Thứ Sáu, 17/05/2024 11:12 SA
Phú Yên trong hai cuộc kháng chiến
Thứ Ba, 18/10/2016 16:00 CH

Ban chỉ huy tiền phương Phú Yên họp tại núi Hương (Hòa Mỹ) tháng 3/1975 - Ảnh: Tư liệu

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930, lá cờ đỏ búa liềm đã phất phới bay trên bầu trời Phú Yên với sự ra đời của Chi bộ Đảng đầu tiên ở huyện Đồng Xuân ngày 5/10/1930.

 

Ngày 17/7/1945, Tỉnh ủy lâm thời tổ chức Đại hội Việt Minh tỉnh ở thôn Phước Hậu (nay là phường 9, TP Tuy Hòa) để thống nhất kế hoạch chuẩn bị tổng khởi nghĩa.

 

Ngày 23/8/1945, với lực lượng đã chuẩn bị chu đáo, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh do đồng chí Trương Kiểm làm Trưởng ban đã tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ Sông Cầu.

 

Chính quyền cách mạng nhanh chóng xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc từ tỉnh đến cơ sở. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Phú Yên đã tổ chức tuần lễ đồng, tuần lễ vàng, tổ chức đồng thời 3 phong trào diệt đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Phú Yên là nơi dừng chân của các đoàn quân Nam tiến, là nơi đứng chân của Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam và Khu 6.

 

Thực dân Pháp dã tâm cướp nước ta một lần nữa, đưa quân viễn chinh chiếm Sài Gòn, mở rộng vùng chiếm đóng ở Nam Bộ, tung lực lượng đánh chiếm Nam Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung Bộ.

 

Các đoàn quân Nam tiến tấp nập dừng chân ở ga Tuy Hòa, nhiều đơn vị đứng chân ở Phú Yên lập phòng tuyến đèo Cả kiên cường ngăn chặn địch.

 

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn tỉnh Phú Yên được tổ chức thành 6 chiến khu, tiến hành tiêu thổ kháng chiến bi tráng, sẵn sàng quyết tử để giữ vững vùng tự do Phú Yên.

 

Ngày 13/1/1947, từ vùng tạm chiếm Khánh Hòa, thực dân Pháp tập trung hai trung đoàn chủ lực tinh nhuệ tấn công hai mũi ra phòng tuyến đèo Cả.

 

Quân dân Phú Yên và Trung đoàn 80 Quân khu 5 ngoan cường chặn địch ở đèo Cả, thế trận giằng co ác liệt. Từ ngày 16-27/1/1947, ta phát động chiến tranh nhân dân, thực hiện vườn không nhà trống, chặn địch ở Phú Lâm, phản kích đẩy lùi địch và tổ chức tấn công tiêu diệt địch ở cầu Bàn Nham buộc địch phải co cụm lại cố thủ ở cứ điểm núi Hiềm (Hòa Xuân).

 

Quân dân ta bao vây tiến công liên tục cứ điểm núi Hiềm, địch không trụ nổi buộc phải tháo chạy ngày 5/12/1950.

 

Quân dân Phú Yên giữ vững lũy thép đèo Cả, địa đầu của vùng tự do Liên khu 5.

 

Ở vị trí địa đầu, quân dân Phú Yên đập tan các cuộc xâm nhập của địch phá hoại vùng tự do, nỗ lực phát triển kinh tế, văn hóa xã hội… giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự xã hội phục vụ kháng chiến, kiến quốc.

 

Phú Yên là hậu phương vững chắc của chiến trường cực Nam Trung Bộ. Quân dân Phú Yên chi viện sức người, sức của to lớn cho chiến trường Tây Nguyên và Khánh Hòa.

 

Cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, quân dân Phú Yên góp phần xuất sắc đánh bại chiến dịch Át Lăng của thực dân Pháp hòng xóa bỏ vùng tự do Liên khu 5, chia lửa với chiến trường chính Điện Biên Phủ.

 

Trong lúc bộ đội chủ lực tập trung toàn lực tấn công địch ở Tây Nguyên, bộ đội địa phương Phú Yên với quân số tương đương 2 tiểu đoàn đã kết hợp với dân quân và phong trào toàn dân đánh giặc, tạo ra sức mạnh to lớn của chiến tranh nhân dân, cầm chân và tiêu hao lực lượng tinh nhuệ của địch, làm cho 22 tiểu đoàn địch bị sa lầy, thiệt hại nặng nề. Các chiến công ở Bầu Vườn (Xuân Sơn), Suối Cối, đèo Quán Cau, ga Gò Mầm, cầu Bàn Nham, Màng Màng, Tường Quang… mãi mãi vang vọng cùng năm tháng. Đánh bại chiến dịch Át Lăng, chia lửa với chiến trường chính Điện Biên Phủ là điểm son chói lọi của chiến tranh nhân dân trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

 

Thực hiện Hiệp định Geneva cuối tháng 8/1954, ta công khai giải tán chính quyền nhân dân. Vừa tiếp quản tỉnh Phú Yên, chính quyền và quân đội Sài Gòn được sự hà hơi tiếp sức của Mỹ xé bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, đã tiến hành cuộc khủng bố trắng trả thù đẫm máu những người kháng chiến cũ và quần chúng yêu nước. Trong những ngày đen tối nhất của cách mạng miền Nam, Tỉnh ủy Phú Yên bí mật được tổ chức phân công bám trụ hoạt động đã dày công gây dựng lại tổ chức Đảng và phong trào cách mạng.

 

Đoàn cán bộ tập kết đầu tiên được Đảng và Bác Hồ phân công trở về quê nhà đã tiếp sức với những đảng viên bám trụ kiên trung nỗ lực thực hiện Nghị quyết 15. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ tháng 9/1960 tại căn cứ Thồ Lồ thổi luồng sinh khí mới đến phong trào cách mạng toàn tỉnh. Thanh niên nô nức thoát ly ra vùng giải phóng, tạo thế và lực mới cho cách mạng Phú Yên. Thực hiện Nghị quyết 15, ta tiến công giải phóng toàn bộ miền Tây Phú Yên và tiến về đồng bằng tổ chức thành công cuộc đồng khởi Hòa Thịnh - cuộc đồng khởi đầu tiên của đồng bằng Khu 5, cách mạng trụ bám và đứng chân vững chắc ở đồng bằng. Một trong những dấu son chiến công chói lọi của Đảng bộ và quân dân Phú Yên là đã thực hiện thắng lợi sự chỉ đạo của Trung ương và Khu 5, dày công tổ chức ba lần giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đang bị địch quản thúc ở Phú Yên.

 

Hoảng hốt trước sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ vội vã thực hiện “Chiến tranh đặc biệt” mở đầu bằng “Chiến lược Staly Taylor” bình định miền Nam trong vòng 18 tháng.

 

Ta đã phá tan âm mưu địch, đẩy mạnh diệt ác phá kèm, phá tan các ấp chiến lược kiểu mẫu Núi Miếu, Phú Cần, Nam Bình… tạo khí thế cho quần chúng vùng lên đập tan ấp chiến lược, thoát khỏi trại quản thúc trá hình để tự do đi lại làm ăn sinh sống.

 

Quân dân Phú Yên đập tan chiến dịch Hải Yến của địch, giữ vững vùng giải phóng ở đồng bằng.

 

Cuối năm 1964 và đầu năm 1965, Đảng bộ và quân dân Phú Yên đã mở bến Vũng Rô tiếp nhận 4 chuyến tàu Không số từ hậu phương lớn chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam trên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển. “Sự kiện Vũng Rô” là một trong những chiến công mang tính huyền thoại trong bản hùng ca chống Mỹ, cứu nước.

 

Tỉnh Hải Dương kết nghĩa đã chi viện sức người sức của từ hậu phương lớn miền Bắc dành cho Phú Yên với tất cả nghĩa tình ruột thịt.

 

Trước nguy cơ sụp đổ của ngụy quân, ngụy quyền, đế quốc Mỹ tiến hành “Chiến tranh cục bộ”, trực tiếp đưa 60 vạn quân Mỹ và chư hầu vào xâm lược miền Nam Việt Nam, và tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc.

 

Trong hai mùa khô 1966-1967, giặc Mỹ, chư hầu và tay sai tiến hành chiến dịch 5 mũi tên và hàng loạt các trận càn quét lớn tiến công khốc liệt trong toàn tỉnh hòng đánh bật lực lượng ta khỏi đồng bằng. Tình hình chiến trường càng gay go, ác liệt. Mỹ ngụy cùng bọn lính đánh thuê Nam Triều Tiên gây ra hàng loạt vụ thảm sát man rợ… giết hại hàng ngàn đồng bào vô tội.

 

Quân dân Phú Yên với sự tiếp sức của Trung đoàn chủ lực Ngô Quyền Phân Khu Nam Quân khu 5, ngoan cường đánh địch khắp nơi, chặn đứng, bẻ gãy và đẩy lùi, giữ vững vùng giải phóng, lập được nhiều chiến công vang dội trong cuộc đối đầu trực tiếp với quân đội Mỹ như chiến thắng gò Thì Thùng, đèo Cù Mông…

 

Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân năm 1968, quân dân Phú Yên 3 lần tiến công vào TX Tuy Hòa và các huyện lỵ với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, góp phần đánh bại ý chí xâm lược của giặc Mỹ.

 

Sau sự kiện Mậu Thân, Mỹ tiến hành Học thuyết Nixon, triển khai “Việt Nam hóa chiến tranh”.

 

Đảng bộ và nhân dân Phú Yên kiên cường đập tan các kế hoạch bình định cấp tốc, bình định bổ sung, bình định nước rút của địch, phá tan âm mưu thủ đoạn “tam giác chiến” của địch.

 

Đế quốc Mỹ thảm bại trên chiến trường buộc phải ký Hiệp định Paris để “rút lui trong danh dự”.

 

Sau Hiệp định Paris, quân dân Phú Yên phá tan âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của địch, giữ vững vùng giải phóng. Trong cuộc tổng tấn công mùa xuân 1975, thực hiện yêu cầu chỉ đạo của Trung ương và Khu ủy 5, Tỉnh ủy Phú Yên đã thành lập Sở chỉ huy tiền phương và Sở chỉ huy cơ bản để chỉ đạo chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ủy Phú Yên chọn huyện Tuy Hòa là hướng trọng điểm của chiến dịch.

 

Ngày 10/3/1975, đại quân ta tiến công Buôn Ma Thuột. Bị điểm trúng trọng huyệt một đòn bất ngờ, choáng váng, ngụy quyền, ngụy quân rệu rã buộc phải rút chạy hoảng loạn khỏi Tây Nguyên hòng co cụm phòng thủ các tỉnh duyên hải. Toàn bộ quân địch ở Tây Nguyên tháo chạy theo đường 7. Được lệnh Quân khu 5, Sở chỉ huy tiền phương Phú Yên huy động toàn bộ lực lượng chốt chặn trên đường 7, Tiểu đoàn 96 bộ đội địa phương Phú Yên tiêu diệt địch ở Củng Sơn. Địch tháo chạy qua đường 5. Quân dân Phú Yên huy động các tiểu đoàn bộ đội địa phương và Huyện đội Tuy Hòa 1, dân quân du kích các xã tiến công địch ở đường 5, đập nát cứ điểm Cầu Cháy, tiêu diệt, bắt sống hàng vạn tên địch, thu toàn bộ vũ khí. Chiến thắng đường 7, đường 5 được xem là trận “Bạch Đằng giang trên cạn” hào hùng nhất của quân dân Phú Yên trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.

 

Trong thế thắng như chẻ tre, quân dân Phú Yên phối hợp với Sư đoàn chủ lực 320 tiến công giải phóng TX Tuy Hòa và toàn tỉnh Phú Yên. Cờ giải phóng kiêu hãnh tung bay trên núi Nhạn ngày 1/4/1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hào hùng gian khổ của quân dân toàn tỉnh.

 

Từ khi có Đảng, đến hai cuộc chiến tranh vệ quốc, quân dân Phú Yên đã nối tiếp truyền thống mở nước, dựng nước, giữ nước vẻ vang của dân tộc. Những chiến công hào hùng trên đất Phú Yên đều có cơ sở vững chắc từ sức dân và lòng dân vĩ đại, vào thế núi hình sông, khí thiêng sông núi của mạch chảy lịch sử hơn 400 năm khai phá, dựng xây và bảo vệ vùng đất mới Phú Yên trong tiến trình lịch sử của dân tộc.

 

CN PHAN ĐÌNH PHÙNG - ThS PHAN THANH BÌNH

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek