Theo dòng lịch sử, các thế kỷ XV-XVI là giai đoạn có nhiều chuyển biến của dân tộc, giai đoạn đánh dấu những mốc quan trọng ở phía nam quốc gia Đại Việt, trong đó có những thay đổi mới trên vùng đất Phú Yên. Nói đến bậc tiền nhân khai khẩn, lập làng tạo cơ sở ban đầu cho sự hình thành và phát triển vùng đất Phú Yên hôm nay là nhắc đến Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh. Bài tham luận đề cập về Danh nhân Lương Văn Chánh với công lao to lớn của ông; đồng thời tỏ lòng tôn vinh, biết ơn vị thành hoàng và thế hệ cha ông ban đầu đã khai biên, mở cõi cho vùng đất Phú Yên.
1. Quá trình chiêu tập lưu dân vào vùng đất Phú Yên
Phú Yên là miền đất biên viễn của Đại Việt từ thế kỷ XV, sau sự kiện vua Lê Thánh Tông cho quân tiến đến núi Thạch Bi (núi Đá Bia). Từ đó, vùng đất này có nhiều thay đổi theo thời gian rồi thuộc hẳn về Đại Việt năm 1597 mà công lao lớn gắn với tên tuổi của Lương Văn Chánh - người đầu tiên đưa lưu dân phía bắc vào khai khẩn, lập làng. Bằng tài năng võ lược tinh thông của vị tướng cầm quân ra trận, bằng lòng thương dân, vượt hiểm nguy kế thừa truyền thống hòa hợp dân tộc và với đức độ, uy tín của mình, ông đã được Nguyễn Hoàng tin tưởng giao phó trọng trách lớn lao: quy dân, lập ấp nơi vùng biên cương ở phía nam.
Vào các năm 1559 và 1608, có hai đợt di dân về vùng đất Thuận Hóa. Theo Toàn Thư có đề cập đến việc người dân trốn khỏi quê vào thời kỳ này để “hoặc đi vào Nam hoặc đi về phía đông bắc”. Cả hai vùng này đều là những vùng thưa dân. Vào phía nam, Lương Văn Chánh được giữ chức Tri huyện - huyện Tuy Viễn (huyện Tuy Phước, huyện Vân Canh tỉnh Bình Định ngày nay - TG) nơi tiếp giáp với vùng đất Phú Yên. Năm 1597, do thời cơ thuận lợi, Nguyễn Hoàng đã giao trọng trách cho Lương Văn Chánh “nhưng sức các hộ dân mới đến tựu các xứ Cù Mông, Bà Đài, Bà Diễn, Bà Nông, từ trên đầu nguồn cho đến dưới cửa biển, kết lập gia cư địa phận, khai khẩn đất hoang thành thục nộp thuế theo lệ”(1). Từ đó, vùng đất Phú Yên có những đoàn lưu dân người Việt vào và bắt đầu chính thức định cư.
Việc khẩn hoang tại vùng đất Phú Yên trải dài suốt thời các chúa Nguyễn và sau này thời các vua triều Nguyễn, cùng đó thường xuyên có các đợt bổ sung dân cư, nhưng quan trọng nhất vẫn là thời Lương Văn Chánh, thời mở đầu.
Khi đất đai khai phá, mở mang ra khá rộng, Chúa Nguyễn cho phép lưu dân lập làng theo mẫu của làng Đàng Ngoài, rồi biến tất cả ruộng đất thành của công, cho dân chia nhau cày cấy và nộp tô. Cư dân lúc này đông đảo nhất là thường dân của các khách hộ Thuận Quảng, gọi là “lưu dân”, tức là những người nghèo không có sản nghiệp.
Trên đường Nam tiến từ Tuy Viễn vào Cù Mông là gần nhất, yên ổn nhất, tiếp đến vùng Bà Đài (Xuân Đài) nơi có đất đai tốt, đến vùng Bà Diễn (Đà Rằng), Bà Nông (Đà Nông), diện tích khai khẩn ngày một rộng hơn, bằng phẳng hơn. Sau đó, cư dân mở rộng lên phía tây là La Thai, Thạch Lãnh, Vân Hòa, Phước Sơn, Thạch Thành và cuối cùng phía nam vùng đất là miền biên viễn Hảo Sơn. Trong sắc lệnh của Nguyễn Hoàng giao trọng trách cho Lương Văn Chánh năm 1597 cho thấy Tổng trấn tướng quân này muốn tránh tệ quan liêu, hà hiếp, để dân sự ổn định cao nhất, nên Lương Văn Chánh phải lấy đức mà thay chúa vỗ yên trăm họ để “an cư lạc nghiệp”. Nguyễn Hoàng đã chọn đúng người đức tài trọn vẹn, văn võ song toàn, kinh bang tế thế để giao phó trách nhiệm và kết quả là sau này nhà Nguyễn đã ghi nhận Lương Văn Chánh là công thần buổi quốc sơ.
2. Khai khẩn đất hoang, mở rộng sản xuất, ổn định đời sống
Từ năm 1578, Lương Văn Chánh có nhiều công lao nên ông được triều đình “Thăng đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, tước Phù nghĩa hầu. Lại thăng làm quan trấn An Biên huyện Tuy Viễn”. Qua nội dung của sắc lệnh Tổng trấn Nguyễn Hoàng cho Lương Văn Chánh 1597 có thể nghĩ vùng đất Phú Yên lúc đó từ bắc vào nam, từ tây xuống đông toàn là đất hoang hóa, Lương Văn Chánh có nhiệm vụ đưa lưu dân tới khai khẩn lập ra làng xóm.
Thực tế trước đó, dù thuộc Vijaya, hay riêng biệt là Mondu, là Aryaru, thì vùng đất này đã từng là vùng đất phồn vinh, bởi vì, với ruộng đồng, sông nước, ven biển như vậy không thể là vùng hoang vu. Bằng chứng còn lại đến ngày nay như di tích Tháp Nhạn, và nhiều phế tích khác, trong đó quan trọng nhất là Thành Hồ, vừa là cơ quan hành chánh, vừa là cứ điểm quân sự(2).
Có thể hiểu từ trận đánh thành Hồ năm 1578, đến khi Lương Văn Chánh đưa lưu dân vào năm 1597, thời gian này người Việt chưa đến nhiều, người Chăm xiêu tán khắp nơi, đã biến nơi đây thành một miền hoang vắng (của vùng đất trước gọi là kimi). Trải qua gần 20 năm, ruộng đồng đã thuần thục thành hoang hóa, muốn trồng trọt phải làm lại từ đầu. Việc khẩn hoang được tiến hành:
- Vùng Cù Mông, Sông Cầu
Đây là nơi tiếp giáp với huyện Tuy Viễn, là vùng đất phía nam đèo Cù Mông. Lương Văn Chánh là người đứng đầu tổ chức tập trung lưu dân khai phá từ chân đèo Cù Mông đến Vũng Lắm (Sông Cầu). Sự đi lại và am hiểu của ông ở vùng ven đầm Cù Mông có điều kiện khá thuận lợi nên tổ chức lưu dân vào khai khẩn và ổn định đời sống sớm nhất. Họ vừa sản xuất nông nghiệp trồng lúa, bắp, khoai vừa khai thác nguồn thủy sản rất phong phú của đầm Cù Mông. Cuộc sống ban đầu nơi đây nhiều thuận lợi vì có nguồn nước và khai thác hải sản từ thiên nhiên và tăng gia trồng trọt từ những gò đất thấp. Họ trồng dừa trên những vùng đất ven biển.
- Vùng Xuân Đài - sông Cái
Lương Văn Chánh cùng người dân khai thác vùng đất bán sơn địa, các triền núi thấp tạo thành ruộng bậc thang, tiến hành trồng lúa, bắp, khoai, để có lương thực ổn định cuộc sống ban đầu. Vùng dân cư dần dần được hình thành ở các thung lũng hoặc triền núi gần nguồn nước. Lương Văn Chánh tiếp thu kỹ thuật canh tác của người Chăm thông qua việc đắp các bờ đá để chống xói mòn đất và đào giếng khai thác mạch nước trên núi, phục vụ nhu cầu nước tưới và sinh hoạt. Việc chọn địa bàn các thung lũng và vùng núi thấp để lưu trú rất thuận lợi trong việc kết hợp canh tác trồng lúa nước ở các ruộng thấp với việc trồng hoa màu trên vùng đất khô.
Đối với vùng châu thổ sông Cái, lưu dân lúc này được phân chia theo từng nhóm để tiến hành khai hoang, lập làng. Mỗi nhóm có khoảng từ 5-70 người. Để ổn định cuộc sống và canh tác, những vùng dân cư ban đầu ở tập trung không cách xa, thường nằm sát chân núi, triền núi hoặc dọc theo vùng đất ven hai bờ sông vì để bảo vệ cho nhau.
Vùng châu thổ sông Cái đất đai rất màu mỡ nên khai khẩn đến đâu thì tổ chức canh tác trồng lúa ngay đến đó. Lương Văn Chánh hướng dẫn nhân dân làm thủy lợi bằng cách đắp đập, đào mương đưa nước vào ruộng để có thể làm được lúa mỗi năm. Kế thừa kinh nghiệm của người Chăm, các công trình thủy lợi, nền nhà xếp bằng đá, làm giếng bằng xếp đá, đường đi… để phục vụ lâu dài cho cuộc sống. Đây là một đặc điểm riêng của vùng đất Phú Yên sử dụng vật liệu có sẵn trong tự nhiên, mà M.Colani khi quan sát cho rằng Phú Yên đã tách riêng ra một kỹ thuật bất ngờ(3).
Vùng miền núi phía tây của khu vực sông Cái còn có vùng đất bazan rất thích hợp cho việc trồng mía, bông, gai… Lương Văn Chánh giúp dân từng bước khai khẩn đất đai từ phía dưới thấp rồi mới tiến dần lên cao.
Học sinh tìm hiểu về danh nhân Lương Văn Chánh - Ảnh: P.V |
Như vậy, từ phía bắc vào phía nam, Lương Văn Chánh trực tiếp quản lý và tổ chức khai hoang, đưa dân định cư các khu vực ven biển Sông Cầu và vùng Tuy An ngày nay. Tương truyền, hàng ngày có những đoàn người đến vùng châu thổ sông Cái để chặt cây cối, đốt lau sậy tạo những khoảng đất rộng. Sau đó, họ mới chia khoảng đất rộng đó thành những thửa nhỏ cho dân và hướng dẫn họ trồng lúa, bắp, khoai, mía còn lại trồng bông, đay để dệt vải. Xung quanh mỗi điểm tụ cư có bố phòng các hố đào, hàng rào chắn và cạm bẫy đề phòng thú dữ vào bắt người và súc vật. Cuộc sống của họ tuy vất vả, gian lao nhưng thật thà hết sức gắn bó, đậm đà tình nghĩa(4).
Với cách tổ chức khai hoang hợp lý như vậy nên vùng đất ở khu vực Đồng Xuân, Sông Cầu, Tuy An (tên gọi ngày nay) đã nhanh chóng trở nên trù phú, cuộc sống của nhân dân được ổn định.
- Vùng Đà Diễn - Đà Nông
Bằng đường biển đi vào phía nam của tỉnh, lưu dân vào cửa sông Đà Diễn, Đà Nông, mặc dù được phù sa của con sông Ba và sông Bàn Thạch bồi đắp phì nhiêu màu mỡ nhưng vẫn là vùng đất hoang hóa, rừng thấp rậm và sình lầy. Người đứng đầu - Lương Văn Chánh tổ chức nhiều đợt đưa dân vào vùng đất này. Đây là vùng trung tâm của người Chăm vì có Thành Hồ, nơi phên dậu của Đại Việt bấy giờ nên vừa tổ chức nhân dân tham gia binh bị kết hợp với việc khẩn hoang, trước hết ở khu vực châu thổ hạ lưu sông Ba. Khai hoang đến đâu, Lương Văn Chánh cho lưu dân tới ở và chia đất để canh tác, nhanh chóng tạo thế ổn định cho người dân đến định cư, lập nghiệp. Chẳng bao lâu cả một vùng đất rừng rậm, đầm lầy biến thành đồng ruộng và nhanh chóng lập những làng dân cư sinh sống.
Lương Văn Chánh còn hướng dẫn nhân dân ở đây làm thủy lợi gần hai bên bờ sông Ba, đồng thời trồng tre chống xói mòn, bảo vệ xóm làng và đồng ruộng.
Sau một thời gian, đạt được chính sách “nhân hòa”, trên phạm vi rộng lớn từ Cù Mông đến đèo Cả mọi việc trở nên thuận lợi, Lương Văn Chánh đã tổ chức và lãnh đạo dân cư vùng trấn biên yên ổn. Từ một vùng đất hoang hóa nay đã trở nên trù phú với những cánh đồng lúa tươi tốt, có nhiều làng mạc dân cư đông đúc. Sự thay đổi nhanh chóng và toàn diện, đất hoang thu hẹp dần trước ý chí và sức mạnh phi thường của con người giúp nhân dân sớm an cư lạc nghiệp.
Lương Văn Chánh quy định chặt chẽ việc thực hiện không được bỏ đất hoang, khuyến khích nông dân trong việc tăng gia sản xuất. Đồng thời, ông quy định cho người làm ruộng sau từ 1-3 năm tùy theo loại ruộng phải đóng góp một số lương thực để góp phần nuôi quân và lo binh bị.
Phú Yên bấy giờ là vùng đất hoang nhưng mức độ hoang hóa trên từng địa bàn có khác nhau, một phần diện tích chỉ cần phục hóa, một phần diện tích phải khai hoang, sự thuận lợi và khó khăn trên từng địa bàn cũng có khác nhau. Hình dung ra thực trạng thời bấy giờ sẽ thấy rõ để phân chia thành ba vùng.
1. Những nơi vốn là ruộng đất cũ của người Chăm bị bỏ hoang sau chiến tranh, tập trung tại các vùng trước kia là làng xóm ở đồng bằng, giao thông bằng đường bộ và đường sông đều thuận tiện. Đây là các điểm đã được chỉ định rõ ràng: Cù Mông (TX Sông Cầu ngày nay), Bà Đài (huyện Tuy An ngày nay), Đà Diễn (TP Tuy Hòa, huyện Phú Hòa, một phần huyện Tây Hòa ngày nay), Đà Nông (một phần huyện Đông Hòa ngày nay).
2. Những nơi lân cận các vùng nêu trên, ven đồng bằng, cận sơn, tương đối gần và có phần thuận tiện, nhưng trước kia người Chăm không đủ lực lượng khai khẩn, hoặc chưa cần thiết phải khai khẩn, đó là vùng đất phía bắc TX Sông Cầu, phía nam huyện Đồng Xuân, vùng gần núi các huyện Tuy An, Phú Hòa (tên gọi ngày nay).
3. Những nơi ở xa, cao nguyên, miền núi, các thung lũng đầu nguồn, nơi tiếp cận với các bộ tộc phía đông Trường Sơn, việc đi lại bất tiện, chưa được khai khẩn, nhưng do nhu cầu an ninh để giữ vững đồng bằng, duyên hải, đồng thời do nhu cầu dàn trải phân bố dân cư khắp từ đầu nguồn đến cửa biển để tiến hành khai hoang, lập làng. Đó là phía tây bắc huyện Đồng Xuân, phía đông nam huyện Đông Hòa (vùng đèo Cả - Đá Bia) phía tây và nam huyện Tây Hòa, cả huyện Sơn Hòa, phía đông huyện Sông Hinh (phía tây huyện Sông Hinh có lẽ chưa nằm trong quy hoạch lúc đó).
Việc khẩn hoang lập làng tại ba vùng này không theo thứ tự phương hướng bắc - nam hay đông - tây, mà là những cụm rải rác cách đều, từ vùng đồng bằng tiến dần lên miền núi phía tây, xen lẫn trong đó có điểm như tiền đồn, có điểm như hậu cứ, có điểm như trung gian chuyển tiếp, để yểm trợ nhau. Trong một phạm vi khu vực, những cụm, những điểm này có khi theo một đường thẳng đi tới, có khi theo một đường hàng ngang song hành, có khi theo một đường cánh cung từ tâm tỏa ra. Tất nhiên là được tiến hành đồng thời theo một quy mô chung, có sự đôn đốc và kiểm soát thường xuyên và chặt chẽ.
Học sinh nghe kể về người mở cõi Lương Văn Chánh - Ảnh: PV |
3. Ghi nhận công lao Lương Văn Chánh
Làm quan dưới triều Lê, Lương Văn Chánh được giữ chức Đô chỉ huy sứ. Sau một thời gian do có nhiều công lao đóng góp cho triều đình, mở đầu công trạng được ghi nhận bằng sắc phong từ vua Lê Thế Tông năm 1596 cho Lương Văn Chánh khi ông đang giữ chức Tri huyện huyện Tuy Viễn (Tuy Phước tỉnh Bình Định ngày nay) nói rõ chức vụ và công lao của ông nên thăng chức Phụ quốc Thượng tướng quân cai quản 4 vệ Thần vũ, tước Phù nghĩa hầu. Sau 2 tháng, ngày mùng 6 tháng 2 năm Quang Hưng thứ 20, Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh tiếp nhận một sắc lệnh quan trọng của Tổng trấn Thuận Quảng Nguyễn Hoàng năm 1597 chỉ rõ nhiệm vụ mà Lương Văn Chánh phải đảm trách. Một sắc phong vua Lê và một sắc lệnh của chúa Nguyễn đã giúp cho hậu thế hiểu rõ hơn về ông Lương Văn Chánh lúc bấy giờ.
Từ khi Lương Văn Chánh qua đời (1611) rồi suốt thời gian dài Nam Bắc phân tranh (1627-1672) chấm dứt cho đến năm Chính Hòa thứ 10 (1689), các chúa Nguyễn mới truy tặng cho Lương Văn Chánh là Bảo Quốc chi thần (thần bảo hộ đất nước).
Các chúa Nguyễn từ năm 1689-1767, trước sau đã 5 lần phong và gia phong cho Lương Văn Chánh. Năm 1693 Lương Văn Chánh được phong Bảo Quốc Hộ Dân chi thần. Phẩm tước mỹ hiệu cuối cùng do chúa Nguyễn phong cho Lương Văn Chánh năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767) là Thần Bảo Quốc Hộ Dân Hựu Thuận Phong Công Tĩnh Tiết chi thần.
Khi triều Nguyễn thiết lập, từ vua Minh Mạng đến vua Duy Tân, 7 lần nhà vua gia phong Thượng Đẳng thần Lương Văn Chánh. Năm Minh Mạng thứ ba (1822) với sắc phong cho Lương Văn Chánh là Tráng Du Cộng võ Linh ứng Thượng đẳng thần. Thiệu Trị năm thứ ba (1843) hai lần phong, Tự Đức năm thứ ba (1850), Tự Đức năm thứ ba mươi ba (1880), Đồng Khánh năm thứ hai (1886) và Duy Tân năm thứ ba (1909). Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng thần là danh hiệu gia phong cao nhất cho người có công khai khẩn vùng đất Phú Yên.
Hai sắc chỉ của vua triều Nguyễn, một là năm Tự Đức thứ 33 (1880) cho Lương Văn Chánh được “ghi tên vào điển thờ” và một của vua Duy Tân năm thứ 3 (1909) cho xã Phụng Tường, phủ Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên phụng thờ Lương Văn Chánh như cũ.
Việc phong danh hiệu, tước vị thì từ thời vua “Thiệu Trị ra lệnh chỉ trừ Liễu Hạnh Công chúa, còn thần hiệu nào mang tước vị Đại Vương, Công Hầu, Quý Phủ… đều phải thay thế bằng danh xưng Tôn Thần, Phủ Quân…”(5). Vì thế 5 sắc phong chúa Nguyễn và 1 sắc phong vua Minh Mạng cho Lương Văn Chánh đều mang danh xưng: Lương Quý Phủ. Từ Thiệu Trị năm thứ 3 (1843), các sắc phong cho Lương Văn Chánh đổi lại danh xưng là Lương Phủ Quân.
Về danh hiệu, chúa hay vua ban sắc phong đầu tiên đến sau cùng khi gia tăng tiếp một danh hiệu nào đó đều thêm một mỹ từ, những mỹ từ ấy phản ánh rõ công trạng, tính tình của Thần. Điều này thể hiện trong các sắc phong cho Lương Văn Chánh.
Sắc phong đầu tiên đến nay (năm 2016) đã 420 năm, sắc phong cuối cùng là 107 năm. Tất cả 14 sắc phong, lệnh chỉ, sắc chỉ cho Lương Văn Chánh đã được tộc trưởng các đời thuộc chi Giáp họ Lương ở Phụng Tường lưu giữ cẩn thận. Nét chữ sắc đẹp còn nguyên, màu mực đen nhánh, dấu son ấn đóng còn màu đỏ, hình rồng ẩn hiện trong mây kèm chữ thọ hạt châu và viền xung quanh hoa văn sáng rõ. Dù thời gian có làm thay đổi, song đây là một Di sản văn hóa - lịch sử quý giá của tỉnh Phú Yên, của dân tộc nên cần có biện pháp lưu giữ trường tồn với thời gian như công lao của Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh được khắc ghi trong tâm thức của các thế hệ người dân Phú Yên. Đóng góp của ông được các đời chúa Nguyễn và nhà Nguyễn ghi nhận bằng những sắc phong với đầy đủ những công lao, xứng đáng là bậc khai quốc, là tiền nhân mở đất, khai canh cho hậu thế.
Đối với vùng đất Phú Yên, nhân dân tôn vinh Lương Văn Chánh là Thành hoàng, là vị thần có công đầu trong việc giúp dân khai hoang sản xuất, ổn định đời sống.
Đối với đất nước, Phù nghĩa hầu - Phù quận công Lương Văn Chánh là người bảo vệ giang sơn, mở mang bờ cõi, xác lập vùng đất mới cùng với các chúa Nguyễn định đô, xây dựng cát cứ, củng cố xứ Đàng Trong yên bình, giàu có.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. G. C. Hickey, Sons of the Mountains, New Haven anh Lon Don Yale University Press, lưu Thư viện Viện Khoa học Xã hội TP Hồ Chí Minh, 1982.
[2]. Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, Nhà xuất bản Văn học, 2001.
[3]. Litana, Xứ Đàng Trong - Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, NXB Trẻ, Hà Nội, 1999.
[4]. Nguyễn Văn Thưởng (CB), Lương Văn Chánh - Thân thế và Sự nghiệp, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2011.
[5]. Tạ Chí Đại Trường, Những bài dã sử Việt, NXB Tri Thức, 2009.
--------------------------------
1. Sắc lệnh năm 1597
2. Henri Maitre- Les jungles Moi (Rừng người Thượng). Nxb Trí thức, Hà Nội 2008, tr.190: Các phế tích ở thung lũng sông Ba gồm: Nhạn Tháp ở Tuy Hòa, bên bờ trái cửa sông Đà Rằng, được xây dựng thế kỷ 5 theo lịch Çaka; Thành Hồ cách cửa sông Ba 15km. Thành nằm ở tả ngạn sông, mặt thành phía sông dài 700m; Ở Phước Tịnh, đối diện thành Hồ ở phía bên kia bờ sông Ba; Tháp Yang Mum tả ngạn trung lưu sông Ba, cách đồn Cheo Reo 1500m.
3. Colani, M, Emploi de la pierre en des temps reculés. Annam - Indonésie - Assam, Hue, 1940. (Dẫn theo: Dấu vết thủy lợi sử dụng chất liệu đá xếp ở vùng Gio Linh (Quảng Trị) - Tạ Chí Đại Trường)
4. Danh nhân Lương Văn Chánh, Bảo tàng Phú Yên, 1996.
5. Theo Huỳnh Ngọc Trảng và Trương Ngọc Tường,“Đình Nam Bộ Xưa và Nay”. NXB Đồng Nai 1999, tr.60.
TS NGUYỄN VĂN THƯỞNG
(Trường đại học Phú Yên)