày 21/2/1964, tàu 54 chở 45 tấn hàng vào Bến Tre. Tháng 6, Đoàn 759 tổ chức 8 chuyến tàu vào các bến Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh bảo đảm đưa hàng đến bến và về an toàn.

 

Trong khoảng thời gian từ tháng 8/1962 đến tháng 1/1964 các tàu sắt liên tục nối đuôi nhau ra biển, cập bến giao hàng đã cung cấp kịp thời vũ khí trang bị cho chiến trường, làm thay đổi cán cân lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, góp phần cùng các lực lượng vũ trang đánh thắng các trận lớn ở Ấp Bắc, Bầu Bàng, Đèo Nhông - Dương Liễu, Đầm Dơi, Cái Nước, đánh bại “chiến thuật trực thăng vận” “chiến xa vận” của Mỹ - ngụy.

 

Ngày 15/2/1965, tàu 143 bị địch phát hiện ở Vũng Rô (Phú Yên) là một tổn thất lớn. Từ đây con đường vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam bằng đường biển gặp nhiều khó khăn thử thách. Kẻ địch tăng cường kiểm soát phong tỏa trên biển, trên không và bờ biển. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ đề ra phương án chống thâm nhập bằng đường biển, dùng tàu và máy bay tuần tra kiểm soát suốt ngày đêm, được quyền phá hủy bất cứ ghe thuyền nào nghi ngờ là của Việt Cộng. Thật kỳ diệu là cùng thời gian tàu 143 bị lộ ở Vũng Rô, Đoàn 125 có 5 tàu đang trên đường vận chuyển vũ khí vào chiến trường, có 3 tàu là 42, 55 và 165 đưa hàng vào bến Bạc Liêu an toàn.

 

Cùng với việc Mỹ tăng cường kiểm soát trên biển ở miền Nam, ngày 7/2/1965, Mỹ mở chiến dịch “Mũi lao lửa 1” leo thang đánh phá miền Bắc, rồi “Mũi lao lửa 2” và sau đó là chiến dịch “Sấm Rền” tập trung đánh phá vào các cơ sở mà Mỹ cho là nơi tiếp tế hậu cần chi viện cho miền Nam.

 

Trước tình hình đó, Đoàn 125 phải tìm phương án mới để vận chuyển chi viện cách mạng miền Nam, bằng cách cho tàu đi xa bờ hàng trăm hải lý, qua các vùng biển quốc tế rồi lợi dụng sơ hở của địch đưa tàu vào bờ giao hàng. Với vùng biển Khu 5 thì dùng tàu tốc độ cao từ ngoài đường hàng hải quốc tế cho tàu tiếp cận bờ thả hàng rồi ra trong đêm.

 

Mở đầu là tàu 42 ngụy trang dưới dạng tàu “câu cá sòng” vượt qua các tuyến tuần tra của địch đêm 24/10/1965 tàu vào bến Bồ Đề sau đó về Rạch Kiến Vàng, Cà Mau. Đặc biệt chuyến tàu này đã chở 4 quả thủy lôi neo mỗi quả nặng 1.075kg. Ngày 23/8/1966, 2 trong số 4 quả thủy lôi này được bộ đội đặc công Rừng Sác sử dụng đánh chìm chiến hạm Balon Ronge Victory trọng tải 20.000 tấn cùng nhiều chiến cụ đã chìm xuống sông Lòng Tàu.

 

Sau chuyến mở đường thành công, ngày 10/11/1965, tàu 69 chở 62 tấn vũ khí cập bến Vàm Lũng đêm 22/11 an toàn. Ngày 17/12 tàu 68 chở 64 tấn vũ khí vào bến Cà Mau đêm 26/12/1965. Như vậy với phương án vận chuyển mới, chúng ta đã có 3 chuyến đi thắng lợi với khối lượng 187 tấn vũ khí.

 

Sau mấy tháng vắng bóng, các con tàu Không số lại xuất hiện, địch đã phải thú nhận: “Đêm 24/8/1969, sau 18 tháng vắng bóng(!) không lực Hòa Kỳ mới phát hiện một tàu xâm nhập tại vùng biển cách Đà Nẵng 300 hải lý, có thể coi đây là thời kỳ đối phương gia tăng vận chuyển bằng đường biển trở lại. Từ ngày 24/8-23/12/1969 đã phát hiện 4 vụ vào rạng sáng 22/11/1970 ở Thạnh Phú, Bến Tre, còn các vụ khác họ đã thoát. Có vụ ta kèm được 9-10 ngày, có vụ chỉ kèm được 1 ngày thì mất mục tiêu”(*).

