Mùa thu năm 1964, đường Trường Sơn trên bộ mới vươn tới ngã ba biên giới, chủ yếu chi viện cho Tây Nguyên và vùng giáp ranh Khu 5. Nguyên nhân chủ yếu là do sự đánh phá ác liệt của địch.
Thực hiện chủ trương phối hợp toàn Miền do Trung ương Cục phát động, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã mở đợt hoạt động tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng. Tuy nhiên, Khu 5 gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vũ khí.
Vận chuyển vũ khí vào chiến trường Khu 5 là một công việc vô cùng phức tạp khó khăn, mặc dù cung đường so với Nam Bộ có ngắn hơn, song việc đặt bến đón nhận hàng chẳng hề thuận lợi. Vùng biển Khu 5 không có nhiều kênh rạch và cây rừng phủ kín như ở Nam Bộ. Các cửa sông lại hẹp, đồn địch ken dày và có nhiều căn cứ hải thuyền của địch. Lại là vùng sát giới tuyến, nằm sát quốc lộ 1, nên hệ thống ra đa, tàu chiến, máy bay địch kiểm soát rất chặt.
Khi còn là “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”, Tiểu đoàn 603 đã tổ chức cho chiếc tàu gỗ chở 5 tấn vũ khí do đồng chí Nguyễn Bất làm thuyền trưởng xuất phát vào tối 30 Tết Canh Tý mà điểm đến là Hồ Chuối Nam đèo Hải Vân. Do sóng gió lớn, máy hỏng, buồm rách, khả năng vào bến không được, anh em đành phải thả hàng xuống biển phi tang và bị địch bắt giam ở nhà lao Hội An.
Tiếp đến chiếc tàu gỗ 401 do đồng chí Phạm Vạn làm thuyền trưởng chở 33 tấn vũ khí vượt qua bao sóng gió vào bến Lộ Diêu (Giao), Bình Định lúc 4 giờ sáng 30/10/1964, bị cạn, toàn tàu tập trung giải quyết đưa hàng lên bờ và phá hủy tàu. Hai chiếc tàu gỗ vào bến Khu 5, có chiếc không thành công có chiếc thành công nhưng không trọn vẹn.
Trước nhu cầu bức thiết của Khu 5, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân chủ trương tìm cách vận chuyển chi viện chiến trường Khu 5. Tàu 41 là chiếc tàu sắt đầu tiên được chọn vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường Khu 5.
Tàu 41 do đồng chí Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng, Trần Hoàng Chiếu làm Chính trị viên cùng 19 cán bộ thủy thủ chở 63 tấn vũ khí rời bến Bãi Cháy đêm 14/11/1964. Sau 3 ngày lênh đênh trên biển, ngoài chịu đựng sóng gió còn phải 2 lần cơ động ngụy trang đánh lừa địch, có lúc tưởng chừng cuộc chiến đấu sắp diễn ra. 2 chiếc tàu tuần tiễu của Mỹ tiếp cận tàu 41 với khoảng cách 1 hải lý, tất cả các loại pháo tàu đều mở bạt sẵn sàng nổ súng nếu địch xác nhận đây là tàu Bắc Việt chở vũ khí tiếp tế cho Việt Cộng ở miền Nam. Sau 2 giờ thi gan đấu trí, buộc tàu địch phải rời bỏ mục tiêu chạy vào bờ.
Trưa 28/11, từ ngoài vùng biển quốc tế, tàu 41 cơ động lách tránh tàu tuần tiễu, hải thuyền của Mỹ - ngụy vào bến Vũng Rô an toàn. Ngụy trang ở lại bến, đêm 29/11/1964 bốc hết hàng, tàu ra khơi về miền Bắc. Từ nay, Khu 5 có thêm một bến mới - bến Vũng Rô.
Tiếp đến ngày 25/12/1964, tàu 41 lại cập bến Vũng Rô an toàn. Ngoài vũ khí còn có 3 tấn gạo tám thơm và 3 cán bộ tăng cường cho bến.
Ngày 16/1/1965, tàu 41 rời cảng Bính Động - Hải Phòng chở 65 tấn vũ khí tiếp tục hành trình và đúng giao thừa Xuân Ất Tỵ, tàu 41 có mặt tại Vũng Rô. Trong không khí linh thiêng của giờ giao thừa, cán bộ thủy thủ tàu và bến đón nghe lời chúc tết của Bác Hồ: “Chúc mừng Ất Tỵ xuân năm mới. Nhà nước ta vừa tuổi hai mươi. Miền Bắc xây dựng đời sống mới vui tươi. Miền Nam kháng chiến ngày càng tiến tới”. Ngày mùng một tết, dưới vòm lá ngụy trang, cán bộ, thủy thủ tàu và lực lượng bến đã tổ chức một cái tết có cả cành đào Nhật Tân, Hà Nội bên nhánh mai vàng Đá Bia thật ấm cúng chan hòa tình Nam Bắc.
Trong khi tàu 41 bốc hàng tại bến Vũng Rô thì tàu 143 do thuyền trưởng Lê Văn Thêm và Phan Văn Bảng chỉ huy chở 60 tấn vũ khí hành trình vào bến Lộ Giao, Bình Định. Do phải dừng lại tránh gió mùa và các đợt tuần tiễu của Mỹ - ngụy khi đến thời điểm vào bến thì nước thủy triều xuống thấp, tàu 143 không vào được, Sở chỉ huy đành phải cho tàu vào Vũng Rô bốc hàng.
Trong một chuyến vận chuyển thương binh từ Bình Định vào Khánh Hòa, tên trung úy Mỹ - ngụy lái trực thăng HU-1B khi ngang qua Vũng Rô tình cờ phát hiện chụp ảnh và nhận thấy một mỏm núi lạ ở Vũng Rô mà trước đây y chưa bao giờ thấy. Lập tức Mỹ - ngụy điều máy bay đến đánh phá, ngụy trang tàu cháy, tàu 143 lộ rõ nguyên hình. Đến đêm hôm sau, lực lượng bến và tàu đã dùng bộc phá hủy tàu. “Sự kiện Vũng Rô” bắt đầu từ đây.
Sự kiện Vũng Rô đã trở thành cái cớ cho Mỹ xúc tiến thực hiện “kế hoạch Desoto” sớm hơn. Ngày 21/2/1965, Tư lệnh Bộ chỉ huy viện trợ Mỹ ở miền Nam yêu cầu Tư lệnh Thái Bình Dương đến Sài Gòn để vạch kế hoạch tuần tiễu giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Sài Gòn.
Mỹ bắt đầu đưa hạm đội 7 vào phong tỏa biển Đông. Chúng bố trí 3 tàu sân bay án ngữ ở cửa vịnh Bắc Bộ, huy động từ 18-25 tàu khu trục chia từng nhóm bảo vệ tàu sân bay, chốt chặn các tuyến giao thông của ta, pháo kích lên bờ, phong tỏa thủy lôi, bom từ trường trên các cửa sông miền Bắc.
Trên vùng biển miền Nam, tướng Oét-mô-len Mỹ nhận định việc xâm nhập đường biển từ Bắc vào Nam có 2 khả năng: “Một là dùng thuyền đi dọc bờ biển trà trộn với hơn 50.000 ghe thuyền có đăng ký của dân chài miền Nam. Hai là dùng tàu đánh cá nhưng lớn hơn từ ngoài khơi tiến thẳng vào bờ biển và tin chắc rằng những tàu này đều xuất phát từ Bắc Việt”.
Sự kiện Vũng Rô (2/1965) là một tổn thất quan trọng của công tác vận tải chi viện chiến trường miền Nam bằng đường biển của ta, nhưng không thể dập tắt ý chí và quyết tâm của cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ vận tải chiến lược. Một giai đoạn mới gian nan ác liệt hơn sẵn sàng thi gan đấu trí để chiến thắng kẻ thù.
Cùng với các chuyến tàu vận chuyển cho miền Nam, tàu 41 một lần nữa được cấp trên chọn giao nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho Khu 5 theo phương án mới: “Vào Bãi Ngang - địa hình trống trải thả hàng để hôm sau bến vớt lấy dần”.
Đêm 19/11/1966, tàu 41 rời bến chở 50 tấn hàng hành trình trong điều kiện thời tiết rất xấu, có bão xa. Đêm 27/11/1966, tàu vào đúng bến quy định, phát tín hiệu nhận nhau nhưng không nhận được tín hiệu của bến. Tàu vào độ sâu 10m tiến hành thả hàng, khi thả được 2/3 lượng hàng thì một đợt sóng lớn nâng tàu lên và đập xuống làm chân vịt tàu bị cong không cơ động xa được. Bên ngoài 2 tàu địch phục kích chờ bắt tàu ta. Trước tình hình đó, chi ủy, cán bộ tàu quyết định cho người lên bờ rồi phá tàu. Với lượng bộc phá 1 tấn được kích hoạt bằng 3 loại kíp nổ. Con tàu không còn dấu tích.
Tiếp đến, ngày 8/3/1967, tàu 43 do đồng chí Nguyễn Đắc Thắng làm thuyền trưởng chở 53 tấn vũ khí vào bến Sa Kỳ, Quảng Ngãi. Khi tàu cách Sa Kỳ 15 hải lý thì trên trời, máy bay địch thả pháo sáng, tàu chiến địch hình thành thế bao vây. Tình thế buộc ta phải nổ súng chiến đấu. Cán bộ chiến sĩ tàu 43 vừa chiến đấu vừa cho tàu lao vào bờ. Sau khi cho kích nổ khối bộc phá, toàn tàu bơi vào bờ. Con tàu nổ tung và chìm xuống đáy biển.
Liền sau tàu 43, tàu 198 do đồng chí Vũ Tấn Ích làm thuyền trưởng chở 50 tấn vũ khí vào bến Ba Làng An xuất phát ngày 6/7, đến ngày 14/7/1967 khi tàu vào gần bến thì bị địch phát hiện và nổ súng. Tàu vừa chiến đấu vừa tăng tốc lao vào bờ. Sau khi đưa thủy thủ đoàn lên bờ, tàu điểm hỏa bộc phá phá tàu.
Để phục vụ cho trận quyết chiến chiến lược Mậu Thân 1968, ta chuẩn bị 4 tàu, xuất phát ở 4 địa điểm, đi theo 4 hướng và cập 4 bến khác nhau để phân tán sự theo dõi của địch, tàu nào không vào bến được thì nghi binh thu hút địch cho tàu khác vào.
Tàu 165 vào bến Vàm Lũng (Cà Mau), tàu 235 vào Hòn Hèo (Khánh Hòa), tàu 56 vào bến Lộ Giao (Bình Định) và tàu 43 vào bến Đức Phổ (Quảng Ngãi).
Bốn con tàu của ta ra đi chia lửa cùng chiến trường miền Nam trong cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968 thì 3 tàu gặp địch chiến đấu rồi phá hủy, chỉ có tàu 56 ngụy trang lừa địch lách tránh và trở về căn cứ.
Tình hình trên biển rất căng thẳng, chẳng những ở vùng biển Khu 5 mà trên toàn biển Đông.
Thực hiện phương án mới mở đường vào các bến ở miền Tây Nam Bộ, tháng 8/1969 ta tổ chức tàu 42 có sự tăng cường cán bộ của đoàn tiến hành chuyến trinh sát dọc theo các vùng biển quốc tế dài hơn 3.500 hải lý thành công, mở ra một con đường đầy triển vọng.
Đêm 17/10/1969, tàu 54 xuất phát chở 54 tấn vũ khí đi theo tuyến tàu 42 đã đi trước. Đêm 29/10, tàu 54 vào bến Cà Mau an toàn đến đêm 31/10/1969 tàu lại rời bến về lại miền Bắc.
Tiếp đến đêm 8/11/1969, tàu 54 do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy chở 50 tấn vũ khí vào bến Cà Mau. Tàu 42 do đồng chí Nguyễn Trường Sơn chỉ huy chở 53 tấn vũ khí vào Bạc Liêu. Sau gần 30 ngày vượt sóng gió lách tránh các tuyến tuần tiểu của địch, ngụy trang che dấu tung tích, nhưng đến đêm vào bến thì gặp tàu chiến địch nằm phục kích tại cửa sông. Không thể vào bờ giao hàng, buộc Sở chỉ huy phải ra lệnh quay về. Trên đường về, đằng sau là tàu khu trục Mỹ, trên trời máy bay địch “hộ tống” cho đến khi về đến đảo Hải Nam địch mới thôi theo dõi.
Hai chiếc tàu 42 và 54 liên tục phải quay trở lại miền Bắc cho thấy địch phong tỏa hết sức gắt gao trên phạm vi rất rộng. Vì vậy công tác vận chuyển của ta lại càng khó khăn hơn.
Tuy vậy, ngày 15/4/1970, tàu 41 được thay tên tàu mới là RSO5 chở 58 tấn vũ khí và đội công tác 9 người vào bến Hang Hố, Cà Mau đêm 8/5/1970 và ngày 24/5/1970 đã về đến miền Bắc an toàn.
Ngày 26/5/1970, tàu 56 do thuyền trưởng Dương Tấn Kịch chỉ huy chở 54 tấn vũ khí qua 6 ngày đêm luồn lách sự phong tỏa của địch đã đưa hàng vào Cà Mau và ngày 15/6/1970 đã về đến căn cứ miền Bắc.
Ngày 24/8/1970, tàu 156 do thuyền trưởng La Minh Tốt chỉ huy chở 58 tấn vũ khí vào được bến Bạc Liêu và về đến miền Bắc ngày 12/9/1970.
Đêm 20/9/1970, tàu 121 chở 31 tấn vũ khí vào Bến Tre đã hoàn thành nhiệm vụ và trở về an toàn ngày 10/10/1970.
Tiếp đến ngày 11/10/1970, tàu 54 do đồng chí Phùng Văn Đặng làm thuyền trưởng chở 56 tấn vũ khí vào bến Bạc Liêu và trở về miền Bắc an toàn.
Quý IV năm 1971, ta tổ chức đi liên tục 11 chuyến với các loại tàu đã cải dạng từ 50-100 tấn và 200 tấn nhưng cả 11 chuyến đều bị địch ngăn chặn từ xa nên đều phải quay lại.
Mặc cho địch ra sức đánh phá ngăn chặn, chúng ta vẫn kiên trì mọi cách để chiến thắng sự ngăn chặn của chúng. Từ tháng 1-4/1972, ta thực hiện 12 chuyến nhưng cũng chỉ có 1 chiếc là tàu V649 đến được đảo Sa Mit thuộc tỉnh Koo Koong (Campuchia) thả hàng xuống biển tiếp tế cho bộ đội tình nguyện của ta và lực lượng bạn ở khu vực này. Còn 11 chuyến khác thì 10 chuyến phải quay về và 1 chuyến tàu 645 bị địch truy đuổi lực lượng ta trên tàu phải tổ chức chiến đấu và phá hủy tàu.
Trước tình hình vận chuyển trực tiếp chi viện chiến trường của lực lượng vận tải chiến lược bằng đường biển gặp muôn vàn khó khăn do địch tăng cường phong tỏa ngăn chặn đánh phá ác liệt, trong khi đó nhu cầu chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam hết sức cấp thiết; Trung ương Cục đã chỉ đạo cho Quân khu 9 nghiên cứu phương thức vận tải mới bằng các tàu đánh cá hợp pháp từ miền Nam ra Bắc nhận vũ khí vận chuyển vào Nam Bộ. Đồng chí Phan Văn Nhờ (tức Tư Mau) được điều về làm đoàn trưởng.
Bài 3: Vận chuyển vũ khí bằng tàu gỗ 2 đáy
HỒ ĐẮC THẠNH
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Thuyền trưởng tàu Không số (ký hiệu 41) anh hùng