I. Núi Đá Bia - biểu tượng của Phú Yên, đã trở thành cương giới năm 1471 sau thắng lợi vang dội của vua Lê Thánh Tông ở Đồ Bàn, nhưng phải đến 130 năm sau (1611) danh xưng Phú Yên mới xuất hiện trên bản đồ Tổ quốc…
Tuổi trẻ Phú Yên chinh phục núi Đá Bia - Ảnh: PV |
Vùng đất từ đèo Cù Mông đến núi Đá Bia, nay là tỉnh Phú Yên, có bề dày lịch sử rất lâu đời. Nơi đây, con người thời tiền sử - sơ sử đã sinh sống liên tục, để lại nhiều dấu tích khảo cổ học từ thời đồ đá cũ, đồ đá mới đến thời kim khí và văn hóa Sa Huỳnh.
Thời Chămpa, vương quốc bao gồm các tiểu quốc (mandala) có ranh giới khá rõ ràng, tương thích với sự phân cách của địa hình, núi non, sông nước. Tương ứng với vùng đất từ Cù Mông tới núi Đá Bia là tiểu quốc Lăng-gia-bạt-đa (chữ Phạn là Lingaparvata), sử cũ Trung Hoa ghi là Mun Đuk (Môn Độc Quốc). Tiểu quốc này có đủ 5 biểu trưng thần quyền - vương quyền của mô hình Chămpa. Dễ dàng nhận ra địa thế của vùng đất và sự hiện hữu của con sông dài (Đà Rằng) có vai trò khá quan trọng trong lịch sử phát triển của quốc gia Chămpa cổ đại.
Năm 1471, với thắng lợi vang dội ở Trà Bàn, Lê Thánh Tông đã làm sụp đổ và chấm dứt vĩnh viễn ý đồ bành trướng, xâm chiếm và cướp phá lãnh thổ Đại Việt từ phía nam. Chiến thắng lịch sử này không những khôi phục được 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa mà còn mở rộng bờ cõi Đại Việt đến miền Vijaya được vua Lê Thánh Tông cải đặt tên là phủ Hoài Nhân. Từ đây, núi Đá Bia (Thạch Bi) trở thành cương giới phía bắc nước Chămpa.
Khi công nhận cho Bồ Trì Trì làm Chiêm Thành vương cai quản từ núi Đá Bia trở vào, vua Lê Thánh Tông cũng phong vương cho nước “Nam Bàn” ở miền thượng nguyên phía tây và “Hoa Anh” trên vùng đất từ Cù Mông đến núi Đá Bia.
Từ đó đến hơn 100 năm sau, vùng đất Phú Yên giữ một vai trò độc đáo: là đất ky my (ràng buộc lỏng lẻo) của Đại Việt, làm vùng đệm giữa Đại Việt với Chămpa. Tình hình đất nước và khu vực hồi thế kỷ XV cho thấy quyết định chưa đặt ngay thành đơn vị hành chánh trên vùng đất này của Lê Thánh Tông là trong thế thắng và trên thế mạnh, để đến đầu thế kỷ XVII, phủ Phú Yên ra đời là kết quả tất yếu của diễn trình lịch sử và người có công khai sinh là Chúa Tiên - Nguyễn Hoàng.
Nguyễn Hoàng (sinh năm 1525) vào trấn thủ Thuận Hóa (năm 1558) rồi kiêm trấn thủ Quảng Nam (năm 1570). Ông là “người có uy danh, nhiều mưu lược”, có “đường lối cai trị mềm dẻo, khéo léo” nên nhanh chóng biến miền biên viễn còn rất hoang sơ thành vùng kinh tế phát triển. Nguyễn Hoàng là người khai đầu tiến trình mở đất về phía nam thời các chúa Nguyễn. Năng lực lãnh đạo giỏi và khả năng tổ chức cao của ông làm cho phủ Phú Yên ra đời được vững chắc do có quá trình chuẩn bị hợp lý, kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, chúa Nguyễn còn được sự giúp đỡ tận lực, tận tâm của những quan chức giỏi giang dưới quyền như Lương Văn Chánh.
Năm Mậu Dần (1578), theo lệnh của Nguyễn Hoàng, Đô Chỉ huy sứ Lương Văn Chánh tiến quân vào tới sông Đà Diễn, đánh lấy được Thành Hồ, đuổi quân Chiêm Thành ra lấn cướp, bình định cả vùng Hoa Anh. Ngay sau đó, ông “chiêu tập dân lập làng”, “mộ dân khai hoang, chia lập thôn ấp”, bắt đầu công cuộc di dân vào phía nam Cù Mông.
Năm Đinh Dậu (1597), thực hiện nhiệm vụ của Tổng trấn tướng quân Nguyễn Hoàng giao phó, Lương Văn Chánh tổ chức cuộc đại di dân đưa hàng ngàn người vào các vùng Cù Mông, Bà Đài, Đà Diễn, Đà Nông để “khai canh hoang nhàn điển thổ, kết lập gia cư địa phận”. Quận công Lương Văn Chánh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trở thành danh nhân lịch sử hàng đầu thời mở đất Phú Yên.
Đại Nam thực lục (tiền biên) thể hiện rõ: Năm 1578, chúa Nguyễn Hoàng cử Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh đưa lưu dân (những người nghèo không sản nghiệp) vào vùng đất từ nam đèo Cù Mông đến đèo Cả khai hoang lập ấp, chính thức mở đầu sự nghiệp khai phá xứ Đàng Trong trong công cuộc Nam tiến vĩ đại của dân tộc.
Sau 33 năm xây dựng vùng đất mới, làng mạc hình thành, chúa Nguyễn Hoàng chính thức thành lập phủ Phú Yên năm 1611 (trực thuộc Thừa tuyên Quảng Nam - đơn vị hành chính cấp tỉnh thứ 13 của Đại Việt). Năm 1613, chúa Nguyễn Hoàng trăn trối lại cho người con thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi) dựa vào vùng đất mới từ Hoành Sơn (đèo Ngang) đến Thạch Bi Sơn (núi Đá Bia) để xây dựng cơ nghiệp muôn đời, tiếp tục mở rộng cương vực vào phía nam.
Do được chuẩn bị tốt, phủ Phú Yên ra đời gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa với mấy ngàn cư dân sinh sống yên ổn trong ngót một trăm thôn xã. Mỗi huyện chia thành các tổng (thượng, trung, hạ) và có đến 38 thuộc ở gần núi rừng, dọc sông biển. Đó là một cơ cấu xã hội hoàn chỉnh và tổ chức sát hợp ở một đơn vị hành chính mới thành lập.
Cư dân phủ Phú Yên lúc ra đời là một cộng đồng đa tộc. Người Việt ở Phú Yên có nguồn gốc từ nhiều nơi khác nhau ở phía bắc vào. Trong quá trình khai hoang, mở đất, dựng làng, họ gắn bó với nhau, bảo vệ và tương trợ lẫn nhau, chung sức và đồng lòng cùng xây dựng quê hương mới. Cư dân bản địa có người Chăm, người Ê Đê. Thế kỷ XVIII có thêm người Ba Na xuống và người Hoa vào. Sống cận cư và cộng cư với nhau, người Việt cùng các dân tộc sớm hòa hiếu và hợp tác với nhau. Sử sách và nhất là văn học dân gian không hề nói đến một cuộc đàn áp hay xung đột đẫm máu nào giữa các dân tộc trên vùng đất Phú Yên. Cuộc sống hòa mục và truyền thống đoàn kết các dân tộc ở Phú Yên sớm được hình thành và thật đáng quý.
II. Vị trí Phú Yên với tư cách trấn biên trong sự nghiệp Nam tiến, Tây tiến vĩ đại của dân tộc
Phủ Phú Yên do thế đất và nhờ sức người nên mới thành lập đã đảm đương trọng trách lịch sử vẻ vang trong thế kỷ XVII và XVIII.
Năm 1620, Quốc vương Chân Lạp Prea Chey Chettra cầu thân với chúa Sãi, xin cưới công chúa Ngọc Vạn lập làm hoàng hậu. Chúa Sãi ưng thuận. Sau đó, chúa Sãi còn gả công chúa Ngọc Khoa cho Chiêm Thành vương (Bình Thuận ngày nay) để tiện mượn đường đi lại.
Hai nàng công chúa lá ngọc cành vàng Ngọc Vạn, Ngọc Khoa đưa nhiều người Việt về quê chồng. Ngọc Vạn lập xưởng thợ, mở tiệm buôn ở kinh đô Oudong. Chúa Nguyễn cử quân lính, thuyền chiến giúp người rể quý (vua Chân Lạp) chống lại các cuộc xâm lấn của vua Xiêm. Để trả ơn, vua Chân Lạp cho chúa Sãi mượn đất Sài Côn (Sài Gòn) xây dựng cảng thị và cho lưu dân người Việt vào lập nghiệp ở Mô Xoài (nay là Bà Rịa). Chúa Sãi cấp ngưu, canh, điền, khí cho lưu dân, khuyến khích họ khai khẩn làm ăn ở vùng đất mới, năm 1623 lập hai đồn thu thuế ở Sài Côn, cử tướng lĩnh đến lập đồn bảo vệ lưu dân.
Năm 1629, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên ly khai với Đàng Ngoài, xây dựng xứ Đàng Trong từ Sông Gianh vào đến Phú Yên được thành lập 7 dinh (đơn vị hành chính cấp tỉnh). Phủ Phú Yên được nâng cấp thành dinh Trấn Biên - có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp Nam tiến của dân tộc.
Mặc nhiên, các xứ Mô Xoài và Sài Côn trở thành khu vực biên cảnh do dinh Trấn Biên (Phú Yên) phụ trách.
Năm 1653, Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần cử Hùng Lộc Hầu từ Phú Yên vượt đèo Hổ Dương (đèo Cả) lập phủ Thái Khang (Khánh Hòa ngày nay) và sau đó một thời gian lập phủ Thuận Thành (Ninh Thuận - Bình Thuận ngày nay).
Đại Nam thực lục thể hiện rõ, trong thời gian 69 năm tồn tại từ 1629-1698 (thời điểm thành lập phủ Gia Định với hai huyện Phước Long và Tân Bình có cương vực rất rộng, tương ứng với ngày nay gồm các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh và Long An), dinh Trấn Biên (Phú Yên) tiến hành hai chiến dịch quan trọng và ôn hòa vào phần đất phía nam để khẳng định cuộc Nam tiến.
Chiến dịch lần thứ nhất, Đại Nam thực lục ghi: “Tháng sáu năm Mậu Tuất (1658), vua nước Chân Lạp Nặc Ông Chân xâm lấn biên thùy. Dinh Trấn Biên (Phú Yên) báo lên. Chúa Hiền sai Phó tướng dinh Trấn Biên Tôn Thất Yến cùng cai đội Xuân Thắng, tham mưu Minh Lộc đem 3.000 quân đến Mỗi Xuy - tên Việt là Hưng Phước (nay thuộc huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh phá được, bắt Nặc Ông Chân đưa về. Chúa tha tội và đưa người hộ tống về nước, hàng năm nộp cống”.
Phó tướng Tôn Thất Yến hành quân vào Mỗi Xuy là thi hành nhiệm vụ an ninh trật tự trên phần lãnh thổ nội thuộc, dẫu chưa chính thức đặt thành phủ huyện.
Chiến dịch lần thứ hai, năm Mậu Thân 1668, hai tướng cũ nhà Minh là Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch thần phục chúa Nguyễn được chúa cử vào khai khẩn vùng biên cảnh. Tháng Giêng năm Kỷ Mùi (1679), hai tướng nhà Minh bị phó tướng Hoàng Tiến mưu phản. Chúa Ngãi Nguyễn Phúc Trăn cử Mai Vạn Long (tướng dinh Trấn Biên Phú Yên) làm thống binh vào dẹp tan và đóng quân ở đó.
Tháng 2 năm Mậu Dần (1698) chúa Minh Nguyễn Phúc Chu cử Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược, lập phủ Gia Định.
Trong 69 năm đóng vai trò trấn biên (1629-1698), dinh Trấn Biên Phú Yên đã đóng góp sức người, sức của bảo vệ và xây dựng vùng biên cảnh Mỗi Xuy và cả Đồng Nai - Gia Định, đưa nhiều lưu dân vào khai phá vùng đất mới, hình thành làng mạc, góp phần xuất sắc vào sự nghiệp Nam tiến vĩ đại của dân tộc.
Tiêu biểu nhất trong những lưu dân ấy còn lưu dấu ấn trong sử sách là bà Nguyễn Thị Rịa - người có công lao to lớn trong xây dựng vùng đất Mỗi Xuy là người đức độ có uy tín khắp cả vùng. Hiện nay, mộ và miếu thờ bà Nguyễn Thị Rịa ở xã Tam An, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phần bia mộ còn khắc dòng chữ “Nguyễn Thị Rịa tiên nương”. Năm 1902, Trường Viễn đông bác cổ Đông Dương xây lại mộ bà Rịa, năm 1936, chính quyền sở tại cho sửa sang lại để ghi nhớ công lao của bà.
Trong thế kỷ XVII-XVIII, phủ Phú Yên còn đảm lãnh vai trò thống quản vùng đất rộng lớn ở thượng nguyên phía tây. Với chính sách “nhu viễn”, các chúa Nguyễn công nhận các tù trưởng Hỏa xá, Thủy xá tự trị như một tiểu quốc trong lòng lãnh thổ nước ta. Đó là chính sách tiến bộ, mềm dẻo và khôn ngoan. Chúa cử sứ thần từ Phú Yên đến thăm hỏi, tặng quà cho vua Lửa, vua Nước. Các phái đoàn của hai tù trưởng cũng được đón tiếp ở Phú Yên rồi đưa ra Huế để thần phục cống nộp. Quan hệ đó êm thắm và ngày càng chặt chẽ cho đến khi xác lập được các đơn vị hành chánh mới trên cao nguyên phía tây (Tây Nguyên) của nước ta.
Từ giữa nửa sau thế kỷ XVIII, phủ Phú Yên giữ vị trí xung yếu và nhân dân Phú Yên có đóng góp rất xứng đáng trong phong trào Tây Sơn lịch sử.
PGS NGUYỄN QUỐC LỘC - ThS PHAN THANH BÌNH