 

Đêm 23/3/1966, một lần nữa tàu 42 đã vượt qua sóng gió, luồn lách tránh hàng tốp tàu địch để vào bến Cà Mau an toàn. Phát hiện tàu lạ vào vùng Rạch Gốc, địch huy động máy bay, tàu chiến bắn phá ác liệt vào vùng nghi ngờ tàu ta neo đậu và tổ chức tuần tra chờ tàu ta quay ra. Thế nhưng bằng sự khôn khéo dũng cảm, lợi dụng sơ hở của địch, đêm 11/4 tàu 42 đã vượt qua hàng rào dày đặc tàu chiến của địch, ra đến vùng biển quốc tế về đến miền Bắc an toàn.

 

Với những thành tích đã đạt được, ngày 12/9/1963 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 45/LCT tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhì cho tập thể tàu và Chi bộ 41; Huân chương Chiến công hạng nhất cho 4 tập thể tàu 54, 55, 56, 43; Huân chương Chiến công hạng nhì cho 2 tập thể tàu 42, 68 và 16 Huân chương Chiến công hạng ba cho 16 cán bộ chiến sĩ của Đoàn.

 

Để tăng cường cho Khu 7, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo Đoàn tổ chức cho chiếc tàu gỗ 41 do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng, Đặng Văn Thanh làm chính trị viên chở 18 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn xuất phát ngày 26/9 vào bến Lộc An (tỉnh Bà Rịa). Tàu mắc cạn gần đồn Phước Hải chờ nước lên vào bến giao hàng. Từ khi về trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Quân chủng trong quý 4 năm 1964, ta đã tổ chức 11 chuyến chở hàng vào Nam Bộ, cả năm 1963 là 24 lần chở được là 1.318,68 tấn vũ khí.

 

Ngày 10/1/1964, tàu 55 chở 68,504 tấn cập bến Cà Mau. Ngày 21/3, tàu 69 chở 67 tấn hàng và 4 cán bộ vào bến Cà Mau. Ngày 22/3/1964, tàu 67 chở 68 tấn hàng cập bến Bến Tre. Ngày 25/3, tàu 55 chở 67 tấn vũ khí và cán bộ cao cấp - trong đó có đồng chí Lê Đức Anh, Tổng Tham mưu phó, vào bến Cà Mau.

 

Ngày 7/4/1964, tàu 56 chở 40 tấn vũ khí và 5 cán bộ vào Bạc Liêu. Ngày 8/4, tàu 54 chở 43 tấn hàng vào Bến Tre. Ngày 20/4, tàu 67 chở 71 tấn vũ khí vào Bến Tre. Cùng ngày, tàu 68 chở 69 tấn vũ khí vào bến Cà Mau. Ngày 23/4, tàu 55 chở 73 tấn vũ khí vào bến Trà Vinh. Cùng ngày, tàu 43 chở 43 tấn vũ khí vào bến Cà Mau.

 

Tiếp đến ngày 5/5/1964, tàu 56 chở 42 tấn vũ khí vào bến Cà Mau. Ngày 6/5/1964, tàu 41 chở 46 tấn vũ khí vào bến Cà Mau.

 

Ngày 15/4/1964, tàu 69 B được lệnh nhổ neo lên đường và đêm 23/4/1964 tàu vào bến Bồ Đề giao hàng. Tiếp đêm 3/5/1964, tàu 100 nhận lệnh lên đường. Trên đường đi gặp tàu địch bám sát đe dọa nhưng chúng vẫn không nổ súng. Tàu 100 vừa sẵn sàng chiến đấu vừa cho tàu chạy về phía Rạch Giá nhưng gặp lúc nước ròng nên bị mắc cạn. Địch huy động một lực lượng lớn bao vây khống chế định bắt tàu ta nhưng cán bộ chiến sĩ tàu cùng lực lượng bến dũng cảm đánh trả buộc chúng thả bom vào tàu làm cho khối lượng thuốc nổ trên tàu nổ tung - Tàu 100 mất dạng.

 

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam ngày 1/1/1967, Đoàn 125 được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu AHLLVTND cùng với 3 đồng chí Bông Văn Dĩa, Đặng Văn Thanh và Hồ Đắc Thắng, với lời tuyên dương: “Chiến đấu trên vùng biển của Tổ quốc luôn luôn đương đầu với địch và vật lộn với sóng to gió lớn, càng gặp khó khăn nguy hiểm, cán bộ càng bình tĩnh dũng cảm, mưu trí, chiến sĩ càng ngoan cường, linh hoạt, trên dưới đoàn kết một lòng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống”.

 

* Trích dẫn theo lịch sử Đoàn 125 (1961-2001) NXBQĐND-H2001 trang 194

 

HỒ ĐẮC THẠNH

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân,

nguyên Thuyền trưởng tàu Không số (ký hiệu 41) anh hùng

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek