Thứ Sáu, 20/09/2024 08:28 SA
Xí nghiệp In Phú Yên những ngày đầu xây dựng
Thứ Hai, 10/10/2016 10:07 SA

Lãnh đạo Công ty CP In - Thương mại Phú Yên hiện vẫn trân trọng, lưu giữ món quà tình nghĩa năm xưa là cơ sở in offset của người con Phú Yên gửi tặng quê hương, coi đây là những hiện vật quý để giáo dục truyền thống cho lớp thợ trẻ hôm nay về chặng đường xây dựng và phát triển của ngành In Phú Yên.

 

Món quà của người con xa xứ

 

Nhà báo Hà Bình

Sau ngày đất nước được giải phóng 30/4/1975, hai tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa được sáp nhập thành tỉnh Phú Khánh. Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều bà con quê gốc ở Phú Yên đã có nhiều hoạt động thiết thực, mong muốn được góp phần xây dựng quê hương. Trong số này phải kể đến gia đình ông Lê Huỳnh, quê ở Phong Niên (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) là chủ một xí nghiệp in có tầm cỡ ở quận Phú Nhuận.

 

Đầu năm 1977, trong chuyến công tác vào TP Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Suyền, lúc bấy giờ là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Khánh, được ông Mười Xuân, người đồng hương ở Hòa Thắng, là cán bộ phụ trách quản lý ngành In TP Hồ Chí Minh, cho biết: Ông Lê Huỳnh có nhã ý hiến tặng quê hương toàn bộ cơ sở in offset của mình. Được Tỉnh ủy nhất trí, giao cho Báo Phú Khánh tổ chức tiếp nhận món quà đầy tình nghĩa này của gia đình ông Lê Huỳnh. Hồi ấy, chúng tôi đang công tác ở Báo Phú Khánh, nghe tin này ai cũng vui mừng, phấn khởi. Bởi lúc đó cả TP Nha Trang không có một cơ sở in offset nào, công việc in báo còn rất thủ công bằng máy in typo đạp chân. Có được dàn máy in offset của ông Lê Huỳnh trao tặng, việc in báo sẽ hiện đại hơn, nhanh hơn.

 

Chính vì lẽ đó, Ban Biên tập đã dồn sức cho công việc xây dựng nhà in, tiếp nhận, vận chuyển máy móc, đồng thời khẩn trương đưa người đi học kỹ thuật in offset. Song, trong một chuyến công tác vào TP Hồ Chí Minh để tiếp nhận cơ sở in của ông Lê Huỳnh, một tổn thất lớn đã ập đến với Báo Phú Khánh, đồng chí Nguyễn Hồng, Phó Tổng biên tập đã hy sinh sau một tai nạn giao thông ở Hàm Tân, Bình Thuận. Sau đó, mọi công việc được giao cho đồng chí Nguyễn Ngọc, Phó Tổng biên tập và tôi tiếp tục thực hiện cho đến khi hoàn thành việc tiếp nhận toàn bộ món quà tình nghĩa của gia đình ông Lê Huỳnh đưa về lắp đặt tại Xí nghiệp in Báo Phú Khánh tại TP Nha Trang…

 

Những ngày đầu trở về với quê hương

 

Cho đến cuối tháng 6/1989, thực hiện việc chia tỉnh Phú Khánh, xí nghiệp in này được giao cho Báo Phú Yên quản lý, điều hành. Một lần nữa, món quà tình nghĩa của ông Lê Huỳnh lại được di chuyển từ Nha Trang để trở về với mảnh đất quê hương Phú Yên. Tôi được Tỉnh ủy giao hai nhiệm vụ cực kỳ quan trọng vừa là Phó Tổng biên tập báo, lại kiêm Giám đốc Xí nghiệp In Báo Phú Yên. Thay mặt thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Huỳnh Trúc, Phó Bí thư trực tiếp gặp gỡ tôi và anh Tô Phương, Tổng biên tập, để giao nhiệm vụ: Đến đầu tháng 8/1989, tức là trong vòng một tháng, Báo Phú Yên phải hoàn thành việc di dời toàn bộ thiết bị máy móc và các phương tiện kỹ thuật của xí nghiệp in từ Nha Trang ra lắp đặt tại Tuy Hòa, đồng thời phải in số báo Phú Yên đầu tiên ngay tại Tuy Hòa.

 

Nhiệm vụ trên giao chỉ vỏn vẹn có vài chục chữ, nhưng đối với tập thể Báo Phú Yên nói chung và với tôi nói riêng lại cực kỳ khó khăn. Hầu như 100% trong tổng số 8 cán bộ, phóng viên của tòa soạn lúc bấy giờ, không có một ai am hiểu về chuyên môn nghề in. Rồi hàng loạt những trở ngại về nhà cửa nơi đặt dàn máy ở TX Tuy Hòa, đội ngũ cán bộ quản lý, nguồn lao động cho các bộ phận, công nhân kỹ thuật, họa sĩ trình bày... đều mới toanh.

 

Thú thật, hồi ấy việc nhận người vào làm việc ở xí nghiệp in quá dễ dàng, chẳng cần qua thi tuyển như bây giờ. Hễ ai giới thiệu được người nào có chuyên môn như kế toán, thủ quỹ, họa sĩ, công nhân sắp chữ… là tôi nhận họ liền. Thế là chỉ trong vòng hơn chục ngày, khâu nhân sự cho các bộ phận tạm ổn. Rất vui là có vài công nhân kỹ thuật như các anh: Hà, Điệp, Quang, Cửu có tay nghề khá, họ đã gắn bó với Xí nghiệp In Báo Phú Khánh suốt từ ngày đầu thành lập đến ngày chia tỉnh, nhưng vì không thể chuyển ra sinh sống ở Phú Yên được, nên họ đã đồng ý ký hợp đồng làm “chuyên gia” về kỹ thuật trong việc tháo gỡ, lắp đặt các phương tiện máy móc, đào tạo thợ sắp chữ, monta, chế bản... cho lớp công nhân mới ở Xí nghiệp In Báo Phú Yên.

 

Tờ báo Phú Yên đầu tiên in ở Xí nghiệp In tổng hợp Phú Yên (7/1989) - Ảnh: ĐỨC THẾ

 

Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng Xí nghiệp In Báo Phú Yên, tôi thường xuyên tâm sự với anh chị em công nhân rằng: Toàn bộ phương tiện máy móc của xí nghiệp, nguyên là món quà rất quý của một người con Phú Yên đang xa xứ. Nhiệm vụ của chúng ta là phải giữ gìn, chăm sóc cho những kỷ vật đó luôn sống mãi với quê hương! Thấu hiểu được trách nhiệm cao quý ấy, tất cả anh chị em công nhân dù cũ hay mới cũng đều lao động hết mình, tích cực học tập, tiếp thu nhanh những kỹ thuật của nghề in. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng sau khi chia tỉnh, mọi công việc từ tháo gỡ các phương tiện máy móc ở Nha Trang để vận chuyển ra Tuy Hòa lắp đặt ở cơ sở mới, đến đào tạo thợ, thành lập các bộ phận chuyên môn, kỹ thuật… được tiến hành khá đồng bộ. Tôi còn nhớ mãi buổi sáng một ngày cuối tháng 7/1989, khi nhận được cuộc điện thoại của vị khách hàng đầu tiên gọi đến (khi đó xí nghiệp in của chúng tôi chưa chính thức khánh thành):

 

- Alô! Cho tui gặp giám đốc xí nghiệp in!

 

- Vâng! Tôi đây! Xin lỗi anh có việc gì không ạ?

 

- Thế thì tốt rồi! Tôi là Cao Hữu Nhạc, Trưởng Đoàn cải lương Hòa Bình. Xin hỏi: xí nghiệp mình có nhận in tờ quảng cáo?

 

Sau vài giây lưỡng lự trước câu hỏi bất ngờ của vị khách đặc biệt này, tôi mạnh dạn đáp lại: Có chứ! Chiều nay, mời anh đến xí nghiệp nhé!

 

Trả lời khách hàng mạnh bạo như vậy, nhưng trong lòng tôi thật sự rất lo. Bởi lẽ, xí nghiệp đang trong thời kỳ vận hành thử, liệu có đáp ứng được hay không?

 

Đúng hẹn, anh Cao Hữu Nhạc đem đến chỗ chúng tôi một maket tờ rơi quảng cáo chương trình biểu diễn của đoàn để đặt in với số lượng lớn. Một cuộc hội ý chớp nhoáng được triệu tập giữa giám đốc với các trưởng bộ môn để xem xét lại khả năng của xí nghiệp. Thấy ai cũng hào hứng, tự tin về năng lực chuyên môn, thế là bản hợp đồng kinh tế đầu tiên giữa xí nghiệp với vị khách hàng đáng nhớ này được ký kết! Và chỉ trong vòng 5 ngày sau đó, sản phẩm in bốn màu trên dàn máy offset đã hoàn thành, đạt chất lượng và được bàn giao cho Đoàn cải lương Hòa Bình theo đúng cam kết.

 

Bước thử thách đầu tiên đã vượt qua một cách trôi chảy, tạo nên những cảm hứng rất sôi động trong toàn bộ xí nghiệp. Khắp các bộ phận từ tổ sắp chữ, tổ chế bản, tổ máy in offset đến bộ phận văn phòng…, ai ai cũng hưng phấn trong lao động, tập trung mọi nỗ lực để đúng vào buổi sáng 1/8/1989, trước đông đảo các vị quan khách đại diện Tỉnh ủy, UBND và các ban, ngành trong tỉnh…, xí nghiệp trịnh trọng báo cáo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ in số báo Phú Yên đầu tiên ngay tại xí nghiệp này!

 

Luôn trân trọng lưu giữ món quà

 

27 năm trôi qua kể từ ngày rời đất Nha Trang để trở về định vị trên quê hương Phú Yên, dàn máy in offset, món quà quý của ông Lê Huỳnh, người con xa xứ ở TP Hồ Chí Minh gửi về hiến tặng cho quê nhà, đã trải qua những năm tháng vận hành không ngừng nghỉ dưới sự quản lý, điều hành của nhiều đơn vị chủ quản như: Báo Phú Yên, rồi Văn phòng Tỉnh ủy, đến Sở Văn hóa - Thông tin. Và bây giờ là một doanh nghiệp có tầm cỡ mang tên Công ty CP In - Thương mại Phú Yên, thuộc hệ thống hoạt động của ngành Thông tin - Truyền thông. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ ngành In cũng vận động không ngừng để theo kịp thời đại. Những cỗ máy in offset đặt tay, những thanh chữ chì, những công đoạn chế bản thủ công cùng thời đầu tái lập tỉnh đã đến thời “nghỉ hưu”, để nhường chỗ cho những cỗ máy, công nghệ in hiện đại hơn. Vẫn biết rằng tre già thì măng mọc, nhưng lãnh đạo Công ty CP In - Thương mại Phú Yên vẫn luôn trân trọng và lưu giữ món quà tình nghĩa năm xưa của người con Phú Yên gửi tặng quê hương, coi đây là những hiện vật quý để giáo dục truyền thống cho lớp thợ trẻ hôm nay về chặng đường xây dựng và phát triển của ngành In Phú Yên.

 

HÀ BÌNH

Nguyên Phó Tổng biên tập Báo Phú Yên

kiêm Giám đốc Xí nghiệp In tổng hợp Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Phú Hòa trong năm 1969
Thứ Sáu, 07/10/2016 10:17 SA
Dưới chân Chóp Chài
Thứ Ba, 27/09/2016 08:44 SA
Đánh địch quanh núi Chóp Chài
Thứ Sáu, 09/09/2016 09:59 SA
Công tác dân vận trong mùa khô năm 1966
Thứ Sáu, 26/08/2016 09:04 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek