Thứ Ba, 26/11/2024 21:31 CH
Dưới chân Chóp Chài
Thứ Ba, 27/09/2016 08:44 SA

Một góc đô thị dưới chân núi Chóp Chài - Ảnh: PHAN THANH

Chóp Chài (tên chữ là Nựu Sơn, Nữu Sơn, còn có tên là núi Liên Trì) là một ngọn núi trẻ sừng sững giữa đồng bằng châu thổ tả ngạn sông Ba. Bao bọc quanh chân núi là những làng xóm hiền hòa của 14 thôn, khu phố thuộc 2 xã Bình Kiến, Hòa Kiến và phường 9 (TP Tuy Hòa).

 

Đồng bằng châu thổ sông Ba rộng 20.000ha, xưa là biển cả. Và lúc đó, núi Chóp Chài là một cù lao giữa biển khơi. Ngày nay, khi đào giếng ở những cánh đồng Phước Hậu, Thanh Đức, người dân thỉnh thoảng bắt gặp những đoạn dây neo, chứng tích còn sót lại của biển cả xa xưa.

 

Dưới góc độ phong thủy học và địa linh học của văn hóa phương Đông, vùng châu thổ sông Ba hình thành theo thế long - quy trong chỉnh thể tứ linh “long - lân - quy - phụng” với sông Ba như một con rồng uốn khúc giữa sóng lúa bạt ngàn, còn núi Chóp Chài như một con rùa nằm sát quốc lộ 1. Thế long - quy đã tạo thành khí thiêng sông núi, địa linh nhân kiệt của quê hương Phú Yên.

 

Ẩn hiện ở lưng chừng núi và chân núi Chóp Chài có những ngôi chùa cổ kính, tôn nghiêm, vừa hiền hòa vừa u tịnh như các chùa Khánh Sơn, Bửu Lâm, Minh Sơn, Hòa Sơn, chùa Hang. Những ngôi chùa cổ này có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cư dân địa phương. Ngoài ra, dưới chân núi Chóp Chài là mộ bà Dũ Ký - điểm hẹn giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đầu năm 1961.

 

Cách chân núi Chóp Chài về phía đông có Bàu Sen rất đẹp, được những bậc tiền hiền tạo lập từ nhiều thế kỷ trước. Địa danh Liên Trì hình thành từ gốc tích Bàu Sen (Liên là sen, Trì là bàu, ao). Làng Liên Trì được khai hoang mở đất vào cuối thế kỷ XVI. Địa danh xã Liên Trì được thể hiện trong địa bạ triều Nguyễn xác lập năm Gia Long 14-15 (1815-1816) thuộc tổng Trung, huyện Đồng Xuân, trấn Phú Yên như sau: Liên Trì (Bàu Sen) xã đông giáp bãi biển, tây giáp núi, bắc giáp địa phận thôn Phú Cốc…; có đường thiên lý đi qua 773 tầm 3 thước (thước = 0,424m, tầm = 5 thước = 2,12m). Xã Phước Toàn (Phước Hậu) cũng được xác lập trong địa bạ triều Nguyễn như đã viện dẫn.

 

Đối diện với Chóp Chài là bãi biển dài 6km với rừng phi lao ven biển tuyệt đẹp, là địa bàn lý tưởng để mở rộng TP Tuy Hòa về hướng bắc. Xung quanh Chóp Chài có ba cánh đồng tiêu biểu. Trong đó, đồng Thủy (Phước Hậu - Thanh Đức) là xứ đồng màu mỡ phì nhiêu, đặc biệt có năng suất lúa cao nhất (15-16 tấn/ha/năm) nằm ở vị trí cực đông của châu thổ tả ngạn sông Ba. Gọi là đồng Thủy vì các chân ruộng nằm ở vị trí trũng, thấp nhất của đồng bằng Tuy Hòa, thường xuyên bị ngập úng, đồng thời cũng thường xuyên nhận được lượng phù sa bồi đắp đậm đặc nhất trong mùa mưa lũ.

 

Đồng Màng nằm dưới chân núi Chóp Chài về phía bắc (thôn Thượng Phú - Phú Vang) do phù sa sông Đà Rằng và vô số con suối nhỏ bồi đắp. Đồng Màng tuy không màu mỡ bằng đồng Thủy, năng suất lúa khiêm tốn hơn nhiều nhưng có thể tận dụng trồng xen dưa hấu, đậu xanh…, tạo nguồn sống chủ yếu cho nông dân các thôn Thượng Phú, Phú Vang, Liên Trì.

 

Giữa doi cát chạy dài từ thôn Phú Vang vào Phước Hậu và doi cát ven biển, phù sa của nhiều con suối nhỏ hình thành cánh đồng Lúa Trái nổi tiếng với sản phẩm nếp Vườn Trầu đã từng vang bóng một thời. Gọi là đồng Lúa Trái vì trước đây thủy lợi chưa phát triển, bà con nông dân trồng lúa nhờ nước trời, thường gieo cấy sau ngày 23/10 (âm lịch) và thu hoạch vào tháng Giêng. Riêng đồng Lúa Trái do bị trũng nên đến mùa nắng mới gieo cấy được và phải đào ao tát nước tưới cho lúa. Địa danh đồng Lúa Trái ghi dấu ấn cách canh tác trái vụ của xứ đồng này ở thế kỷ trước. Người dân đào ao tát nước làm nên hạt nếp Vườn Trầu vất vả, ghi dấu ấn nhọc nhằn trong ca dao:

 

Muốn ăn hạt nếp Vườn Trầu

Sợ e tát nước giở gầu không lên

 

Ngoài trồng lúa, người dân Bình Kiến còn rất chú trọng phát triển nghề vườn với một diện tích đất thổ cư tương ứng với diện tích trồng lúa.

 

Trước Cách mạng Tháng Tám, đời sống bà con trong xã rất cơ cực. Ngay cả làng Phước Hậu nổi tiếng trù phú, mỗi xóm cũng chỉ có vài ba giếng nước dùng chung. Mãi cho đến năm 1960, toàn xã cũng chỉ lác đác vài nhà ngói. Trước giải phóng 1975, nghề làm vườn ở Bình Kiến đã có sự phát triển đáng kể. Sau giải phóng, ngoài trồng lúa, người dân Bình Kiến hình thành vùng chuyên canh rau xanh và trồng hoa cảnh nổi tiếng, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

 

Chóp Chài hôm nay là viên ngọc quý giữa lòng TP Tuy Hòa đang được nghiên cứu toàn diện để phát triển du lịch, mà điểm nhấn là du lịch tâm linh, tạo một nét chấm phá mới cho sự nghiệp phát triển của TP Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên.

 

THANH BÌNH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek